Vài ghi chép dọc lộ trình thực tập Môi trường Đại cương năm 2019

Thực tập MTĐC năm nay có 156 sinh viên ngành Khoa học môi trường khóa 17 (KMT_17) trong đó có 18 sinh viên trường Đại học Bến Tre, có 6 thày và bốn cô tham gia lần này. 5: 15 ngày 15/07 bốn xe khởi hành từ 227, Nguyễn Văn Cừ; 7:30 tới điểm khảo sát đầu tiên. Dưới đây là vài ghi chép dọc lộ trình thực tập năm nay.

Tượng đài chiến thắng La Ngà

Tại đây hướng dẫn sinh viên trình tự thao tác khảo sát tại một điểm ngoài trời: định điểm trên bản đồ, xác định độ cao tuyệt đối, độ cao tương đối, đo phương vị, mô tả các hợp phần cảnh quan, lấy mẫu đá, đất và sinh vật và điều tra môi trường khu vực.

Tháng 5 năm nay hàng ngàn tấn cá lồng bè của nhiều hộ dân lại chết chỉ trong một đêm. Tháng 5 năm ngoái gần hai ngàn tấn cá chết. Nguyên nhân cá chết vẫn chưa được định rõ?. Hôm nay 16/7 nhưng mực nước sông vẫn còn thấp, các nhà bè vẫn đậu dọc theo lòng sông cũ.

Thày Nghị giảng về tài nguyên và môi trường nước sông La Ngà
Cảnh quan thung lũng sông La Ngà nhìn từ tượng đài.
Các nhà bè nằm dọc theo lòng sông cũ. Tháng năm 2018, 2019 hàng ngàn tấn cá bị chết.

Năm tới chắc không vào mỏ bauxite nữa

13:00 tới mỏ. Khu mỏ đã đổi thay nhiều: con đường vào mỏ nay đã trải nhựa; nhà rửa tuyển quặng đã được tháo dỡ, nay là bãi đất trống, có vài người đang đo đạc ?; mặt cắt vỏ phong hóa để chỉ cho sinh viên nay không còn, đành chọn một vách đồi còn sót lại để giảng bài; bãi đất trồng cây phục hồi sau khai thác nay trở thành bãi chôn rác ?; lòng suối chứa bùn rửa quặng nay là hồ nước trong.

Chọn một vách đồi còn sót lại để giảng về mặt cắt vỏ phong hóa bauxite
Cây keo còn sót lại trên phần đất cải tạo mỏ sau khai thác trước đây.

Điểm cầu Đại Ninh dần thu hẹp

15:00 tới cầu Đại Ninh. Năm nay giảng dưới chân cầu, vừa an toàn, vừa quan sát được lòng sông Đa Queyn trên và dưới cầu. Bãi bồi thấp, bãi bồi cao, thềm 1 và thềm 2 vẫn còn không gian để quan sát và khảo sát, nhưng tiếp cận thềm 3, 4 và 5 thực sự khó khăn. Thềm 3, nơi có mặt cắt đẹp bị che khuất bởi các nhà ven đường. Thềm 4 và 5 nay đã bị rào bằng lưới B 40.

Giảng bài dưới chân cầu Đại Ninh
Mặt cắt cấu trúc thềm 3 sông Đa Queyn rất đẹp nay chỉ có thể quan sát từ xa
Và điểm lộ thềm sông bậc 5 cũng đã có rào chắn.

Đỉnh Radar (đỉnh Langbiang 1900 m)

7:30/16 đoàn xe tới điểm du lịch Langbiang. Đà Lạt năm nay tăng đột biến du khách, bác tài nói cuối tuần xe xếp dài hàng km để giao lưu cồng chiêng. Đỉnh Radar năm nay có nhiều điểm mới: nhà hàng được sơn sửa, có bảng chỉ dẫn vị trí thăm quan, bảng giá dịch vụ rõ ràng, nơi đậu xe được mở rộng, nhà vệ sinh được nâng cấp.

Đến khu bán hàng thổ cẩm chuyện trò với chị Rông Trúc, chị cho biết có 13 hộ đồng bào được xếp chỗ bán hàng tại đây. Từ khi làm và bán hàng thổ cẩm, cuộc sống gia đình đã tốt hơn so với trước đây chủ yếu bám vào rừng. Sạp thổ cẩm của chị khá nhiều loại: khủng long, voi, ngựa; khăn túi, ví…Chọn con voi to nhất giá 100.000 đ mở hàng cho chị. Chị Rôn Trúc cảm ơn vì mở hàng may mắn.

Sạp thổ cẩm của chị Rông Trúc
Chọn mua voi cho cháu nội
Sau khi mua con voi mở hàng.

Đà Lạt trắng

Nhà kính Đà Lạt cũng tăng đột biến. Nhà kính ken đầy thung lũng, nhà kính leo lên sườn và đỉnh đồi, nhà kính lấn sát bờ hồ Đankia. Từ đỉnh Radar nhìn xuống Đà Lạt, thấy sự lấn át của màu trắng, màu trắng dọc thung lũng, màu trắng loang đến tận đầu nguồn Đankia.

Mầu trắng lấn át trên sơn nguyên Đà Lạt
Nhà kính tạo nên “Thung lũng trắng”
Nhà kính loang đến tận thượng nguồn Đankia

Đà Lạt nham nhở

Một sơn nguyên với rừng thông xanh trên những quả đồi nhấp nhô vốn dĩ được bao phủ bởi thảm cỏ vừa tạo cảnh quan vừa chống xòn mòn. Vậy mà giờ đây sơn nguyên Đà Lạt trở nên nham nhở. Đường giao thông lớn, nhỏ cắt thẳng vào sườn đồi để lộ những vách đất đỏ như máu. Ruộng bậc thang chẳng giống đâu, mạnh ai nấy làm, to nhỏ, cao thấp không rào thực vật, không phủ cỏ vách thềm, làm gia tăng xói mòn và ô nhiễm trầm tích.

Đường giao thông cắt vào sườn tạo vách dốc đứng, lộ đá và đất phong hóa
Đường giao thông cắt vào sườn đồi tạo vách dốc đứng, lộ đá và đất phong hóa
Một trung tâm du lịch nổi tiếng nhưng những người quản lí, người làm vườn thiếu kiến thức canh tác trên đất dốc.

Điểm nuôi cá nước lạnh

8:30/18 đến điểm nuôi cá tại xã Đạ Chais thuộc Trung tâm Nghiên cứu Cá nước lạnh Tây Nguyên. Có vẻ như điểm này đang thu hẹp dần. Hệ thống ao khu trong chỉ còn vài ô hoạt động, nghe công nhân nói do nguồn nước cấp suy giảm. Vạt rừng bằng lăng cao vút ngày nào nay một vài cây đã bị đổ gục.

Diện tích nuôi cá bị thu hẹp do nguồn nước cấp giảm dần

Đèo Khánh Lê

Năm nay có những đoạn đường mở rộng, xe dừng lại tại cây số 64 cách QL 1A để sinh viên thưởng ngoạn và chụp ảnh kỉ niệm. Đèo Khánh Lê thật tuyệt, con đường trải nhựa xuyên qua sương, uốn lượn ven sườn dốc lúc bên phải, lúc bên trái.

Đoạn đèo Khánh Lê mở rộng, xe dừng để sinh viên quan sát, chụp ảnh kỉ niệm.
Thung lũng chữ ‘V’ nhìn từ điểm dừng cách QL 1A 64 km.

Cơm trưa tại quán Chân đèo

Do trục trặc về thời gian ăn trưa nên ông chủ quán (nhà thơ Nguyễn Luật) phải trực tiếp đứng quầy, bà chủ quán trực tiếp đứng bếp. Nhưng bữa trưa thật ngon, có tới 5 móm: cá suối chiên dòn hơi đắng (món khoái khẩu của thày cô), thịt lợn (có lẽ thả rừng) kho trứng, gà (có lẽ thả vườn) kho xả ớt, trứng gà chiên, canh chua, canh mồng tơi cà pháo. Mọi người cảm nhận đây là bữa ăn ngon nhất kể từ hôm đi.

Đọc vội thơ, uống vội rượu, chụp ảnh vội chia tay chủ quán.
Giảng bài đúng 12 giờ trưa.

Bỏ Khách sạn Bình Minh

Năm ngoái đổi điểm thực tập mới từ Đầm Môn (Vân Phong, Nha Trang) về vườn QG Núi Chúa, thuê ăn, ở tại khách sạn Bình Minh (Ninh Hải, Ninh Thuận) thấy ổn. Năm nay làm việc với với quản lý (vẫn là chị năm ngoái), chốt ăn nghỉ từ tháng năm. Ấy vậy chỉ còn hai ngày trước khi đoàn đến, quản lý báo tăng giá ăn, nếu không phải ăn sáng nơi khác, ăn chiều nơi khác. Thế là phải thuê cơ sở khác nấu và chuyển đến và phải trả tiền gọi là thuê mặt bằng để bàn ăn.

18:00/18 xe đến để nhận chỗ nghỉ, lại xẩy ra chuyện ở, quản lí xếp bảy sinh viên vào một phòng bé tí chỉ có hai gường một, tám lái xe vào một phòng tí tẹo chỉ trải hai tấm nệm, tính 60.000/người. Sau một hồi cãi vã, cuối cùng thày cô và lái xe thuê phòng khách sạn bên cạnh để san bớt sinh viên.

Quảng cáo vậy nhưng không phải vậy.
Kê ghế ăn ngoài sân (phải trả tiền mặt bằng).

Vườn quốc gia Núi Chúa

8:00/19 tập trung tại Vĩnh Hy để đi tàu đáy kính xem san hô. San hô nghèo nàn, từng đám rải rác; thời gian tàu chạy ra vũng và ngắm san hô chỉ khoảng 30 phút (năm nay không lên bãi Cóc).  Về TT. Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường ghe giảng, thăm quan Hang Rái và thềm san hô cổ. Ngồi ghế đá ngắm nhìn đàn bò ăn rơm, ăn cỏ trên ruộng lúa thanh bình, nghe bác tài xế giải thích tại sao ‘trâu già thích gặm cỏ non’.

Rời quán Ngọc Nga nơi mà thày Thành, cô Liên (lơ xe của tài xế Lợi) mua được mỗi người một túi, một hộp rong biển giá 150.000 đ và 50.000 đ, đoàn chia làm hai thăm quan vườn nho (vì vườn quá bé). Tại vườn nho bà Hiền, mọi người hái nho,mua rượu nho, mật nho, táo sấy, rong biển…Thày Tự Thành công nhận ở đây bán rẻ, hai bánh dầy hơn giá 120.000 đ, hộp giá 40.000 đ.

14:00 cả đoàn chụp ảnh kỉ niệm và nghe giảng tại khối đá biểu tượng cho Vườn QG Núi Chúa, khối đá còn có tên khác “Đá thần quyền”. Anh Hoàng Công Thành và thày Ngân dẫn đoàn vào Công viên Đá, một nhóm ở lại đo vẽ “Đá thần quyền”.

Ruộng lúa thanh bình. Tai đây nghe giải thích ‘Bò già thích gặm cỏ nom’.
SV này toàn gọi thày là bác xưng cháu, vui thật.
Thày Thành mua thêm rong biển tại vườn chị Hiền để giảm giá thành.
Đo vẽ ‘Đá thần quyền’

Đến khách sạn Phong Lan

Bực mình với khách sạn Bình Minh, lái xe Lợi chở đoàn trưởng Tự Thành đến liên hệ với khách sạn Phong Lan. Mọi thứ đều OK, khuôn viên đẹp, chỗ để xe rộng; khách sạn có thể chứa tới 400 người, phòng rộng có hai giường lớn, mỗi gường 2 sinh viên, 80.000 đ/người, nhà ăn rộng, có hội trường để tổng kết và văn nghệ.

Khách sạn Phong Lan được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao danh hiệu ‘Đạo đức toàn cầu năm 2016‘. Hy vọng đoàn thực tập tiếp tục đến đây nghỉ.

Nhắc đến khách sạn Phong Lan, thày Nghị mới sực nhớ đây là khách sạn do thày Dương Văn Bướm nguyên là giảng viên trường đại học Thủy Lợi (ĐH2) làm chủ. Tại đây, thày Nghị “tài trợ” cho đoàn 1 dê, một cừu. Bữa cơm liên hoan chia tay, mỗi bàn có thêm đĩa thịt dê hấp, đĩa thịt cừu nướng do đầu bếp Ninh Bình chế biến rất ngon.

Rito

Theo lịch của đoàn thực tập, đúng 4:00 ngày 15/7 đã thấy Rito xuống xe taxi tại cổng trường, vui vẻ chào mọi người. Cũng như các sinh viên khác, Rito xắp xếp hành lý và lên xe ngồi cùng mẹ. Năm nay Rito được mẹ thưởng cho nửa chuyến lộ trình để trải nghiệm, xem công việc học tập của các anh chị sinh viên thế nào.

Ngày 15, lộ trình từ Tp. HCM tới Đà Lạt khá dài, dừng nhiều điểm để thực tập nhưng Rito tham dự và nghe giảng bài khá đầy đủ.

Ngày 16 leo núi Langbiang, mẹ nghĩ Rito không leo nổi nên gửi Rito theo xe lên trước. Cảnh đẹp đã lôi cuốn cậu bé 5 tuổi, Rito xin mẹ xuống núi bằng đôi chân nhỏ bé của mình. Mẹ đồng ý và nhờ bác Trường Ngân (là vua leo núi và chạy bộ) hướng dẫn và kèm Rito xuống núi. Vốn quí trẻ nhỏ, bác Ngân đồng ý, hai bác cháu có lộ trình xuống núi tuyệt vời, nhiều chỗ theo sườn đi tắt. Rito xuống bãi xe đúng giờ qui  định và an toàn.

Tối 17, theo như kế hoạch, nửa chuyến lộ trình đã kết thúc, Rito kéo vali chào tạm biệt mọi người để mẹ bàn giao sang ba trở về Sài Gòn. Lần đầu tiên Rito được đi đến nhiều nơi đẹp và thấy nhiều điều mới lạ nên chẳng muốn về nhà lúc này. Thế là Rito xin phép tiếp tục cho hết lộ trình và được ba mẹ đồng ý.

Tại bãi bồi Sơn Thái, Rito thích thú lội suối cùng các anh, chị sinh viên, hỏi ông vì sao quả đồi trượt xuống suối.

16:00 ngày 20 lộ trình kết thúc tại 227 Nguyễn Văn Cừ, Rito vui vẻ chia tay mọi người.

Về nhà Rito vẽ rừng thông. Có lẽ lộ trình lên và xuống Langbiang là ấn tượng nhất chuyến đi với Rito.

Rito xuống núi
Ông chỉ đá, đất cho Rito
Bài thu hoạch của Rito sau chuyến thực địa

H & H

 

 

 

Bình luận về bài viết này