Zan K. Rubin, George Mathias Kondolf & Paul A. Carling
Mê Công là con sông lớn thứ ba Châu Á và thứ 11 trên thế giới. Phần thượng lưu thuộc lãnh thổ Trung Quốc còn có tên gọi là sông Lan Thương (Lancang river). Hạ lưu sông Mê Công gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Với tiềm năng thuỷ điện to lớn, các hoạt động xây dựng đập trên lưu vực sông Mê Công đang được xúc tiến và mở rộng nhanh chóng. Chỉ tính riêng trên sông Lan Thương thuộc Trung Quốc, đã có đến 7 con đập đã hoặc đang được xây dựng trên dòng chính. Phần hạ lưu, 38 đập phụ lưu chắc chắn được xây dựng, cộng thêm 95 đập khác đang lên kế hoạch xây dựng trên cả phụ lưu và dòng chính (hình 1).
Tải lượng trầm tích lơ lửng trung bình của toàn sông Mê Công ước tính là 160 triệu tấn/năm, một nửa trong số này được tạo ra từ 20% thượng lưu thuộc sông Lan Thương, Trung Quốc. Khi 7 đập trên dòng Lan Thương hoàn tất, khoảng 83% lượng trầm tích của thượng lưu vực trên sẽ bị giữ lại. Gần một nửa tải lượng trầm tích tự nhiên của Mê Công sẽ bị bẫy lại tại các hồ chứa trên dòng Lan Thương. Do đó, khả năng các con đập sẽ làm thay đổi tải lượng trầm tích sông Mê Công và thay đổi đặc điểm hình thái dòng chảy và đồng bằng hạ lưu là một vấn đề rất cấp bách. Hiện có khoảng 20 triệu người sinh sống trên đồng bằng cùng với hoạt động kinh tế của họ sẽ gặp rủi ro do sụt lún, lũ lụt gia tăng và những biến động khác trên đồng bằng.
![]() |
Hình 1: Vị trí các đập trên lưu vực sông Mê Công (Zan Rubin và ctv, 2014) |
Các nhà khoa học gồm: Zan Rubin, George Mathias Kondolf, Paul Carling thuộc Đại Học California, Berkeley, Mỹ và Đại học Road, Southampton, Anh đã tiến hành đánh giá địa mạo dòng chảy Mê Công dựa trên các mô hình bẫy trầm tích (models of sediment trapping) trong các hồ chứa nhằm dự báo các biến động địa mạo trên lưu vực. Kết quả nghiên cứu được đăng tại “International Journal of River Basin Management” ngày 11/12/2014.