XIN ĐƯỢC HỎI VÀI CÂU, HỐ HÔ ƠI!

Hà Quang Hải

Hố Hô là nhà máy thủy điện nhỏ, rất nhỏ nhưng tác động tiêu cực tới môi trường, kinh tế và xã hội không nhỏ chút nào. Chỉ cần vào Google tìm kiếm theo từ khóa 1) Hố Hô; 2) Thủy điện Hố Hô; và 3) Thủy điện Hố Hô xả lũ sẽ cảm nhận được những tác động của thủy điện này đến mức nào.

Lũ và xả lũ của thủy điện Hố Hô trong tháng 10 vừa qua đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cả nước do những thiệt hại mà nó gây ra cho huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là lần thứ 4 người dân Hương Khê phải hứng chịu họa “lũ chồng lũ” kể từ khi thủy điện Hố Hô xây dựng cách nay 10 năm.

Thủy điện Hố Hô có chắc chắn những sự cố tương tự, thậm chí thảm họa không xảy ra trong tương lai?. Để trả lời câu hỏi này, trước hết xin được hỏi Hố Hô và các cơ quan chức năng vài câu dưới đây.

Câu 1: Địa hình sườn Đông Trường Sơn Bắc có thích hợp để phát triển thủy điện không?

Các dãy núi ở Trường Sơn Bắc có hướng kéo dài tây bắc – đông nam, bắt đầu từ bắc Xiêng Khoảng (Lào) và kết thúc bằng núi Bạch Mã. Đường phân thủy Trường Sơn Bắc trùng với biên giới Việt Lào, cao trung bình 1000 – 2000 m, đỉnh cao nhất là Phu Xai Lai Leng (2711 m), tiếp theo là Rào Cỏ (2235 m).

Mô hình DEM (Hình 1) cho thấy sườn Đông Trường Sơn Bắc thuộc lãnh thổ Việt Nam hẹp và rất dốc. Các dòng chảy cắt ngang sườn núi dốc rồi chuyển đột ngột xuống đồng bằng thấp.

Việc chặn các lòng sông trên sườn núi dốc để làm hồ, đập thủy điện sẽ tiềm ẩn rủi ro cho dải địa hình thấp, nhất là khi lớp phủ rừng trên sườn núi, đồi đã suy giảm.

Hình 1: Địa hình, sông suối chính sườn Đông Trường Sơn Bắc.
Hình 1: Địa hình, sông suối chính sườn Đông Trường Sơn Bắc.

Câu 2: Các hồ thủy điện có giảm thiểu được những dòng lũ hung hãn không?

Lượng mưa trung bình năm trên sườn Đông của Trường Sơn Bắc khá cao (2400 – 2800), trong đó lượng mưa trung bình tháng IX, tháng X cao nhất nước, khoảng 500 – 600 mm (Hình 2), có năm tới 800 – 900 mm [2].

Hình 2: Bản đồ khí hậu Việt Nam. Nguồn [1]
Hình 2: Bản đồ khí hậu Việt Nam. Nguồn [1]

Lê Bá Thảo [7] mô tả mưa ở sườn Đông Trường Sơn Bắc như sau:

 “Trường Sơn Tây thì thoải, Trường Sơn Đông thì dốc. Hiện tượng đó có nhiều hậu quả lớn. Dù là núi đã già và thấp đi nhiều nhưng vách dốc phía đông của nó vẫn tạo thành một bức tường quan trọng về mặt khí hậu: mưa mùa xảy ra vào mùa thu – đông (từ tháng VIII đến tháng I) được điều kiện địa hình này giúp sức nên trút xuống ở đây những lượng mưa rất lớn, trong đó mưa trong hai tháng VIII và IX chủ yếu là mưa đường hội tụ và mưa bão. Ai đã từng ở Huế cũng biết rằng mưa ở đó “trắng trời trắng đất” và kéo dài liên miên hàng tuần lễ như thế nào, nhưng ở trên núi mưa càng nhiều hơn. Hình như trong mùa này chưa hề ai đã trông thấy sườn phía đông Trường Sơn không có mây che phủ, còn về mùa nắng khô thì cứ đến trưa, mây lại ùn ùn từ chân núi kéo lên tận đỉnh và bọc lấy cho đến chiều”.

Và lượng mưa lớn trên sườn núi dốc đã tạo nên những dòng chảy mạnh, Lê Bá Thảo [7] mô tả “những dòng chảy hung hãn” như sau:

“Ít nhất là có trên 200 sông và suối dài từ 10 km trở lên nhưng có lưu vực không lớn lắm chảy từ sườn đông xuống đồng bằng, trừ ở khu vực đá vôi Kẻ Bàng. Chẳng khác gì những lưỡi dao sắc bén, các sông suối này cắt lòng xuống rất sâu, tạo nên những thung lũng hẹp, ngắn và dốc. Vào mùa mưa bão những cơn lũ rừng ở đây thực sự đáng sợ: chúng lên một cách đột ngột, kéo dài trong một, hai ngày rồi hạ xuống cũng đột ngột không kém. Chỉ riêng trong một vài tháng, nhất là vào tháng IX và tháng X, các cơn lũ này vận chuyển một lượng nước gần bằng tổng lượng nước trong năm (có năm đến 90%), còn các tháng khác thì có khi khô kiệt”.

Dưới những tác động của con người như chặt phá rừng, phát triển giao thông và xả lũ của thủy điện sẽ làm cho các dòng lũ vào tháng IX và X hung hãn hơn.

Câu 3: Đã tính toán mức ngập lũ và khả năng thoát lũ ở trũng Hương khê chưa?

Hình 3 cho thấy huyện Hương Khê gồm ba dải địa hình kéo dài hướng tây bắc – đông nam:

– Dải phía tây là sườn Đông của dẫy Phu Xai Lai Leng – Rào Cỏ với đường phân thủy gồm các đỉnh cao 1400 – 1000 m. Mạng sông, suối dạng cành cây xuất phát từ các đỉnh núi cao rồi hội lưu tại phần thấp của sườn trước khi đổ vào sông Ngàn Sâu ở trũng Hương Khê.

– Dải phía đông là núi Trà Sơn có đường phân thủy gồm các đỉnh cao 300 – 400 m.  Các sông suối cũng đổ vào sông Ngàn Sâu ở trũng Hương Khê.

– Dải trung tâm là vùng trũng Hương Khê có dạng hình thoi, mở rộng ở giữa và thu hẹp hai đầu. Đây là khu vực tập trung dân cư, các tuyến giao thông, đồng ruộng và ao hồ. Trũng Hương Khê được bao kín bởi núi, đồi xung quanh. Do độ dốc thủy lực nhỏ, sông Ngàn Sâu chảy trong trũng (từ nam lên bắc) có nhiều khúc uốn, lòng sông lấp đầy vật liệu vụn (cuội, sỏi, cát).

Đặc điểm địa hình và dòng chảy khu vực cho thấy vào mùa mưa lũ nước đổ rất nhanh từ các sườn núi dốc hai bên xuống, trũng Hương Khê trở thành “hồ nước”. Cửa thoát lũ duy nhất cho “hồ nước” này là đoạn lòng sông Ngàn Sâu, hẹp (thung lũng xuyên thủng) trước khi đổ ra sông Ngàn Phố. Điều này lý giải cho sự lên nhanh và rút chậm của nước lũ trong trũng Hương Khê.

Hình 3: Trũng Hương Khê – một “hồ nước” sẽ ngập trầm trọng hơn khi xả lũ. Cửa thoát lũ duy nhất là đoạn thung lũng xuyên thủng rộng 70 – 100 m ở Phương Mỹ. Bản đồ độ dốc tham khảo nguồn [2].
Hình 3: Trũng Hương Khê – một “hồ nước” sẽ ngập trầm trọng hơn khi xả lũ. Cửa thoát lũ duy nhất là đoạn thung lũng xuyên thủng rộng 70 – 100 m ở Phương Mỹ. Bản đồ độ dốc tham khảo nguồn [2].

Với đặc điểm của trũng Hương khê như trên, thủy điện Hố Hô đã tính toán mức độ ngập, thời gian thoát lũ tương ứng với lưu lượng xả chưa?. Việc xả lũ vừa qua đã làm mực nước trong trũng dâng nhanh khiến người dân không kịp trở tay.

Câu 4: Thủy điện Hố Hô có phương án ứng phó với các trận lũ tháng 10?

Những sự cố tại đập Hố Hô thường xảy ra trong tháng 10:

Lần 1: Mùa lũ năm 2007, mưa lũ dồn nước từ thượng nguồn đổ về khiến đập chứa nước thủy điện tràn ra, biến huyện Hương Khê thành một biển hồ mênh mông [11].

Lần 2: Trận lũ ngày 3, tháng 10 Năm 2010, với lượng mưa thượng nguồn tương đương với năm nay (tháng 10, 2016), cửa van cống thoát nước không mở được do mất điện, dẫn tới mực nước hồ cao hơn 2 m so với đỉnh đập (+72 m) gây sạt lở nhà máy, ngập lụt diện rộng ở hạ du [12].

Lần 3: Năm 2013, nước lũ về nhanh, tất cả 3 cửa van được mở hoàn toàn lúc 15h ngày 2/10 khi mực nước trong lòng hồ đã đạt cao trình 65,35 m và lưu lượng xả qua tràn là 1.400 m3/s. Việc xả lũ đã giúp giữ được an toàn đập và nhà máy, song hàng trăm mét bờ kè bê tông dọc chân đập (vừa được xây dựng sau trận lũ lịch sử năm 2010) bị cuốn sập [12].

Lần 4: Vào tối 14, tháng 10, năm 2016 thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ ồ ạt với lưu lượng 1.800 m3/s trong vòng 4 tiếng đồng hồ khiến hàng nghìn hộ dân huyện Hương Khê trở tay không kịp, bị ngập sâu trong biển nước. Trong đó có 8 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp [15].

Quy trình xả nước ‘bất cập’ trong tháng 10 vừa qua [12] cho thấy nhà máy thủy điện Hố Hô rất lúng túng khi ứng phó với những trận lũ “hung hãn” tháng 10.

Câu 5: Vị trí xây đập có đảm bảo độ an toàn về địa chất?

1) Về vị trí xây đập

Đập chặn ngang lòng sông Ngàn Phố ở vùng thượng lưu để tạo hồ chứa. Độ chênh cao giữa mực nước hồ và mặt thung lũng Hương Khê khoảng 40 – 50m. Như vậy đây là dạng đập treo, khá cao. Hồ chứa là đáy thung lũng kiến tạo – xâm thực, hẹp, dốc kéo dài, gần như cắt ngang sườn núi (Hình 7). Hồ chứa tiếp nhận rất nhanh nước từ các dòng chảy dạng cành cây từ sườn núi cao. Một con đập nhỏ như Hố Hô sẽ chịu một áp lực rất lớn.

Tô Văn Trường [12] nhận xét: Đập thủy điện Hố Hô dài 102 m, bề mặt rộng 5 m nhưng lại cao tới 50 m. Về địa thế, đập nằm ở phía cuối của sườn núi, trước khi sông Ngàn Sâu đổ xuống đồng bằng. Đây là vị trí hứng chịu lượng nước lớn và nhanh từ thượng nguồn sông Ngàn Sâu (trên diện tích lưu vực 278,6 km2). Như vậy, Hố Hô sẽ chịu rất nhiều nguy hiểm khi lũ lớn ở thượng nguồn đổ về.

2) Địa chất

Địa tầng: Bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 [9] cho thấy vị trí xây dựng đập và hồ thủy điện Hố Hô phân bố ba hệ tầng:

– Hệ tầng La Khê (C1 lk): đá vôi, vôi sét – silic, cát kết, bột kết, đá phiến silic, đá phiến sét, sét than. Dày 300 – 400 m.

– Hệ tầng Đông Thọ (D3fr đt): cát kết thạch anh, đá phiến sét, bột kết. Dày 560 – 600m.

– Hệ tầng Mục Bài (D2g mb): đá phiến sét, sét vôi, cát kết thạch anh, cát bột kết. Dày 520 – 820 m.

Các đá thuộc các hệ tầng trên là cánh của nếp lồi (Hình 4), các lớp cắm về đông bắc (về phía trũng Hương Khê) với góc dốc khá lớn (45 – 75o).

Hình 4: Bản đồ địa chất khu vực Hương Khê (trích từ tờ Hương Khê – Kỳ Anh, nguồn [9]. Vị trí đập thủy điện Hố Hô ở đầu mũi tên xanh.
Hình 4: Bản đồ địa chất khu vực Hương Khê (trích từ tờ Hương Khê – Kỳ Anh, tỉ lệ 1:200.000, nguồn [9]. Vị trí đập thủy điện Hố Hô ở đầu mũi tên xanh.

Đứt gẫy: Đường đứt gẫy TB-ĐN qua đập thuộc hệ thống đứt gẫy sông Rào Nạy. Đứt gãy chính Rào Nạy có hướng cắm về đông bắc 30-45° < 65-80°, hoạt động kế thừa trong giai đoạn tân kiến tạo [8].

Như vậy các đứt gẫy có phương kéo dài và góc cắm gần trùng với góc cắm của các lớp đá. Trong đề tài Nghiên cứu cảnh báo nguy cơ nứt sụt đất ở vùng Nghệ-Tĩnh, Phạm Văn Hùng [4] đã xác định các điểm nứt sụt đất liên quan đến hoạt động đứt gẫy sông Cả và Rào Nạy (Hình 5; 6).

Hình 5. Sơ đồ đứt gẫy hoạt động vùng Nghệ-Tĩnh. Nguồn [4]
Hình 5. Sơ đồ đứt gẫy hoạt động vùng Nghệ-Tĩnh. Nguồn [4]
Hình 6: Sơ đồ hiện trạng nứt-sụt đất ở Nghệ-Tĩnh. Nguồn [4]
Hình 6: Sơ đồ hiện trạng nứt-sụt đất ở Nghệ-Tĩnh. Nguồn [4]

Ảnh vệ tinh (Hình 7) cho thấy đập thủy điện Hố Hô gần như nằm trên đường đứt gẫy phương tây bắc – đông nam có mặt dốc về trũng Hương Khê. Hình 8 cho thấy sườn núi hai đầu vai đập rất dốc (≥ 25o). Mặt sườn núi  này có thể là mặt đứt gẫy (cũng trùng với hướng dốc của các lớp đá) nên rất dễ phát sinh các khối trượt ?.

Năm 2009, Hội Đập Lớn đã cảnh báo: “Về mặt địa chất, hai vai đập bê tông nằm trên lớp đá phiến thạch có mặt trượt hướng về phía hạ lưu rất dễ gây ra sạt trượt vai đập” [14].

Ảnh chụp thực tế cho thấy mặt trượt trên sườn núi để lộ lớp vỏ phong hóa dày (Hình 9).

Hình 7: Đập Hố Hô gần như nằm trên đường đứt gẫy. Ảnh Google Earth 10.06.2011
Hình 7: Đập Hố Hô gần như nằm trên đường đứt gẫy. Ảnh Google Earth 10.06.2011
Hình 8: Bề mặt sườn núi hai vai đập Hố Hô có độ dốc lớn (≥ 25o). Ảnh Google Earth 10.06.2011
Hình 8: Bề mặt sườn núi hai vai đập Hố Hô có độ dốc lớn (≥ 25o). Ảnh Google Earth 10.06.2011
Hình 9: Mặt trượt (lộ vỏ phong hóa dày) trùng với mặt đứt gẫy và mặt cắm của các lớp đá?. Nguồn internet
Hình 9: Mặt trượt (lộ vỏ phong hóa dày) trùng với mặt đứt gẫy và mặt cắm của các lớp đá?. Nguồn internet

Câu 6: Công nghệ dự báo khí tượng, thủy văn đã được cân nhắc ?

Những sự cố xảy ra với thủy điện Hố Hô trong những năm qua cho thấy công tác dự báo khí tượng, thủy văn có nhiều bất cập. Qua phát biểu của ông phó giám đốc [16], có thể thấy việc xả lũ tháng 10. 2016 của thủy điện Hố Hô rất bị động.

Đến 18h30’ tối 14/10 là đỉnh lũ, mưa rất lớn. Phía trên vai thuỷ điện bị sạt lở, chúng tôi sợ sạt đổ xuống nhà máy nên họp khẩn và đã dừng vận hành phát điện. Bên cạnh đó, chúng tôi đã nhấc bổng 3 cửa xả lũ cho xả tràn tự do nước đi bằng nước đổ về với mức 1800m3/s”.

Với lưu vực nhỏ và dốc trên thượng nguồn sông Ngàn Sâu, việc quan trắc dựa vào lưu lượng nước đổ về hồ (và phía trên vai thủy điện sạt lở) để quyết định lưu lượng xả là quá muộn. Lẽ ra nhà máy phải dựa vào dự báo mưa, số liệu quan trắc mưa từ thượng nguồn để chủ động xả trước khi một lượng nước cấp tập đổ vào hồ.

Nghị định 38/2016 của chính phủ (ban hành tháng 06 năm 2016) qui định chi tiết về quan trắc khí tượng thủy văn cho 7 loại công trình, trong đó hồ chứa thủy điện có dung tích 3.000.000 m3 trở lên. Vậy thủy điện Hố Hô đã triển khai nghị định này chưa?

Kết luận

Việc chặn các lòng sông hẹp có độ dốc cao trên sườn Đông Trường Sơn Bắc, nơi những dòng lũ “hung hãn” thường xuất hiện trong mùa mưa bão để làm các nhà máy thủy điện sẽ tiềm ẩn rủi ro môi trường, nhất là tình trạng yếu kém trong khâu qui hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành các thủy điện nhỏ như hiện nay.

Những trận lũ chồng lũ do thiên tai và nhân tai mà người dân Hương Khê phải hứng chịu bốn lần trong 10 năm qua đã cho thấy tác động tiêu cực rõ rệt của thủy điện Hố Hô. Những vấn đề về địa chất, kiến tạo tại nơi xây hồ, đập cũng như việc vận hành thủy điện Hố Hô cho thấy sự lo lắng về một thảm họa trong tương lai của người dân Hương Khê không phải là không có cơ sở.

Đã có rất nhiều thảo luận, nhiều ý kiến về thủy điện Hố Hô, trong đó có những ý kiến đề nghị dừng hoạt động. Một nhà máy “nộp ngân sách chưa đến 2 tỉ đồng/năm, nhưng khi xây dựng đã ngốn hết 1.000 ha rừng của địa phương, mà chỉ đáp ứng chưa tới nhu cầu sử dụng điện của 1 huyện” [3], hay như lời ông thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng “Thủy điện Hố Hô công suất rất nhỏ nên không ảnh hưởng gì lắm đến ngành điện, có hay không có cũng chẳng sao” [17] và luôn là “hiểm họa treo trên đầu vạn dân” [18] thì có nên tồn tại không ?.

Nếu tồn tại, Thủy điện Hố Hô có đảm bảo những sự cố tương tự, thậm chí thảm họa sẽ không xảy ra trong tương lai ?.

Lời cảm ơn: Tác giả xin gửi lời cảm ơn TS. Trần Tuấn Tú, kỹ sư Đinh Văn Tùng, cử nhân Nguyễn Thị Mỹ Duyên trong việc hỗ trợ tài liệu và các hình ảnh. Xin cảm ơn ông Nguyễn Văn Dũng, xã Phương Điền, huyện Hương Khê đã dành thời gian trao đổi trực tiếp với tác giả về diễn biến trận lũ lịch sử vừa qua, nhân dịp ông vào TP.HCM dự lễ tốt nghiệp đại học của cô con gái (Nguyễn Thị Mỹ Duyên).

Tài liệu tham khảo

[1]. Atlat địa lí Việt Nam. https:// https://onthidialy.wordpress.com/2014/11/26/huong-dan-su-dung-atlat-dia-li-viet-nam-trang-khi-hau-tr-9/

[2]. Nguyễn Thị Mỹ Duyên. 2016. Xây dựng bản đồ phân vùng tiềm năng lũ quét (ví dụ cho huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Khoa Môi trường, trường ĐHKHTN, ĐHQG.Tp.HCM.

[3]. Hồ Hùng. Một Thế giới. Nhà máy thủy điện Hố Hô nộp ngân sách bao nhiêu mỗi năm?. http://dantri.com.vn/su-kien/nha-may-thuy-dien-ho-ho-nop-ngan-sach-bao-nhieu-moi-nam-2016101920044802.htm

[4]. Phạm Văn Hùng. Nghiên cứu cảnh báo nguy cơ nứt sụt đất ở vùng Nghệ-Tĩnh. http://iag126.com/nghien-cuu-canh-bao-nguy-co-nut-sut-dat-o-vung-nghe-tinh-153.htm

[5]. Phan Hiếu. Hà Tĩnh: Nước rút chậm, người dân tiếp tục run rẩy sống trên mái nhà. http://www.vtc.vn/ha-tinh-nuoc-rut-cham-nguoi-dan-tiep-tuc-run-ray-song-tren-mai-nha-d281846.html

[6]. Gia Hưng. PGĐ thuỷ điện Hố Hô: “Chúng tôi không xả bất ngờ. Do trời mưa lớn” http://baomoi.press/pho-giam-doc-thuy-dien-ho-ho-chung-toi-khong-xa-bat-ngo-do-troi-mua-lon-qua.html

[7]. Lê Bá Thảo. 2006. Thiên nhiên Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục.

[8]. Bùi Văn Thơm. Đặc điểm hoạt động đới đứt gẫy Rào Nạy trong tân kiến tạo và kiến tạo hiện đại. http://www.idm.gov.vn/Nguon_luc/Xuat_ban/2004/A285/a98.htm

[9]. Trần Tính và nnk. 1996. Bản đồ Địa chất và Khoáng sản tờ Hà Tĩnh – Kỳ Anh tỉ lệ 1:200.000. Cục Địa chất Việt Nam.

[10]. Thanh Tuấn. Hố Hô xả lũ nhưng không cảnh báo.  http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ho-ho-xa-lu-nhung-khong-canh-bao-20161018231100521.htm

[11]. Thanh Trúc. Thủy điện Hố Hô: Dự án đi ngược lợi ích cộng đồng, treo án tử trên đầu hàng nghìn người dân vì sao được phép tồn tại?. http://nguyentandung.org/thuy-dien-ho-ho-du-an-di-nguoc-loi-ich-cong-dong-treo-an-tu-tren-dau-hang-nghin-nguoi-dan-vi-sao-duoc-phep-ton-tai.html

[12]. Tô Văn Trường.  Quy trình xả nước của thủy điện Hố Hô ‘bất cập’. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chuyen-gia-quy-trinh-xa-nuoc-cua-thuy-dien-ho-ho-bat-cap-3486362.html

[14]. Lời cảnh báo đối với đập Thủy điện Hố Hô cách đây 1 năm. http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=2440

[15]. Thủy điện Hố Hô xả lũ: “Lượng mưa lớn hơn thì sẽ như thế nào?”. http://baothegioiphunu.com/thuy-dien-ho-ho-xa-lu-luong-mua-lon-hon-thi-se-nhu-the-nao

[16]. Phó Giám đốc thuỷ điện Hố Hô: Chúng tôi không xả bất ngờ. Do trời mưa lớn quá. http://daubao.com/pho-giam-doc-thuy-dien-ho-ho-chung-toi-khong-xa-bat-ngo-do-troi-mua-lon-qua/xa-hoi/465631.html

[17]. Hố Hô xả lũ nhưng không cảnh báo. http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ho-ho-xa-lu-nhung-khong-canh-bao-20161018231100521.htm

[18]. Thủy điện Hố Hô: Hiểm họa treo đầu vạn dân! http://www.kinhtenongthon.com.vn/Thuy-dien-Ho-Ho-Hiem-hoa-treo-dau-van-dan-106-45266.html

     

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s