Hà Quang Hải
Bờ biển khúc khuỷu
Bờ biển khúc khuỷu Nam Trung Bộ là kết quả tác động lâu dài của quá trình phong hóa, biển, sông vào cấu trúc địa chất phức tạp với sự đa dạng thành phần đá (đa dạng địa chất). Sự khúc khuỷu bờ biển là cơ sở của sự đa dạng địa mao như mũi nhô, vách biển, hang biển, vũng, vịnh, đầm; thềm biển, bãi biển đá, bãi biển cuội, bãi biển cát, các đê cát nối đảo…
Sự đa dạng địa chất và địa mạo bờ biển Nam Trung Bộ được phản ánh qua sự phong phú các geosite ở cấp độ khác nhau từ địa phương đến quốc tế. Những geosite nổi bật có thể kể đến như đảo núi lửa Lý Sơn, bờ biển xâm thực Gành Đèn – Gành Đá Dĩa, vịnh Đà Nẵng, vịnh Vân Phong, Nha Trang, Xuân Đài; đầm Thị Nại, Ô Loan…
Để thưởng ngoạn giá trị thẩm mỹ cũng như tìm hiểu địa chất và các dạng địa hình bờ biển nói trên, ngoài những điểm nhìn tự nhiên như đỉnh núi, đỉnh đèo, vách biển thì hải đăng là những điểm nhìn dễ tiếp cận, an toàn và rất ấn tượng.
Geosite điểm nhìn
Theo Reynard (2004) [9], geosite điểm nhìn là một vị trí cụ thể cho phép quan sát không bị cản trở những cảnh quan xung quanh và hiểu biết về lịch sử Trái đất được ghi lại trong đá, cấu trúc và địa hình nhìn thấy từ vị trí này. Về mặt giáo dục địa chất, các geosite điểm nhìn đặc biệt phù hợp để quan sát sự đa dạng và phức tạp của khu vực.
Các geosite điểm nhìn cho phép nhìn cảnh quan rộng và giải thích địa chất và địa mạo ở quy mô khu vực. Bản thân vị trí (điểm nhìn) không nhất thiết phải có bất kỳ giá trị địa di sản nội tại nào [9]. Giá trị của nó nằm trong những gì có thể nhìn thấy từ nó và do đó các cấu trúc nhân tạo như hải đăng cũng được phân loại vào geosite điểm nhìn.
Hải Đăng – geosite điểm nhìn
Hải đăng là ánh sáng của những cột đèn biển giúp thủy thủ tìm đường vào cảng, xác định vị trí tàu, thuyền trên biển, báo hiệu những nơi có đá ngầm, bãi cạn, mũi đá.
Hải đăng thường được xây dựng tại những vị trí cao trên bờ biển hay các mũi đá, nhô cao trên lớp phủ thực vật nên không bị che khuất tầm nhìn, vì vậy từ hải đăng có thể dễ dàng quan sát cảnh biển, đặc điểm địa chất và địa mạo bờ biển. Dưới đây là một số ví dụ:
1) Hải đăng Lý Sơn
Hải đăng Lý Sơn thuộc thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi. Hải đăng cao 45 m, được xây dựng trước năm 1898 trên thềm biển cao 2-3 m có móng là cát kết san hô (đá kết) và bazan tuổi Holocen. Từ hải đăng có thế quan sát núi lửa hai tầng (Hang Câu – Chùa Hang và Thới Lới), bề mặt thềm biển, các ô ruộng tỏi, khu dân cư ven chân núi và bờ biển phía đông cù lao Ré.
Hải đăng Ba Làng An thuộc thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Hải đăng cao 36,4 m, xây dựng trên thềm biển mài mòn cao khoảng 25 m cấu trúc bởi đá bazan Pliocen. Bờ biển Ba Làng An là bờ xâm thực dạng răng cưa, vách dốc; vì vậy hải đăng là vị trí thích hợp và an toàn nhất để quan sát cảnh quan địa mạo bờ biển.

Hải đăng Đại Lãnh thuộc thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Hải đăng cao 25,6 m xây dựng năm 1890 trên mũi đá granit cao khoảng 65 m thuộc phức hệ Đèo Cả, tuổi Kreta.


4) Hải đăng Hòn Lớn
Hải đăng Hòn Lớn trên đảo Bích Ðầm thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Hải đăng cao 16 m, xây dựng năm 1890 trên mũi đá granit cao khoảng 80 m thuộc phức hệ Đèo Cả.
Hải đăng Hòn Lớn được xem là “mắt biển” của Nha Trang và có ý nghĩa quan trọng trong việc rọi ánh sáng, giúp hoạt động tàu thuyền ra vào vịnh Vân Phong an toàn.


5) Hải đăng Kê Gà
Hải đăng Kê Gà thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Hải Đăng cao 41 m, xây dựng vào năm 1898 trên đảo Khe Gà cao khoảng 20 m cấu tạo bởi đá granit thuộc phức hệ Đèo Cả.

Từ ngọn hải đăng nhìn về phía bắc (phía đất liền) có thể quan sát cảnh quan địa mạo rộng gồm nhiều dạng địa hình: các cồn cát vàng, các cồn cát trắng, mũi đá Bắc và Nam nhấp nhô các cột đá mà nổi bật là cột đá ‘búp sen’ cao khoảng 8 m, bãi cát trắng mịn Kê Gà phía tây và bãi Hang Mú phía đông, eo biển hẹp giữa bãi đá Nam và đảo Kê Gà với những tàu cá trên mặt biển phẳng lặng. Nhìn cận cảnh bãi Hang Mú và mũi đá hình Đầu Gà sẽ thấy chi tiết các dạng địa hình như: các khối đá, cột đá, vách bãi…
Dưới đây là danh sách hải đăng Nam Trung Bộ. Du khách có thể tham khảo để khi có điều kiện tiếp cận hải đăng, tìm hiểu kiến trúc, lịch sử cũng như ghi những bức hình bờ biển kỉ niệm cho chuyến đi từ những ngọn hải đăng này.


Tóm lại:
Một hệ thống hải đăng được xây dựng trên bờ biển khúc khuỷu Nam Trung Bộ để định hướng đi cho tàu thuyền trên biển và cửa sông, giúp việc lưu thông an toàn. Một số hải đăng trên một trăm tuổi có ý nghĩa về mặt kiến trúc và lịch sử như: Tiên Sa, Lý Sơn, Cù Lao Xanh, Đại Lãnh, Mũi Dinh, Kê Gà là những điểm đến yêu thích của nhiều du khách.
Hải đăng thường được xây dựng tại các điểm cao ven bờ, hoặc trên những mũi đá nhô ra biển, đó là những vị trí thông thoáng không bị che lấp tầm nhìn, dễ tiếp cận và an toàn, vì vậy rất thích hợp để du khách ngắm nhìn cảnh biển, tìm hiểu những đặc điểm địa chất, địa mạo bờ biển, nhất là những đoạn bờ có vách đá dốc, hiểm trở.
Nghiên cứu, bổ sung những điểm nhìn từ hải đăng sẽ làm phong phú hơn loại hình geosite, góp phần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động du lịch cho dải ven biển Nam Trung Bộ.
Tham khảo
[1]. http://dulichlyson.org/hai-dang-ly-son-ngon-hai-dang-cao-nhat-viet-nam/
[2]. https://vnexpress.net/du-lich/ngon-hai-dang-co-ten-la-ben-bo-bien-quang-ngai-3887520.html
[3]. https://dantocmiennui.vn/du-lich/tram-den-bien-ba-lang-an-diem-du-lich-me-hoac-du-khach/227843.html
[5]. https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/hai-dang-ke-ga/36427.html
[6]. https://phutho74.com/index.php/sangtac/35-doan-van/549-langthang-do-day-hai-dang-ke-ga-binh-thuan
[7]. http://baoninhthuan.com.vn/photo/79540p124c126/ky-thu-hai-dang-ke-ga.htm
[8]. http://www.vms-south.vn/hai-dang-luong-hang-hai/he-thong-hai-dang
[9]. Piotr Migon; Edyta Pijet-Migon. Viewpoint geosites — values, conservation and management issues. http://dx.doi.org/10.1016/j.pgeola.2017.05.007