DU LỊCH ĐẢO NÚI LỬA LÝ SƠN (CÙ LAO RÉ-CÙ LAO BỜ BÃI)

Tác giả: Hà Quang Hải, Trần Tuấn Tú, Phan Hùng Việt, Trương Thị Kiều Thu
Giới thiệu

Huyện Lý Sơn nằm phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, gồm Cù lao Ré (đảo lớn) và cù lao Bờ Bãi (đảo nhỏ) có tổng diện tích khoảng 10 km2. Từ cảng Sa Kỳ theo tàu đi khoảng 25 km sẽ tới Cù Lao Ré, đi tiếp 5, 5 km về phía bắc là cù lao Bờ Bãi (Hình 1).

Cù lao Ré và cù lao Bờ Bãi là sản phẩm của hoạt động núi lửa. Năm 2005, những giá trị về thắng cảnh, địa chất và địa mạo của hai hòn đảo này đã được Lê Đức An xếp vào di sản thiên nhiên hiếm có và đề nghị là danh thắng địa mạo – địa chất cấp Quốc gia [1]. Năm 2013, Lê Đức An và nnk đề nghị nghiên cứu để nâng di sản này lên cấp Quốc tế [2].

Công việc xử lý, giải đoán ảnh viễn thám và khảo sát thực địa kiểm tra đã bổ sung cho các kết quả nghiên cứu trước đây [1], đồng thời cho thấy các núi lửa đảo Lý Sơn thuộc kiểu nón xỉ, các lớp cát kết, bột kết tuf chứa mảnh đá bazan là vật liệu cấu trúc sườn nón trong quá trình thành tạo [3].

Bài này giới thiệu các đặc điểm lý thú về cảnh quan, địa chất, địa mạo đảo Lý Sơn, giúp du khách tiếp cận cho các mục đích giải trí, nghiên cứu và giảng dạy về khoa học trái đất, môi trường và nhất là tìm hiểu về hoạt động núi lửa.

 New Picture (1)

Hình 1. Vị trí huyện đảo Lý Sơn

I. Địa hình núi lửa kiểu nón xỉ (cinder cone, scoria cone)

Cù lao Ré có 6 nón núi lửa trên mặt đất và 5 (dự đoán) trên đáy biển (Hình 2). Các nón núi lửa trên mặt đất có dạng khá tròn trịa, phần đỉnh thường có các miệng trũng nghiêng về một phía (miệng phun), riêng Hòn Sỏi có dạng “trăng khuyết”, hòn Vung có dạng vòm. Kích thước một số yếu tố địa hình nón núi lửa được trình bày trong bảng 1.

Nuilua_Re (1)

Hình 2. Hệ thống núi lửa kiểu nón xỉ ở cù lao Ré (Nguồn Google Earth)

Bảng 1: Kích thước núi lửa ở cù lao Ré

Tên nón-

kích thước

Hang câu-Chùa Hang  

Thới Lới

 

Giếng Tiền

 

Hòn Sỏi

 

Hòn Tai

 

Hòn Vung

Độ cao (m) 120 55 m 110 140 50 50
độ cao chung là 175
Chiều rộng đáy 1.450 900 850 600 180 192
Chiều rộng gờ miệng 880 600 600 350 40 Không có
Độ sâu miệng 70 50 60 50 5

                                                              Tham khảo từ Google Earth

Trên đáy biển, có 3 núi lửa phân bố ở phía tây và 2 ở phía đông đảo. Trên ảnh vệ tinh, cấu trúc dạng chữ “C” được dự đoán là các gờ miệng núi lửa ngầm. Kích thước các gờ miệng tương đương với gờ miệng núi lửa trên mặt đất. Gờ miệng phân bố phía nam hòn Mù Cu có kích thước xấp xỉ Hang Câu – Chùa Hang.

1.Núi lửa hai tầng nón (Hang Câu_Chùa Hang & Thới Lới)

Núi Thới Lới là tên mà người dân thường gọi cho núi lửa lớn nhất cù lao Ré. Thực chất đây là hai nón núi lửa [1; 3] có cùng họng phun, nón Thới Lới nhỏ hơn nằm chồng trên nón Hang Câu-Chùa Hang. Trũng và gờ miệng Hang Câu – Chùa Hang nghiêng về phía bắc, trong khi đó trũng và gờ miệng Thới Lới nghiêng về phía nam. Các lớp cát kết, bột kết tuf cấu tạo sườn nón Thới Lới có độ dốc lớn hơn cắm trên trũng và gờ miệng nón Hang Câu-Chùa Hang (Hình 3 và 4).

ls_3d2 (1) Go mieng nui lua_12
Hình 3. Núi lửa hai tầng nón trên ảnh vệ tinh nhìn từ phía đông bắc. Đường mũi tên là ranh giới 2 nón núi lửa Hình 4. Ranh giới địa hình tại thực địa giữa nón Thới Lới và Hang Câu – Chùa Hang

Trên hình 4; A: gờ miệng nón Thới Lới, B: sườn nón Thới Lới với các lớp cắm dốc 40o, D: chân sườn nón Thới Lới, C: gờ miệng nón Hang Câu – Chùa Hang, E: deluvi chân sườn nón Thới Lới.

Vách biển hiện đại cao 20 – 40 m dài 1250 m để lộ cấu trúc nón xỉ rất rõ. Tại Hang Câu, quan sát cấu trúc vòm núi lửa (Hình 5); các trầm tích phân lớp, phân dải của nón xỉ chứa các mảnh đá, khối đá bazan kích thước từ 1 – 2 cm đến 1,0 m. Các lớp hạt mịn thường chứa các dải mỏng có cấu trúc song song, lượn sóng (Hình 6).

 DSC_2103 (2)  P1010650 (2)
Hình 5. Cấu trúc vòm nón Hang Câu – Chùa Hang Hình 6. Cấu trúc phân lớp, phân dải song song, lượn sóng tại Hang Câu

Tại Chùa Hang cũng quan sát được cấu trúc vòm và các lớp trầm tích vụn núi lửa (Hình 7; 8). Các lớp cát kết, bột kết tuf chứa các mảnh đá, khối đá kích thước lớn (5 – 10 cm, tới 20 -30 cm phân bố ở chân vách. Ở phần cao mặt cắt, các lớp có độ hạt nhỏ hơn, phân lớp mỏng chứa mảnh đá trung bình 2 – 5 cm.

 P1020590(2)  P1020593 (2)
Hình 7. Cấu trúc vòm núi lửa quan sát tại Chùa Hang Hình 8. Cát kết, bột kết tuf phân lớp, phân dải tại Chùa Hang

2.Giếng Tiền

Giếng Tiền là nón núi lửa lớn thứ 2, có miệng trũng dạng lòng chảo. Phần sườn và gờ miệng phía bắc đã bị sập, hình thành vách biển cổ tạo nên cảnh quan tháp đá ngoạn mục (dân địa phương gọi là núi Meo) (Hình 9). Vách biển Giếng Tiền dài 1050 m, cao 20-40 m để lộ các lớp cát kết, bột kết tuf chứa các mảnh đá, khối đá cắm dốc từ miệng về xung quanh (Hình 9, 10).

 P1020563 (2)  P1020556 (2)
Hình 9: Núi Meo để lộ các lớp cát kết, bột kết tuf cắm về phía đông Hình 10: Các lớp cát kết, bột kết tuf cắm về phía tây

3.Hòn Sỏi

Trên ảnh vệ tinh 3D, hòn Sỏi có dạng trăng khuyết, phần khuyết là nơi dung nham trào ra khỏi họng núi lửa. Mặc dù không lộ vách, nhưng vẫn quan sát được cấu trúc phân lớp của nón quanh miệng trên ảnh vệ tinh (Hình 11) và tại vết lộ (Hình 12).

ls11  P1020613 (2)
Hình 11. Miệng núi lửa hòn Sỏi với cấu trúc phân lớp bao quanh Hình 12. Các lớp cát kết, bột kết tuf cấu tạo sườn Hòn Sỏi

4.Hòn Tai và Hòn Vung

Hai nón này có qui mô nhỏ (Bảng 1). Trên đỉnh Hòn Tai có miệng trũng nhỏ nghiêng về phía nam, phần sườn nón lộ cấu trúc phân lớp có thể quan sát tại mong khai thác đất (Hình 13). Nón Hòn Vung có dạng vòm, phía nam (gần bờ biển) lộ cấu trúc phân lớp (Hình 14).

 DSC_2158 (2)  DSC_2127 (1)
Hình 13. Cấu trúc phân lớp sườn nón Hòn Tai Hình 14. Các lớp cát kết, bột kết tuf phía nam Hòn Vung

II. Địa hình dòng chảy dung nham (lava flow)

Địa hình dòng chảy dung nham tạo nên các bề mặt bằng phẳng phân bố theo hai mức cao:

– Bề mặt cao khoảng 10 – 20 m, chiếm phần lớn diện tích cù lao Ré và cù lao Bờ Bãi. Bề mặt này thường xuyên được phủ một lớp đất đỏ và cát san hô dày trung bình 2 – 4 cm để trồng tỏi, hành.

– Bề mặt thấp là các bãi biển mài mòn quanh đảo. Tại một số vị trí, các đá bazan mầu đen phủ trên cát kết san hô lộ khi thủy triều xuống thấp (Hình 15).  Ở bờ biển phía nam Hòn Vung lộ các khối đá tuf dung nham màu xám đen (Hình 16). Trên cù lao Bờ Bãi, cát kết san hô lộ ở bãi biển phía nam (Hình 17). Bazan dòng chảy kéo theo các khung xương san hô có thể quan sát tại bờ đá xâm thực phía bắc đảo (Hình 18).

 DSC_2009 (2)  DSC_21331
Hình 15. Bazan dòng chảy phủ trên cát kết san hô tại cổng Tò Vò Hình 16. Tuf dung nham bờ biển nam Hòn Vung
 DSCF4739 (2)  DSCF4666 (2)
Hình 17. Cát kết san hô bờ nam cù lao Bờ Bãi Hình 18. Khung xương san hô trong bazan tại cù lao Bờ Bãi

III. Các dạng địa hình chạm trổ

Các quá trình phong hóa, bóc mòn và tác động của sóng biển vào cấu trúc núi lửa đã hình thành các thềm biển (Hình 19), bãi biển (Hình 20), vách biển (Hình 5,7,9,10); hang biển (Hình 7); nhiều dạng địa hình có hình thù độc đáo đã được mô tả [1; 3] như tháp đá (Hình 21, 22), nấm đá (Hình 23) và cầu thiên nhiên (Hình 24).

 DSC_2177(2)  ls20
Hình 19. Thôn Tây, An Vĩnh trên thềm cao 3-4 m Hình 20. Bãi biển mài mòn khu vực  hòn Mù Cu
P1020550 (2)  LS22
Hình 21. Tháp đá do đổ lở ở bờ biển phía bắc núi Giếng Tiền Hình 22. Tháp đá do bóc mòn trên đỉnh Thới Lới (giống con gấu ngồi)
 P1020526 (2)  DSC_2018 (2)
Hình 23. Nấm đá do do bóc mòn trên đỉnh Thới Lới Hình 24. Cổng Tò Vò (cầu thiên nhiên) ở bờ biển phía bắc Giếng Tiền

IV. Về giai đoạn hoạt động núi lửa

Hiện có sự khác nhau về giai đoạn hoạt động núi lửa ở Lý Sơn giữa các tác giả:

1) Nguyễn Hoàng and Martin Flower [4]. Dựa vào tuổi tuyệt đối, chia phun trào bazan tại đảo Lý Sơn thành hai giai đoạn, 12 triệu năm và 1,2 – 0,4 triệu năm (Miocen và Pleistocen sớm – giữa).

2) Phạm Hùng và nnk [5]. Bazan đảo Lý Sơn có 3 mức tuổi (ứng với ba giai đoạn hoạt động) [6]. Bazan phân bố ở phần thấp mặt cắt dày từ vài chục mét tới 70 m có tuổi Miocen muộn – Pliocen (N13 – N2) (dựa vào tuổi bào từ phấn hoa); bazan tạo bề mặt cao 20 m ở trung tâm đảo có tuổi Pleistocen (Q11-3) và bazan phân bố hạn chế ở khu vực miệng núi lửa An Hải có tuổi Holocen.

3) Lê Đức An [1]. Các đá trầm tích – phun trào lộ phần lớn diện tích và cấu tạo bờ miệng phễu núi lửa có tuổi Miocen muộn – Pliocen (N13 – N2) (theo kết quả bào tử phấn [5]). Các phễu, chóp nón và dòng chảy bazan cao ≤ 30 m có tuổi Pleistocen sớn-giữa (Q11-2) hình thành trong giai đoạn núi lửa hoạt động mạnh mẽ.

4) Chương trình Núi lửa Toàn cầu của Viện Smithsonian [6]. Các núi lửa thuộc Nhóm Cù Lao Ré (4 trên mặt đất và 9 trên đáy biển) thuộc kiểu strombolian có tuổi nhỏ hơn 10.000 năm (Holocen).

Trên cơ sở quan sát địa mạo, nhận thấy sườn nón núi lửa bị cắt bởi thềm biển cao 3 – 4 m tuổi Holocen giữa (hình thành do biển tiến Flandrian?). Chưa phát hiện thềm biển Pleistocen cắt vào cấu trúc nón núi lửa và dòng chảy dung nham. Như vậy có khả năng các đợt phun nổ, phun trào bazan tạo nên địa hình cù lao Ré, cù lao Bờ Bãi xảy ra trong khoảng Pleistocen muộn – Holocen sớm  (Q13 – Q21) ?.

Để có số liệu tin cậy về các giai đoạn hoạt động núi lửa, cần tiến hành nghiên cứu chi tiết tuổi tuyệt đối theo mặt cắt và diện phân bố các vật liệu phun nổ và dòng chảy dung nham trên cả hai cù lao.

V. Bản đồ địa du lịch

Bản đồ địa du lịch giới thiệu sơ bộ các vị trí (vết lộ, điểm quan sát) lý thú về địa chất và địa mạo (cảnh quan, hình thái, cấu trúc, thạch học). Tại đây du khách có thể tiếp cận để thưởng ngoạn, nghiên cứu và giảng dạy về khoa học địa chất, địa mạo núi lửa.

V.1 Cù lao Ré (Hình 25)

1.Núi lửa hai tầng nón (Hang Câu_Chùa Hang & Thới Lới)

– R_01 (Hang Câu)

Cát kết, bột kết tuf phân lớp, phân dải thanh, thế nằm nghiêng thoải
Cát kết tuf chứa các khối bazan kích thước lớn
Hang sóng vỗ hiện đại tại Hang Câu
Vách (cliff) biển hiện đại (dài 1250 m, cao 20 – 40 m. Có thể khảo sát theo chân vách biển đến điểm R_08 (Chùa Hang).

 

Cu lao Re_Dao lonHình 25. Các vị trí lý thú về địa chất, địa mạo trên cù lao Ré

– R_02

Cấu trúc sườn bắc nón Hang Câu_Chùa Hang
Thác suối Tiên (trong mùa mưa)
Quan sát dải bờ ngầm bắc cù lao Ré.

– R_03 (Vết lộ địa chất, địa mạo đẹp)

Cát kết, bột kết (nón Thới Lới) dốc 40o cắm (về bắc) trên miệng trũng và sườn nón Hang Câu_Chùa Hang
Ranh giới địa hình giữa nón Thới Lới và Hang Câu_Chùa Hang.
Sườn tích (deluvi) chân nón Thới Lới
Cấu trúc uốn lượn của các lớp cát kết, bột kết tuf trên sườn bắc nón Thới Lới.

– R_04

Lộ các lớp cát kết, bột kết tuf sườn bắc núi Thới Lới
Quan sát gờ miệng núi Hang Câu_Chùa Hang, sườn bắc Thới Lới

– R_05 (trên gờ miệng Thới Lới)

Lộ các “nấm đá” bóc mòn
Lộ cấu trúc phân lớp quanh gờ miệng nón Thới Lới
Quan sát hồ Thới Lới trên miệng núi lửa
Quan sát đường bờ ngầm bắc cù lao Ré
Quan sát khu dân cư, cánh đồng tỏi An Hải, cảnh quan Hòn Mù Cu.

– R_06

Chụp ảnh với tháp đá (hình con gấu) trên gờ miệng nón Thới Lới
Quan sát hồ nước Thới Lới
Quan sát khu dân cư và cảnh quan bờ biển phía đông An Hải

– R_07

Quan sát các lớp trầm tích trên sườn đông nón Thới Lới
Quan sát các dải sọc trên sườn Thới Lới (di tích vết đá lăn từ miệng núi lửa).

– R_08 (Chùa Hang)

Tìm hiểu Chùa Hang (Thiên Khổng Thạch Tự – chùa đá trời sinh). Hang cao khoảng   16 m, rộng 40 m, sâu vào núi 38 m
Khảo sát các hang biển hình thành chân vách (cliff)
Quan sát cấu trúc vòm núi lửa Hang Câu_Chùa Hang
Khảo sát cấu trúc núi lửa: cát kết, bột kết tuf, phân lớp, phân dải thanh có thế nằm dốc thoải
Tích tụ khối tảng bazan, cát kết tuf (đá rơi từ vách biển), các khối san hô kích thước lớn
Vách biển hiện đại (cliff). Có thể khảo sát theo chân vách biển đến điểm R_01 (Hang Câu).

Ghi chú: lộ trình nghiên cứu cấu trúc núi lửa nón xỉ (phun nổ) theo vách biển hiện đại sẽ rất lý thú nếu thực hiện vào ngày đầu tháng và giữa tháng âm lịch. Theo chân vách biển dài khoảng 1250 m, cao trên 20 – 40 m sẽ thấy các lớp cát kết, bột kết tuf có mảnh vụn, tảng bazan đôi khi xen các lớp dòng chảy dung nham.

2.Giếng Tiền

– R_09

Cổng Tò Vò (cầu thiên nhiên) hình thành do tác động của sóng biển vào các lớp đá bazan chảy tràn
bazan chảy tràn phủ trên cát kết san hô
Bãi biển mài mòn trên bazan dòng chảy và cát kết san hô.
Thềm biển cao 4 m cấu tạo bởi cát san hô
Các tháp đá nhô trên thềm biển cao 3 – 4 m
Quan sát cấu trúc phân lớp sườn núi Giếng Tiền
Quan sát, chụp ảnh núi Meo (gờ vách miệng núi lửa Giếng Tiền) 

– R_10

Khảo sát theo chân vách biển cổ (dài 1050 m, cao 20-40 m)
Các tháp đá, khối đá trên thềm biển và bãi biển
Bãi biển mài mòn trên cát kết san hô. 

– R_11

Tìm hiểu chùa Đục, Quan Âm Đài
Khảo sát cận cảnh cấu trúc sườn núi Giếng Tiền (cát kết, bột kết tuf chứa mảnh vụn đá bazan trên vách biển cổ)
Cận cảnh núi Meo, hệ thống khe nứt trên vách biển cổ
Quan sát cảnh quan bờ biển bắc Giếng Tiền, quan sát cù lao Bờ Bãi. 

– R_12

Khảo sát cấu trúc miệng nón núi lửa Giếng Tiền
Tìm hiểu các di chỉ sơ kỳ thời đại đá cũ (tương đương núi Đọ, Thanh Hóa) trên miệng núi lửa
Tìm hiểu Đỉnh cung C (nơi có bàn cờ Tiên theo truyền thuyết)
Quan sát cảnh quan cánh đồng tỏi An Vĩnh.

3.Hòn Sỏi

– R_13

Khảo sát các lớp cát kết, bột kết tuf (phong hóa) cấu tạo sườn nón núi lửa Hòn Sỏi
Quan sát hệ thống khe rãnh xâm thực cắt vào vỏ phong hóa đất đỏ.

– R_14

Khảo sát cấu trúc miệng nón núi lửa Hòn Sỏi
Hệ thống ruộng bậc thang (trồng tỏi) trên sườn nón núi lửa
Quan sát cảnh quan nón núi lửa hai tầng (Hang Câu-Chùa Hang và Thới Lới), Hòn Vung và ruộng tỏi. 

4.Hòn Tai

– R_15

Khảo sát cấu trúc sườn núi Hòn Tai tại mong khai thác đất (lộ các lớp cát kết, bột kết tuf)
Quan sát trũng miệng núi lửa
Quan sát hệ thống ruộng bậc thang (trồng tỏi) trên sườn Giếng Tiền, Hòn Sỏi
Quan sát cảnh quan bờ biển tây An Vĩnh và cù lao Bờ Bãi. 

5.Hòn Vung

– R_16

Khảo sát đỉnh Hòn Vung (dạng vòm)
Các mảnh ruộng bậc thang trên sườn nón núi lửa
Quan sát cảnh quan Hòn Sỏi và Thới Lới. 

– R_17

Khảo sát cấu trúc phân lớp cát kết, bột kết tuff.
Khảo sát bãi biển mài mòn. 

– R_18

Khảo sát bazan chảy tràn hình thành các khối đá màu đen và tuf dung nham (tuff lava)  trơn nhẫn do sóng biển mài mòn
Vách biển cao 10 m lộ bazan phong hóa bóc cầu. 

– R_19

Khảo sát, tìm hiểu giếng Xó La (giếng Vua)

6.Khu vực Hòn Mù Cu

– R_20

Khảo sát bãi bồi (cát vụn san hô)
Khảo sát bãi đá bazan lỗ rỗng mầu đen
Quan sát nón núi lửa hai tầng và vách biển Hang Câu-Chùa Hang.

– R_21

Khảo sát bazan dòng chảy bị tác động của sóng tạo thành các khối đá rời rạc
Bãi biển mài mòn trên cát kết san hô
Quan sát nón núi lửa hai tầng Hang Câu-Chùa Hang và Thới Lới. 

– R_22

Khảo sát bazan chảy tràn
Vụng Mù Cu (nơi neo đậu tàu, thuyền xã An Hải)
Bãi biển tích tụ cát san hô hiện đại.

V.2 Cù lao Bờ Bãi (Hình 26)

Khởi hành từ cầu cảng An Vĩnh đến cầu cảng An Bình khoảng 30 phút (dài 5,5 km). Trên đường đi có thể quan sát từ xa cù lao Bờ Bãi phía bắc và cù lao Ré phía nam. Cù lao Bờ Bãi có duy nhất một nón núi lửa (Hòn Đụn), phần lớn diện tích là dòng chảy dung nham. Các điểm địa chất, địa mạo lý thú trên cù lao Bờ Bãi được trình bày sơ bộ trên hình 26.

Culao_BB (2)

Hình 26. Các vị trí lý thú về địa chất, địa mạo trên cù lao Bờ Bãi

– B_01

Tích tụ bãi biển cát kết san hô khu vực cầu cảng An Bình
Quan sát hệ thống ruộng bậc thang

– B_02

Ranh giới bờ biển xâm thực và xâm thực – tích tụ
Khảo sát bazan dòng chảy

– B_03

Bờ biển dạng túi (bãi Tiên) – cát san hô trắng tích tụ giữa các mũi đá bazan đen nhô ra biển
Quan sát các hang trong đá bazan, bazan gối (phun trào dưới nước) và tafoni (vách biển tổ ong do phong hóa muối)
Tìm kiếm san hô trong đá bazan
Lộ trình khám phá tiếp tục bờ biển xâm thực về phía đông của đảo

– B_04

Địa hình đồi, gò phía bắc đảo lộ đá bazan

– B_05

Tìm hiểu cấu trúc núi lửa Hòn Đụn
Thăm quan/nghiên cứu pháo đài đá (vách biển)
Cảnh quan bờ biển nam Hòn Đụn. 

Kết luận

Các nón núi lửa phun nổ và dòng dung nham tạo nên cù lao Ré và cù lao Bờ Bãi, huyện Lý Sơn là di sản địa chất, địa mạo quí, hiếm của Việt Nam. Các nón núi lửa gần như nguyên dạng với các vách biển để lộ cấu trúc sườn nón là mô hình thực tế có giá trị khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập trong lĩnh vực khoa học Trái đất và Môi trường.

Cù lao Ré, cù lao Bờ Bãi là giá đỡ cho hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú. Tài nguyên địa hình, đất đỏ, cát trắng, nước ngầm đã tạo nên “vương quốc” tỏi Lý Sơn nổi tiếng cả nước. Đây chính là các giá trị chức năng của đảo núi lửa.

Các nón núi lửa nhô cao, các dạng địa hình bờ biển đá nhiều hình thù trên nền biển xanh, cát trắng đã tạo nên vô vàn cảnh đẹp, cùng với các hoạt động nhân sinh của dân đảo sẽ là nguồn cảm hứng cho du khách ghi lại những bức hình muôn màu, muôn vẻ.

Các di chỉ khảo cổ trên miệng núi lửa, trong trầm tích thềm biển và vô số đền, chùa, miếu đã hợp thành một hệ thống di tích có giá trị lịch sử và văn hóa trên đảo núi lửa. Ba trong số đó là Chùa Hang (Thiên Khổng Thạch Tự), Đình Làng Lý Hải (An Long Đình), Âm Linh Tự (nơi diễn ra “Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa) là những điểm du khách không thể bỏ qua khi đến Lý Sơn.

Có thể nói, mỗi vị trí, mỗi bước chân, mỗi khoảnh khắc trên cù lao Ré, cù lao Bờ Bãi đều cho du khách những ấn tượng đẹp về cảnh quan thiên nhiên và con người nơi đây.

Cù lao Ré, cù lao Bờ Bãi, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi xứng đáng là Công viên Địa chất Đảo núi lửa, hãy bảo tồn di sản thiên nhiên quí, hiếm mang tên hai hòn đảo này.

Tài liệu tham khảo

[1]. Lê Đức An, 2005. Đảo Lý Sơn – một di sản thiên nhiêm hiếm có. Tuyển tập báo cáo HNKH 60 năm Địa chất Việt Nam, trang 569 – 576. Bộ TNMT, Hà Nội.

[2]. Lê Đức An, Trần Đức Thạnh, Nguyễn Hữu Cử. 2013. Kỳ quan địa mạo – địa chất biển đảo Việt Nam. Tại chí Địa chất, loạt A, số 336 – 337, 7 – 10/2013, trang 139-149. Hà Nội.

[3]. Hà Quang Hải, Trương Thị Kiều Thu, Phan Hùng Việt, Trần Tuấn Tú, 2012. Các giá trị địa mạo nổi bật của đảo Lý Sơn. HNKH lần 8, Trường Đại học KHTN, ĐHQG.TPHCM.

[4]. Nguyen Hoang and Martin Flower, Petrogenesis of Cenozoic Bazans from Vietnam: Implication for Origin of a “Diffuse Igneous Province”, Journal of Petrology 39 (1998) 369.

[5]. Phạn Hùng, Ngô Quang Toàn, Nguyên Ngọc, Phạm Quang, 2001. Một số nét về đặc điểm địa chất và địa mạo đảo Lý Sơn. Tạp chí Địa chất, Loạt A, số 262, trang 12-19. Hà Nội.

[6]. The Global Volcanism Program, Smithsonian Institution. http://volcano.si.edu/.

Advertisement

Một suy nghĩ 5 thoughts on “DU LỊCH ĐẢO NÚI LỬA LÝ SƠN (CÙ LAO RÉ-CÙ LAO BỜ BÃI)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s