Nghiên cứu của Hà Lan: Nguyên nhân lớn gây xâm nhập mặn ở ĐBSCL là do xây đập

TTO – Các nhà khoa học Hà Lan cảnh báo các quốc gia dọc sông Mekong chỉ còn hạn chót đến năm 2050 để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn vùng đồng bằng.

Cánh đồng lúa ở Việt Nam – Ảnh: Mongabay

Theo trang tin Mongabay, nghiên cứu mới của Viện nghiên cứu độc lập Deltares (Hà Lan) đánh giá nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng xâm nhập mặn ở vùng châu thổ sông Mekong hiện nay là do con người (xây đập chặn dòng nước), nhưng đến năm 2050 biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò chính.

Nói cách khác, các quốc gia sông Mekong, đặc biệt là Việt Nam nằm ở cuối nguồn, chỉ có từ đây đến năm 2050 để áp dụng các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, từ đó về sau mọi thứ sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát của con người.

Theo ông Sepehr Eslami – trưởng nhóm nghiên cứu, công trình này là tổng hợp dữ liệu của 12 năm nghiên cứu thuộc dự án “Rise and Fall” hợp tác giữa Đại học Utrecht và Viện Deltares (Hà Lan), cung cấp dữ liệu cần thiết cho các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách cũng như các nhà khoa học đang theo đuổi vấn đề này trên thế giới.

Trước đó, hai nghiên cứu khác cùng thuộc dự án “Rise and Fall” lần đầu tiên xác lập mối liên hệ giữa tình trạng “đói phù sa” do con người gây ra (xây đập chắn dòng nước) và xâm nhập mặn ở cuối nguồn. Mặc dù đầu thế kỷ 21 đã có nhiều nhà khoa học cảnh báo sớm, xâm nhập mặn lại thường bị cho là liên quan chủ yếu đến nước biển dâng và biến đổi khí hậu.

Lũ ở khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia những năm giữa thập niên 2000 – Ảnh: Mongabay

Nhóm nghiên cứu Hà Lan đánh giá trong 20 năm qua, biến đổi khí hậu chỉ gây ra chưa đến 5% thách thức mà vùng châu thổ Mekong đối mặt, hiện tượng “đói phù sa” và xâm nhập mặn gay gắt đều do các đập thủy điện trên thượng nguồn và nạn khai thác cát gây ra.

Hiện nay dòng chính sông Mekong đang gánh 11 đập thủy điện ở Trung Quốc, 2 ở Lào và ít nhất 300 đập nhỏ trên các phụ lưu. Những đập này chia dòng sông thành những hồ chứa nước, chặn phù sa chảy ra biển và thay đổi hình dạng, độ sâu của lòng sông.

Theo chuyên gia Marc Goichot – cố vấn của tổ chức WWF, các đập nước đang giữ lại phần lớn phù sa trên sông Mekong – ước tính 50-60%.

Bên cạnh đó, nạn khai thác cát phục vụ xây dựng làm mất đi 50-100 triệu m3 cát mỗi năm. Hậu quả là lòng sông sâu thêm 200-300mm mỗi năm, khiến nước biển xâm nhập sâu hơn, ở lại lâu hơn và độ mặn cao hơn ngày xưa.

Nói tóm lại, nghiên cứu đánh giá trong những thập niên tới, biến đổi khí hậu sẽ gây thêm nhiều mối nguy hiểm mới cho lưu vực sông Mekong, nhưng ngay trước mắt “nhân tai” mới là yếu tố chính gây ra khủng hoảng.

PHÚC LONG

https://tuoitre.vn/nghien-cuu-cua-ha-lan-nguyen-nhan-lon-gay-xam-nhap-man-o-dbscl-la-do-xay-dap-20210723112032192.htm

MỰC NƯỚC BIỂN DÂNG KHÔNG ĐÁNG BÁO ĐỘNG !

Nils-Axel Mörner


Một trong khoảng 1.190 hòn đảo san hô xinh đẹp bao gồm quốc gia Maldives. Như Mörner cho thấy, Maldives không có nguy cơ bị ngập lụt

Trong một buổi phỏng vấn và một bài báo được xuất bản vào thế kỉ 21 năm 2007, tôi đã từng nói về vấn đề mực nước biển toàn cầu là mối đe dọa chính trong các kịch bản biến đổi khí hậu của IPCC nhưng lại không nằm trong chế độ cảnh báo. Nếu mực nước biển dâng lên không nằm ở mức cao, thì không có mối đe dọa hay vấn đề thật sự nghiêm trọng nào. Trong những bài báo tiếp theo, tôi tiếp tục đưa ra những dữ liệu mới về sự ổn định của mực nước biển. Cơ sở dữ liệu về những sự quan sát thực tế của chúng tôi từ quần đảo Maldive được mô tả chi tiết trong Mörner 2007b. Một nghiên cứu mới ở Bangladesh được công bố vào năm 2010 (Mörner 2010a). Dữ liệu mới về sự thay đổi mực nước biển chung được công bố ở bài báo khác (2010b). Ngoài ra, tập sách nhỏ về mực nước biển của tôi có tiêu đề “Lời nói dối vĩ đại nhất từng được kể” (The Greatest Lie EverTold) (Mörner 2007c) đã được cập nhật trong các ấn bản mới vào năm 2009 và 2010. Trong bài báo này, tôi sẽ điều tra tỷ lệ về sự thay đổi mực nước biển của IPCC và các tổ chức khác đề xuất. Hình 1 (Figure 1) minh họa sự khác nhau giữa kịch bản IPCC và thực tế. Sau năm 1965, 2 đường cong bắt đầu phân kỳ đáng kể (vùng được đánh dấu bằng dấu chấm hỏi). Bài báo này sẽ nêu bật những điểm khác biệt và tìm kiếm giải pháp về dữ liệu nào đáng tin cậy và dữ liệu nào cần loại bỏ. Hình 2 cho thấy phổ ước tính mực nước biển ngày nay. Tỷ lệ mực nước biển dâng được đề xuất là từ 0,0 đến 3,2 mm mỗi năm. Rõ ràng, tất cả những tỷ lệ này không thể chính xác. Tôi sẽ cố gắng làm thẳng dấu chấm hỏi trong Hình 1 bằng cách thực hiện một cuộc kiểm tra quan trọng về tỷ lệ được đưa ra trong Hình 2.

Hình 1. Sự thay đổi mực nước biển (1840 – 2010).
Hình 1 cho biết rằng đường cong màu hồng (kết quả từ mô hình), thể hiện sự kết hợp giữa các kết quả đo thủy triều đã chọn của IPCC và dữ liệu đo độ cao vệ tinh đã hiệu chỉnh. Đường cong màu xanh (kết quả từ quan sát), đại diện cho những thay đổi mực nước biển dâng cao quan sát được trong thực địa theo Mörner (1973) cho đến năm 1960 và (trong bài báo này), sau đó. Sau năm 1965, hai đường cong bắt đầu phân kỳ, thể hiện hai góc nhìn hoàn toàn khác nhau (cách nhau bởi vùng có dấu chấm hỏi), nơi chỉ có thể quan sát được một góc nhìn.
Hình 2. Tỉ lệ thay đổi mực nước biển (mm/năm)
Hình 2 thể hiện tỷ lệ thay đổi mực nước biển hiện nay được đề xuất dao động từ 0,0 mm/năm (theo dữ kiện quan sát từ một số địa điểm quan trọng trên toàn thế giới), đến 3,2 mm/năm (theo đo độ cao vệ tinh hiệu chỉnh).

Kết quả quan trắc (observation facts)

Những số liệu đo đạc trong nghiên cứu này cho rằng mực nước biển không dâng lên ở Maldives, Bangladesh, Tuvalu, Vanuatu, and French Guyana (Mörner, 2007a, 2007b, 2007c, 2010a, 2010b). Tất cả những nơi này là những vị trí chủ yếu trong cuộc tranh luận mực nước biển, nơi mà IPCC và các tổ chức đã dự đoán các kịch bản lũ cực đoan. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác với những gì IPCC tuyên bố, như đã nêu bật trong cuộc phỏng vấn và bài báo của tôi trong bài Thế kỷ 21 (21st Century).

Nhóm IPCC và Tổng thống Maldives và Tuvalu tiếp tục tuyên bố rằng lũ lụt đang diễn ra, và sẽ sớm tràn vào các hòn đảo và quét sạch các quốc đảo đó khỏi bề mặt địa cầu (hay đúng hơn là đại dương). Ở đây, chúng ta đang phải đối mặt với một hành vi có thể được gọi là hành vi “che giấu sự suy giảm mực nước biển” (sea-level-gate). Trong một bức thư ngỏ gửi cho Tổng thống Maldives (Mörner 2009), tôi đã đề cập đến sự khác biệt giữa tuyên bố của ông ấy và các quan sát thực địa của chúng tôi, nhưng không nhận được sự quan tâm.

Bangladesh là một quốc gia luôn phải hứng chịu thiên tai – lượng mưa lớn trên dãy Himalaya và lốc xoáy ven biển. Như thể điều này chưa đủ tệ, mực nước biển ở khu vực này được khẳng định rằng đang ở chế độ dâng cao nhanh chóng. Tuyên bố này đã hoàn toàn bị mất uy tín bởi nghiên cứu của tôi ở khu vực Sundarban, nơi sự thật là biển vẫn ổn định trong 40-50 năm qua (Mörner 2010a).

Sai lầm trong việc dự báo sự gia tăng mực nước biển đã được sử dụng để xây dựng các kịch bản hoang đường, với tuyên bố rằng hàng chục đến hàng trăm nghìn người có thể bị chết đuối và “hàng triệu người sẽ phải di dời trong suốt thế kỷ khi mực nước biển trỗi dậy ”(Byravana và Raja 2010). Đây thực sự là một sai lầm khủng khiếp về tình hình thực tế. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang phải đối mặt với một “âm mưu giả tạo mực nước biển dâng” (sea-level-gate). Tạp chí Đạo đức và Các vấn đề Quốc tế (Ethics and International Affairs) đã xuất bản tuyên bố sai lầm này, từ chối in một bình luận “tập trung vào dữ liệu thực nghiệm” (that focuses on empirical data). Với sự ngạc nhiên, chúng ta cần phải tự hỏi: Ý nghĩa của việc giải quyết mối quan tâm về mặt đạo đức, nếu toàn bộ cơ sở thực nghiệm là sai?

Tại Tuvalu, Tổng thống tiếp tục tuyên bố rằng nước họ đang trong tình trạng ngập lụt. Tuy nhiên, dữ liệu đo thủy triều cung cấp dấu hiệu rõ ràng về sự ổn định trong 30 năm qua (Mörner 2007a, 2007c, 2010b; Murphy 2007). Ở Vanuatu, thước đo thủy triều cho biết mực nước biển ổn định trong 14 năm qua (Mörner 2007c).

Từ các bờ biển vùng Guyana và Surinam nước Pháp, có một kỷ lục mực nước biển rất đáng ghi nhận bao gồm nhiều chu kỳ thủy triều kéo dài 18,6 năm (Gratiot và cộng sự 2008). Nó thể hiện các biến dao động xung quanh mức 0 ổn định trong 50 năm qua (Mörner 2010b). Đối với cùng một khu vực, phương pháp đo độ cao vệ tinh (satellite altimetry) cho thấy mực nước biển dâng là 3,0 mm/năm. Điều này dấy lên sự nghi ngờ về giá trị đo độ cao của vệ tinh, sẽ được thảo luận thêm bên dưới.

Kết quả đo mực nước biển từ Venice được sử dụng như nơi thử nghiệm về sự thay đổi mực nước biển toàn cầu (global eustasy2). Trừ đi hệ số sụt lún, nó không cho thấy sự gia tăng mực nước biển ban đầu, không nhận thấy sự gia tăng nào trong những thập kỷ qua; thay vào đó, nó cho thấy mực nước biển hạ thấp vào khoảng năm 1970 (Mörner 2007a, 2007c). Các bờ biển phía Tây Bắc Châu Âu là những nơi rất thú vị bởi vì ở đây có các vị trí đang trải qua 2 quá trình nâng lên (uplift) và sụt lún (subsidence). Máy đo thủy triều (tide-gauge) tại Korsør trong Vành đai Lớn – The Great Belt (eo biển giữa các đảo chính của Đan Mạch là Zealand và Funen), nằm ở biên của 2 quá trình nâng lên và sụt lún trong 8.000 năm qua. Máy đo thủy triều này cho thấy mực nước biển không dâng trong 50 – 60 năm qua. Máy đo thủy triều ở Amsterdam, được lắp đặt vào năm 1682, là chiếc máy đo thủy triều lâu đời nhất trên thế giới. Ghép kết quả đo sụt lún này vào kết quả đo nâng lên từ máy đo thủy triều ở Stockholm, tôi đã cô lập một yếu tố ảnh hưởng đến sự gia tăng mực nước biển đó là sụt lún trong khoảng thời gian từ 1680 đến khoảng 1970 (Mörner 1973). Điều này cho thấy sự gia tăng từ năm 1830-1840 lên đến năm 1930-1940 là 11 cm. Trong khoảng thời gian 100 năm đó, tốc độ quay của Trái đất giảm ở một giá trị tương ứng với mực nước biển dâng 10 cm (ví dụ: xem Mörner 1996). Do đó, có một sự phù hợp rất tốt giữa mực nước biển dâng và giảm tốc độ quay, dường như cung cấp một thước đo về yếu tố ảnh hưởng mực nước biển toàn cầu (đường màu xanh so với đường màu đỏ trong Hình 3).

Cuxhaven, nằm ven biển nước Đức, đặt máy đo thủy triều từ năm 1843 trong một khu vực đại diện cho phân đoạn sụt lún của các bờ biển Bắc Hải. Hình 3 cho thấy các giá trị trung bình hàng năm trong 160 năm, với một đa thức xu hướng dài hạn (Herold unubl.). Đường cong (màu xanh) này thể hiện một xu hướng tăng nhẹ giống hình sin về sự thay đổi tương đối mực nước biển trung bình trong khu vực. Bổ sung vào thành phần thay đổi mực nước biển ở khu vực Tây Bắc Châu Âu (Mörner 1973), chúng tôi có được một phần tốc độ lún cục bộ (đường cong màu đỏ), và một phần là thành phần xói mòn, được mở rộng cho đến nay và được kiểm tra lại cho phần trước năm 1970 (sự khác biệt giữa đường cong màu xanh và màu đỏ). Sự thay đổi mực nước biển trong khu vực giảm sau năm 1930-1940, giữ nguyên giá trị vào khoảng năm 1950-1970 và giảm từ năm 1970 đến nay. Điều này cung cấp bằng chứng chắc chắn rằng mực nước biển hoàn toàn không ở trong chế độ dâng cao như ngày nay; đúng hơn là có một xu hướng ngược lại: một chế độ giảm chậm. Những dữ liệu này được kết hợp trong đường cong của các dữ kiện quan sát trong Hình 1.

Hình 3. Số liệu ghi nhận của máy đo thủy triều tại Cuxhaven
Hình 3 cho thấy khu vực màu xám cung cấp kết quả đo thủy triều thực tế cho cảng Cuxhaven ở Biển Bắc Đức trong năm 1843-2003 – nghĩa là trong 160 năm. Một đa thức đã được gắn (bởi Jörn Herold) vào kết quả đo thủy triều này. Thêm thành phần thay đổi (eustatic) của Mörner (1973) cho giai đoạn 1840-1970, cho đường thẳng sụt lún (màu đỏ) với tốc độ 1,4 mm/năm. Sự khác biệt giữa đường cong màu xanh và màu đỏ hiện có thể được mở rộng đến năm 2003, và nó cho thấy sự gia tăng dừng lại vào khoảng năm 1960, sau đó là sự hạ thấp liên tục cho đến năm 2003; nghĩa là, một xu hướng hoàn toàn khác với xu hướng được đề xuất bởi các mô hình IPCC nhưng hoàn toàn phù hợp với các dữ kiện quan sát trong Hình 1.

Số liệu thu thập từ máy đo thủy triều (Tide-gauge Records)

Máy đo thủy triều được lắp đặt tại các công trình bến cảng để đo lường sự thay đổi của mực nước thủy triều và sự thay đổi mực nước biển trong thời gian dài. Máy đo thủy triều ở Amsterdam là loại lâu đời nhất, được lắp đặt vào năm 1682; máy đo thủy triều Stockholm là lâu đời thứ hai, được lắp đặt vào năm 1724/1774); và máy đo thủy triều Liverpool là chiếc lâu đời thứ ba, được lắp đặt vào năm 1768. Hầu hết các máy đo thủy triều được lắp đặt trên các công trình bến cảng hoặc cầu tàu không ổn định. Do đó, các dữ liệu đo thủy triều chắc chắn sẽ phóng đại mực nước biển dâng. Cơ sở dữ liệu đo thủy triều của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) bao gồm 159 trạm (Hình 4). Các nhà chức trách của IPCC có quyền tự do lựa chọn những gì họ gọi là số liệu “đại diện” cho việc tái lập xu hướng mực nước biển trăm năm của họ. Tất nhiên, điều này ngụ ý rằng quan điểm cá nhân của họ – nghĩa là, kịch bản IPCC đã đặt ra từ đầu dự án – được áp dụng trong việc lựa chọn và xác định số liệu “đại diện” của họ. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy có một “âm mưu” khác. Với phương pháp lựa chọn này, Douglas (1991) đã chọn 25 máy đo thủy triều và có tốc độ mực nước biển dâng là 1,8 mm/năm; Church et al. (2006) đã chọn 6 máy đo thủy triều và đạt tốc độ 1,4 mm/năm; và Holgate (2007) đã chọn 9 máy đo thủy triều và có tốc độ là 1,45 mm/ năm (Hình 2). Giá trị trung bình của tất cả 159 vị trí NOAA cho tốc độ từ 0,5 mm/năm đến 0,6 mm/năm (Burton 2010). Tuy nhiên, một cách tiếp cận tốt hơn là loại trừ những vị trí đại diện cho các khu vực được nâng lên và bị lún (Hình 4). Điều này để lại 68 vị trí ổn định hợp lý (vẫn có khả năng tăng tốc độ thay đổi, như đã thảo luận ở trên). Các địa điểm này đưa ra tốc độ mực nước biển dâng hiện tại là 1,0 (± 1,0) mm/năm. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ được đưa ra bởi máy đo độ cao vệ tinh và có vẻ “thuyết âm mưu về giả tạo số liệu mực nước biển” (sea-level gate) ngày càng khống chế sự thật.

Hình 4. Phổ thể hiện tốc độ gia tăng mực nước biển của
159 trạm đo thủy triều NOAA
Hình 4 cho thấy các giá trị của 159 trạm đo thủy triều của NOAA chỉ ra rằng chúng nằm trong khoảng từ khu vực nâng lên đến khu vực sụt lún (khu vực xanh). Nếu loại trừ các vị trí nâng lên và sụt lún (khu vực xanh), chúng ta chỉ còn lại một số địa điểm (khu vực màu đỏ) nơi mực nước biển dâng trong khoảng 0,0 đến 2,0 mm / năm. Con số này thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ do IPCC đưa ra (vùng màu hồng) và đo độ cao vệ tinh (như thảo luận bên dưới).

Đo độ cao bằng vệ tinh (Satellite Altimetry)

Đo độ cao vệ tinh là một kỹ thuật mới tuyệt vời giúp tái lập sự thay đổi của mực nước biển trên khắp bề mặt đại dương. Điều này rất quan trọng, vì mực nước biển không chỉ thay đổi theo chiều dọc mà còn thay đổi theo chiều ngang. Sự phân bố lại theo chiều ngang của các khối nước lần đầu tiên được quan sát đối với sự thay đổi mực nước biển cuối Holocen từ trăm năm đến thập niên (xem, ví dụ, Mörner 1995 và 1996) và được thể hiện rõ ràng trong dữ liệu đo vệ tinh từ năm 1992-2010 (ví dụ, xem Nicholls và Casenave 2010; Casenave và Llovel 2010). Tuy nhiên, các vấn đề lớn vẫn liên quan đến mức 0 đã được chọn và có xu hướng dài hạn (Mörner 2004, 2007c, 2008).

Hình 5. Sự thay đổi mực nước biển quan sát từ vệ tinh TOPEX/POSEIDON vào năm 2000.

Đây là những thay đổi mực nước biển trung bình hàng năm từ các quan sát vệ tinh TOPEX/POSEIDON, sau khi áp dụng “hiệu chỉnh” kỹ thuật (từ Menard 2000). Đã xác định được xu hướng tăng chậm và dài hạn 1,0 mm/năm, nhưng cách tiếp cận tuyến tính này bỏ qua sự kiện ENSO trong chu kỳ 175-200.

Các nhiệm vụ Topex/Poseidon và sau này của Jason đã ghi lại những biến đổi của bề mặt đại dương với độ phân giải cao. Sau khi áp dụng tất cả các hiệu chỉnh kỹ thuật cần thiết, Menard (2000 và cả Aviso 2000) đã trình bày một biểu đồ mực nước biển đầu tiên từ năm 1992 đến năm 2000 (Hình 5). Xu hướng 1,0 mm/năm trong hình 5 được thiết lập theo phương pháp tuyến tính, bỏ qua thực tế rằng mức cao khủng trong chu kỳ 175-200 đại diện cho một sự kiện ENSO. (ENSO là El Niño / La Niña-Southern Oscillation, một kiểu khí hậu bán định kỳ xảy ra trên vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương vài năm một lần). Do đó, một cách tiếp cận thực tế hơn nhiều là coi tín hiệu ENSO đó như một sự kiện riêng biệt, chồng lên xu hướng dài hạn, như trong Hình 6 (Mörner 2004). Hình 6 cho thấy sự biến thiên (± 10 mm) xung quanh mức 0 ổn định (đường màu xanh) và sự kiện ENSO mạnh (đường màu vàng) vào năm 1997. Xu hướng sau đó ít rõ ràng hơn (đường màu xám). Biểu đồ này không cho thấy dấu hiệu về bất kỳ sự gia tăng nào trong khoảng thời gian được đề cập (Mörner 2004, 2007a, 2007c).

Hình 6. Sự thay đổi mực nước biển từ hình 5 và có xét đến đỉnh ENSO.
Hình 6 cho thấy sự thay đổi mực nước biển từ Hình 5 được trình bày ở đây với một phân tích xu hướng thực tế hơn coi đỉnh ENSO 1997 (màu vàng) là một sự kiện riêng biệt chồng lên xu hướng dài hạn. Điều này cho thấy sự ổn định trong 5 năm đầu tiên (màu xanh lam) và có thể trong toàn thời gian (từ Mörner 2004, 2007c).

Khi nhóm thực hiện kỹ thuật đo độ cao vệ tinh nhận ra rằng sự gia tăng năm 1997 là một tín hiệu ENSO, và họ đã mở rộng xu hướng này đến năm 2003, họ dường như đã phải đối mặt với một vấn đề: Không thể nhìn thấy mực nước biển dâng, và do đó cần phải tiến hành “diễn giải lại” . (Điều này đã công bố tại cuộc họp Sự nóng lên toàn cầu do Viện Hàn lâm Khoa học Nga tổ chức tại Moscow năm 2005 mà tôi đã tham dự). Chính xác những gì đã được thực hiện vẫn chưa rõ ràng, vì các nhóm đo độ cao vệ tinh không chỉ ra các kỹ thuật “hiệu chỉnh” bổ sung mà họ thực hiện.

Năm 2003, dữ liệu đo độ cao của vệ tinh (Aviso 2003) đột nhiên có một độ nghiêng mới – khác với dữ liệu khi chưa có độ nghiêng của năm 1992-2000, được thấy trong Hình 5 và 6 – là 2,3 (± 0,1) mm / năm (Hình 7). Độ nghiêng xuất phát từ đâu? Những gì nằm bằng phẳng trong Hình 5 năm 2000 giờ đã bị nghiêng lên trong Hình 7 năm 2003 (Aviso 2000, 2003). Rõ ràng, có sự “hiệu chỉnh” đã được thực hiện, mà không xác định điều này theo cách cho phép đánh giá (xem Mörner 2007c, 2008). Trong hầu hết các biểu đồ đại diện cho dữ liệu mực nước biển đo độ cao của vệ tinh (trên Internet và trong các bài báo), người ta thậm chí còn không lưu ý rằng các biểu đồ không trình bày xu hướng khi đọc từ vệ tinh, mà là xu hướng sau khi “hiệu chỉnh”.

Ban đầu, có vẻ như việc “hiệu chỉnh” bổ sung và không xác định này đề cập đến điều chỉnh đẳng tĩnh toàn cầu (global isostatic adjustment – GIA) là 2,4 mm/năm (xem, ví dụ, Peltier 1998) hoặc 1,8 mm/năm (IPCC 2001). Đường đẳng 0 của GIA theo Peltier (1998) đi qua Hồng Kông, nơi máy đo thủy triều cho kết quả mực nước biển dâng tương đối là 2,3 mm/năm. Đây chính xác là giá trị xuất hiện trong Hình 7. Kết quả đo thủy triều này mâu thuẫn với bốn kết quả khác hiện có ở Hồng Kông, và rõ ràng là đại diện cho sự sụt lún cụ thể của một vị trí, một thực tế được các nhà địa chất địa phương biết đến. Tuy nhiên, một hệ số hiệu chuẩn mới đã được giới thiệu trong đồ thị Hình 7. Tại cuộc họp về sự nóng lên toàn cầu ở Mátxcơva năm 2005, trước những lời chỉ trích của tôi về “sự điều chỉnh” này, một trong những người trong phái đoàn IPCC của Anh đã nói, “Chúng tôi phải làm như vậy, nếu không sẽ không có bất kỳ xu hướng nào.” Tôi trả lời: “Anh có biết mình đang nói gì không? Tôi đang buộc tội anh đấy”. Do đó, trong tập sách năm 2007 của tôi (Mörner 2007c), biểu đồ Hình 7 đã bị nghiêng trở lại vị trí ban đầu của nó (Hình 5).

Hình 7. Sự thay đổi mực nước biển sau khi hiệu chỉnh năm 2003.
Hình 7 cho thấy kết quả đo độ cao từ vệ tinh được thể hiện với màu đen là TOPEX/POSEIDON và Jason là màu đỏ. Như được trình bày vào năm 2003 (Aviso 2003), đột nhiên có một xu hướng mới thể hiện tốc độ gia tăng mực nước biển là 2,3 (± 0,1) mm/năm. Điều này có nghĩa là các kết quả đo ban đầu được trình bày trong Hình 5 và 6 hiện đã bị nghiêng đi 2,3 mm/năm. Bây giờ chúng ta phải hỏi: Sự nghiêng này đến từ đâu?

Việc hiệu chuẩn được áp dụng cho kỹ thuật đo độ cao vệ tinh đã được thảo luận trong Mitchum (2000 – cf. Casenave và Nerem 2004; Leuliette và Scharroo 2010). Các kết quả đo thủy triều đóng vai trò trung tâm trong việc này, hàm ý rằng có sử dụng lý luận vòng tròn (circular reasoning) trong hiệu chỉnh. Các yếu tố quan trọng khác là sự điều chỉnh đẳng tĩnh toàn cầu (GIA) và chuyển động thẳng đứng của các vị trí đo thủy triều. Mitchum (2000) nói rằng “Chúng tôi đã áp dụng tốc độ tăng MNB của Douglas (1991, 1995) đưa ra là 1,8 ± 0,1 mm/năm” và “các máy đo thủy triều giả định là ổn định theo chiều dọc.” Cả hai giả định này đều sai. Tốc độ 1,8 mm/năm không được thiết lập tốt mà ngược lại (xem Hình 2). Các kết quả đo thủy triều, đặc biệt là các kết quả được chọn, không ổn định theo phương thẳng đứng mà ngược lại (điều này áp dụng cho 6 địa điểm được Church và cộng sự sử dụng cũng như 25 địa điểm được Douglas sử dụng). Mitchum (2000) đã cung cấp các mối quan hệ sau (như được biểu thị trong phương trình  bên dưới):

Mỗi ô trong số ba ô (A, B và C) bao gồm nhiều biến cần xử lý cẩn thận và khéo léo, điều này chắc chắn chưa được thực hiện bởi các nhóm xử lý kết quả từ kỹ thuật đo độ cao vệ tinh và IPCC.

Để thiết lập một xu hướng đo thủy triều cục bộ (hộp A), không đơn giản và trực tiếp. Các xu hướng tuần hoàn, tín hiệu sự kiện và phân đoạn phải được xác định và loại trừ. Nhiều biến số khác nhau ảnh hưởng và can thiệp vào xu hướng dài hạn. Thông thường, không có xu hướng dài hạn, chỉ là các phân đoạn cần được xử lý riêng lẻ (như trường hợp kết quả đo thủy triều Bombay, được thảo luận bởi Mörner, 2010a). Các sự kiện ENSO (như sự kiện Super-ENSO) phải được loại trừ, như minh họa trong Hình 6 và được trình bày cho kết quả ở Tuvalu của Mörner (2007c, 2010b).

“Yếu tố mực nước biển toàn cầu” được đề xuất (hộp B) không bao giờ rõ ràng và tin cậy; thay vào đó, đó là vấn đề quan điểm cá nhân, như được thấy trong Hình 2. Tốc độ 1,8 mm/năm chắc chắn là một ước tính quá cao bị ảnh hưởng mạnh bởi sự sụt lún tại các cột đo thủy triều được chọn (Hình 2). Theo tôi, giá trị tốt hơn sẽ là 0,0 mm/năm (hoặc cao hơn một chút). Vấn đề di chuyển khối (land motion) cục bộ tại các vị trí đo thủy triều (hộp C) là một vấn đề phức tạp khác đòi hỏi sự hiểu biết địa chất của địa điểm được đề cập. Những thay đổi cục bộ của đất trầm tích (chẳng hạn như nén chặt, rút nước, v.v.) là một yếu tố chính để đánh giá (Mörner 2004, 2010b). Những thay đổi này không thể được ghi lại bằng các phép đo vệ tinh, mà chỉ bằng kiến thức thực địa về địa điểm. Nhiều thiết bị đo thủy triều được lắp đặt trên các công trình xây dựng bến cảng và cầu tàu chưa ổn định. Các chuyển động của lớp vỏ và địa chấn là những yếu tố khác. Trong trường hợp của bến cảng ở thủ đô Malé của Maldives, hòn đảo này bị quá tải bởi việc xây dựng đến mức làm cho các công trình xây dựng ở bến cảng bị đổ và bị lệch theo cách làm kết quả đo thủy triều không còn đủ độ tin cậy. Một điều chắc chắn là: kỹ thuật đo độ cao vệ tinh không cung cấp những gì thường được khẳng định, một “thước đo độc lập về sự thay đổi mực nước biển” trái ngược với thiết bị đo thủy triều và điều chỉnh đẳng tĩnh toàn cầu. Thay vào đó, nó là một bản ghi phụ thuộc chủ yếu vào các biến đó. Với các quan sát trọng trường không gian từ GRACE, có thể ghi lại những thay đổi trọng lượng nước trong đại dương (Casenave et al. 2009), gần đúng với sự thay đổi mực nước biển toàn cầu trung bình (Hình 8). Khái niệm điều chỉnh đẳng tĩnh toàn cầu, hay GIA, là một mô hình, trong đó một số dữ liệu được hỗ trợ (ví dụ, xem Peltier 1998) và một số dữ liệu khác thì có mâu thuẫn trực tiếp (ví dụ, Mörner 2005).

Hình 8. Sự thay đổi trọng lượng nước trên đại dương từ
dữ liệu vệ tinh GRACE.

Các kết quả đo trọng lực không gian (space gravimetry) từ các vệ tinh GRACE ghi lại những thay đổi về trọng lượng đại dương, gần đúng với sự thay đổi mực nước biển toàn cầu (từ Casenave et al. 2009). Dữ liệu thô cho thấy mức giảm nhẹ –0,12 (± 0,06) mm / năm (chấm xanh lam). Như vậy, việc hiệu chỉnh mô hình điều chỉnh đẳng tĩnh toàn cầu (GIA) cần được đặt ra,  theo Casenave et al. (2009) thiết lập tỷ lệ hiệu chỉnh là 1,9 (± 0,9) mm/năm (chấm hồng). Sự khác biệt là đáng kể. Câu hỏi đặt ra là liệu sự “hiệu chỉnh” này có chính đáng hay không. Các hiệu chỉnh trong mô hình GIA đã được áp dụng cho máy đo thủy triều, kết quả đo mực nước biển, máy đo độ cao vệ tinh và bây giờ là sự thay đổi trọng lượng đại dương. Có vẻ như nếu không có việc hiệu chỉnh GIA đó, thì sẽ có rất ít hoặc không còn chỗ cho mực nước biển dâng toàn cầu. Hiệu chỉnh máy đo thủy triều cho GIA hoặc chuyển động của lớp vỏ khu vực không phải là cách chính xác để xử lý các loại kết quả này. Thay vào đó, mỗi địa điểm phải được đánh giá từ các tiêu chí riêng về độ ổn định, gió, sóng, trầm tích, nén, tải và kiến tạo. Một lần hiệu chỉnh mô hình GIA ẩn có thể cung cấp kết quả khá sai lệch; đó là một lối tắt nguy hiểm được áp dụng bởi những người không phải là chuyên gia được đào tạo về ngành biển và do đó không có kỹ năng để tự thực hiện các phân tích độ ổn định cụ thể cho từng địa điểm.

GRACE, Thí nghiệm phục hồi trọng lực và khí hậu, một sứ mệnh vệ tinh chung của Hoa Kỳ và Đức cung cấp các ước tính có độ phân giải cao về trường trọng lực của Trái đất và sự biến đổi của nó. Hai tàu vũ trụ GRACE giống hệt nhau bay cách nhau khoảng 220 km trên quỹ đạo địa cực, cách Trái đất 500 km. Họ lập bản đồ trường trọng lực của Trái đất bằng cách đo chính xác khoảng cách giữa hai vệ tinh, sử dụng GPS và hệ thống vi sóng. Điều này cung cấp thông tin về sự phân bố và lượng dòng chảy trong Trái đất và môi trường xung quanh nó, bao gồm những thay đổi do các dòng chảy bề mặt và sâu trong đại dương gây ra và sự trao đổi giữa các tảng băng và đại dương.

Hình 9 cho thấy các kết quả đo độ cao vệ tinh được trình bày bởi NOAA (2008) tăng 3,2 (± 0,4) mm/năm.


Hình 9. Kết quả đo MNB từ kỹ thuật đo độ cao vệ tinh cung cấp bởi NOAA.
Dữ liệu vệ tinh TOPEX-Jason cung cấp một kết quả cho thấy mực nước biển dâng trung bình trong giai đoạn 1993-2007 là 3,2 mm/năm. Hình 8 (GRACE) Xu hướng đã hiệu chỉnh GIA cho năm 2003-2007 (đường màu đỏ) khá phù hợp với dữ liệu Jason. Do đó, biểu đồ đo độ cao vệ tinh này có xu hướng dài hạn, không đại diện cho các phép đo dụng cụ thực tế, nhưng được tạo ra bằng thủ thuật “hiệu chỉnh”.

Trong Hình 10, kết quả đo độ cao vệ tinh của Hình 9 được nghiêng ngược lại để phù hợp với xu hướng ban đầu trong Hình 5 và 6 cho giai đoạn 1992-2000 (trường màu vàng) và dữ liệu thô của GRACE trong Hình 8, cho giai đoạn 2003- 2007 (đường vàng). Điều này cung cấp một biểu đồ đo độ cao vệ tinh chưa được điều chỉnh cho thấy không có dấu hiệu của bất kỳ sự gia tăng mực nước biển nào. Kết quả đo gốc cho giai đoạn 1992-2000 được khôi phục (xem Hình 5 và 6) và dữ liệu thô GRACE hoàn toàn phù hợp với kết quả trên. Điều này nhằm nói lên rằng kết quả đo độ cao của vệ tinh Hình 9 bị thay đổi đáng kể bởi các “hiệu chỉnh” phi kỹ thuật (bất kể chúng có chính xác không). Các nhóm chịu trách nhiệm tại CNES (Cơ quan vũ trụ của Pháp, Centre National d’Etudes Spatiales) và NOAA không chỉ rõ phương pháp “hiệu chỉnh” được áp dụng. Có thể áp dụng nhiều cách hiệu chỉnh khác nhau, nhưng chúng phải được chỉ định rõ ràng. Đây không phải là trường hợp của xu hướng mực nước biển dâng hiện nay được lưu hành từ phương pháp đo độ cao vệ tinh (ví dụ, xem Aviso 2003 và NOAA 2008). Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang ở đây đối mặt với một “âm mưu giả mạo dữ liệu MNB” (sea-level gate) nghiêm trọng. Nếu việc “hiệu chỉnh” được áp dụng không được chỉ định và lý luận rõ ràng thì kết quả đầu ra không thể được đánh giá một cách khách quan. Trong trường hợp này, nó dường như đã làm cho thông tin bị sai lệch. Điều tồi tệ hơn, điều này dường như được cố ý thực hiện để hỗ trợ cho kịch bản ngập lụt của IPCC. Trước đây tôi đã tuyên bố (Mörner 2008) rằng việc ghi đo độ cao vệ tinh bao gồm ba bước: (1) đọc thiết bị vệ tinh; (2) “thu thập kết quả” (sau khi hiệu chỉnh từ các điều chỉnh kỹ thuật), như được trình bày trong Hình 10; và (3) “trình diễn kết quả” (sau khi áp dụng“ hiệu chuẩn cá nhân ”), như được trình bày trong Hình 9. Điều này được minh họa trong Hình 11. Như đã báo cáo ở trên về những điều chỉnh đó, một thành viên IPCC đã nói với tôi rằng“ Chúng tôi phải làm như vậy, nếu không thì nó sẽ không phải là bất kỳ xu hướng nào, ”và điều này dường như chính xác là như vậy. Điều này có nghĩa là chúng ta đang phải đối mặt với một hành vi “giả tạo” rất nghiêm trọng, nếu không muốn nói là phi đạo đức. Do đó, “kết quả thu thập” thực tế của phép đo độ cao vệ tinh (Hình 10) cho thấy mực nước biển dâng khoảng 0,0 mm/năm. Điều này phù hợp với các dữ kiện quan sát và chúng ta dường như đạt được một bức tranh thống nhất về không, hoặc nhiều nhất là mực nước biển dâng nhỏ (theo thứ tự 0,5 mm / năm) trong 50 năm qua.

Hình 10. Kết quả đo độ cao vệ tinh quay lại trạng thái ban đầu khi chưa hiệu chỉnh.

Đo độ cao vệ tinh đã điều chỉnh của Hình 9 ở đây được khôi phục trở lại xu hướng ban đầu chưa được điều chỉnh của nó. Bản ghi gốc cho giai đoạn 1992-2000 (trường màu vàng) cho thấy sự biến thiên xung quanh đường 0 nằm ngang ổn định (Hình 5 và 6). Dữ liệu thô GRACE (Hình 8) cho thấy xu hướng giảm nhẹ trong giai đoạn 2003-2007 (đường màu vàng). Hai bộ dữ liệu này kết hợp với nhau chỉ ra rằng xu hướng mực nước biển trung bình vẫn được duy trì trong bảng trong suốt thời kỳ.

Hình 11. Quy trình kỹ thuật đo vệ tinh GRACE và 2 kiểu hiệu chỉnh được áp dụng.

Các điều chỉnh kỹ thuật phải được áp dụng cho kết quả từ thiết bị vệ tinh. Những hiệu chỉnh này được áp dụng cho đồ thị đo độ cao ban đầu trong Hình 5 (Menard 2000, Aviso 2000) và Hình 6. “Kết quả trích xuất” cho biết xu hướng mực nước biển theo thứ tự 0,0 mm/năm (như trong Hình 2, 6 và 10). Bằng cách áp dụng các “hiệu chỉnh cá nhân” bổ sung có tính chất chủ quan, các biểu đồ (“trình diễn kết quả”) đã được tạo ra (ví dụ, Aviso 2003 và NOAA 2008) cho thấy mực nước biển tăng theo thứ tự 3 mm/năm (như đã thấy trong Hình 9). Do đó, các “trình diễn kết quả” đại diện cho thông tin sai lệch, không phải là “kết quả trích xuất” thực sự (từ Mörner 2008).

Kết luận

Các dữ kiện quan sát chỉ ra rằng mực nước biển hoàn toàn không ở chế độ dâng lên nhanh chóng, mà khá ổn định. Đây là trường hợp xảy ra ở các địa điểm quan trọng như Maldives, Bangladesh, Tuvalu, Vanuatu, đảo Saint Paul, Qatar, Guyana thuộc Pháp, Venice và tây bắc châu Âu. Máy đo thủy triều có xu hướng phóng đại xu hướng tăng vì lún và nén. Sự ổn định hoàn toàn trong 30-50 năm qua được chỉ ra ở các địa điểm như Tuvalu, Ấn Độ, Maldives (và cả Laccadives ở phía bắc Maldives), Venice (sau khi trừ đi hệ số lún), Cuxhaven (sau khi trừ đi hệ số lún) , và Korsør (một bản lề ổn định trong 8.000 năm qua).

Thiết bị đo độ cao vệ tinh được hiển thị để ghi lại các biến thể xung quanh mức 0 ổn định trong toàn bộ giai đoạn 1992-2010. Các xu hướng theo thứ tự 3 mm/năm thể hiện “kết quả được trình diễn”, sau khi áp dụng “hiệu chuẩn cá nhân”, không thể chứng minh bằng các dữ kiện quan sát. Do đó, bây giờ chúng ta có thể quay lại Hình 1 và tuyên bố rằng các “mô hình” (đường cong màu hồng) cung cấp một bức tranh ảo về mực nước biển dâng mạnh và các “quan sát” (đường cong màu xanh lam) tạo ra sự phản ánh tốt về những thay đổi thực tế của mực nước biển trong 170 năm qua, với sự ổn định trong 40 năm qua. Chúng ta quay trở lại với phổ tỷ lệ mực nước biển ngày nay (Hình 2) và đánh giá các giá trị khác nhau được đề xuất. Đây là minh họa trong Hình 12. Chỉ các tỷ lệ theo thứ tự từ 0,0 mm/năm đến tối đa 0,7 mm/năm là thực tế. Điều này rất phù hợp với các giá trị do INQUA (2000) và Mörner (2004) đề xuất cho năm 2100, nhưng khác nhiều so với các giá trị do IPCC đề xuất (2001, 2007).

Hình 12. Đánh giá độ tin cậy giữa các phương pháp tính toán mực nước biển dâng.

Hình 12 cho thấy phổ giá trị tốc độ của mực nước biển dâng ngày nay có thể được ước tính là hợp lệ. Chỉ các giá trị theo thứ tự từ 0,0 mm/năm (theo gợi ý của các dữ kiện quan sát) đến tối đa 0,7 mm/năm là có thể xảy ra. Giá trị dao động từ 1,3 đến 3,4 mm/năm được coi là đánh giá quá cao không thể đánh giá được. Các giá trị theo thứ tự 1 mm/năm đại diện cho sự tăng (và giảm) một phần trăm. Điều này đồng ý với các ước tính về mực nước biển có thể dâng vào năm 2100 là 5 ± 15 cm (Mörner 2004) và 10 ± 10 cm (INQUA 2000), nhưng khác đáng kể so với giá trị do IPCC đề xuất là 37 ± 19 cm (IPCC 2007). Do đó, chúng ta thấy rằng mối đe dọa mực nước biển của IPCC đã biến mất. Phát biểu về sự gia tăng mực nước biển đang diễn ra sẽ làm ngập các hòn đảo và các bờ biển trũng thấp, nhấn chìm hàng chục nghìn người và buộc hàng trăm nghìn, tới hàng triệu người phải di dời đơn giản là một sai lầm nghiêm trọng, theo đây được tiết lộ như một ảo tưởng, thông tin sai lệch khủng khiếp. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một “hành vi che giấu sự thật về mực nước biển dâng” (sea-level gate) nghiêm trọng và tồi tệ.

Malé, thủ phủ của đảo Maldives, nơi tập trung phần lớn dân số của cả nước. Nghiên cứu của Tiến sĩ Mörner về kỷ lục mực nước biển trong 2.600 năm qua cho thấy mực nước biển giảm đáng kể trong những năm 1970 và không có dấu hiệu nào cho thấy sự gia tăng liên tục.
Một bãi biển ở đảo Tuvalu ở Thái Bình Dương, nơi trái ngược với các kịch bản của IPCC, mực nước biển đã ổn định trong ba thập kỷ.

Các sự kiện thực sự phải được tìm thấy trong tự nhiên; chắc chắn không phải ở các bảng mô hình. Một số bản ghi có tính chất diễn giải Những người khác khá rõ ràng và thẳng thắn. Tôi thường tuyên bố rằng “cây cối không nói dối” (ví dụ trong Mörner 2007c), ám chỉ những cái cây cô đơn ở Maldives, biểu thị mực nước biển ổn định trong 50-60 năm qua (và do đó đã được kéo xuống bằng tay bởi một nhóm các “nhà khoa học” người Úc và những người hướng đạo sinh IPCC). Và những cái cây trên bãi biển ở Sundarban, cho thấy sự xói mòn mạnh mẽ nhưng mực nước biển không dâng (Mörner 2007c, 2010a). Bằng cách này, tôi hy vọng, chúng ta có thể giải phóng thế giới khỏi cuộc khủng hoảng nhân tạo, vốn đã bị IPCC và các trinh sát viên của tổ chức này lên án về tình trạng ngập lụt trên diện rộng và thảm khốc trong tương lai gần. Đây là mối đe dọa chính trong kịch bản IPCC, và bây giờ nó đã biến mất.

Đôi nét về tác giả:

Chuyên gia hải dương học nổi tiếng Nils-Axel Mörner đã nghiên cứu mực nước biển và ảnh hưởng của nó đối với các khu vực ven biển trong khoảng 45 năm. Vừa mới nghỉ hưu với tư cách là giám đốc Khoa Vật lý cổ và Địa động lực học tại Đại học Stockholm, Mörner là chủ tịch (1999-2003) của Ủy ban INQUA về Thay đổi mực nước biển và Tiến hóa ven biển, và lãnh đạo Dự án mực nước biển Maldives. Giờ đây, ông có công ty riêng về Paleogeophysics & Geodynamics ở Thụy Điển, và có thể liên hệ theo địa chỉ morner@pog.nu.
Ông đưa ra nhận định: “Trong khi IPCC và các trinh sát viên của nó đưa ra các dự đoán về mực nước biển ngày càng tăng mạnh trong tương lai gần, các dữ kiện quan sát thực tế cho thấy mực nước biển hầu như vẫn ổn định trong 40-50 năm qua.”

Phương Thi dịch từ There is no alarming sea level rise!

Quảng Ngãi muốn dừng công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh

Đầu tư 20 tỷ đồng cho đề án Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh từ 2015, Quảng Ngãi muốn kết thúc do “hiệu quả không rõ ràng”.

Chiều 7/4, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi cho biết đã giao Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch báo cáo UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định kết thúc đề án Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh. Đề án công viên địa chất được triển khai từ năm 2015 với tên gọi ban đầu là Công viên địa chất toàn cầu Bình Châu – Lý Sơn. Khi ấy, Quảng Ngãi vừa khai quật nhiều tàu cổ ở vùng biển này, đồng thời đảo Lý Sơn đã hòa điện lưới quốc gia; nổi tiếng với di sản địa chất núi lửa và bề dày lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đảo Lý Sơn, vùng lõi của đề án Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh. Ảnh: Bùi Thanh Trung.

Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO với vùng lõi là đảo Lý Sơn được lãnh đạo Quảng Ngãi đánh giá sẽ giúp tỉnh phát triển bền vững. Nghị quyết Đảng bộ và HĐND tỉnh năm 2015 từng xác định việc thực hiện dự án này một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là du lịch.

Năm 2017, UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, giao Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch làm cơ quan thường trực. Từ đó đến nay, đơn vị này đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các chuyên gia quốc tế tiến hành hàng chục đợt khảo sát, với khoảng 160 hành trình khảo sát địa mạo, cảnh quan, và địa văn hóa nhằm xác định tổng thể các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất. Nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế về công viên đã được tổ chức, thu hút hàng trăm nhà khoa học.

Năm 2019, Ban Quản lý đánh giá diện tích Lý Sơn và vùng phụ cận quá nhỏ để làm đề án nên đề nghị tỉnh mở rộng lên 4.600 km2, bao gồm nhiều diện tích trên đất liền.

Cuối 2019, hồ sơ dự thảo về Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh đã được gửi cho UNESCO và vượt qua vòng sơ loại. Theo quy định, tổ chức này sẽ biểu quyết bằng phiếu bầu tại Hội nghị thường niên của Đại hội đồng UNESCO dự kiến ban đầu tổ chức vào cuối 2020 tại Jeju Hàn Quốc. Tuy nhiên, Covid -19 bùng phát trên toàn cầu nên việc thẩm định bị hoãn.

Theo ông Đặng Văn Minh, việc UBND tỉnh đồng ý cho mở rộng diện tích Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh là chưa đúng theo tinh thần nghị quyết đảng bộ lần thứ 19 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa có quyết định chính thức về việc này nên dù UBND tỉnh có gửi hồ sơ cho UNESCO thì cũng không đảm bảo đúng quy định.

“Sau khi rà soát toàn bộ đề án, UBND tỉnh cho rằng hiệu quả kinh tế – xã hội chưa rõ ràng”, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi cho biết.

Trong 5 năm qua, UBND Quảng Ngãi đã chi cho đề án khoảng 20 tỷ đồng. “Trong quá trình thực hiện thì có thể được có thể không được, chứ không phải thực hiện bằng mọi giá, việc bố trí kinh phí hàng năm đúng quy định thì quyết toán là bình thường”, ông Minh nói.

Theo UNESCO, Công viên địa chất toàn cầu (Global Geoparks) là những khu vực có địa chất và địa mạo có ý nghĩa địa chất quốc tế. Tổ chức này bắt đầu nghiên cứu công viên địa chất từ năm 2001. Đến năm 2004, đại diện 17 công viên địa chất trên thế giới đã họp tại Paris, Pháp để thành lập Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Đây là nơi các quốc gia trao đổi, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn di sản địa chất.

Công viên địa chất toàn cầu đặt ra các tiêu chuẩn để bảo tồn di sản địa chất hài hòa với bảo tồn văn hóa bản địa và phát triển kinh tế, du lịch. Ở Việt Nam có hai nơi đã được công nhận công viên địa chất toàn cầu là Công viên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Đăk Nông.

Phạm Linh https://vnexpress.net/quang-ngai-muon-dung-cong-vien-dia-chat-ly-son-sa-huynh-4259530.html

Cuộc chiến đất hiếm

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi tập đoàn Molycorp, nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất nước Mỹ sụp đổ với khoản nợ lên đến 2,3 tỷ USD thì mỏ đất hiếm Mountain Pass ở sa mạc Mojave, bang California chìm trong hoang vắng.

Vụ sụp đổ đã khiến nước Mỹ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc trong việc cung cấp đất hiếm chứa 17 nguyên tố tối cần thiết cho hầu hết các ngành công nghiệp hàng đầu…

Đất hiếm là gì

Được tìm thấy ở vỏ trái đất, đất hiếm chứa 17 nguyên tố quan trọng, gồm scandium, yttrium, lanthanum, cerium, praseodymium, neodymium, promethium, samarium, europium, gadolinium, terbium, dysprosium, holmium, erbium, thulium, ytterbium và lutetium, sử dụng trong vệ tinh viễn thông, vệ tinh định vị, máy bay, xe hơi, hàng điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi màn hình tinh thể lỏng, pin mặt trời và nhiều thiết bị quân sự như tên lửa đạn đạo…, trong đó chất neodymium được dùng để chế tạo nam châm vĩnh cửu và máy phóng tia laser, xeri được sử dụng làm chất xúc tác, giúp tinh chế dầu mỏ, praseodymium dùng để tạo ra kim loại trong động cơ máy bay, dysprosi sử dụng làm hợp kim trong khi terbi làm vật liệu pha trộn còn lantan dùng để chế tạo thấu kính. Tuy nhiên, một loại vật chất xem ra khá tầm thường nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào đất hiếm, đó là nam châm điện có trong ổ đĩa máy tính, trong turbin gió, trong động cơ của tất cả loại xe hơi chạy điện và nhiều máy móc tối tân khác. Nó chiếm 1/5 lượng tiêu thụ đất hiếm toàn cầu.

Mỏ đất hiếm Mountain Pass, bang California sau ngày đóng cửa.

Trước khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra, không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia vẫn phải phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung cấp đất hiếm. Nước này sản xuất và kiểm soát 80% lượng đất hiếm toàn cầu. Có lẽ ý thức được vấn đề nhạy cảm nên lúc tiến hành áp thuế một số sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, Bộ Thương mại Mỹ không đưa đất hiếm vào danh sách thuế quan trong lúc Trung Quốc đe dọa hạn chế xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm sang Mỹ.

Để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng, Chính phủ Mỹ thúc đẩy tập đoàn MP Materials, là một trong những nhà cung cấp đất hiếm ở Mỹ tăng cường sản xuất loại vật liệu này nhưng đó chưa phải là nỗ lực duy nhất. Tháng 6-2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khởi động sáng kiến Quản trị tài nguyên năng lượng (ERGI), một nỗ lực nhằm thúc đẩy sự phát triển đất hiếm và các khoáng chất khác trên toàn thế giới. Các đối tác sáng lập ERGI ngoài Mỹ thì còn có Australia, Botswana và Peru. Bên cạnh đó, Mỹ và Greenland cũng hợp tác thực hiện những cuộc khảo sát từ không gian để thăm dò khoáng sản ở Greenland vì quốc gia này có đất hiếm. Đến tháng 7 cùng năm, tập đoàn Blue Line, Mỹ, ký thỏa thuận với tập đoàn Lynas, Australia nhằm phát triển cơ sở chế biến đất hiếm ở bang Texas.

Các ước tính về lượng đất hiếm trên toàn cầu rất khác nhau, trong đó Trung Quốc chiếm 55% dự trữ có thể khai thác, Mỹ là 10 đến 15%, Ấn Độ và Australia mỗi nước 3%.

Từ năm 1980 trở về trước, mỏ Mountain Pass ở bang California là nguồn cung cấp đất hiếm chủ yếu. Năm 1974, nó sản xuất được 19.900 tấn, chiếm 78% sản lượng toàn cầu nhưng đến năm 1992, con số này là 30% rồi năm 2002, nó chỉ còn 5% mà nguyên nhân là thời điểm 1990, cứ mỗi phút nó thải ra 3.145 lít chất thải mặn có dấu vết phóng xạ.

Do thiếu chỗ chứa, chất thải tràn ra sa mạc Mojave nên chính quyền bang California ra lệnh phải làm sạch. Và bởi vì kinh phí dùng cho việc làm sạch quá lớn nên cũng trong năm 2002, mỏ đất hiếm Mountain Pass đóng cửa.

Trung Quốc vào cuộc

Sau khi Molycorp sụp đổ, Trung Quốc lập tức thế chân với mục đích kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu về lĩnh vực đất hiếm. Năm 2005, một tập đoàn Trung Quốc đã cố gắng mua lại UNOCAL, là chi nhánh của Molycorp.

Năm 2007, Trung Quốc công bố chính sách phân bổ đất hiếm nhằm ưu đãi các nhà sản xuất nội địa đồng thời cắt giảm nguồn cung đất hiếm cho Công ty WR Grace, chuyên sản xuất chất xúc tác của Mỹ với lời nhắn nhủ rất rõ ràng: “Nếu bạn muốn tiếp cận đất hiếm, hãy chuyển công ty của bạn sang Trung Quốc. Bạn sẽ được ưu đãi”.

Thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi chỉ một thời gian sau, WR Grace Trung Quốc ra đời. Chưa hết, Trung Quốc cũng cố gắng mua cổ phần của tập đoàn Lynas Australia và Arafura Resources.

Trước đó, năm 1990, Trung Quốc đã mua lại Magnequench, một công ty con của General Motors, chuyên sản xuất nam châm vĩnh cửu ở Mỹ rồi ngay sau khi các điều kiện hạn chế được quy định trong hợp đồng hết hạn vào năm 2002, tất cả tài sản của Magnequench đã được chuyển đến Trung Quốc bởi các chủ sở hữu mới.

Tổng vốn hóa thị trường của 10 công ty hàng đầu Mỹ và phương Tây cộng lại chỉ chiếm khoảng 1/5 quy mô của một công ty Trung Quốc: Công ty Công nghệ cao đất hiếm Baotou Steel.

Tháng 9/2010, sau một vụ va chạm giữa tàu đánh cá của Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc cắt nguồn cung cấp đất hiếm cho Nhật và điều này đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới tìm kiếm con đường thay thế.

Chưa hết, đầu mùa hè 2020, Chính phủ Trung Quốc ngụ ý rằng họ có thể ngừng xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm sang Mỹ như là bước tiếp theo trong cuộc chiến thương mại, đã khiến các nhà lãnh đạo Mỹ lo ngại rằng nếu Trung Quốc ra tay, nó sẽ làm tê liệt nền kinh tế Mỹ và đe dọa an ninh quốc gia dù rằng người Mỹ vẫn có thể khai thác đất hiếm từ Australia và Nhật Bản.

Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ khai thác mà là ở khâu tinh chế. Lấy quặng ra khỏi lòng đất không phải là bước duy nhất để đảm bảo nguồn cung đáng tin cậy.

Quặng phải được sàng lọc để làm ra oxit đất hiếm rồi tinh chế thành kim loại đất hiếm, sau đó chuyển thành hợp kim đất hiếm để sản xuất nam châm đất hiếm cùng các vật liệu khác. Hiện tại, phần lớn những công đoạn đó diễn ra ở Trung Quốc nên các chính trị gia Mỹ muốn chính phủ trực tiếp đầu tư để tạo ra chuỗi cung ứng đất hiếm cho quốc gia này bởi lẽ theo bảng tổng kết về khoáng sản năm 2020 của Cơ quan khảo sát địa chất liên bang Mỹ (USGS), có ít nhất 8 vật liệu chính mà Mỹ phải phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó có những loại như arsenic, dùng trong nông nghiệp, dược phẩm và quân sự, nhu cầu nhập khẩu là 100% thì Trung Quốc chiếm 90%. Hay như gallium, dùng để sản xuất chất bán dẫn thì nhu cầu nhập khẩu cũng là 100%, Trung Quốc chiếm 50%.

Vận chuyển đất chứa nguyên tố đất hiếm để xuất khẩu tại cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IAEA, các công nghệ sử dụng năng lượng sạch thường yêu cầu nhiều khoáng chất hơn so với các công nghệ dựa trên nhiên liệu hóa thạch: “Một chiếc xe hơi điện sử dụng lượng khoáng chất gấp 5 lần xe hơi thông thường và một nhà máy điện gió cần đến lượng khoáng chất cao gấp 8 lần so với một nhà máy chạy bằng khí đốt có cùng công suất”.

Ông Nedal Nassar, trưởng bộ phận phân tích dòng nguyên liệu của Cơ quan khảo sát địa chất liên bang Mỹ (USGS) nói: “Lấy thí dụ như vonfram, một khoáng chất quan trọng sử dụng trong sản xuất xe hơi. Nếu bị cắt bỏ, tác động do nó gây ra có thể nhìn thấy rõ ràng trong suốt chiều dài của dây chuyền chế tạo, và người nhận hậu quả sau cùng chính là người tiêu dùng Mỹ”.

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Để không phải lệ thuộc nhiều vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã đề ra một số giải pháp bao gồm các dự luật nhằm giảm thuế cho ngành công nghiệp đất hiếm, thúc đẩy khai thác đất hiếm trong nước, phát triển công nghệ tái chế mới đồng thời ban hành đạo luật an ninh khoáng sản Mỹ trong bối cảnh các nhà khai thác, chế biến đất hiếm ở Trung Quốc đang được chính phủ trợ cấp để xây dựng thành một ngành công nghiệp và có kế hoạch sử dụng nó như một vũ khí địa chính trị chống lại phương Tây.

Trong bản báo cáo do Horizon Advisory – một công ty tư vấn Mỹ vừa công bố đã kết luận rằng Trung Quốc đánh giá cao ngành này vì tiềm năng thống trị địa chính trị hơn là giá trị thương mại.

Nathan Picarsic, người sáng lập HorizonAdvisory nói với tờ Wall Street Journal: “Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc không quan tâm đến vấn đề lợi nhuận kinh tế. Họ xem việc kiểm soát ngành đất hiếm như một con đường để giành chiến thắng mà không cần phải đánh nhau”.

Vẫn theo HorizonAdvisory, Trung Quốc có thể sẽ không loại trừ việc sử dụng đất hiếm làm đòn bẩy nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nếu nó cứ tiếp tục.

Cũng nằm trong chiến lược chống lệ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc, mỏ Mountain Pass, bang California, đã đóng cửa vào năm 2002 thì nay hoạt động trở lại với cái tên mới: MP Materials.

Một mỏ khác ở Australia dưới sự điều hành của tập đoàn Lynas cũng đã bắt đầu sản xuất đất hiếm quy mô thương mại, còn tập đoàn Alkane Resources, cũng ở Australia, có hơn 10 năm kinh nghiệm về khai thác đất hiếm, hiện đang phát triển hệ thống xử lý tinh quặng trong khi Lầu Năm Góc gần đây cũng tiến hành tài trợ cho việc sản xuất nam châm đất hiếm trong nước.

Việc thăm dò đã bắt đầu với các mỏ ở Mỹ cùng với một điều khoản được nêu ra trong Đạo luật ủy quyền quốc phòng Mỹ, cấm mua nam châm đất hiếm sản xuất tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có những công ty không phải của Trung Quốc hoạt   động ở Malaysia, Estonia, Pháp, Thái Lanvà một số nơi khác, có thể chế biến quặng thô cũng mong muốn mở rộng hoạt động với điều kiện có một thị trường đảm bảo.

Một số nguyên tố tách ra từ đất hiếm: Oxít xeri, oxít bastnasit, oxít neodymi và cacbonat lantan.

Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này vẫn chưa bình luận gì về những vấn đề vừa nêu ngoài việc họ vẫn khẳng định mình là đối tác thương mại đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Joe Manchin, thành viên Ủy ban Thượng viện về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên Mỹ, trong một phiên điều trần trước Quốc hội đã nói: “Nước Mỹ cần tập trung đầu tư vào các hoạt động khai thác,  chế biến khoáng sản có thể tìm thấy trong nội địa đồng thời thực hiện chính sách tái chế các vật liệu quan trọng. Tất cả những điều này có thể làm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài đồng thời tạo ra việc làm ngay tại Mỹ”.

Với các thượng nghị sĩ Lisa Murkowski và Dan Sullivan, bang Alaska, Martha McSally, bang Arizona, những người đã đệ trình Đạo luật An ninh khoáng sản đều thống nhất nhận định: “Sự phụ thuộc của nước Mỹ cùng một số quốc gia khác vào Trung Quốc đối với những khoáng sản quan trọng đã gây ra tình trạng người lao động của chúng ta thất nghiệp, làm suy yếu khả năng cạnh tranh kinh tế và khiến chúng ta gặp bất lợi về địa chính trị”.

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến đất hiếm sẽ còn kéo dài bởi lẽ các công ty Mỹ cùng một số quốc gia khác tự chủ được nguồn cung đất hiếm là chuyện khó có thể xảy ra một sớm một chiều trong lúc các nhà sản xuất sẽ không chịu ngồi im để đợi đến ngày đó…

(Theo World Politics / An Ninh Thế Giới)

Núi lửa mạnh nhất thế giới phun trào gây hàng trăm trận động đất nhỏ

TTO – Núi lửa Merapi, một trong những núi lửa đang hoạt động mạnh nhất thế giới, tiếp tục phun trào dung nham nóng đỏ và gây ra hàng trăm trận động đất nhỏ trên đảo Java, Indonesia ngày 19-2.

Núi lửa Merapi trên đảo Java, Indonesia tiếp tục phun trào dung nham ngày 19-2 – Ảnh: AFP

Cơ quan địa chất Indonesia cho biết núi lửa Merapi, gần thủ phủ văn hóa Yogyakarta trên đảo Java, đã phun trào dung nham gần 20 lần trong vòng 2 ngày qua và gây ra hàng trăm trận động đất nhỏ.

“Sáng nay (19-2) đã quan sát thấy núi lửa phun dung nham 7 lần”, Cơ quan địa chất Indonesia cho biết. Dòng dung nham này đã di chuyển khoảng 700m về phía tây nam, theo Hãng tin AFP. Một quan chức Cơ quan địa chất Indonesia lưu ý chính quyền địa phương đã không thay đổi cảnh báo nguy hiểm cấp hai được ban hành từ tháng 11-2020, sau khi cơ quan này ghi nhận hoạt động ngày càng gia tăng của Merapi.

Một người dân làng đi bộ trên một con đường ở một ngôi làng dưới chân núi Merapi đang phun khói và tro bụi ngày 19-2 – Ảnh: AFP

Với cảnh báo cấp hai, các nhà chức trách địa phương đã tạm dừng các tour du lịch leo núi Merapi cũng như các hoạt động khai thác mỏ dọc các con sông trong khu vực, theo Hãng tin AP.

Những người dân sinh sống gần đó được yêu cầu tránh xa khu vực núi lửa trong bán kính 5km, cũng như cảnh báo về dung nham và tro bụi từ núi lửa trong không khí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Tháng 1 rồi, núi lửa Merapi đã phun ra những đám khói và tro bụi khổng lồ tràn xuống sườn núi.

Núi lửa Merapi từng phun khói và tro bụi tràn xuống sườn núi ngày 27-1-2021 – Ảnh: GETTY IMAGES

Lần phun trào lớn mới nhất của núi lửa Merapi xảy ra năm 2010, khiến hơn 300 người thiệt mạng và buộc khoảng 280.000 cư dân sống khu vực quanh đó phải sơ tán.

Năm 1930, vụ phun trào mạnh nhất từ trước đến nay của Merapi đã khiến khoảng 1.300 người chết. Một vụ khác xảy ra năm 1994 cướp đi sinh mạng của khoảng 60 người. Indonesia có gần 130 núi lửa đang hoạt động và núi lửa Merapi cao 2.968m là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở quốc gia Đông Nam Á này.

Núi lửa Merapi trong đợt phun trào cuối tháng 1-2021 – Ảnh: AFP
Núi lửa Merapi trong đợt phun trào cuối tháng 1-2021 – Ảnh: Slamet Riyadi/Zuma Wire/Rex/Shutterstock
Núi lửa Merapi trong đợt phun trào cuối tháng 1-2021 – Ảnh: Slamet Riyadi/Zuma Wire/Rex/Shutterstock

TTO – Theo Tân Hoa xã, ngày 21-6 ngọn núi lửa còn hoạt động mạnh nhất tại Indonesia là Merapi một lần nữa “thức giấc”, phun trào tro bụi cao tới 6km lên bầu trời, buộc giới chức phải ban bố cảnh báo hàng không mức cao nhất.

ANH THƯ

https://tuoitre.vn/nui-lua-manh-nhat-the-gioi-phun-trao-gay-hang-tram-tran-dong-dat-nho-20210219173424068.htm

Một năm xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa

Đồng Nai1.200 m3 trong 500.000 m3 đất nhiễm dioxin đã được các chuyên gia Việt – Mỹ xử lý sau một năm khởi động dự án tại sân bay Biên Hòa.

Ngày 5/12/2019, đại diện Bộ Quốc phòng cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) khởi động dự án Xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Dự án sẽ thực hiện trong 10 năm với kinh phí 390 triệu USD, do chính phủ Mỹ hỗ trợ.
Sau khi khởi động dự án, các chuyên gia Mỹ đã có mặt tại Đồng Nai để tiến hành khảo sát, xử lý những khu vực nhiễm dioxin ở phía Tây sân bay, đặc biệt là vùng giáp khu dân cư. Tháng 3/2020, đoàn thực hiện dự án họp tại công trường trong bối cảnh Covid-19.
Một tháng sau, các chuyên gia trực thuộc Bộ Quốc phòng tiến hành khảo sát và rà phá bom mìn quanh khu vực sân bay để đảm bảo công tác xử lý dioxin được an toàn.
Một điểm xử lý dioxin giai đoạn đầu ở phía Tây sân bay Biên Hòa được các chuyên gia lấy mẫu đất đưa đi xét nghiệm. Các mẫu đất được chuyên gia cân đo, ghi chép số liệu để tìm hướng xử lý.
Hai chuyên gia sử dụng máy dò radar Opera Duo (của Italy) để định vị các vật, công trình ngầm tại khu vực đào xúc trong sân bay.

Máy dò Opera Duo gồm ăng-ten tần số kép 250 và 700 MHz, cùng phần mềm thu thập dữ liệu, giúp chuyên gia có thể xem và xử lý dữ liệu được mặt cắt đứng của lớp địa chất. Từ đó, họ phát hiện, đánh dấu kết quả và tự động nối các kết quả được đánh dấu trên các mặt cắt khác nhau để bản đồ hóa công trình ngầm.

Trước khi đào, xúc đất nhiễm đi xử lý, các đơn vị liên quan của Việt Nam và Mỹ cùng tiến hành khảo sát. Theo đánh giá của đoàn công tác, 5.300 m2 hồ cổng 2 được xem là khu vực nhiễm dioxin lớn nằm trong 75 ha với ước tính 500.000 m3 đất.
Khu vực xử lý chất độc hóa học trong sân bay được rào chắn cẩn thận, có biển báo cảnh báo nguy hiểm và nhắc nhở những người có nhiệm vụ được vào cần có bảo hộ cấp độ C, bao gồm mặt nạ lọc không khí, găng tay chống hóa chất bên trong và bên ngoài, mũ cứng, mặt nạ thoát hiểm và ủng chống hóa chất dùng một lần.
Hồ Cổng 2 thuộc khuôn viên sân bay trước khi chưa xử lý rộng chừng 5.200 m2. Theo đại diện USAID, trước đây quân đội Mỹ đã sử dụng sân bay Biên Hòa làm điểm tập kết chất dioxin. Theo thời gian, những chất này phát tán và trôi theo dòng nước khiến hồ bị ô nhiễm.
Chuyên gia lấy mẫu nước mặt nền hồ Cổng 2, nằm bên cạnh sân bay Biên Hòa để xét nghiệm trước khi xử lý.
5 máy xúc cùng các chuyên gia tiến hành xúc đất, xử lý dioxin tại hồ cổng ngày 13/1/2021.

Một tuần sau, hồ Cổng 2 được USAID bàn giao cho Bộ Quốc phòng sau khi xử lý xong. Đơn vị này đã bốc xúc gần 1.200 m3 trầm tích ô nhiễm dioxin vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép, đưa vào khu xử lý trong sân bay Biên Hòa, đồng thời giải phóng, phục hồi toàn bộ diện tích mặt hồ rộng hơn 5.300 m2, đáp ứng về ngưỡng dioxin của Việt Nam.


Nhà máy xử lý đất nhiễm dioxin theo công nghệ Nhật Bản bên trong sân bay Biên Hòa. Đất sẽ được đưa qua nhiều bước để làm sạch dioxin.

Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam rò rỉ ra bên ngoài.

Giới chuyên gia đánh giá khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới.

Phước Tuấn (Ảnh Bộ Quốc phòng Việt Nam – USAID)

Ngẫm vài điều sau thảm họa bãoTrung Bộ 2020

1. Tổn thất

 “242 người chết và mất tích, trên 200.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng, phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực mới phục hồi, tái thiết lại được. Tổng thiệt hại kinh tế do bão lũ trong thời gian qua gần 28.800 tỷ đồng”. [1]

“Thiệt hại do bão lũ rất nặng nề, 235 người chết và mất tích. Trên 201.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái. Thiệt hại khoảng 17.000 tỷ đồng.” [2]

“chưa bao giờ bão lũ miền Trung khủng khiếp như vừa rồi. 249 người chết, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ; gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái”. “Nông nghiệp tổn thương nghiêm trọng với 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu, 12.670 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 gia súc, 3.200.000 gia cầm bị chết; 165 km đê biển, cửa sông, 50 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km. Tổng thiệt hại ước tính 30.000 tỷ đồng”. [3]

Thống kê trên có sự khác nhau, có thể chưa phải là con số cuối cùng; nhưng cho thấy bão, lũ, trượt lở đất…đã gây tổn thất rất lớn về người và của.

2. Quá trình tự nhiên

Trái đất là một hành tinh động với các dòng năng lượng khác nhau từ: (1) bên trong Trái đất, (2) Mặt trời, (3) lực hấp dẫn và (4) tác động với các tiểu hành tinh và sao chổi. Edinburgh, James Hutton, tin rằng Trái đất là một siêu sinh vật, ông gọi các đại dương là trái tim của Trái đất, rừng là lá phổi. James Lovelock đã giới thiệu giả thuyết Gaia – ý tưởng về một Trái đất sống. [4]

Như vậy: lũ lụt, động đất, phún xuất núi lửa, trượt đất… là các hiện tượng phát sinh từ các quá trình tự nhiên là những hoạt động của một “cơ thể sống”. Cung cấp nhiên liệu cho quá trình này chính là một trong các dòng năng lượng nêu trên.

3. Tai biến tự nhiên

Cụm từ “Tai biến tự nhiên” được sử dụng khi các quá trình tự nhiên gây thiệt hại nhân mạng và tài sản. Ví dụ, một vụ phun trào núi lửa, không ảnh hưởng đến con người là một hiện tượng tự nhiên mà không phải là một “tai biến tự nhiên”. Một hiện tượng tự nhiên xảy ra trong khu vực đông dân cư là một sự kiện tai biến. [5]

4. Thảm họa tự nhiên

Một sự kiện tai biến gây ra số lượng lớn người chết không thể chấp nhận được và/hoặc thiệt hại lớn về tài sản là một thiên tai. [5]  Theo [6], 10 người trở lên thiệt mạng hoặc 100 người trở lên bị ảnh hưởng  được coi là một thảm họa tự nhiên.

5. Con người làm gia tăng thảm họa tự nhiên

Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự gia tăng số lượng thảm họa một phần là do báo cáo tốt hơn, nhanh hơn đến cộng đồng, nhưng cũng có các yếu tố khác [6]:

• Sự gia tăng dân số và đô thị hóa đang đặt nhiều người hơn vào những nơi mà các quá trình tự nhiên có thể tạo ra thảm họa cho con người. Ví dụ: các khu vực dọc theo bờ biển nơi có thể xảy ra xói mòn hoặc sóng thần; dọc theo các đứt gãy đang hoạt động, gần núi lửa hoặc các khu vực dễ bị lũ lụt.

• Phá hoại môi trường, chẳng hạn như phá rừng sẽ làm tăng tần suất và những vị trí tiềm ẩn tai biến tự nhiên, chẳng hạn như lũ lụt và sạt lở đất; việc loại bỏ các vùng đất ngập nước ven biển và các thảm thực vật khác làm cho bờ biển dễ bị xói mòn do sóng thần và các cơn bão khác.

• Biến đổi khí hậu liên quan đến mực nước biển dâng cao làm tăng xói mòn bờ biển. Khi hành tinh ấm lên, các sa mạc mở rộng, làm tăng sự xuất hiện của các cơn bão bụi nguy hiểm. Các đại dương ấm lên cho phép nhiều năng lượng hơn được chuyển vào khí quyển, ảnh hưởng đến cường độ của các cơn bão gây thiệt hại.

 “Mặc dù con người có thể làm ít hoặc không thể làm gì để thay đổi tần suất hoặc cường độ của hầu hết các hiện tượng tự nhiên, nhưng họ có một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng các sự kiện tự nhiên không bị chuyển đổi thành thảm họa do các hành động của chính họ. Điều quan trọng là phải hiểu rằng sự can thiệp của con người có thể làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các tai biến tự nhiên.” [7]  

6. Thảm họa bão Trung Bộ

Nhiều người gọi thiên tai miền Trung năm 2020 là “bão lũ”. Gọi như vậy mới thể hiện hai dạng tai biến. Thực ra, ở Trung Bộ vừa qua xuất hiện nhiều dạng tai biến bao gồm: bão, lũ lụt, xói lở bờ biển, trượt đất, lũ bùn đá, lũ quyét …

Trong chuỗi các tai biến trên, bão là tai biến sơ cấp, các tai biến khác là tai biến thứ cấp. Bão gây xói lở bờ biển, sâp nhà, bão gây mưa, đến lượt mình mưa gây trượt đất, lũ bùn đá, lũ quyét, ngập lụt…

7. Rừng

Rừng tự nhiên nhiều tầng, nhiều tán, đa dạng chủng loại như một hệ thống điều chỉnh dòng chảy, neo giữ sườn đồi… hạn chế xói mòn, trượt, lở đất. Rừng trồng một loại cây khi gặp bão như quân cờ domino, cây đổ trên một diện rộng. Rừng trồng mỗi lần khai thác núi, đồi lại trơ trọi.

Triền đồi cạnh nhà máy (thủy điện Rào Trăng) bị đốn cây và đốt trụi, các vết trượt trên sườn đồi (núi) và dọc đường vào nhà máy. Ảnh Mai Thanh Hải. [8]
Trạm kiểm lâm 67 sau thảm họa. Ảnh VTV. [9]

8. Gỗ

Tháng 4/2019, rừng tự nhiên tại khoảnh 6,7 – Tiểu khu 790 thuộc xã Trà Leng huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nạm bị đốn hạ (địa phương xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp 53 người ngày 28/10/2020). (Ảnh: IT). [10]
Tìm kiếm thi thể nạn nhân ở Trà Leng. [11]
Tìm kiếm thi thể nạn nhân ở Trà Leng. [12]

8. Cắt sườn núi, đồi

Mọi công trình nhân sinh (nhà máy thủy thiện, giao thông…) đều cắt vào sườn núi, sườn đồi. Hoạt động này sẽ kích thích quá trình trượt đất, lở đất…

Các vết trượt hình thành dọc theo tuyến đường, tại các điểm xây dựng công trình phục vụ thủy điện Rào Trăng 3. [Nguồn Google Earth]

9. Thủy điện nhỏ

“Nhìn chung đa số các thủy điện vừa và nhỏ (dưới 30 MW)”. “Việc chặt phá rừng để làm thủy điện (khoảng 10 – 30 ha rừng bị phá cho 1MW điện) làm giảm khả năng điều tiết lũ tự nhiên”. [13]

Có người cho rằng  thủy điện nhỏ không gây ra lũ mà còn góp phần cắt lũ.  [14]

Đúng, có thể cắt lũ 1 năm, 2 năm..10 năm, còn lũ 20 năm như 1999 và 2020 thì chắc không.

7. ĐTM

Dự án nào cũng có ĐTM (Đánh giá Tác động Môi trường); chắc chắn rồi. Đặt những công trình ven lòng sông, lòng suối hẹp ngay chân sườn núi dốc có được cân nhắc về sự an toàn không?

“Khu vực thủy điện Rào Trăng 3 có địa hình phân cắt trung bình, hai bên bờ sông dốc và hẹp; mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương á vĩ tuyến”. [15]

“Khu vực này có đứt gãy địa chất quy mô lớn cắt qua, đồng thời gần nơi giao nhau giữa đứt gãy Đrakrông – A Lưới với đứt gãy địa phương theo phương Đông bắc – Tây Nam”. [15]

“Dọc tuyến đường Thủy điện Alin – thủy điện Rào Trăng chỉ quan sát thấy đới phong hóa mạnh và hoàn toàn; bề dày từ 6 – 9 m. Đây là nơi quá trình trọng lực sườn xảy ra rất mạnh.” [15]

Công trình ngay chân sườn dốc, ven lòng sông suối hẹp tiềm ẩn rủi ro lớn. Ảnh Mai Thanh Hải. [8]
Kè bê tông mong manh trên lớp vỏ phong hóa dày sẽ làm tăng nguy cơ trượt lở sườn dốc. [8]
Thủy điện A Lin B2 cũng ngay chân núi dốc, ven thung lũng hẹp [Nguồn Google Earth]
Những kè bê tông trên sườn dốc tại Thủy điện A Lin B2 cũng tiềm ẩn rủi ro. [16]

8. Cảnh báo

“Khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 – Rào Trăng 3 đã được Đề án cảnh báo là khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao”. Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết ”tháng 6/2020, kết quả nghiên cứu trên đã được đơn vị chuyển cho UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế để cảnh báo nguy cơ sạt lở đất khi có mưa hoặc sau mưa lớn dài ngày”. [17]

“Nhóm nguyên nhân tác động kích hoạt gây trượt lở đất đá rõ ràng nhất là do mưa, cắt xẻ taluy cao và dốc để làm công trình, đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở, làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá”. [17]

9. Cứu nạn

Tàu Viet ship 01 (neo ở khu vực cảng Cửa Việt) bị nạn ngày 8.10, trên tầu có 12 người.  Dùng 1 chiếc thuyền gỗ nhỏ cùng 4 ngư dân lao ra biển cứu nạn, nhưng “Thuyền cứu hộ đã bị chìm, toàn bộ người cứu hộ và thuyền viên đều qua tàu Vietship 01”. Những ngư dân thật dung cảm, nhưng cứu hộ kiểu này nhiều rủi ro.

Tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” của các thuyền viên bám trụ trên tàu Vietship 01. Ảnh Nguyễn Phúc. [18]

Công tác cứu hộ đã thành công khi sử dụng trực thăng.

Phương pháp cẩu người bằng dây từ tàu lên máy bay được triển khai [19]

Đi Rào Trăng 3 cứu nạn lại bị nạn

Đoàn công tác gồm 21 người đi kiểm tra, xác minh để có phương án cứu hộ, cứu nạn gặp nạn.

“Đoàn xuất phát lúc 14 giờ ngày 12-10 từ Huyện ủy huyện Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16 giờ, đoàn đến ngầm tràn sâu trên đường 71, ô tô không qua được. Vì vậy, Đoàn để lại ô tô, đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km. Đến 21 giờ cùng ngày, Đoàn đến tiểu khu 67, trạm Kiểm lâm Sông Bồ”. [20]

“Theo thông tin báo về tỉnh lúc 22 giờ ngày 12-10, Đoàn dừng nghỉ tại nhà Kiểm lâm. Lúc 0 giờ ngày 13-10 xuất hiện tiếng nổ lớn, núi, đất đá bị sụt đổ trùm lên nhà Kiểm lâm nơi Đoàn đang nghỉ. Thông tin ban đầu cho biết 8 người đã thoát được ra ngoài, 13 người hiện còn mất tích, trong đó có 11 cán bộ Quân đội và 2 cán bộ địa phương”. [20]

Theo như mô tả trên, có lẽ công việc chuẩn bị cho chuyến công tác chưa xét đến các yếu tố về thời gian, điều kiện thực địa (mưa to, đường xá bị lũ chia cắt, trượt lở đất…) và vị trí dừng chân ?. Chính vì vậy mà Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh những hoạt động cứu hộ, cứu nạn sau đó:

“Công tác cứu hộ cứu nạn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, đừng để cứu hộ lại phải cứu hộ lần nữa”. [21]

10. Trượt đất, lở đất hay lũ bùn đá?

Tốc độ di chuyển và lượng nước chứa trong nó là hai nhân tố quan trọng để phân loại di chuyển khối.  Theo mô tả và thực tế công tác tìm kiếm nạn nhân có thể thấy phần lớn các tai biến tự nhiên vừa qua là trượt đất, lở đất (các thi thể nạn nhân được tìm thấy dưới các khối đất đá). Riêng ở Rào Trăng 3 và Trà Leng có thể là dòng lũ bùn đá xảy ra khi vật liệu vụn bão hòa nước. Dòng lũ cuốn theo nạn nhân xuống sông Rào Trăng và Trà Leng?

“Hơn 1,5 tháng, qua 3 giai đoạn tìm kiếm, tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 có  6 thi thể nạn nhân được tìm thấy, trong đó 1 thi thể trong lòng sông sau khi nắn dòng chảy. Giai đoạn 4 sẽ triển khai tìm kiếm dọc lòng sông Rào Trăng từ điểm sạt lở về ngã ba Tam Dần với chiều dài hơn 2,5 km để tiếp tục tìm kiếm 11 thi thể còn lại”. [22]

 “Việc tìm kiếm nạn nhân trong thảm họa Trà Leng cũng phải chuyển sang bằng đường thủy tại sông Leng và lòng hồ sông Tranh 2. Việc tìm kiếm thực sự khó khăn khi rác (củi, gỗ) ứ lại ở 2 khu vực này quá dày, khoảng 40cm phủ kín mặt hồ. Lực lượng phải chèo thuyền bằng tay vì máy xuồng bị rác cuốn không hoạt động được”. [23].

Xác định đúng kiểu tai biến sẽ giúp việc tìm kiếm nạn nhân hiệu quả hơn.

Sau nhiều giờ tích cực tìm kiếm trên lòng hồ sông Tranh 2 và sông Leng, lực lượng chức năng không tìm thấy nạn nhân [23]

Lời kết:

Bão, lũ lụt, trượt đất, lở đất, lũ bùn đá… là hiện tượng tự nhiên phát sinh từ các quá trình tự nhiên của trái đất – một hành tinh động ‘một cơ thể sống – Gaia’. Các quá trình này trở thành tai biến tự nhiên, thảm họa tự nhiên khi làm tổn thất sinh mạng và tài sản.

Con người là yếu tố làm gia tăng tần xuất và cường độ các tai biến, thảm họa tư nhiêm qua các hoạt động sử dụng đất thiếu cân nhắc như: phá rừng, cắt chân sườn dốc, đô thị hóa hay định cư tại nhưng nơi quá trình tự nhiên tiềm ẩn.

Dự báo chính xác thời điểm các quá trình bộc phát của các hiện tượng tự nhiên có thể chưa và không làm được. Nhưng dự báo vị trí và điều kiện kích hoạt để hiện tượng đó phát sinh là không khó, như trường hợp Thủy điện Rào Trăng 3 đã được cảnh báo. Như vậy, tốt nhất là tránh các vị trí này thay vì xây dựng hệ thống cảnh báo.

Thủy điện Rào Trăng 3 công suất 13MW đã lấy đi 13 ha rừng tự nhiên, thảm họa xảy ra mất 30 sinh mạng, hơn 2.600 lượt người và gần 2.000 lượt phương tiện các loại đã được điều động tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích… [24]. Đến nay có người vẫn đặt câu hỏi “Dừng hay tiếp tục” ? [25].

H.Q. H

Nguồn dẫn:

[1] http://kttvqg.gov.vn/kttv-voi-san-xuat-va-doi-song-106/bao-lu-gay-thiet-hai-28-800-ty-dong-tai-mien-trung-7926.html.

[2] (http://congan.com.vn/tin-chinh/kip-thoi-ho-tro-nguoi-dan-sua-chua-nha-cua-sau-bao-lu_102429.html

[3] https://vnexpress.net/thiet-hai-mua-lu-mien-trung-khong-the-tinh-bang-con-so-4198643.html

[4] http://humansarefree.com/2014/05/according-to-researchers-gaia-is-living.html

[5] Burton, I., Robert W. Kates and Gilbert F. White. The Environment as Hazard (New York: Oxford University Press, 1978).

[6] Edward A. Keller. Introduction to Environmental Geology. Fifth Edition. 20012 by Pearson Education, Inc.

[7] https://www.oas.org/dsd/publications/unit/oea54e/ch05.htm

[8] https://thanhnien.vn/thoi-su/thuy-dien-rao-trang-3-nhin-tu-truc-thang-quan-su-1292016.html

[9] https://afamily.vn/dau-xot-hinh-anh-tram-kiem-lam-gan-thuy-dien-rao-trang-3-truoc-va-sau-khi-lu-tran-qua-khong-con-gi-ngoai-dat-da-tieng-goi-con-ai-khong-mai-khong-duoc-dap-loi-20201014173013173.chn

[10] https://baodantoc.vn/sat-lo-dat-thien-tai-va-nhan-tai-mat-rung-tu-nhien-va-cai-gia-phai-tra-bai-3-1604138474366.htm

[11] https://laodong.vn/photo/toan-canh-sat-lo-kinh-hoang-o-tra-leng-lam-8-nguoi-chet-14-nguoi-mat-tich-850373.ldo

[12] https://thanhnien.vn/thoi-su/tra-leng-noi-dau-con-dai-1299255.html

[13] http://vacne.org.vn/lu-lut-o-cac-vung-cua-song-mien-trung/21583.html

[14] https://vnexpress.net/tranh-cai-tac-dong-cua-thuy-dien-nho-toi-mua-lu-4184489.html

[15] https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/rao-trang-3-tung-duoc-canh-bao-sat-lo-the-nao-3420737/

[16] https://vnexpress.net/hien-truong-sat-lo-o-thuy-dien-rao-trang-3-4176720.html

[17] https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/rao-trang-3-tung-duoc-canh-bao-sat-lo-the-nao-3420737/.

[18] https://thanhnien.vn/thoi-su/nghet-tho-giai-cuu-thuyen-vien-tau-vietship-01-1289928.html

[19] https://kenh14.vn/chuyen-ve-3-ngay-dem-cuu-ho-thuyen-vientren-tau-vietship-01-20201013110835814.chn

[20] https://nld.com.vn/thoi-su/vu-thuy-dien-rao-trang-3-13-nguoi-mat-lien-lac-ngay-sau-tieng-no-lon-luc-0-gio-2020101323052605.htm

[21] https://laodong.vn/xa-hoi/thuy-dien-rao-trang-3-cong-tac-cuu-ho-toi-day-phai-tuyet-doi-an-toan-845688.ldo

[22] https://bnews.vn/chuan-bi-ky-phuong-an-giai-doan-4-tim-nan-nhan-mat-tich-o-rao-trang-3/179881.html

[23] https://nld.com.vn/thoi-su/sat-lo-tra-leng-tam-ngung-tim-kiem-nan-nhan-bang-duong-thuy-20201101164753232.htm

[24] https://bnews.vn/chuan-bi-ky-phuong-an-giai-doan-4-tim-nan-nhan-mat-tich-o-rao-trang-3/179881.html

[25]https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dung-hay-tiep-tuc-du-an-thuy-dien-rao-trang-3-1754170.tpo

Hội An: Cả ngàn tỷ đồng trôi theo sóng biển

Thái Bá Dũng

TTCT – 10 năm trước, khi những vết lở đầu tiên dọc bờ biển Hội An (Quảng Nam) được “vá” lại, nhiều người nghĩ rằng sẽ giữ được bãi biển từng được mệnh danh là một trong mười bãi biển đẹp nhất VN. Nhưng 10 năm sau, tất cả ngập trong nỗi thất vọng.

Bờ biển Hội An đoạn sau lưng phường Cẩm An đến phường Cửa Đại bị sóng đánh tan nát, hư hại nhiều khu du lịch. Ảnh: B.D

“Khu vực sạt lở biển gần 8km. Hơn chục năm qua, tính cả vốn nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã đổ xuống đây cả ngàn tỉ đồng. Nhưng tới nay, tình hình còn diễn ra nghiêm trọng hơn” – Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nói như vậy.

Hi vọng rồi thất vọng

Sạt lở bờ biển Hội An diễn ra từ những năm 2008 – 2010. Tại cuộc gặp để tìm kiếm giải pháp cứu bờ biển Hội An mà UBND TP Hội An tổ chức ngày 19-11 vừa qua, với sự có mặt của lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp, rất nhiều ý kiến đã nói rằng “hết chịu nổi” với sự chậm trễ và lúng túng này.

“Biển lở ở Hội An không phải hôm qua hay hôm nay mà đã suốt 12 năm nay rồi. Lần lượt các nhà khoa học xuống nghiên cứu, rồi dự án này tới dự án kia được đề xuất và triển khai nhưng tới nay nhìn lại chúng ta được gì? Tất cả chỉ là đống đổ nát, chúng tôi không thể kiên nhẫn hơn nữa”, chủ resort Palm Garden Hội An Nguyễn Thành Sang (phường Cẩm An, Hội An) bức xúc.

Dẫn chúng tôi đến khu resort 5 sao nằm sát biển An Bàng, ông Sang nói rằng suốt thời gian qua theo dõi công tác khắc phục bờ biển, cứ mỗi lần biết có dự án gia cố bờ biển ông lại hi vọng.

Nhưng công trình kè biển vừa làm xong thì lại bị xóa sạch chỉ sau một trận bão. Đoạn bờ biển dài hơn 200m đi qua khu lưu trú của ông giờ đây đã bị rỗng chân hoàn toàn. Ông Sang cho biết mấy năm trước, khi biển ăn bờ quá sâu, ông đã bỏ hơn 7 tỉ đồng để xây hệ thống kè bêtông sau lưng khu lưu trú.

Nhưng những hàng cọc bêtông thép to hàng mét, dày đặc, đóng sâu xuống lòng đất cả chục mét nay đều bị nghiêng ra phía biển, chân cọc bị thụt sâu, hàng cọc có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Nhiều dãy nhà tại resort cao cấp của ông đã nứt nẻ tường móng, hồ bơi lún sụt.

Bãi cát cảnh quan ven biển chênh vênh trên mép sóng, giờ xuất hiện những lỗ rút lớn, cát bị hút ra bên ngoài.

“Mỗi lần mưa bão tới tôi ăn ngủ không được, ra kiểm tra cơ sở sau bão mà lòng trĩu nặng. Tôi gửi đơn lên chính quyền kêu cứu, đề xuất tự bỏ tiền ra làm kè chắn cản sóng phía bãi biển quanh khu lưu trú của tôi nhưng không được chấp thuận với lý do là không có cơ sở khoa học. Tôi bất lực”, ông Sang nói. Khi đặt phòng tới nghỉ dưỡng, nhiều khách thấy cảnh tượng sạt lở của biển đã không quay lại, thiệt hại cho doanh nghiệp rất lớn.

Nhưng dẫu sao Palm Garden của ông Sang vẫn còn trụ được. Sát chỗ ông, một resort cao cấp khác trở nên hoang tàn, đổ nát vì sóng ngoạm sâu vào khuôn viên, khu vực khai thác kinh doanh hàng chục mét.

Đây từng là một trong những địa điểm sang trọng, khách nước ngoài lui tới nhiều ở Hội An vì nằm sát bãi biển đẹp. Chủ đầu tư đã huy động người ra đóng cọc, giữ bờ, chất bao cát… nhưng tất cả đều tan tác trước sự hung hãn của biển.

Người dân ở biển Hội An dùng bao cát đắp đê giữ bờ, chống sạt lở trong cơn bão số 9 vừa qua. Ảnh: B.D.

Tình trạng sạt lở ở biển Hội An xảy ra nghiêm trọng nhất tại khu vực phường Cửa Đại. Nhiều hàng quán sang trọng nay bị sóng ngoạm sát chân tường nhà, các nhà dân, villa đắt tiền cũng bị xô đổ ngổn ngang. 

Trong thời gian chờ các dự án gia cố bờ biển, giữa tháng 10 vừa qua, chính quyền Hội An đã huy động lực lượng và người dân để đắp bao tải cát. Chủ Sea Lavie Phạm Thị Hải Nguyên nói rằng trước đây bãi tắm của khách nằm cách hồ bơi khách sạn bà hơn 200m.

Nhưng chỉ sau mấy trận bão, nay biển đã tạo vực hàm ếch cao 7-10m ăn sát khuôn viên. “Đợt mưa bão vừa qua tôi phải bỏ ra 300 triệu đồng thuê nhân công, mua bao cát, cọc tre đắp bờ một tuần để hạn chế sóng xâm thực”, bà Nguyên nói.

Vẫn loay hoay tìm nguyên nhân

Dự án chống sạt lở đầu tiên tại Hội An triển khai vào năm 2010. Nhưng cũng từ đó, cuộc tranh cãi về nguyên nhân gây sạt lở bờ biển xảy ra không dứt. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu khắp nơi được mời về tham vấn và đưa ra giải pháp nhưng tới nay chưa có một quan điểm nào được thống nhất đồng tình.

“Nguyên nhân chính xác là gì, tới nay vẫn chưa được chỉ ra. Chủ yếu xoay quanh các luận điểm như tình trạng phá rừng ở đầu nguồn, nước biển dâng, việc xây dựng quá nhiều công trình ven biển, việc khai thác cát ở thượng nguồn sông Thu Bồn dẫn đến thay đổi thủy văn dòng sông. Chúng tôi rất sốt ruột và cần số tiền vài trăm tỉ đồng để giữ bờ biển”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, khi phân tích câu chuyện sạt lở ở biển Hội An đã cho rằng bình địa của biển Hội An có tính chất mấp mô, nhiều điểm mở nên khi xảy ra sạt lở thường dẫn dắt từ nơi này qua nơi khác.

Cũng như các chuyên gia khác, ông Hùng cho rằng giải pháp để giữ biển Hội An cần làm cùng lúc, đồng bộ chứ không thể chỗ làm chỗ không; làm như cách đang duy trì lâu nay thì được chỗ này, chỗ khác sẽ lở, tất cả sẽ công cốc.

Nguyên bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự nói rằng không phải 10 năm nay biển Hội An mới xói lở, hàng chục năm trước tình trạng này đã có. Tuy nhiên lúc đó bờ biển khu vực này để hoang, chỉ có cây dại mà không có công trình.

“Có một đợt buổi sáng đi kiểm tra chúng tôi hốt hoảng khi thấy một cửa sông mới được nước biển mở toang vào phía trong. Lúc đó lãnh đạo Hội An nói với anh em cấp dưới rằng cứ để biển phá bờ, bởi đó là quy luật. Một thời gian sau cửa đó sẽ bị lấp lại. Quả đúng là như vậy”, ông Sự kể.

Nhưng theo ông Sự, mức độ sạt lở, xâm thực biển Hội An 10 năm nay là theo hướng một chiều, xói lở tập trung bên các khu du lịch Hội An, trong khi đó lại bồi lấn ở bên kia bờ thuộc huyện Duy Xuyên. “Ngoài việc phá rừng đầu nguồn thì du lịch phát triển quá nóng, dân trồng rừng dừa lấn sông dày đặc, việc xây cầu Cửa Đại tạo ra các trụ dầm đóng cọc xuống giữa sông làm thay đổi dòng chảy là nguyên nhân chính.

Đoạn bờ biển tại một khu lưu trú sau lưng UBND phường Cẩm An bị sóng ăn sâu sát chân hồ bơi. Ảnh: B.D.

Phải nhìn từ tổng thể để chỉnh trị dòng chảy từ sông Thu Bồn, ngoài biển thì phải đổ tiền gia cố phía bờ đủ vững chãi kết hợp nuôi bãi, bù cát thì mới may ra giữ được bờ biển”, ông Sự nói.

Ông Hồ Quang Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc chống sạt lở biển Hội An không thể chậm trễ, chính quyền cũng đã huy động nguồn vốn để làm các đoạn đê chắn sóng từ xa, kết hợp với đê cứng trong bờ ở từng phân đoạn.

“Nhưng nguồn vốn hiện nay rất khó khăn và chỉ có thể làm từng đoạn nhỏ”, ông Bửu nói. “Trên bờ biển là cuộc sống, là tài sản của nhân dân, là cả ngành du lịch đang nằm ở đó.

Nếu không quyết tâm làm thì tất cả sẽ đổ xuống biển, thậm chí với mức độ này vài năm nữa biển sẽ ăn sâu vào các tuyến đường chính, bà con Hội An sẽ không có đường để đi lại”, ông Sơn nói.

Bà Trần Hạnh An, chủ một doanh nghiệp ở Hội An, dẫn chứng cách người dân ở Úc cứu một bờ biển 30 năm trước bằng cách dùng cọc tre đóng xuống kè biển theo hình bậc thang kết hợp đan giằng tre bẫy cát giữ lại bờ, và hi vọng Hội An sẽ tham khảo cách làm này.

“Sóng đánh vào sẽ bị kè tre theo tầng lớp làm giảm áp lực, cát được giữ lại và sau đó người ta trồng cây dại phủ lên trên. Biển xâm thực được hạn chế triệt để. Từ một bãi biển chết, tới nay đoạn bờ biển ở Úc đó đã sống trở lại, không còn bị xâm thực, khách sạn nhà hàng mọc lên ken kín”, bà An nói.■

Hàng chục dự án đổ xuống biển
Theo UBND TP Hội An, tới nay có tổng cộng 25 đoạn bờ biển với tổng chiều dài 7.921m dọc biển Hội An được nhà nước, doanh nghiệp cùng các hộ dân bỏ tiền gia cố. 10 năm qua, từ khi dự án kè biển đầu tiên được triển khai, tới nay nguồn vốn của cả nhà nước lẫn doanh nghiệp đổ xuống giữ biển đã tới cả ngàn tỉ đồng.
Các dự án dùng vốn nhà nước để kè biển Hội An: Năm 2010 làm kè bêtông cốt thép mái nghiêng dài 851m, kinh phí 68,3 tỉ đồng, bị đánh sập ở một số đoạn vào năm 2018. – Năm 2014 dự án kè theo phương pháp kè mềm túi địa kỹ thuật dài 415m, kinh phí gần 20 tỉ đồng. – Năm 2015 dự án kè mềm bằng túi Geotube dài 1.020m, kinh phí 55,5 tỉ đồng.

https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20201208/hoi-an-ca-ngan-ty-dong-troi-theo-song-bien/1571964.html

Rừng, sạt lở và lũ đá!

Rừng núi phía Tây trơ trụi, gây nên những trận lũ đá, lũ bùn mỗi mùa mưa bão, cho phía hạ du. Ảnh T.H

Hôm qua (11.11) một đoạn phim ngắn được tải lên mạng xã hội, ghi lại cảnh tượng sạt lở-một ngọn núi đổ sập trên đầu đoàn công tác. Tiếng kêu thảng thốt – chạy đi, chạy đi, chạy đi… và mười mấy con người hoảng loạn tháo chạy giữa trận lũ đất, đá đổ ầm ầm, làm người xem bàng hoàng, thương xót.

Đó là đoạn phim hy hữu tình cờ được một người trong đoàn công tác vùng cao ghi lại tại huyện Bắc Trà My. Trận sạt lở làm 1 người mất tích, 3 người bị thương. Khủng khiếp hơn, tiếp đó, hồi 13 giờ hôm sau (12.11), cũng tại ngay vị trí đó, ngọn núi tiếp tục một đợt sạt lở mới ập xuống ngay trên đầu lực lượng quân đội và công an đang tìm kiếm người mất tích. May mắn, được báo động kịp thời, mấy mươi con người chạy được lên sườn núi đối diện, thoát chết.

Sạt lở núi lấp kín đường giao thông vào vùng sâu, vùng xa (ảnh T.A)

Trước đó, ngày 10.11, một trận sạt lở núi ở Quảng Ngãi, dòng lũ đá vùi lấp cả một ngôi làng tại xã Sơn Long, huyện Sơn Tây; và cách đó mươi ngày, trong đợt mưa lũ đầu tháng, Huế, Quảng Trị, Quảng Nam sạt lở núi cũng đã vùi lấp, chôn vùi gây tang tóc cho nhiều gia đình.

Dư luận đau xót và phẫn nộ đặt câu hỏi, tại sao núi rừng một thời gắn bó với đời sống; nuôi nấng, che chở người dân bản địa… nay lại đột ngột “quay lưng trở mặt” rập rình đổ ập tai họa xuống dân lành.

Đã từng cách đây không xa, thơ văn miêu tả, rừng từng “che bộ đội”, từng “vây quân thù” ! Rừng như A-ma, A-mế (cha-mẹ) dang tay che chở, nuôi nấng, tạo dựng bản sắc văn hóa của đồng bào thiểu số Tây Nguyên, Tây Trường Sơn. Nhưng bao lâu, lòng tham lam của con người đã tàn hại biến núi rừng hùng vĩ này thành đất trống, đồi núi trọc, trơ trọi sỏi đá.

Quân đội, Công an đào cả núi đất sạt lở để tìm người mất tích (ảnh T.C)

Đi trên đỉnh Trường Sơn hôm nay, trên đường Hồ Chí Minh, không khó nhận ra hàng trăm bản làng “định canh, định cư” dân tộc Cơ-Tu, Giẻ-Triêng, Ê Đê, J’rai…bám vào quốc lộ. Những ngôi nhà sàn bản địa biệt tích và thay vào đó là nhà tường xi măng, mái lợp tôn; và đến thiêng liêng như mái nhà Gươl, nhà Rông cũng không tìm đâu ra một cây gỗ tốt làm cột, dựng vách, một cọng tranh dài để lợp mái… Cách đây mấy hôm trên diễn đàn Quốc Hội, một bộ trưởng đưa ra con số trồng rừng lạc quan, vượt qua tốc độ tăng của thế giới. Thậm chí hệ số che phủ của rừng Việt Nam hiện đến 42%, gần gấp đôi bình quân của thế giới. Và diện tích rừng còn tăng hơn cả cách đây 30 năm.

Trồng cây nguyên liệu giấy, sau năm năm, rừng lại thành đất trống đồi trọc (ảnh T.H)

Trên thực tế đó chỉ là con số có thể nhằm làm yên lòng những ai ít đi thực tế đến những cánh rừng… Vì vậy đại biểu tỉnh Gia Lai- người con của núi rừng Tây Nguyên đã phủ nhận con số ảo ảnh đó, bằng những hình ảnh miêu tả thực trạng đáng lo ngại hơn nhiều. Trong số hàng triệu hec-ta rừng trồng mới trong những năm qua, chiếm một phần rất lớn là rừng công nghiệp, rừng tạp. Những cánh rừng cây này tuổi thọ từ 5-10, đủ độ lớn là bị khai thác để làm nguyên liệu giấy, phục vụ công nghiệp, tiêu dùng hay sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và để lại những vùng đất khô cằn, trơ khấc.

Hàng ngàn hec-ta rừng keo lá tràm sau khi khai thác tại xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, để lại rừng núi trơ trụi (ảnh T.H)

Thiếu lớp thực bì, thiếu những gốc đại thụ, rừng không còn là bức tường chắn; mưa lớn mỗi mùa, dòng nước dữ cuốn trôi đất, đá mặt, tạo nên những trận lũ bùn, lũ cát tàn phá vùng hạ du mỗi năm.

Hãy nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay của đại ngàn Tây Nguyên, của những cánh rừng trên dãy Trường Sơn, phía Tây Miền Trung hiện nay, cùng những trận lũ ống, lũ quét, đẩy hàng triệu khối đất đá về hạ du để có những quyết sách căn cơ.

Trung Hiếu

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/rung-sat-lo-va-lu-da-853888.ldo