Vườn kinh đá ở chùa Phước Hậu

Hôm chủ nhật (19/02/2017), bác Thu alo, alo… rủ đi chùa Phước Hậu thăm quan Vườn kinh đá, đồng thời góp ý cho ý tưởng của thày Thích Phước Cẩn về việc đưa một số loại đá đặc trưng lịch sử phát triển địa chất khu vực về khuôn viên chùa phục vụ thăm quan, tìm hiểu về địa chất của người dân và du khách.

Đi thăm chùa đầu năm cùng với ý tưởng thật đáng trân trọng của thày Thích Phước Cẩn thực sự làm cho mình phấn khích. Chuẩn bị đồ nghề vừa xong, xe bác Thu đến, lên đường ngay (9:30). Trên đường đi, thày Cẩn cho biết thày Lê Quang Sáng (Đại học Cần Thơ) đã tới chùa.

Vị trí chùa Phước Hậu
Vị trí chùa Phước Hậu

13:00 tới chùa Phước Hậu thuộc xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Mọi người gặp gỡ, hỏi thăm sức khỏe và giới thiệu về nhau trong một không gian tĩnh mịch bao quanh bởi đá và cây bên dòng sông Trà Ôn êm mát.

Nhà chùa xắp cơm trên bàn đá, bác Thu và mình dùng bữa trưa muộn. Các món chay thật ngon: khổ qua nhồi thịt, bắp non xào cà rốt, thịt nấu đậu; đặc biệt có món tương hạt.

Các món chay đặt trên bàn đá
Các món chay được đặt trên bàn đá

Cơm, nước xong xuôi, thày Phước Cẩn giới thiệu Vườn kinh đá trong khuôn viên chùa Phước Hậu. Vườn kinh đá có diện tích 10.000m2 thực ra gồm 3 vườn kinh: Vườn kinh Pháp cú, Vườn kinh A Di Đà, và Vườn kinh Bắc truyền trích diễm. Trong đó Vườn kinh Pháp cú được xây dựng quy mô nhất với diện tích khoảng 4.000m2.

Vườn kinh pháp cú mô phỏng 8 lá bồ đề xòe ra theo tám hướng, tượng trưng Bát chánh đạo của Phật giáo với trung tâm vườn là ngọn núi có bốn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.

“Cuống và lá bồ đề” theo các hướng được xắp xếp bằng 216 phiến đá granit màu xám cao 120 cm, rộng 90 cm, dày 8-9 cm. Hai mặt phiến đá trơn, nhẫn được khắc 432 bài kinh – mỗi bài là những lời răn dạy của Phật gồm những câu ngắn gọn, đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.

Vườn kinh Pháp cú
Vườn kinh Pháp cú dưới chân những cây sao cao vút
Những bài kinh ngắn gọn, đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.
Những bài kinh ngắn gọn, đơn giản nhưng đầy ý nghĩa.

Vườn kinh A Di Đà có 31 phiến đá được xếp theo hình thể nước Việt Nam, tạo thành một hồ nhỏ trồng sen. Mỗi miền Bắc, Trung, Nam có một phiến đá trong lòng hồ ghi ngôi chùa biểu trưng.  Các bài kinh ở vườn được dịch theo thể thơ lục bát.

Vườn kinh Vườn kinh A Di Đà
Vườn kinh A Di Đà
Vườn kinh A Di Đà - phần miền Nam
Vườn kinh A Di Đà – phần miền Nam
Vườn kinh A Di Đà - phần miền Trung và Bắc
Vườn kinh A Di Đà – phần miền Trung và Bắc

Vườn kinh Bắc truyền trích diễm gồm với 15 phiến đá, các bài kinh được dịch theo thể văn xuôi; các khối đá, cột đá lớn khắc chữ to với những câu triết lý Phật giáo.

Vườn kinh Bắc truyền trích diễm
Vườn kinh Bắc truyền trích diễm
Vườn kinh Bắc truyền trích diễm được bố trí dọc sông Trà Ôn
Vườn kinh Bắc truyền trích diễm được bố trí dọc sông Trà Ôn

Ý tưởng xây dựng vườn kinh đá của thày thầy Thích Phước Cẩn – trụ trì chùa Phước Hậu từ lần sang Myanmar du lịch, thăm quan và thấy kinh pháp cú được khắc trên đá bằng tiếng Pali. Tháng 3-2014 công trình được khởi công và hoàn thành vào tháng 3-2016.

Kết thúc thăm quan Vườn kinh đá, thày Phước Cẩn trao đổi với mọi người ý tưởng đưa các đá đặc trưng cho lịch sử phát triển địa chất (trước mắt vùng đồng bằng Sông Cửu Long) về Vườn kinh đá để mọi người (nhất là người dân địa phương) có điểm thăm quan, học tập, tìm hiểu khái quát về địa chất khu vực.

Trên cơ sở danh sách đề xuất lấy mẫu mà thày Lê Quang Sáng phác thảo; Hải và Thu góp thêm ý kiển để triển khai công việc. Một bản đồ các loại đá, vị trí lấy mẫu sẽ được Hải thực hiện sớm để thày Cẩn có cơ sở triển khai công việc.

Trao đổi thông tin để triển khai công việc tiếp theo
Trao đổi thông tin để triển khai công việc tiếp theo

16:00 kết thúc phần trao đổi, trước khi chia tay thày Phước Cẩn tặng quà cho thày Sáng, Thu và Hải – những quả bưởi “lộc chùa” đầu năm thật sự ngọt ngào.

Vườn kinh đá – một công trình văn hóa gắn kết Tâm linh – Khoa học – Du lịch sẽ là điểm đến đầy lý thú của du khách trong và ngoài nước.

H & H

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Vườn kinh đá ở chùa Phước Hậu

Bình luận về bài viết này