CẦU THIÊN NHIÊN LÝ SƠN (CỔNG TÒ VÒ LÝ SƠN)

Hà Quang Hải, Phan Hùng Việt

1.Giới thiệu

Các cây Cầu thiên nhiên (Natural bridges) còn được gọi là các vòm đá (Stone arches) là dạng địa hình khác thường hình thành do quá trình xói mòn của sông, biển vào các đá trầm tích phân lớp nằm ngang như cát kết, đá vôi, chúng không hình thành trên các đá biến chất và núi lửa [3].

Trên lãnh thổ Việt Nam, cho đến nay, dạng địa hình này mới được phát hiện một điểm duy nhất tại đảo núi lửa Lý Sơn (cù lao Ré) thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Người dân Lý Sơn gọi cây cầu này là cổng Tò Vò, chúng tôi gọi là Cầu Thiên nhiên Lý Sơn (Ly Son Natural Bridge), có nguồn gốc núi lửa thuộc dạng địa hình hiếm có trên thế giới (Hình 1).

Hình 1. Cổng Tò Vò Lý Sơn
Hình 1. Cổng Tò Vò Lý Sơn

2.Vị trí

Cầu thiên nhiên Lý Sơn nằm trên bãi biển phía bắc, thuộc thôn Tây 1, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; có tọa độ địa lý:

Kinh độ Đông:            09o05’59.92”               Vĩ độ Bắc:15o23’19.69”
UTM:  zone 49            X=   295971                    Y= 1702320

3.Đặc điểm địa mạo

Cầu Thiên nhiên Lý Sơn là dải đá bazan sót nhô trên bãi biển, chiều dài khoảng 20 m, điểm giữa cầu (trung tâm vòm) cao hơn bề mặt mài mòn biển 4,0 m, điểm hẹp nhất của cầu rộng khoảng 2,0 .

Các dạng địa hình (Hình 2)  tại khu vực này gồm:

Tovo_16_09_2009_N
Hình 2. Các bề mặt địa hình khu vực Cầu Thiên nhiên Lý Sơn (Cổng Tò Vò)

– Bãi biển mài mòn – tích tụ hiện đại: Ở phần thấp, sóng biển phá phần lớn các lớp đá bazan dòng chảy tới các lớp cát kết san hô. Ở phần cao, tích tụ phân bố sát chân bậc thềm 1, thành phần chủ yếu là cát, vụn san hô, mảnh khối bazan và cát kết tuf.

– Thềm bậc 1 tích tụ – mài mòn, cao khoảng 2,5 m (so với mực biển trung bình) phân bố thành dải rộng theo chân vách đổ lở phía bắc Giếng Tiền. Vật liệu tích tụ thềm 1 bao gồm hai lớp: trên là cát san hô dày 0,5 m; dưới là cuội sỏi, mảnh vụn san hô, mảnh, khối đá bazan, vụn cát kết tuf dày 1,0-1,5 m phủ trên cát kết san hô (gọi là đá kết) và đá bazan dòng chảy cấu tạo cổng Tò Vò là bề mặt mài mòn có độ cao tương đương thềm 1 (Hình 3).

– Vách biển (cliff) cao 20 – 40 m cắt vào sườn và một phần miệng núi lửa Giếng Tiền để lộ các lớp vật liệu phun nổ gồm cát kết tuf, bột kết tuf chứa các mảnh vụn đá bazan góc cạnh. Các mảnh vụn, khối đá rơi từ vách biển là vật liệu cấu thành thềm bậc 1, nhiều khối đá có kích thước lớn nhô trên mặt thềm tạo nên các tháp đá.

– Miệng núi lửa Giếng Tiền dạng lòng chảo. Gờ phía bắc miệng núi lửa đã bị sập đổ. Các khe nứt xuất hiện trên vách núi là dấu hiệu “nguy cơ” đổ lở của các khối đá trong tương lai.

h_3_na
Hình 3. Thềm 1 mài mòn (cầu Thiên nhiên Lý Sơn)
  1. Đặc điểm địa chất

Mặt cắt địa chất tại khu vực cổng Tò Vò và núi lửa Giếng Tiền từ dưới lên như sau:

  • Cát kết san hô, khung xương san hô gắn kết phân lớp 10 – 20 cm tạo bề mặt mài mòn lộ dọc bãi biển. Các lớp cắm về phía bắc có góc dốc 10 – 15 độ. Bề dày lộ khoảng 1,0 m.
  • Đá bazan mầu đen, ít lỗ rỗng, phân lớp, lộ rải rác thành các khối nhỏ trên bãi biển mài mòn. Quá trình phá hủy của sóng để lộ đá bazan phủ trên các lớp cát kết san hô (Hình 3, 5).
  • Các lớp cát kết tuf, bột kết tuf chứa mảnh đá, khối đá bazan cắm dốc từ miệng núi lửa về xung quanh, càng lên cao các lớp có góc dốc càng lớn (Hình 4).
  • Cát san hô, cuội sỏi, mảnh vụn san hô, mảnh và khối đá bazan, cát kết tuf dày 2,0 m (vật liệu cấu tạo thềm 1).

Hình 4.
Hình 4. Các lớp cát kết, bột kết tuf cắm dốc. Bazan dòng chảy nằm ngang phủ trên cát kết san hô
  1. Sự hình thành Cầu Thiên nhiên Lý Sơn

Cát kết san hô có tuổi tuyệt đối 1.900 ± 86 năm (trung bình 4 mẫu C14)[4]. Bazan dòng chảy từ miệng núi lửa Giếng Tiền chảy xuống địa hình thấp ven biển phía bắc phủ lên cát kết san hô chắc chắn có tuổi trẻ hơn.

Đá bazan gồm hệ thống khe nứt phát triển theo mặt lớp và theo phương thẳng đứng (cắt ngang lớp). Các khe nứt là vị trí xung yếu để sóng phá hủy, tách dần từng khối để hình thành cầu thiên nhiên (Hình 5). Hiện tại, cây cầu này vẫn đang bị phá hủy, nhất là vào thời kỳ giông bão, sóng cao và mạnh.

Tovo_P5
Hình 5. Hệ khe nứt phát triển theo mặt lớp và hệ khe nứt thẳng đứng

Trên bản đồ Địa du lịch cù lao Ré, Cầu Thiên nhiên Lý Sơn (Cổng Tò Vò) có số hiệu 9. Đây là điểm đầu tiên trong chuỗi các điểm thăm quan, tìm hiểu các điểm lý thú về địa chất và địa mạo núi lửa khu vực Giếng Tiền [1].

Đến Lý Sơn, không thể bỏ qua Cầu Thiên nhiên Lý Sơn – Cổng Tò Vò Lý Sơn. Ngoài việc thăm quan, tìm hiểu đặc điểm địa mạo, địa chất núi lửa, và cơ chế hình thành Cầu Thiên nhiên còn có cơ hội ghi lại những hình ảnh với cảnh quan thật ấn tượng của địa điểm này, đặc biệt vào lúc bình minh  và hoàng hôn.

Binh Minh_Ly Son

Hình 6. Bình minh.  Ảnh: Phuong D. Vo [2]

Hoan hon_Ly Son

Hình 7. Hoàng hôn. Ảnh: Yang Maverick [2]

Tài liệu tham khảo

[1]. Hà Quang Hải và nnk. Du lịch đảo núi lửa Lý Sơn (Cù lao Ré – cù lao Bờ Bãi). www.diamoitruong.com

[2]. Đảo Lý Sơn. http://dulichdaolyson.info/nhung-cung-bac-cam-xuc-khi-du-lich-dao-ly-son-2648.html

[3]. A.S. Goudie. 2004, Encyclopedia of Geomorphology. Routledge Ltd.

[4].M.  Korotky et al. 1995. Late  Pleistocene-Holocene  coastal  development  of  islands  off Vietnam. Journal Of  Southeast  Asian Earth Sciences, Vol. 11,  No. 4,  pp.  301-308.

 

 

 

 

CẢNH QUAN ĐỒNG THÁP MƯỜI

Hà Quang Hải, Lê Thị Bạch Linh, Dương Thị Bích Huệ

1. Giới thiệu

Đồng Tháp Mười là vùng địa hình trũng lầy của đồng bằng sông Cửu Long, trải dài trên ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An theo hướng tây – đông. Phía bắc giáp với Cambodia, phía nam giới hạn bởi dải đất cao ven sông Tiền nối với giồng cát Cai Lậy (Tiền Giang), phía đông giáp với sông Vàm Cỏ Đông. Diện tích Đồng Tháp Mười có sự khác biệt giữa các tài liệu đã công bố: 8000 km2 [7], 950.000 hecta, 700.000 hecta hoặc 544.000 hecta [3], 13000 km2 [9], tài liệu “Viet Nam – Netherlands Cooperation” thể hiện Đồng Tháp Mười hầu hết diện tích bắc sông Tiền, sông Mỹ Tho đến ranh giới với Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh [11].

Tên gọi Đồng Tháp Mười có những tư liệu và giả thiết khác nhau: 1) ngôi tháp của ông vua thứ mười, 2) ngôi tháp thứ mười tính từ Lục Chân Lạp xuống, 3) tháp 10 tầng của Chân Lạp, 4) tháp canh thứ 10 (tính từ Ba Sao vào Gò Tháp), hoặc 10 tầng (còn gọi là thang trong) của nghĩa quân Thiên Hộ Dương để canh chừng giặc Pháp [3]. Khai quật khảo cổ học mới đây cho rằng Đồng Tháp Mười có thể có 10 tháp như truyền thuyết [5].

Trong cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, Đồng Tháp Mười là một trong những chiến khu quan trọng của quân giải phóng. Sau năm 1975, Đồng Tháp Mười đã được cải tạo thành vùng trồng lúa. Hiện nay, Đồng Tháp Mười có Vườn Quốc gia Tràm Chim và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, nơi hệ sinh thái đất ngập nước được bảo tồn.

Đồng Tháp Mười cũng như các cảnh quan khác của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long có lịch sử phát sinh và phát triển trong Đại Kainozoi, trong đó giai đoạn Holocen có vai trò quyết định diện mạo cảnh quan hiện nay. Đọc tiếp “CẢNH QUAN ĐỒNG THÁP MƯỜI”