Kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Vào năm 2001, một số Công viên địa chất (CVĐC) quốc gia ra đời và bắt đầu hợp tác với UNESCO trong công cuộc bảo tồn các giá trị địa học. Và sau đó, năm 2004, 17 công viên địa chất châu Âu và 8 công viên địa chất Trung Quốc đã cùng nhau đến trụ sở UNESCO ở Paris để thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN). Mạng lưới hợp tác toàn cầu giữa các Công viên địa chất trên toàn thế giới ra đời nhằm thúc đẩy ba mục tiêu chính là 1) bảo tồn di sản địa chất và hành tinh Trái đất, 2) giáo dục cộng đồng về Khoa học Trái đất và 3) thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương. Là thành viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO, các CVĐC có thể quảng bá, bảo tồn các di sản quốc gia và hưởng được nhiều lợi ích qua sự trao đổi và hợp tác toàn cầu trong mạng lưới.

Cho đến tháng 04/2024, GGN đã phát triển được 213 Công viên địa chất ở 48 quốc gia. CVĐC toàn cầu UNESCO đã trở thành một công cụ ngày càng quan trọng để UNESCO thu hút các Quốc gia Thành viên và cộng đồng của họ tham gia vào Khoa học Trái đất và bảo tồn địa di sản.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu ra mắt một logo đặc biệt.

Vào ngày 22/4/2024, Ngày Trái Đất, GGN đã công bố các cuộc thi hướng đến dịp kỷ niệm đặc biệt này, với chủ đề “Công viên địa chất và bạn”, các cuộc thi xoay quanh sự cảm nhận, và tình yêu của bạn dành cho CVĐCTC – dù bạn sống trong CVĐCTC hay không, bạn tìm thấy một sợi dây liên kết nào đó giữa mình với CVĐC, hãy tham gia cùng 20 năm GGN và các CVĐC toàn cầu UNESCO tại Việt Nam.

  1. Hành trình trải nghiệm Trực quan Trái đất (The Earth Visual Odyssey) dành cho tất cả các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới, không phân biệt tuổi tác.
  2. Câu chuyện của đá (The Stone’s Stories) Dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác.
  3. 5 Giác quan về Công viên Địa chất của bạn (The 5 Senses of Your Geopark) dành cho các bạn trẻ từ 12-18 tuổi

Để biết thêm thông tin các cuộc thi và đăng ký, xin truy cập https://ggn20anniversary.com/vi

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chào mừng 20 năm GGN, Ngày 10-15/9/2024: Hội nghị chuyên đề Mạng lưới Công viên địa chất Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 8 sẽ được tổ chức tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng, Việt Nam  với chủ đề: “Người dân bản địa và dân tộc thiểu số với sự phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”. Hội nghị bao gồm các phiên họp chuyên đề với các chủ đề đa dạng, từ giá trị di sản địa chất, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tới các hoạt động của Công viên địa chất toàn cầu gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc theo chương trình nghị sự 2030, các hoạt động giáo dục về Công viên địa chất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…, các hoạt động trưng bày, gian hàng quảng bá Công viên địa chất.

Chủ đề các phiên hội thảo chuyên đề:

  • Tri thức bản địa và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển CVĐC
  • Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tai biến địa chất và thích ứng với BĐKH
  • Điều tra, đánh giá, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị các loại hình di sản
  • CVĐC với các mục tiêu phát triển bền vững
  • Tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng ở CVĐC
  • Khó khăn, thách thức ở các khu vực muốn trở thành CVĐC

Thông tin chi tiết tại https://www.apgn2024.vn/vi

#UNESCOGlobalGeoparks, #GlobalGeoparksNetwork, #20thanniversaryggn

NHẬT KÝ THỰC ĐỊA KHÁM PHÁ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU ĐẮK NÔNG 

Quế Nam

Phần 2: Khám phá hang động núi lửa và cánh đồng dung nham Nâm B’lang 

Khác với những hang động Karst kỳ vĩ ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ của Việt Nam hình thành từ hoạt động ngoại sinh, hệ thống hang động của CVĐC toàn cầu Đắk Nông được hình thành từ hoạt động nội sinh của Trái Đất – phun trào núi lửa. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra ít nhất 50 hang động núi lửa (lava tube), liên quan chặt chẽ đến hoạt động của núi lửa Nâm B’lang ở xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô. Nổi bật nhất là hang C7 dài 1.217m (vừa mới được phát hiện thêm 150m) dài nhất khu vực Đông Nam Á. 

  • ĐN04, 05 – Hệ thống hang động núi lửa C3-C4, C6.1 

Trong chuyến thực địa này, các nhóm khám phá sẽ được chia nhỏ ra để lần lượt vào các hang khác nhau, tùy vào khả năng tiếp cận của hang (có hang cửa vào là hố sụt nên cần phải có thang dây leo vào) và kinh nghiệm của du khách (thể lực và biết sử dụng thiết bị SRT). Nhóm chúng tôi được xếp vào các nhóm hang dễ tiếp cận đó là: C3-C4 và C6.1 vào ngày 25 tháng 11, và C8, C9 vào ngày 26 tháng 11. 

9g sáng, chúng tôi xuống xe và  đi bộ vào rừng khoảng 3km để đến được cửa hang C3-C4. Đoàn chúng tôi được anh Tuấn từ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản dẫn đường đến các cửa hang. 

Hang C3-C4 thông nhau và có 2 cửa riêng biệt. Hang cao 20m và rộng khoảng 15m, tổng chiều dài 903,7m. Các cửa hang hình thành do trần của ống dung nham sập xuống để lại những khối đá khổng lồ nên dễ dàng cho chúng tôi leo vào. 

Mỗi thành viên trong đoàn được trang bị 1 nón bảo hiểm và 1 đèn pin để quan sát và di chuyển trong hang. Mỗi một chi tiết bên trong hang động, trên tường hang hoặc trên trần hang đều thể hiện các dấu vết của dòng dung nham đã từng chảy qua và từ đó các nhà khoa học biết được đặc tính của dung nham. 

Hình 1. Cửa hang C3 
Hình 2. Các chuyên gia trong hang động khám phá trong hang C3

Hang C6.1: Sau bữa ăn trưa ở trại láng, chúng tôi tiếp tục khám phá hang 6.1, nơi có dấu vết của người tiền sử. 

Hang 6.1 được tìm ra vào năm 2015. Cửa hang hình thành do sập trần nhà có chiều rộng 20m và nằm ở độ sâu 7m, ngăn lối đi ở phía nam. Hang khá ngắn, trần hang có nhiều nơi yếu và hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Các ngấn dung nham dễ dàng tìm thấy ở cửa hang. Hệ sinh thái tại cửa hang rất phong phú và ấn tượng với cây môn khổng lồ. Trong hang có rất nhiều dơi nên người dân cũng từng đến đây khai thác phân dơi. Vô tình, họ tìm thấy nhiều đồ tạo tác khảo cổ như: rìu bầu dụng, mảnh gỗ và đồ gốm. Năm 2018, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tiến hành khai quật và phát hiện di cốt người tiền sử đầu tiên ở Tây Nguyên. 

Hình 3. Phương Khanh tại cửa hang C6.1 có ngấn dung nham 
Hình 4. Di tích khai quật mộ của người tiền sử ở hang C6.1, trần hang yếu 
  • ĐN06 – Thác Gia Long 

Thác Gia Long trước kia có tên là Dray Sap Thượng. Trong một lần dạo thăm, vua Bảo Đại đã đặt tên là thác Gia Long. Cũng như Dray Sap, thác Gia Long được hình thành từ dòng chảy basalt của núi lửa Nâm B’lang. Đứng từ trên, chúng tôi dễ dàng quan sát các dạng basalt cột tách rời bao quanh bởi dòng nước màu ngọc bích đặc trưng. 

Hình 6. Thác Gia Long

Ngày 26 tháng 11: Tham quan núi lửa Nam B’lang và hang C8, C9

  • ĐN07 – Núi lửa Nâm Blang và cánh đồng núi lửa. 

Buổi sáng thức dậy, sau khi check out phòng, xe đưa chúng tôi đến địa điểm tập kết tại khách sạn Quốc Huấn. Tại đây, chúng tôi được nhập đoàn mới và trekking băng qua cánh đồng núi lửa Nâm B’lang để đi đến hang C8 và C9 tại xã Buôn Choah, huyện Krông Nô . 

Con đường băng qua cánh đồng vô cùng nên thơ. Xa xa là những luống ngô đã thu hoạch xong, điểm xuyến cùng đồng hoa xuyến chi reo mình trong gió. Trên đường đi, chúng tôi cũng được ngắm núi lửa mẹ Nâm B’lang có tuổi Pleisstocen giữa (trẻ nhất là 199 nghìn năm và cổ nhất là 689 nghìn năm). 

Hình 7. Núi lửa Nâm B’lang nhìn từ xa
  • ĐN 08,09 – Hang động núi lửa C8, C9

Hang C8 và C9 được đánh giá là khá đẹp và dễ dàng đi vào. Chúng tôi mất khoảng hơn 45 phút mới tiếp cận được miệng hang. Hang C8 có cơ chế hình thành vô cùng phức tạp nhưng cũng rất thú vị. Nơi đây như một bảo tàng sống động về nội thất bên trong hang núi lửa như: thạch nhũ nguyên sinh, thạch nhũ thứ sinh, pahoehoe, gò than đá (dấu tích của cây cối đã bị đốt), giếng trời “skylight”, vòm hang, … 

Hang C9 ngắn hơn (dài 131,7 m). Điểm đặc biệt của hang là có 1 hố sụt rất lớn và hệ sinh thái khổng lồ tại cửa hang động. 

Lời kết  

Nhóm đã có một hành trình tuyệt vời cùng những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời. Các di sản địa chất – địa mạo cũng như văn hóa lịch sử là kho báu vô cùng đáng giá của CVĐCTC Đắk Nông. Chuyến đi này là tài nguyên rất hữu ích cho những bài giảng trong giáo dục địa môi trường về sau. 

Trong lần băng rừng đến hang C3, tôi đã có dịp trò chuyện cùng một chuyên gia người Anh vô cùng thân thiện. Bác kể rất nhiều về vấn đề phát triển bền vững, làm thế nào để có tiếng nói chung về lợi ích kinh tế và môi trường. “It’s about for the long-term”- “Nó dành cho một quá trình dài lâu”. Điều quan trọng là sự lựa chọn cho sự tồn tại lâu dài của những tài nguyên mà bạn đang sử dụng để phục vụ cho mình. Phát triển địa du lịch chính là sự lựa chọn cho tính bền vững này. 

Lời cảm ơn 

Qua đây, nhóm địa môi trường xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Quản lý CVĐCTC Đắk Nông, chị Tôn Thị Ngọc Hanh, cũng như các anh chị trong ban tổ chức, điều hành tour, cộng tác viên: anh Ngọc Bảo, chị Thu Nguyên, anh Hưng, anh Nhật Linh, chị Hoàng Anh, chị Bạch Vân, chị Hằng, chị Diệu,..  cùng tất cả các anh chị khác đã hỗ trợ vô cùng nhiệt tình. 

Nhóm cũng xin cảm ơn đến các anh chị đã đồng hành cùng 2 cô trò trong chuyến thực địa 3 ngày 2 đêm khám phá CVĐCTC Đắk Nông: chị Hạnh, anh Tuấn, anh Hưng, chị Inna, chị Alice, bà Julia cùng tất cả các chuyên gia địa chất, núi lửa học, khảo cổ học,…Tất cả là sự động viên tinh thần to lớn dành cho cô trò qua hành trình chinh phục các hang động tuyệt vời này. 

NHẬT KÝ THỰC ĐỊA KHÁM PHÁ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU ĐẮK NÔNG 

Quế Nam

Phần 1:  Chuyến đi Gia Nghĩa – Krông Nô

Mở đầu

Trong khuôn khổ của Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20, nhóm địa môi trường chúng tôi (cô Quế Nam và bạn Phương Khanh – học viên cao học đang làm đề tài về địa du lịch) đã có cơ hội được tham quan một số điểm đến trong Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông (CVĐCTC Đắk Nông) và nhất là được trải nghiệm một sản phẩm địa du lịch vô cùng thú vị đó là: khám phá hang động núi lửa. Chuyến thực địa kéo dài 3 ngày 2 đêm  từ ngày 24 – 26/11. 

Sau đây là một số ghi chép và hình ảnh mà chúng tôi đã ghi nhận trong hành trình vừa rồi. 

Ngày 24 tháng  11: Xuất phát từ thành phố Gia Nghĩa đi huyện Krông Nô  

  • ĐN01 – Bảo tàng âm thanh 

Từ Trung tâm hội nghị tỉnh ở thành phố Gia Nghĩa, trưa ngày 24 tháng 11, chúng tôi được đưa với địa điểm đầu tiên đó là Trung tâm văn hóa Đắk Nông. Ngoài trời lúc này mưa nhẹ và nhiệt độ khá mát mẻ khoảng 23oC. 

Tại đây, chúng tôi được tham quan Bảo tàng âm thanh – Explora of the Sounds. Đó là 7 căn phòng đại diện cho 7 âm thanh khác nhau được phát ra từ đá, nước, lửa, gỗ, không khí, ánh sáng và con người. Nơi đây sử dụng công nghệ hiện đại cùng với các loại nhạc cụ của dân tộc thiểu số: đàn đá, cồng chiêng,… để tạo ra những trải nghiệm cho du khách.  Với chủ đề chính “Xứ sở của những âm điệu”, bảo tàng là ca khúc chủ đề mở màng cho hàng hoạt những âm thanh sống động sau này mà chúng tôi được trải nghiệm. 

Được lắng nghe những câu chuyện mà các chị thuyết minh giải thích, được tận mắt cảm nhận nguồn năng lượng của chính mình qua đá và hiểu câu chuyện về sự tâm huyết của Ban Quản lý CVĐCTC Đắk Nông, chúng tôi thật sự được thuyết phục bởi sự chỉnh chu và đầu tư nghiêm túc cho nơi này.

  • ĐN 02 – Núi lửa Băng Mo

Đi dọc theo quốc lộ 14 từ Gia Nghĩa lên huyện Krông Nô, xe chúng tôi ghé thăm trang trại trồng cao su – ca cao, cũng như đi ngang chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ xa của 1 trong 5 nón núi lửa thuộc CVĐCTC Đắk Nông, núi lửa Nâm Glê (núi lửa Thuận An) thuộc xã Thuận An huyện Đắk Mil. 4 nón núi lửa còn lại đó là núi lửa Nâm Blang (Chư R’luh) và cụm núi lửa Nam Kar thuộc huyện Krông Nô, núi lửa Băng Mo (Ea Tlinh) và núi lửa âm Nam Dơng thuộc huyện Cư Jút.  

Buổi chiều hôm ấy, dừng lại geosite đầu tiên, núi lửa Băng Mo tại thị trấn Ea T’ling của huyện Cư Jút lúc 4g00, chúng tôi nhận được sự tiếp đón nồng hậu từ phía Ban lãnh đạo huyện và các bạn Đoàn thanh niên. 

Núi lửa Băng Mo là nón núi lửa có hình dạng cân đối nhất trong 5 nón núi lửa ở đây. Con đường bộ đi vào chân núi tương đối bằng phẳng và chỉ mất khoảng 20 phút từ chân để leo đến đỉnh. Núi lửa Băng Mo gồm ít nhất 2 miệng ứng với ít nhất 2 đợt phun trào: Một miệng có niên đại lớn hơn với đường kính khoảng 673m với chiều cao 82m, độ cao 420m so với mực nước biển; miệng còn lại trẻ hơn có đường kính 242m, chiều cao 40m với hình dáng miệng còn tương đối rõ nét. 

Nhà vọng cảnh của núi lửa Băng Mo từ trên xuống có thể bao quát được cánh đồng ngô, cà phê được trồng trên nền lớp phủ basalt đã phong hóa. Tuy nhiên do quá nhiều cây cối rậm rạp nên chúng tôi vẫn chưa có góc nhìn để quan sát rõ ràng hình dạng miệng núi lửa. 

Sau một chuyến đi dài khoảng 80km, điểm đến cuối ngày của chúng tôi là khu du lịch Đray Sap. Tiếng cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc khác hòa cùng tiếng ca vang vọng núi rừng của những dân tộc anh em như Thái, Mạ, M’Nông, Ê-đê,… đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người.

Hình 8. Bữa tiệc tại KDL Đray Sap, huyện Krông Nô cùng phần trình diễn của các dân tộc bản địa. 

Ngày 25 tháng  11: Khám phá hang động núi lửa C3-C4, C6.1, thác Dray Sap và thác Gia Long

  • ĐN 03 – Thác Dray Sap 

Buổi sáng thức dậy, chúng tôi gặp thêm các thành viên mới đến trong đoàn. Tranh thủ thời gian sau khi ăn sáng, mọi người rủ nhau tham quan thác Đray Sap ngay trong khuôn viên của khu du lịch. Từ cổng chào theo cầu thang xuống, men theo bờ suối, sau 10 phút đi bộ trong khu rừng, dòng thác Đray Sap hùng vĩ hiện ra trước mặt chúng tôi. 

Thác Đray Sap là một trong hệ thống 3 thác nước trên dòng Sêrêpốk (thác Đrây Sap, thác Đray Nur và thác Gia Long). Theo tiếng Ê-đê, tên Đray Sap có nghĩa là khói. Nơi đây từ lâu là địa điểm du lịch nổi tiếng của vùng Tây Nguyên. Thác Đray Sap có nước chảy quanh năm nhưng hạn chế về mùa khô do đập thủy điện Buôn Cốp. 

Theo cẩm nang địa chất của CVĐCTC Đắk Nông, thác Đray Sap được hình thành cách đây 300,000 năm (?) qua 2 pha phun trào basalt. Pha đầu, dòng dung nham phủ chờm lên các thành tạo trầm tích lục nguyên cùng với việc địa hình không bằng phẳng nên dòng basalt đã lấp đầy các vùng trũng, nguội lạnh và tạo nên basalts dạng cột. Ta có thể quan sát rất rõ vách của thác lộ dạng cột với nhiều hình thái khác nhau. Pha sau, dòng dung nham xuất hiện tro, xỉ và các tảng có hình thái khác nhau phản ánh nên chuyển động của các dòng dung nham.  

Hình 9. Thác Đray Sap

Mời các bạn cùng đón xem phần 2 – Khám phá các hang động núi lửa và cánh đồng dung nham Nâm B’lang.