HÃY DỪNG DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN DU KHÁCH BẰNG XE JEEP TẠI SUỐI TIÊN

Giới thiệu

Suối Tiên là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến tham quan Mũi Né, Phan Thiết. Suối Tiên chảy theo ranh giới giữa dải đồi phía đông cấu tạo bởi cát màu trắng xám và dải đồi phía tây là cát đỏ phủ lên cát trắng xám. Cát màu đỏ thuộc hệ tầng Phan Thiết có tuổi 85.000 ± 9.000 năm hình thành vào giai đoạn biển tiến Pleistocene muộn (MIS-5), cát trắng xám thuộc hệ tầng Mũi Né có tuổi > 204.000 năm hình thành trong giai đoạn biển tiến Pleistocene giữa (MIS-7). Đây là vết lộ địa tầng tương ứng với hai giai đoạn biển tiến được định tuổi tuyệt đối duy nhất ở Việt Nam*.

Suối Tiên được đánh giá là một geosite có giá trị cao về mặt khoa học địa chất, địa mạo và giá trị thẩm mỹ (Hà Quang Hải và nnk). Trên sườn phía tây suối, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các dạng vi địa hình phản ánh đặc điểm thạch học của hai hệ tầng. Trên cát đỏ (hệ tầng Phan Thiết) xuất hiện các khe rãnh xâm thực, vết trượt, cát trôi. Trên cát trắng xám (hệ tầng Mũi Né) có các “tháp cát, nấm cát” kiểu giả karst, các vách thẳng đứng, các hàm ếch xâm thực và thác nước.

7Hình 1: Vách đồi phía tây, cát đỏ phủ lên cát trắng gồm các dạng địa hình độc đáo

Lội bộ dọc suối – con đường mòn địa chất (geotrail) thú vị

Nước suối Tiên mát rượi, mực nước thường đến cổ chân, đôi chỗ đến nửa gối và nơi sâu nhất cũng không quá đầu gối. Đáy suối cát có màu đỏ cam do trầm tích sườn đồi phía tây chảy xuống. Từ lâu, Suối Tiên đã là một điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước. Việc tham quan trải nghiệm tại nơi đây chủ yếu là đi bộ dọc theo suối để ngắm các dạng vi địa hình cũng như cảnh quan độc đáo và việc lội bộ trên nền suối cát êm chân làm cho du khách cảm thấy khá thú vị nhất là trong cái tiết trời oi ả của đồi cát miền Trung rộng lớn.

Lội bộ từ cửa suối đến thác nước, du khách sẽ thật sự thú vị khi thấy ranh giới rõ ràng giữa hai hệ tầng (cát đỏ phủ trên cát trắng), sự xuất hiện các bậc thềm suối, các tháp cát giả karst (Hình 2), các delta (Hình 3), các vết trượt, các hàm ếch và cuối lộ trình là thác nước với hố xoáy chân thác.

          Hình 2,3,4,5: Du khách đi dọc suối để ngắm cảnh quan độc đáo

Suối Tiên đang trong quá trình suy thoái

Những dạng địa hình nói trên (trượt đất, cát chảy, hàm ếch…) phản ánh quá trình suy thoái của suối Tiên. Đi dọc theo suối, có thể dễ dàng nhận thấy các vết trượt dày đặc, có kích thước khác nhau. Tại một số vị trí trên sườn dốc còn quan sát được rãnh xâm thực sâu, khá lớn; các vết trượt lòng máng thường hình thành trên cát đỏ. Trên cát trắng xám thường là các vách dốc đứng, các khe rãnh xâm thực hẹp, các “carư” dạng lưỡi mác có kích thước khác nhau; chân cát xám trắng có các hàm ếch xâm thực khá rõ, một số vị trí các hàm ếch này đã sập xuống đáy suối.

15Hình 6: Toàn cảnh một cung trượt.

Cung truot_26.4.2010Hình 7: Trên ảnh Google Earth 26/4/2010, ta có thể quan sát hàng loạt cung trượt khá rõ trên sườn tây

Địa hình (độ dốc cao của sườn), đặc điểm trầm tích (chủ yếu là cát bở rời hoặc gắn kết yếu), lớp phủ thực vật trơ trụi là những yếu tố chính dẫn đến sự suy thoái của Suối Tiên (Hình 8).

Hình 8: Tác động xâm thực đang làm Suối Tiên suy thoái

Hoạt động du lịch cũng góp phần gia tăng sự suy thoái của Suối Tiên. Du khách đến đây ngày một nhiều. Một số du khách trèo trên sườn cát chảy, ngồi lên các khối giả karst (Hình 9), di chuyển dọc suối làm gia tăng xói mòn, kết quả là lòng suối ngày một mở rộng và khoét sâu hơn. So sánh cùng một vị trí trong 3 thời kỳ cho thấy bề rộng suối mở rộng gấp 3-4 lần (Hình 10).

11Hình 9: Một hàm ếch khoét sâu vào khối giả karst. 12/2015

Hình 10: Khúc suối bị mở rộng do tác động du lịch (12/2012-12/ 2014-6/2016)

Dịch vụ xe jeep dọc Suối Tiên là không thích hợp

Cách nay khoảng 2-3 tháng, xuất hiện các xe Jeep chở khách dọc Suối Tiên. Việc đưa se jeep vào Suối Tiên sẽ dẫn đến những hệ lụy không tốt cho điểm đến “bồng lai tiên cảnh” này.

Hình 11: Ngay tại khu vực xuất phát đã bắt gặp dịch vụ chở bằng xe Jeep vào thác

Chiều dài của con suối chưa đầy 1 km, phương tiện di chuyển bằng xe Jeep hoàn toàn không phù hợp. Ngồi trên xe, du khách sẽ không cảm nhận được những điều lý thú xuất hiện liên tục theo vách suối. Lòng suối khá hẹp, nước nông, nền cát mịn, nếu lội bộ sẽ làm tăng thêm sự thích thú của du khách. Khi những chiếc xe Jeep đi qua, bấm còi inh ỏi, các du khách phải vội vàng nhường lối (nép vào vách suối), nước bắn lên người, khiến cho những cảm nhận về một cảnh quan tự nhiên không còn nữa. Cũng không loại trừ những tai nạn giao thông có thể xảy ra.

Khi xe Jeep di chuyển, lòng suối sẽ bị khoét sâu, sóng sẽ tác động đến vách suối; tức là quá trình xâm thực sẽ gia tăng (cả sâu và ngang); kết quả là các dạng vi địa hình, địa mạo độc đáo ven suối sẽ bị phá hủy nhanh chóng.

Hình 12: Việc di chuyển bằng xe Jeep qua những khúc hẹp như thế này sẽ làm tăng xói lở hai bên bờ

Thay lời kết

Geosite Suối Tiên thuộc tiêu chí độc đáo (duy nhất) và phức hợp (địa mạo-địa tầng), đã được đề xuất là geosite cấp Quốc gia. Loại hình thích hợp tham quan geosite này là đi bộ, đi dọc theo lòng suối (geotrail) du khách có trải nghiệm thú vị về địa chất, địa mạo nơi đây. Đưa xe jeep vào Suối Tiên sẽ làm cho geosite này suy thoái nhanh hơn, các du khách thích thú đi bộ sẽ xa lánh dần. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận nên dừng ngay hoạt động dịch vụ xe Jeep tại nơi này. Hơn thế nữa, Suối Tiên cần được quy hoạch thành một điểm du lịch, có hướng dẫn viên thuyết minh các hiện tượng địa chất, địa mạo và cần có giải pháp bảo tồn geosite này – một tài nguyên vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây.

Phương Chi.

* Đọc thêm bài Các geosite ven biển Bình Thuận trong diamoitruong.com

CÁC GEOSITE VEN BIỂN TỈNH BÌNH THUẬN

Hà Quang Hải, Nguyễn Ngọc Tuyến, Hoàng Thị Phương Chi, Lê Thị Thu Hiền

I. Giới thiệu

Năm 1996, Hội Địa chất Quốc tế (IUGS) bắt đầu triển khai chương trình GEOSITES. Chương trình này nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng địa chất bảo tồn đa dạng địa học: mục tiêu chính là cung cấp một cơ sở dữ liệu cấp vùng hay cấp quốc gia nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên địa chất, một dạng tài nguyên quan trọng phục vụ cho nghiên cứu và giáo dục.

Dải ven biển tỉnh Bình Thuận kéo dài khoảng 150 km có nhiều geosite có giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, trong đó một số đã trở thành những điểm du lịch, thu hút một lượng du khách trong và ngoài nước đáng kể như Suối Tiên, Bàu Trắng, bãi đá bảy màu Cổ Thạch …Tuy vậy, việc bảo vệ và bảo tồn các geosite chưa được thực hiện, một số geosite đang bị suy thoái do tác động của tự nhiên và con người.

Bài viết này trình bày phân loại sơ bộ geosite, các nghiên cứu chi tiết hơn cần được thực hiện làm cơ sở cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên phi sinh quí giá này. Đọc tiếp “CÁC GEOSITE VEN BIỂN TỈNH BÌNH THUẬN”