CÁC GEOSITE VEN BIỂN TỈNH BÌNH THUẬN

Hà Quang Hải, Nguyễn Ngọc Tuyến, Hoàng Thị Phương Chi, Lê Thị Thu Hiền

I. Giới thiệu

Năm 1996, Hội Địa chất Quốc tế (IUGS) bắt đầu triển khai chương trình GEOSITES. Chương trình này nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng địa chất bảo tồn đa dạng địa học: mục tiêu chính là cung cấp một cơ sở dữ liệu cấp vùng hay cấp quốc gia nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên địa chất, một dạng tài nguyên quan trọng phục vụ cho nghiên cứu và giáo dục.

Dải ven biển tỉnh Bình Thuận kéo dài khoảng 150 km có nhiều geosite có giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, trong đó một số đã trở thành những điểm du lịch, thu hút một lượng du khách trong và ngoài nước đáng kể như Suối Tiên, Bàu Trắng, bãi đá bảy màu Cổ Thạch …Tuy vậy, việc bảo vệ và bảo tồn các geosite chưa được thực hiện, một số geosite đang bị suy thoái do tác động của tự nhiên và con người.

Bài viết này trình bày phân loại sơ bộ geosite, các nghiên cứu chi tiết hơn cần được thực hiện làm cơ sở cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên phi sinh quí giá này.

II. Khái niệm geosite

Geosite (các từ đồng nghĩa: geotopes, Earth science sites, geoscience sites) là những phần địa quyển có ý nghĩa quan trọng đặc biệt để nhận thức về lịch sử trái đất. Geosite không bị giới hạn về không gian, về mặt khoa học có thể phân biệt được với môi trường xung quanh một cách rõ ràng [2].

Geosite là các điểm địa chất hoặc địa mạo có giá trị khoa học (ví dụ: kiểu địa tầng trầm tích, thềm biển liên quan đến thời kỳ biển tiến), giá trị văn hóa/lịch sử (ví dụ: giá trị tôn giáo hoặc huyền bí), giá trị thẩm mỹ (ví dụ: một số cảnh quan núi hoặc bờ biển) và /hoặc giá trị xã hội/kinh tế (ví dụ: các cảnh quan thẩm mỹ như là điểm đến của du khách) do nhận thức hoặc khai thác của con người.

Các geosite được phân loại thành geosite cấu trúc, thạch học, địa hóa, khoáng vật, cổ sinh, địa chất thủy văn, trầm tích, thổ nhưỡng, địa mạo.. Một số đối tượng nhân sinh (ví dụ: các mỏ) cũng được xem là các điểm địa sử. Các geosite có thể là các đối tượng riêng rẽ (ví dụ: các suối nước, các dòng dung nham) và các hệ thống lớn hơn (ví dụ: các hệ thống sông, các cảnh quan bờ biển). Các geosite chủ động cho phép quan sát các quá trình địa chất, địa mạo đang hoạt động (ví dụ: các hệ thống sông, các cồn cát do gió), trong khi đó các geosie bị động là bằng chứng cho các quá trình địa chất quá khứ (ví dụ: các mức hõm gặm mòn trên vách đá vôi, các thềm san hô); trong trường hợp này, chúng có giá trị di sản đặc biệt như là bộ nhớ Trái đất (sự tiến hóa cảnh quan, lịch sử sự sống và những biến đổi khí hậu).

III. Phân loại geosite ven biển Bình Thuận

Các tiêu chí lựa chọn và đề xuất geosite về cơ bản dựa vào hướng dẫn trình bày tại Hội nghị chuyên đề ở Roma) bao gồm: 1) tính độc đáo (hoặc duy nhất), 2) tính đại diện, 3) tính phức hợp [6].

Tổng hợp và phân tích các kết quả nghiên cứu địa chất [1,4] và các khảo sát thực tế gần đây của chúng tôi, có thể phân loại các geosite ven biển Bình Thuận thuộc 4 kiểu: 1) Cảnh quan địa mạo, 2) Địa tầng, 3) Cấu trúc và 4) Nước khoáng với các geosite trình bày trong (Hình 1; Bảng 1).

Trong 4 kiểu trên, các geosite thuộc Cảnh quan địa mạo khá đá dạng như các mũi nhô đá xâm nhập, phun trào; các vịnh biển, bãi biển, thềm biển, vách biển do hoạt động mài mòn và tích tụ của biển và cao nguyên cát đỏ rộng lớn, các đụn cát hiện đại do gió. Các cảnh quan này đã hình thành nên đới bờ biển đặc trưng của Bình Thuận. Đó là các vịnh biển uốn cong xen giữa các mũi nhô mà có thể nhận dạng dễ dàng trên ảnh vệ tinh và bản đồ qua hình thái đường bờ.

Hình 1. Vị trí các geosite ven biển Bình Thuận
Hình 1. Vị trí các geosite ven biển Bình Thuận

Bang_1

IV. Đề xuất geosite cấp quốc gia

Chúng tôi đề xuất ba geosite trình bày dưới đây thuộc cấp quốc gia, các geosite còn lại thuộc cấp vùng.

1) Geosite Suối Tiên (13)

Hình 2. Một phần sườn tây thung lũng Suối Tiên
Hình 2. Một phần sườn tây thung lũng Suối Tiên

Suối Tiên kéo dài gần 1 km theo hướng đông bắc – tây nam. Suối Tiên chảy theo ranh giới giữa dải đồi phía đông cấu tạo bởi cát màu trắng xám và dải đồi phía tây là cát đỏ phủ lên cát trắng xám. Trên sườn phía tây suối, các dạng vi địa hình phản ánh sự phân dị giữa hai loại trầm tích khá rõ. Trên cát đỏ xuất hiện các khe rãnh xâm thực, vết trượt, cát trôi. Trên cát trắng xám có các “tháp cát, nấm cát” giả karst, các vách thẳng đứng, các hàm ếch xâm thực và thác nước (đang xâm thực giật lùi).

Dọc vách suối phía tây lộ ra một mặt cắt địa chất đẹp; cát màu đỏ hệ tầng Phan Thiết phủ trên cát trắng xám hệ tầng Mũi Né. Kết quả phân tích nhiệt phát quang cho thấy cát đỏ có tuổi 85000 ± 9000 năm hình thành vào giai đoạn biển tiến pleistocen muộn (MIS -5) trong khi cát trắng xám có tuổi > 204000 năm [5], có lẽ được hình thành trong giai đoạn biển tiến Pleistocen giữa (MIS – 7).

Từ nhiều năm nay, suối Tiên đã trở thành điểm thăm quan của du khách trong và ngoài nước.

Geosite Suối Tiên thuộc tiêu chí độc đáo (duy nhất) và phức hợp (địa mạo-địa tầng). Đề nghị xếp Suối Tiên thuộc geosite cấp Quốc gia.

Hình 3. Một số dạng địa hình trong thung lũng Suối Tiên
Hình 3. Một số dạng địa hình trong thung lũng Suối Tiên

2) Geosite mũi đá Kê Gà (15)

Hình 4. Tháp đá Mũi Kê Gà
Hình 4. Tháp đá Mũi Kê Gà

Kê Gà là mũi đá granit (phức hệ Đèo Cả) nhô ra biển, gồm cát cột đá đủ hình dạng, kích thước, nằm nghiêng, thẳng đứng. Sự phá hủy lâu dài của sóng biển đã tạo ra đảo Kê Gà (mũi Điện) tách rời khỏi mũi đá. Mũi đá này có thể phân thành 3 khu: khu bắc có tháp đá nhô cao nhất, khu trung tâm là các cột đá thấp, thường xuyên chịu tác động của biển) và khu nam là đảo Kê Gà.

Có những hệ thống khe nứt theo phương khác nhau hình thành trên đá granit thuộc phức hệ Đèo Cả tại Kê Gà, trong đó phương chính (20 – 30o) gần trùng với đường bờ biển [3]. Đây là vị trí rất tốt cho nghiên cứu, học tập tìm hiểu về các trường ứng xuất kiến tạo.

Giá trị văn hóa/lịch sử bổ sung cho geosite Kê Gà, đó là ngọn Hải Đăng cổ nhất Đông Nam Á ở mũi Điện (do người Pháp xây dựng từ năm 1897 và hoàn thành năm 1899).

Geosite Kê Gà đáp ứng tiêu chí đại diện (điển hình cho các geosite mũi nhô) và phức hợp (địa mạo-cấu trúc – Văn hóa/lịch sử). Đề nghị xếp Kê Gà thuộc geosite cấp Quốc gia. Đề xuất qui hoạch geosite này thành Công viên địa chất Đá hoa cương Kê Gà.

Hình 5. Một số dạng địa hình ỡ Mũi Kê Gà
Hình 5. Một số dạng địa hình ở Mũi Kê Gà

3) Geosite Bãi đá cuội bảy màu Cổ Thạch (8)

Hinh 6. Bãi đá bảy màu Cổ Thạch
Hinh 6. Bãi đá bảy màu Cổ Thạch

Bãi biển Cổ Thạch thuộc kiểu bờ biển dạng túi; dải cuội kéo dài khoảng 1 km theo hướng gần kinh tuyến, nơi rộng nhất tới 25 m, thường tạo thành hai sóng cuội thay đổi theo mùa. Cuội có kích thước trung bình 3 – 5 cm, thành phần hầu hết là đá phun trào thuộc hệ tầng Nha Trang. Cuội có nhiều màu sắc (xanh, vàng, đỏ, trắng, tím, xám, cam..).

Giới hạn hai đầu bãi cuội là các mũi nhô lộ đá granit phức hệ Đèo Cả và đá phun trào hệ tầng Nha Trang. Các hệ thống khe nứt dưới tác động phá hủy mở rộng của sóng đã hình thành các cột đá, tháp đá, đá chồng nhiều hình dạng.

Hệ thống khe nứt mở rộng trên bậc địa hình ở mũi đá bắc là cơ sở để xây dựng chùa Cổ Thạch (còn gọi là chùa Hang, có tuổi trên 100 năm). Một quần thể gồm am, điện nằm xen giữa các khối đá đồ sộ tạo nên kiến trúc độc đáo của ngôi chùa. Chùa Hang được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia vào năm 1993.

Bãi đá cuội bảy màu cùng với chùa Cổ Thạch hàng năm thu hút hàng vạn du khách từ mọi miền đất nước đến lễ Phật và thăm quan.

Geosite Bãi đá cuội bảy màu Cổ Thạch đáp ứng tiêu chí độc đáo (duy nhất) và phức hợp (địa mạo-địa tầng – tâm linh), đề nghị xếp geosite cấp Quốc gia. Đề xuất qui hoạch thành Công viên Địa chất Bãi đá cuội bảy màu Cổ Thạch.

CoThach_ghep

Hình 7. Bãi đá bảy màu và chùa Cổ Thạch

Kết luận:

Dải ven biển tỉnh Bình Thuận chứa đựng nhiều geosite có giá trị cho việc nghiên cứu và học tập về khoa học trái đất. Các geosite Địa mạo liên quan đến quá trình biển chiếm ưu thế, một số geosite thuộc loại độc đáo và phức hợp như Suối Tiên, Bãi đá cuội bảy màu Cổ Thạch, hoặc có tính đại diện và phức hợp như Mũi Kê Gà. Các geosite này cần được qui hoạch thành công viên địa chất quốc gia.

Tỉnh Bình Thuận cần tiến hành đánh giá các geosite một cách toàn diện hơn, triển khai các chương trình địa du lịch cho mục tiêu bảo tồn các geosite cũng như phát triển kinh tế địa phương.

Tài liệu tham khảo

[1]. Lê Đức An, Uông Đình Khanh, Địa mạo Việt Nam, Cấu trúc – Tài nguyên – Môi trường, NXB. Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội (2012).

[2]. Goude A.S., Encyclopedia of Geomorphology. Routledge. Volum 1, pp.440 (2004).

[3]. Đỗ Văn Lĩnh, Lịch sử phát triển kiến tạo Kainozoi lãnh thổ nam Trung Bộ và mối liên quan với động đất, Luận án tiến sĩ địa chất, Trường Đại học Bách Khoa, TP. Hồ Chí Minh (2010).

[4]. Nguyễn Đức Thắng (chủ biên), Địa chất và khoáng sản tờ Phan Thiết (C-49-VII. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hà Nội (1999).

[5] Murray-Wallace C.V., et al., Thermoluminescence ages for a reworked coastal barrier, Southeastern Vietnam: a preliminary report, Journal of Asian Earth Sciences 20 (2002), 535-548.

[6] Wimbledon, W.A.P; Ishchenko, A.A; Gerasimenko, N.P; Karis, L.O. Suominen, V; Johansson, C.E and Freden, C. Geosites – An IUGS Initiative: Science Supported by Conservation. Geological Heritage: its conservation and management. D. Barettino, W.A.P. Wimbledon and E. Gallego (Eds.) pp.69-94 Madrid (Spain), 2000.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s