Ngày 18.05.2016
Chiều 17. 05, đang thưởng thức món Ram ở Quảng Ngãi, sau 1 cú điện thoại bác Thu cho biết sáng mai chúng ta sẽ khảo sát mấy đảo nhỏ ở Quảng Nam, cụ thể đảo nào thì chưa biết, Mr. Sung và Mr. Trinh (khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm) hẹn gặp tại cảng Kỳ Hà.
7: 00 đón Diễm Kiều (phụ trách du lịch của công ty Đoàn Ánh Dương), như vậy nhóm có 5 người (bác Thu – nhóm trưởng kiêm lái xe, bác Túy, Hải và Vũ).
Qua phà Kỳ Hà để sang xã đảo Tam Hải. Xe chạy trên con đường bê tông dọc theo bãi nồm về phía bắc khoảng 4 km rồi dừng lại tại nhà anh Khoa, chị Thu (cơ sở của Mr. Trinh) ở gần chân núi Bàn Than. Mọi người lên thuyền thúng chèo tay của anh Khoa ra thuyền thúng chạy máy để khảo sát khu vực.

Anh khoa cho thuyền chạy vòng về phía bắc mũi Bàn Than, rồi ngược lại về phía Hòn Khô, Hòn Mang. Thuyền cập bãi Hòn Mang để mọi người khảo sát. Hòn mang lộ chủ yếu là đá biến chất hệ tầng Núi Vú (đá phiến thạch anh – biotit, đá phiến si lic, đá phiến plagiocla) có phương vị hướng dốc 250o với hệ thống khe nứt phương 190o và 150o.


12:30 anh Khoa cho thuyền chạy vòng qua hòn Dứa, nơi bãi biển xâm thực khá rộng, không có lạch sâu cho thuyền cập bãi. Bề mặt Hòn Dứa khá bằng phẳng, cao khoảng 15 m (thềm biển ?), vách khá dốc với các khối tảng laterit phân bố dưới chân.
14:00 bác Vinh (người dân thôn Thuận An) dẫn mọi người đi xem hai giếng nước từ thời người Chăm. Hai giếng nước ngay dưới chân núi Bàn Than, giếng sâu khoảng 4 m, có hai m nước, thành giếng xây bằng đá ong. Có câu chuyện khá hay, đó là lấy nước tại hai giếng này nấu rượu rất ngon, bác Thu hỏi mua rượu nhưng chủ nhà không còn để bán.

Điểm khảo sát tiếp theo là bãi Bắc, bãi cát khá dài, rộng khoảng 100 m, một dải dừa xanh kéo dài theo bãi cát vàng.

Mọi người trở lại bãi nồm, men theo bãi biển mài mòn ven chân núi Bàn Than rồi đi cắt sườn núi để lên đỉnh (cao khoảng 30 m). Phần sườn thấp có đường mòn, dễ đi; lên cao con đường biến mất, dây leo và dây gai chằng chịt, Vũ đi trước mở đường, vượt vách dốc, tới đỉnh nơi có dương trồng nhưng không thể đi tiếp vì cây bụi dầy, chằng chịt, đành phải quay trở lại.

Ngày 28.05.2016
Sau 10 ngày, trở lại Tam Hải. Lần này có năm người: Thu, Hải, Vũ, bác Bao và Sang (Đinh Quang Sang công tác tại trường Đại học Dầu Khí).
9:30 khảo sát Biển Rạng (điểm này Sang đã từng nghiên cứu). Vách biển dài, lộ đá gốc trên diện rộng, các khối tảng laterit rơi từ thềm biển cao 15 m phân bố dọc theo chân vách biển. Về địa chất xin trích dẫn từ facebook của bác Bao (Bao Nguyễn Xuân) như sau:
“Nửa buổi sáng bắt đầu lê la các vết lộ khu Biển Rạng nằm ở đoạn giữa sân bay Chu Lai và cảng Kỳ Hà thuộc xã Tam Quang, huyên Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Vách và chân bờ biển ở đây lộ khá liên tục đá biến chất tướng epidot_amphibolit từ đá basalt hoặc andesit-basalt thuộc phức hệ Khâm Đức (tuổi Cambri-Ordovic). Mặt phiến cắm ổn định khá thoải về TB (340-320 đô). Thấy có các lớp mỏng trầm tích silic (chert) xen kẹp trong metabasalt)”.

Buổi chiều qua phà Kỳ Hà đến xã đảo Tam Hải, 14:00 bác Vinh dẫn mọi người cắt ngang dốc Bàn Than lên đỉnh rồi xuống bãi biển bằng một vách dốc đứng. Lối đi khó, bác vinh đi trước, làm mẫu để mọi người biết cách xuống vách.
Vẫn theo facebook bác Bao “Ở đây cũng lộ phức hệ Khâm Đức nhưng các phiến đổi hướng cắm về TN (240-220 đô). Ngoài ra có thêm các vỉa mỏng đá phiến sáng màu thành phần felsic hơn. Rải rác thấy cấu tao khúc dồi (boudinage) của mạch thạch anh và có lẽ cả cả hiện tượng tiêm nhập (migmatit)”.

Đỉnh núi Bàn Than (nơi có cột anten) là thềm biển cao khoảng 30 m, đới sét hóa cấu trúc xuất lộ dọc theo rãnh xói ven đường mòn, laterit kết tảng lộ trên bề mặt đỉnh. Các khối tảng laterit dưới chân vách biển có kích thước lớn (1 – 2 m) có cuội mài tròn (silic, thạch anh, đá phiến).

Nhìn chung, địa hình bờ biển và bãi biển xâm thực khu vực đảo Tam Hải chủ yếu lộ đá biến chất phức hệ Khâm Đức (còn được gọi là hệ tầng Núi Vú) có cấu trúc phân phiến, uốn nếp, dịch trượt theo hệ thống khe nứt rất ấn tượng. Các bậc thềm biển cao 10 – 15 m và 25 – 30 m với lớp phủ laterit rộng, kết tảng; nhiều nơi có các vách dốc đứng phản ánh quá trình phá hủy của sóng biển hiện đại. Có thể xếp geosite Đảo Tam Hải thuộc loại thạch học – cấu trúc. Cần có những nghiên cứu chi tiết hơn về đặc điểm địa chất geosite này để phục vụ phát triển địa du lịch.
H & H