ĐẾN ĐẢO KHỈ VÀ BÃI BIỂN CẦN GIỜ VỚI LỚP CAO HỌC KHMT_K25

Chủ nhật (19.06.2016) đi Cần Giờ với lớp cao học KHMT_K25 để tìm hiểu hoạt động du lịch ở Đảo Khỉ và công trình bảo vệ bờ biển Cần Giờ.

7:30 xe xuất phát từ Trường KHTN, đi lối qua cầu Nguyễn Văn Cừ tới đại lộ Nguyễn Văn Linh. Tại ngã tư NVL với… ?, khi đèn xanh, lái xe tránh xe trước, được CA chỉ gậy lập tức và “hỏi  thăm sức khỏe xe nhanh chóng”.

Xe đến bến phà  sang Bình Khánh lúc 8:00. Hàng xe dài chờ đến lượt qua phà. Đúng 9:30 xe mới được xuống phà, đi 15 phút đã sang đất Bình Khánh (huyện Cần Giờ). Thực ra việc chờ đợi lâu không phải do thiếu phà (vì có tới 5 –6 phà tải trọng hàng trăm tấn hoạt động). Dù sao sự việc này cũng làm cho mình nhớ lại việc qua cầu, phà thời chiến.

Xe xếp hàng đợi sang Bình Khánh
Xe xếp hàng đợi sang Bình Khánh
Phà qua sông Nhà Bè sang Bình Khánh
Phà qua sông Nhà Bè sang Bình Khánh

Đi Cần Giờ nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên đến Đảo Khỉ. Đảo Khỉ không theo nghĩa của khoa học địa chất, địa mạo (phần đất với xung quanh là nước) mà là nơi khỉ sống tập trung thành bày đàn. Đây là địa hình trũng lầy ảnh hưởng thủy triều. Các công trình xây dựng ở đây ngoài con đường nhựa còn có nhà bảo tàng nhỏ (trưng bày mô hình địa hình Cần Giờ, một số di tích khảo cổ, các tiêu bản về thực vật…), một hồ cá sấu, một đoạn kênh thẳng để chạy ca nô…

Lớp Cao hoc KHMT_K25
Lớp Cao hoc KHMT_K25

Đảo Khỉ có  khoảng 7 đàn (hoặc 9 đàn) với khoảng trên 1000 cá thể. Khỉ sống trong rừng đước trồng, diện tích cho các đàn khỉ sinh sống chưa được rõ. Tại đây du khách luôn được nhắc nhở về việc bảo quản đồ đạc vì khỉ rất quậy, hay giật đồ (nhất là kính mắt và nón). Khỉ ngồi ven đường, lững thững trên đường nhựa, trên sân bảo tàng, trên nóc nhà, đu trên các thân cây đước, thậm chí còn lang thang trong khuôn viên hồ cá sấu. Nhìn chung những hoạt động giải trí tại Đảo Khỉ đơn điệu (không có thay đổi gì so với hàng chục năm trước mà bà xã đã kể cho mình nghe).

Các mẹ khỉ ôm con bên vệ đường
Các mẹ khỉ ôm con bên vệ đường
Đi ca nô trong một đoạn kênh thẳng
Đi ca nô trong một đoạn kênh thẳng

12:00 rời Đảo Khỉ đi thị trấn Cần Thạnh, ăn trưa xong mọi người ghé thăm Lăng Ông Thủy Tướng ngay sát chợ, nơi có trưng bày bộ xương cá Voi dài khoảng 17 m. Năm 1971 cư dân Cần Giờ phát hiện ông lụy (chết), sau đó bộ xương đã được xử lý và đặt tại lăng này.

Bộ xương cá voi tại Lăng Ông, Cần Thạnh
Bộ xương cá voi tại Lăng Ông, Cần Thạnh

Tại kè mỏ hàn đầu tiên ở mũi Cần Thạnh, sinh viên quan sát hình thái, kích thước và vật liệu cấu trúc của mỏ hàn và kè bờ. Cả hai loại kè được cấu trúc đơn giản bằng các khối đá tảng xếp lại nhằm giảm năng lượng phá hủy của sóng. Sau khi có hệ thống kè (hoàn thành vào năm 1997), xói lở bờ biển Cần Giờ đã dừng lại. Đến đây nhiều lần đều ghe những câu chuyện do người dân kể: “trước đây giồng cát Cần Giờ gần Vũng Tàu lắm, con gà gáy bên kia thì bên đây nghe tiếng”.

Một mỏ hàn ở đầu mũi Cần Thạnh
Một mỏ hàn ở đầu mũi Cần Thạnh

Đi khảo sát tiếp đoạn bờ biển tại khu du lịch 30/4. Bãi biển chủ yếu là cát mịn, bột sét màu đen, nhiều mảnh vụn vỏ sò góc cạnh phủ trên mặt. Đang đi về kè mỏ hàn có cấu tạo vuông góc với bờ biển thì bị bảo vệ chặn lại không cho đi vì là khu vực đang xây dựng, nguy hiểm cấm vào. Vậy là lại thêm đoạn bờ biển bị cấm (tháng tư đi khảo sát đảo Phú Quốc với Nam cũng nhiều đoạn bờ biển bị cấm). Nhìn trên ảnh vệ tinh bạn Phương (lớp trưởng) mang theo, thấy người ta đã đổ cát lấn biển, chẳng có gì nguy hiểm ở đây.

Bãi biển Cần Giờ có đủ tiêu chuẩn của bãi tắm?
Bãi biển Cần Giờ có đủ tiêu chuẩn của bãi tắm?
Biển cấm này đã cắt ngang bãi biển
Biển cấm này đã cắt ngang bãi biển

Lúc ở Đảo Khỉ, nghe thuyết minh viên bảo tàng nói: “người ta có kế hoạch đưa cát từ miền Trung đổ xuống bãi biển Cần Giờ để phát triển du lịch”. Không biết thông tin này có đúng hay không?, nghe mà buồn.

Cần giờ là một vùng thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái, cớ gì lại lấn biển làm “Khu đô thị du lịch biển” ?, để rồi mọc lên một con đường lớn như một nhát dao cắt Khu dự trữ Sinh quyển rừng Ngập mặn thành hai mảnh?

Có hai câu hỏi các bạn lớp Cao học KHMT_K25.

Câu 1. Mối quan hệ giữa giồng Phệt, giồng cá Trắng, giồng Cá Vồ với giồng Cần Giờ?

Câu 2. Tại sao cấu trúc kè bờ và mỏ hàn đơn giản nhưng lại kiểm soát được xói lở bờ biển Cần Giờ, trong khi công trình stabiplage lại không kiểm soát được xói lở bờ tây cửa Lộc An?

H & H

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s