HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ HANG ĐỘNG NÚI LỬA LẦN THỨ 20 VÀ HỘI THẢO KHOA HỌC  “15 NĂM PHÁT TRIỂN CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT Ở VIỆT NAM”

Quế Nam

Sáng ngày 22 tháng 11, lễ Khai mạc Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 và Hội thảo Khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” đã diễn tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. 

Buổi lễ được tổ chức với sự có mặt của Đại diện Văn phòng tổ chức UNESCO tại Việt Nam – Ông Christian Manhart, Chủ tịch hiệp hội Hang động Núi lửa Quốc tế  – Ông John Brush, Chủ tịch Hội đồng  Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu – Ông Guy Martini. Cùng với đó là là đại diện ban lãnh đạo tỉnh, ban quản lý CVĐCTC Đắk Nông, các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu về địa chất, núi lửa và hang động núi lửa, sinh học, khảo cổ học, đại diện các CVĐCTC trong nước và trên thế giới.

Phát biểu khai mạc trực tuyến, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường – Phạm Hồng Hà nhấn mạnh sự ủng hộ từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển các công viên địa chất. Thông qua các di sản địa học, đặc biệt là hang động núi lửa, như những trang nhật ký của lịch sử Trái Đất, giúp con người hiểu rõ hơn quá trình vận động và phát triển của Trái Đất, từ đó có những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. 

Đây là cơ hội lớn của  Đắk Nông nói riêng và phía tỉnh nhà nói chung trong việc quảng bá và giới thiệu hình ảnh công viên địa chất cùng những di sản địa học, khảo cổ học, văn hóa, các sản phẩm địa du lịch cho bạn bè quốc tế.  

Sau đây là một số hình ảnh của Lễ khai mạc Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (20th-ISV) và Hội thảo “15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam”. 

Các báo cáo Keynote tại phiên toàn thể: 

Keynote 1: Sustainable use of volcanic caves – an impossible dream? (Sử dụng bền vững hang động núi lửa – một điều không thể?)  –  John Brush  

Mỗi hang động có những đặc điểm cấu tạo khác nhau, vô cùng nhạy cảm và dễ dàng bị tác động bởi yếu tố tự nhiên (thời tiết, rễ cây, sinh vật, …). Khi con người vào tham quan các hang động cũng đã tác động đến bề mặt, kết cấu và sinh vật trong hang. Tại Australia,  các hang được phân làm 5 cấp độ nhạy cảm từ đó quyết định giới hạn lượng khách vào tham quan hang. 

Keynote 2: Pyroducts (lava tubes) their genesis and importance (Ống dung nham- nguồn gốc và tầm quan trọng) – Stephan Kampe 

Ống lava (lave tubes – Pyroducts) vô cùng quan trọng trong việc đánh giá quá trình vận chuyển lava sau khi phun trào. Nguồn gốc của chúng được xét thông qua 2 mặt: thạch học và cấu trúc. Các dữ liệu về cấu trúc mái hang cũng cho biết về cách hình thành hang, từ đó quyết định các sản phẩm bên trong, nhiệt độ, hơi nước, thành phần kim loại,… 

Keynote 3: A personal account of Global Geopark development in last 15 years in the Asia Pacific region (Báo cáo cá nhân cho sự phát triển Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong 15 năm) – Xiaochi JIN, Coordinator of Asia Pacific Geoparks Network

Từ năm 2007, mạng lưới Công viên địa chất khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được thành lập, viết tắt là APGN. Hội nghị chuyên đề lần đầu tiên của APGN được tổ chức tại công viên địa chất Langkawi, Malaysia. Kể từ đó, phân bố các công viên địa chất toàn cầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phân bố nhiều hơn, với sự đa dạng về địa học, sinh học, văn hóa,… Đến năm 2021, đã có 66 công viên địa chất toàn cầu ở 8 quốc gia.  

Một số vấn thách thức mà các CVĐCTC trong mạng lưới AGPN đang đối mặt

  1. Thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc đưa ra các quyết định và quản lý 
  2. Thiếu động lực mạnh mẽ để đưa ra kế hoạch chiến lược dài hạn và phương thức cho phát triển bền vững 
  3. Thiếu đội ngũ chuyên gia cho phát triển bền vững mặc dù CVĐC có một đội ngũ nhân viên đông  
  4. Vài CVĐC thường chú trọng vào khu vực mà khách tham quan phải trả phí và không quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững ở đó. 

Các phiên Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (20th-ISV) và Hội thảo “15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam” được diễn ra song song từ ngày 22/11 đến 24/11. Tiếp sau đó là chuyến thực địa tham quan các miệng núi lửa tại Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông thuộc huyện Krông Nô từ ngày 25/11 đến 26/11. 

Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông – đánh thức vùng di sản nam Tây Nguyên

Mỹ An

Tháng 7.2020, tổ chức UNESCO đã thông qua quyết định công nhận Công viên địa chất Đắk Nông (Đắk Nông) là Công viên địa chất toàn cầu. Đây là cơ hội để Đắk Nông có thêm điều kiện tốt nhất để bảo tồn các di sản văn hóa, kết hợp phát triển kinh tế bền vững…

Thác Liêng Nung. Ảnh: Hà Thế Bảo

Công viên địa chất toàn cầu là danh hiệu dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý – hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội… Tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể.

Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (Cao Bằng).

 

Hồ Tà Đùng. Ảnh: DaknongGeopark

Công viên địa chất là mô hình kết nối và tìm hiểu về sự hình thành của trái đất, thông qua hình thức du lịch địa chất. Là nơi du khách có cơ hội được tìm hiểu về nguồn gốc và đặc điểm cấu tạo của các dạng địa hình. Mô hình này đề cao công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân và du khách để sống chan hòa với thiên nhiên, biết trân trọng những giá trị và tài nguyên của tạo hóa. 

Công viên địa chất Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn với ranh giới trải dài trên 5 huyện và 1 thị xã gồm huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa.

Là một phần của cao nguyên M’Nông nên thơ, hùng vĩ, Công viên địa chất Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.

Thác nước D’ray Sáp. DaknongGeopark

Được hình thành từ triệu triệu năm trước do quá trình vận động của vỏ trái đất, song hệ thống hang động trong đá bazan khu vực Đray Sáp-Chư R’Luh chỉ mới được phát hiện từ năm 2007.

Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ…

Vũ điệu cồng chiêng. Ảnh: Daknonggeopark

Trong khu vực Công viên địa chất còn có các di sản địa kiểu cổ sinh như các hóa thạch Cúc đá, các khuôn cây trong đá bazan; có các dãy núi cao phân bậc địa hình, các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Trúc, hồ Tây… các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Chư R’luh, Nâm Kar, Băng Mo…. và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Gia Long, thác Băng Rúp, Dray Sáp…

Công viên địa chất Đắk Nông còn là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; di tích cấp quốc gia đặc biệt Đường mòn Hồ Chí Minh và 5 di tích cấp quốc gia khác như: Ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh, Địa điểm Chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk, Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ.

Thác Liêng Nung. Ảnh: Hà Thế Bảo

Với nhiều trầm tích văn hóa, sự hoang sơ độc đáo của Công viên địa chất toàn cầu chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách, là cơ hội để phát triển kinh tế – du lịch. Tuy nhiên cũng đặt ra cho địa phương này trách nhiệm nặng nề trong quá trình bảo tồn và khai thác để đảm bảo không tác động tiêu cực vào thiên nhiên, nhưng đồng thời tạo được sức hút lớn để phát triển kinh tế.

https://dulich.laodong.vn/diem-den/cong-vien-dia-chat-toan-cau-dak-nong-danh-thuc-vung-di-san-nam-tay-nguyen-831347.html

Thế giới trong mắt nhiếp ảnh gia biết bay

Nhìn thế giới từ trên cao, George Steinmetz từ một nhiếp ảnh gia, vô tình trở thành nhà hoạt động vì môi trường.

Năm 1997, George Steinmetz, nhiếp ảnh gia đến từ New Jersey, quyết định học bay khi đảm nhận một dự án chụp ảnh tại vùng trung tâm Sahara và phi công riêng của ông đã xin rút. Nhưng thứ George chọn không phải là máy bay, mà là một chiếc dù lượn gắn động cơ.

“Ban đầu tôi tìm hiểu về dù lượn vì muốn bay ở Sahara, và đó là nơi gần như tôi có thể cất cánh hay hạ cánh ở bất kỳ đâu, vì nó là một địa hình khá an toàn để dùng một phương tiện gắn mô-tơ không đáng tin cậy”, George nói.

George Steinmetz bay dù lượn tại Giza, Ai Cập. Ảnh: Gaetan Hutter.

Ông ví dù lượn như “chiếc ghế vải bay”, để ông có thể bay thấp và chậm trên mặt đất mà không làm phiền người khác hay động vật bên dưới. Nó có thể được tháo dỡ dễ dàng và chia thành ba kiện, mỗi cái nặng chưa đến 20 kg. Do đó, George có thể mang theo “phi cơ của riêng mình” trên bất kỳ chuyến bay thương mại nào.

Từ đó, George, còn có biệt danh là “nhiếp ảnh gia bay”, ghi lại những khung cảnh đẹp nhất vòng quanh thế giới và tập hợp lại trong cuốn sách The Human Planet: Earth at the Dawn of the Anthropocene (tạm dịch là Hành tinh của con người: Trái Đất vào buổi bình minh của kỷ Nhân Sinh).

Với dù lượn, trực thăng và những chiếc drone chuyên nghiệp, George không chỉ hé lộ những kỳ quan thiên nhiên độc đáo, mà còn ghi lại dấu vết khổng lồ của cuộc sống thường ngày. Nhiếp ảnh gia bay chụp ảnh từ những bể muối sặc sỡ tại Teguidda-n-Tessoumt, Nigeria, cho đến cảnh người nông dân trồng lại cây cọ ở Sapi, Malaysia; hay buổi chôn cất hàng loạt nạn nhân của đại dịch Covid-19 trên đảo Hart, New York, Mỹ – độc giả sẽ không thể thấy những hình ảnh này vì cảnh sát đã tịch thu drone của ông.

Từ dù lượn của mình, George chụp được một bức tranh màu sắc tạo nên từ những hố cạn do người dân tự đào để lấy chất khoáng rắn cho gia súc. Màu sắc của từng hố phụ thuộc vào hỗn hợp bùn, tảo và muối ở Teguidda-n-Tessoumt, Nigeria. Ảnh: George Steinmetz.

Dù drone hỗ trợ ông quay chụp phần lớn thời gian do tính năng vượt trội và đảm bảo an toàn, George thực sự quý trọng những tấm ảnh tự mình thực hiện khi bay dù lượn. “Bạn có thể mang theo camera lên cao, song thật khác biệt khi dùng drone. Nhưng drone như một chiếc kính tiềm vọng bay trên trời, và bạn chỉ có thể nhìn thấy những thứ hiển thị trên màn hình chứ không bao quát mọi thứ bên ngoài”, nhiếp ảnh gia Mỹ nhận định.

Ông cũng cho rằng: “Dù lượn thực sự tuyệt vời vì tầm nhìn của bạn không bị giới hạn dù theo bề ngang hay phương thẳng đứng. Như một chiếc môtô bay vậy, mọi thứ ở xung quanh, và bạn cũng có mặt giữa không gian đó”.

Nông dân trồng cây sử dụng giếng tưới nhân tạo ngoài rìa sa mạc Rub’ al Khali, Saudi Arabia. Ảnh: George Steinmetz.

Đồng bằng nơi sông Colorado đổ ra vịnh California, đây là khu vực từng có hệ sinh thái phong phú. Tuy nhiên khi các con đập, dự án thuỷ lợi được xây dựng để đưa nước về các thành phố vào thế kỷ 20, lưu vực sông đã thay đổi. Ảnh: George Steinmetz.

Đồn điền cọ tại Sapi, Sabah, Malaysia. Việc phá rừng mưa để trồng đồn điền cọ lấy dầu đã tàn phá hệ sinh thái tự nhiên. Ảnh: George Steinmetz.

Những nhà kính lợp mái nhựa ở miền nam Tây Ban Nha. Nơi này chủ yếu trồng cà chua, ớt ngọt, dưa chuột, cà tím… canh tác tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, mô hình nông nghiệp này bị chỉ trích vì khai thác cạn kiệt nước ngầm, gây ô nhiễm nitrat và bóc lột lao động nhập cư. Ảnh: George Steinmetz.

Trang trại bò sữa ở Wisconsin, Mỹ với hơn 3.300 chuồng nuôi nhốt. Ảnh: George Steinmetz.

George đánh giá cao những trải nghiệm trực tiếp giúp mở mang tầm mắt. Ông viết trong cuốn sách của mình: “Tôi cho rằng sự thật là điều tối quan trọng, và tôi cần tự mình trải nghiệm nhiều thứ”. Và những điều đã trải qua tạo ra một thay đổi, để ông vô tình trở thành một nhà bảo vệ môi trường.

“Tôi nhận ra dân số toàn cầu đang gia tăng, và nơi ở của động vật hoang dã dần biến mất, và con người đang tiêu tốn tài nguyên của trái đất ở tốc độ chóng mặt… Nó dần trở nên rõ ràng rằng con người đang bước vào một thời kỳ của những giới hạn – bởi chúng ta không thể tiếp tục sử dụng tài nguyên ở tốc độ như hiện nay nếu có mong muốn thế hệ sau còn một hành tinh để sống”, ông nhìn nhận.

Bảo Ngọc (Theo Alas Obscura)

https://vnexpress.net/the-gioi-trong-mat-nhiep-anh-gia-biet-bay-4119885.html

Ảnh vệ tinh cho thấy Covid-19 có thể xuất hiện ở Vũ Hán từ tháng 8/2019

Nghiên cứu của Trường Y, Đại học Harvard, sử dụng ảnh vệ tinh và xu hướng tìm kiếm trên mạng cho thấy Covid-19 có thể đã lây lan ở Trung Quốc từ tháng 8/2019.

Nghiên cứu mới chỉ ra số lượng ôtô trong bãi đậu xe 5 bệnh viện ở Vũ Hán từ đầu tháng 8/2019 cao đáng kể so với mùa hè và mùa thu năm trước. “Lượng xe tăng mạnh từ tháng 8/2019 và đạt đỉnh vào tháng 12/2019”, nhóm nghiên cứu do giám đốc sáng tạo Bệnh viện Nhi Boston John Brownstein dẫn đầu, viết trong một bản tin được đăng trên cổng thông tin DASH của Đại học Harvard, Mỹ, hôm 8/6.

Trong ảnh vệ tinh tháng 10/2018, các nhà nghiên cứu đếm được 171 ôtô trong các bãi đậu ở Thiên Hựu, bệnh viện lớn nhất Vũ Hán. Ảnh vệ tinh một năm sau cho thấy 285 ôtô trong cùng các bãi đậu, tăng khoảng 67%, cũng như lưu lượng giao thông tăng 90% cùng thời điểm tại các bệnh viện khác ở Vũ Hán.

“Các bệnh viện riêng lẻ ghi nhận số ngày có lượng xe tương đối cao trong cả mùa thu và mùa đông 2019. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến tháng 10/2019, 5 trong số 6 bệnh viện cho thấy lượng xe đậu trong bãi hàng ngày cao nhất trong loạt phân tích, trùng thời điểm mức độ tìm kiếm trên Baidu tăng cao đối với các từ khóa ‘tiêu chảy’ và ‘ho'”, nhóm nghiên cứu viết.

Số lượng xe trong các bãi đậu tại bệnh viện Thiên Hựu tại hai thời điểm tháng 10/2018 và tháng 10/2019. Ảnh: ABC News.

“Đây là tất cả những gì nỗ lực ghép mảnh một câu đố phức tạp về những gì đang diễn ra vào thời điểm đó”, Brownstein nói. “Dữ liệu đặc biệt hấp dẫn bởi chúng tôi thấy sự gia tăng tìm kiếm bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy, ở mức độ chúng tôi chưa từng thấy trong lịch sử. Bây giờ chúng tôi biết chắc rằng các triệu chứng về tiêu hóa là triệu chứng ban đầu quan trọng của Covid-19. Một tỷ lệ lớn người dương tính nCoV ở Vũ Hán thực sự có triệu chứng tiêu chảy”.

Brownstein và nhóm của ông đã dành hơn một tháng để cố gắng xác định các dấu hiệu khi dân số tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bắt đầu bị ảnh hưởng. Logic dự án nghiên cứu của Brownstein rất đơn giản: các bệnh về đường hô hấp dẫn đến các loại hành vi rất đặc trưng trong các cộng đồng chúng lây lan. Vì vậy, những bức ảnh thể hiện những kiểu hành vi đó có thể giúp giải thích những gì đang xảy ra ngay cả khi người bị bệnh không nhận ra vấn đề rộng lớn hơn.

“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là xem xét các hoạt động, một bệnh viện bận rộn như thế nào”, Brownstein nói. “Và cách chúng tôi làm là đếm xe ở bệnh viện đó. Bãi đậu xe sẽ đầy ắp khi bệnh viện bận rộn. Vì vậy, nhiều xe hơi trong bệnh viện, bệnh viện bận rộn hơn, có khả năng do điều gì đó đang xảy ra trong cộng đồng, sự lây nhiễm gia tăng và mọi người phải đi khám bác sĩ”.

Sử dụng “luồng dữ liệu hợp lệ” để giám sát bệnh hô hấp không mới và nó cũng là một kỹ thuật được các cơ quan tình báo sử dụng.

“Cả hai ý tưởng bãi đậu xe bệnh viện hoặc doanh nghiệp có thể được sử dụng có thể là dấu hiệu tương đối cho điều gì đó xảy ra trong dân số”, Brownstein cho hay. “Chúng tôi đã công bố những năm trước việc phát hiện các bệnh viện ở Mỹ Latinh đông đúc trong mùa cúm. Bạn có thể dự đoán cúm mùa chỉ cần nhìn vào các bãi đậu xe. Và đó là ý tưởng trong nghiên cứu này”.

Theo Brownstein, nhóm hiện chưa thể chứng minh rõ ràng điều gì đã dẫn đến những tín hiệu này nhưng nó làm tăng thêm bằng chứng cho thấy điều gì đó đang xảy ra trước khi nó chính thức được thừa nhận.

Sự thay đổi số lượng xe trong các bãi đậu tại bệnh viện Trung Nam ở Vũ Hán vào tháng 10/2018 và tháng 10/2019. Ảnh: ABC News.

“Dù chúng tôi không thể xác nhận liệu sự tăng số lượng có liên quan trực tiếp đến Covid-19, bằng chứng của chúng tôi hỗ trợ công việc gần đây khác rằng virus đã xuất hiện trước khi được xác định tại chợ hải sản Hoa Nam”, theo Brownstein và nhóm của ông. “Những phát hiện này cũng chứng thực giả thuyết virus xuất hiện tự nhiên ở miền nam Trung Quốc và có khả năng đã lây lan cùng thời điểm cụm dịch Vũ Hán”.

Brownstein cho rằng những dấu hiệu ban đầu của đại dịch đã bị bỏ qua dễ dàng. “Nếu điều tương tự xảy ra ở Mỹ, rất có thể chúng ta cũng bỏ lỡ những tín hiệu này. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cần tăng cường các nỗ lực y tế công cộng và giám sát sức khỏe cộng đồng”, nhà nghiên cứu cho hay.

Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 7,2 triệu người nhiễm và gần 409.000 người tử vong. Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, phát hiện ca nhiễm đầu tiên hồi tháng 1 tại thành phố Seattle, bang Washington.

Huyền Lê (Theo CNN, ABC News)

https://vnexpress.net/covid-19-co-the-xuat-hien-o-vu-han-tu-thang-8-2019-4112689.html

MỨC ĐỘ QUÁ TẢI DÂN SỐ VIỆT NAM NĂM 2018 DỰA VÀO DẤU CHÂN SINH THÁI VÀ SỨC TẢI SINH HỌC

Nguyễn Trường Ngân

1.Mở đầu

Theo Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu (GFN), quá tải dân số (overpopulation) xảy ra khi nhu cầu của con người vượt quá khả năng cung cấp hoặc tái tạo tài nguyên của sinh quyển [4]. Quá tải dân số không chỉ phụ thuộc ở kích cỡ hay mật độ dân số, mà còn vào tỷ lệ giữa dân số so với khả năng cung cấp hay tái tạo tài nguyên trái đất khu vực đó. Một khi quá tải dân số xảy ra, sự tàn phá môi trường sẽ diễn ra nhanh hơn khả năng phục hồi của tự nhiên.

Phương pháp tính toán sự quá tải dân số phổ biến trên thế giới hiện nay là đo lường thông quá việc so sánh giữa Dấu chân sinh thái (Ecological Footprint) và Sức tải sinh học (Biocapacity) của một khu vực tại một thời điểm.

Dấu chân sinh thái (EF): Đo lường diện tích bề mặt đất và nước cần để sản xuất tất cả các tài nguyên cần thiết và hấp thụ toàn bộ chất thải của một cá nhân/địa phương/quốc gia tại thời điểm tính toán [5].

Sức tải sinh học (BC) Đo lường khả năng sản xuất các tài nguyên của đáp ứng nhu cầu của con người và hấp thụ chất thải do con người tạo ra của hệ sinh thái tại khu vực nghiên cứu vào thời điểm tính toán [5].

Dấu chân sinh thái và Sức tải sinh học đều được đo lường bằng đơn vị hecta toàn cầu (global hectare – gha) và đều căn cứ vào công nghệ khai thác và năng lực quản lý tài nguyên vào thời điểm tính toán tại khu vực nghiên cứu. Hecta toàn cầu (gha) là khả năng cung cấp sinh học của một loại đất quy ra năng suất sinh học trung bình trên thế giới tại một thời điểm. Ví dụ, đất trồng trọt có năng suất sinh học cao hơn đất đồng cỏ, do vậy, 1ha đất trồng trọt sẽ có diện tích lớn hơn 1ha đất đồng cỏ khi quy đổi sang gha. Tương tự vậy, đất trồng trọt ở Việt Nam có năng suất sinh học cao hơn đất trồng trọt ở Indonesia, do vậy khi quy đổi cùng một diện tích vật lý, đất trồng trọt tại Việt Nam sẽ có giá trị gha lớn hơn tại Indonesia.

Năm 2016, GFN đã đề xuất 5 thành phần để tính toán EF và BC cho quy mô quốc gia và khu vực, bao gồm: (i) trồng trọt và chăn nuôi, (ii) lâm nghiệp, (iii) thủy sản, (iv) xây dựng, và (v) phát thải carbon (hình 1)

Hình 1. Năm thành phần của Dấu chân sinh thái. Nguồn: GFN, 2016 [2]

Năm 2019, GFN công bố bản đồ thiếu hụt/dư thừa sinh học quy mô quốc gia cho 234 quốc gia và vùng lãnh thổ (hình 2). Từ kết quả tính toán, GFN đã kết luận: “Con người hiện đang sử dụng một lượng bằng 1,75 lần trái đất để cung cấp tài nguyên và chứa đựng chất thải. Điều này nghĩa là trái đất phải mất một năm và chín tháng để tái tạo lại những gì chúng ta sử dụng trong một năm”. Theo kết quả này, Việt Nam với tỷ lệ thiếu hụt – 110%, thuộc nhóm phân loại thiếu hụt cao (quá tải dân số cao).

Hình 2. Bản đồ thiếu hụt/ dư thừa sinh học năm 2019 quy mô quốc gia. Nguồn: GFN, 2019 [3]
2.Mục tiêu

Nghiên cứu này sử dụng số liệu thống kê của Tổng cục thống kê năm 2018 để tính toán Dấu chân sinh thái và Sức tải sinh học, từ đó phân tích mức độ quá tải dân số và thành lập bản đồ mức độ quá tải dân số. Việc tính toán chi tiết tới đơn vị hành chính cấp tỉnh (tỉnh, thành phố thuộc trung ương).

3.Phương pháp

Lưu đồ thu thập và xử lý số liệu được thực hiện qua các bước như hình 3.

Hình 3. Lưu đồ quy trình nghiên cứu

Bước 1. Thu thập dữ liệu. Các dữ liệu thu thập ở 5 lĩnh vực sử dụng tài nguyên và 3 quy mô.

– Quy mô toàn cầu: hệ số quy đổi từ ha về gha (EQF) của các lĩnh vực sử dụng tài nguyên (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng) [4] và phát thải carbon [1].

– Quy mô cả nước: các số liệu về năng suất trung bình các lĩnh vực sử dụng tài nguyên [6] và hệ số phát thải carbon trung bình [1].

– Quy mô cấp tỉnh: số liệu về diện tích, tổng sản lượng, năng suất [6], [7].

– Bản đồ hành chính 63 tỉnh thành, tỷ lệ 1: 1.000.000.

Bước 2. Tính toán Dấu chân sinh thái (EF) theo công thức sau:

Bước 3. Tính toán Sức tải sinh học (BC) theo công thức

Các lĩnh vực để tính EF và BC sử dụng các số liệu thống kê như bảng sau:

Bảng 1. Chỉ dẫn nguồn số liệu tính toán EF và BC

Một số lưu ý trong tính toán EF và BC:

– Đối với lĩnh vực xây dựng: theo lý giải của GFN, do phần lớn đất xây dựng có nguồn gốc từ đất trồng trọt, do đó: YF xây dựng = YF trồng trọt và EQF xây dựng = EQF canh tác [4].

– Phát thải CO2: chỉ tính EF, giá trị BCCO2 = 0 [4].

Bước 4. Tính tỷ lệ thiếu hụt và phân cấp mức độ quá tải dân số (OD) theo công thức:

OD (%) sau đó được phân cấp thành 5 cấp độ như bảng sau:

4.Kết quả và thảo luận

Kết quả tính toán và biên tập được trình bày thành sản phẩm cuối như hình sau:

Hình 4. Bản đồ mức độ quá tải dân số của 63 tỉnh thành Việt Nam năm 2018

4.1. Dấu chân sinh thái EF

Dấu chân sinh thái của cả nước năm 2018 tính được là 95,35 triệu gha (tương đương 1,0 gha/người). Tỉnh có dấu chân lớn nhất là Hà Nội (4,5 triệu gha) và TP.HCM (4,3 triệu gha). Tỉnh có dấu chân nhỏ nhất là Bắc Kạn (0,35 triệu gha). Tuy nhiên, nếu tính dấu chân bình quân đầu người thì tỉnh có dấu chân lớn nhất là Tây Ninh (2,19 gha/người) và tỉnh có dấu chân nhỏ nhất là TP.HCM (0,5 gha/người).

4.2. Sức tải sinh học BC

Sức tải sinh học cả nước năm 2018 tính được là 54,74 triệu gha (tương đương 0,58 gha/người). Tỉnh có sức tải lớn nhất là Đăk Lăk (3,05 triệu gha). Tỉnh có sức tải nhỏ nhất là TP.HCM (0,2 triệu gha). Nếu tính sức tải bình quân đầu người thì tỉnh có sức tải lớn nhất vẫn là Đăk Lăk (1,59 gha/người) và tỉnh có sức tải nhỏ nhất vẫn là TP.HCM (0,02 gha/người).

4.3. Mức độ quá tải dân số

Xét tổng thể cả nước, tỷ lệ quá tải OD = -74,17%, mức độ quá tải trung bình. Kết quả tính toán này thấp hơn một cấp so với kết quả tính toán của GFN.

Chưa quá tải dân số (cấp I): có 8 tỉnh (Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đăk Lăk và Đắc Nông), chiếm 8,2% về dân số và 18,9% về diện tích của cả nước. Tỉnh có mức độ quá tải thấp nhất là Quảng Bình với giá trị OD là 31,25%.

Quá tải dân số rất cao (cấp V): có 11 tỉnh (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bến Tre), chiếm 7,48% về diện tích nhưng lại chiếm đến 34,64% về dân số của cả nước. Tỉnh có mức độ quá tải cao nhất là TP.HCM với OD = – 2.400%.

5.Kết luận

Cũng như nhận định của GFN đối với thế giới, tại Việt Nam, Người dân hiện đang sử dụng một lượng bằng 1,75 lần diện tích lãnh thổ để cung cấp tài nguyên và chứa đựng chất thải. Điều này nghĩa là tự nhiên phải mất một năm và chín tháng để tái tạo lại những gì chúng ta sử dụng trong một năm.

Ở quy mô địa phương, TP.HCM đã sử dụng đến 25 lần khả năng của tự nhiên, nghĩa là tại đây, tự nhiên phải mất 25 năm để tái tạo lại những gì chúng ta đã sử dụng trong 1 năm. Con số này tương ứng ở Hà Nội là 5 năm.

Tài liệu tham khảo

[1] GCP, 2019, Fossil Fuels Emissions 2018, http://globalcarbonatlas.org/en/CO2-emissions

[2] GFN, 2016, How the Footprint Works, https://www.footprintnetwork.org/our-work/ecological-footprint/.

[3] GFN, 2019, Global Ecological Deficit/Reserve Map, http://data.footprintnetwork.org/#/?

[4] Lin, D., 2019. Working Guidebook to the National Footprint and Biocapacity Accounts, working paper, Version 1.3, Global Footprint Network.

[5] Schaefer, F., 2006. Ecological Footprint and Biocapacity: The world’s ability to regenerate resources and absorb waste in a limited time period, European Communities.

[6] Tổng cục thống kê, 2019, Niên giám thống kê Việt Nam, NXB. Thống kê.

[7] Tổng cục thống kê, 2020, Tư liệu kinh tế – xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, NXB Thống kê.

Sông Mekong: Cần sự minh bạch, hợp tác về nguồn nước

HỒNG VÂN thực hiện

TTCT – Trong một cuộc trao đổi trực tuyến ngày 7-5, các chuyên gia – tác giả chính của một nghiên cứu mới (công bố ngày 10-4) về Giám sát lượng nước tự nhiên chảy từ thượng nguồn lưu vực sông Mekong trong điều kiện tự nhiên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch và hợp tác về nguồn nước trong khu vực.

Nghiên cứu trên đã đưa ra nhiều bằng chứng và dữ liệu hệ thống về việc các đập thủy điện Trung Quốc tích nước, góp phần làm tình trạng hạn hán ở các nước Thái Lan, Campuchia, VN thêm trầm trọng.

Cụ thể, từ tháng 4 – 9, cập nhật đến tháng 11-2019, phần thượng nguồn Mekong ở phía Trung Quốc có lượng mưa cao hơn bình thường nhưng các đập thủy điện ở nước này đã giữ lại số lượng nước đáng kể trong bối cảnh hạn hán khốc liệt ở hạ nguồn. Kết quả đo tại trạm Chiang Saen (Thái Lan) cho thấy mực nước sông không đủ để dâng cao trong mùa mưa.

Lẽ ra, lượng mưa và tuyết tan từ Trung Quốc đủ để mực nước ở đa số các nơi hạ lưu sông Mekong cao hơn trung bình từ tháng 4-2019 đến tháng 3-2020, nếu các đập thủy điện ở Trung Quốc không tích nước.

TTCT trò chuyện cùng tác giả chính của nghiên cứu, ông Alan Basist – chủ tịch Công ty Eyes on Earth Inc (chuyên nghiên cứu và tư vấn về nước) và ông Brian Eyler – giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), về ý nghĩa của nghiên cứu này.

Thưa ông Alan Basist, ông có thể nói về quá trình thực hiện nghiên cứu này?

– Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này đầu năm 2019 với ý tưởng giám sát lượng nước chảy từ thượng nguồn sông Mekong (sông Lan Thương, theo tên gọi ở Trung Quốc) tại một vị trí cửa ngõ là trạm đo Chiang Sean. Dữ liệu mực nước sông trung bình đo hằng ngày ở trạm này được thu thập từ tháng 1-1992 đến tháng 9-2019, do Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cung cấp.

Phần phía trên trạm Chiang Sean gồm toàn bộ chiều dài con sông Lan Thương và một phần sông Mekong chảy qua Myanmar và Lào nhưng ở đây, không có phụ lưu nào chảy vào dòng chính.

Chúng tôi cố gắng tìm hiểu điều này với mục tiêu thúc đẩy sự minh bạch. Khi có thể xác định được lượng nước tự nhiên của dòng sông, những thảo luận về cách phân phối nguồn nước giữa các quốc gia chia sẻ dòng Mekong sẽ trung thực hơn. Do đây là một nghiên cứu nhỏ, hạn chế về phạm vi, chúng tôi chỉ tập trung vào khu vực thượng nguồn.

Nghiên cứu dựa vào dữ liệu vệ tinh cần tham chiếu với số liệu mặt đất. Ông có được tiếp cận với các dữ liệu cần thiết về việc vận hành chuỗi đập của Trung Quốc để tham chiếu cho nghiên cứu của mình không?

– Trung Quốc không cung cấp dữ liệu này. Đây chính là vấn đề. Chúng tôi đã xác thực dữ liệu từ cảm biến vệ tinh với dữ liệu của trạm đo tại Chiang Sean và số liệu này là quan trọng nhất, phản ánh lượng nước thực sự ở biên giới Thái Lan.

Mối quan hệ giữa dữ liệu vệ tinh và dòng chảy tự nhiên trong mô hình của chúng tôi phù hợp tuyệt vời với nhau, ổn định, có chu kỳ cao thấp hằng năm phù hợp với dòng chảy tự nhiên. Sau đó, chúng tôi đối chiếu với độ cao mực nước sông ở trạm Chiang Sean. Đây là nguồn số liệu mặt đất chính xác và là giá trị của mô hình của chúng tôi.

Ông Alan Basist. Ảnh: NVCC

MRC đã phản hồi nghiên cứu của ông vào ngày 21-4. Ông có ý kiến gì về những phản hồi đó?

– Nghiên cứu của chúng tôi phối hợp với MRC từ đầu. MRC khuyến khích chúng tôi thực hiện nghiên cứu này và cung cấp dữ liệu cho chúng tôi. Tôi trình bày về nghiên cứu của mình ở Hà Nội vào tháng 12-2019 với dữ liệu tính đến tháng 3 cùng năm để chứng minh chỉ số độ ẩm là đáng tin cậy để giám sát dòng chảy tự nhiên và hiểu sự khác biệt giữa dòng chảy tự nhiên và lượng nước đo được ở trạm Chiang Sean. Một đại diện của MRC tại buổi trình bày đề nghị tôi mở rộng nghiên cứu, xem xét toàn bộ mùa khô năm 2019 để biết lượng nước chảy từ Trung Quốc xuống là nhiều hay ít.

Thưa ông Brian Eyler, nghiên cứu tập trung vào 6 tháng trong một năm đặc biệt (năm hạn hán, ít mưa). Còn tác động của đập thủy điện ở Trung Quốc trong năm bình thường đối với ĐBSCL sẽ như thế nào?

– Dù là năm nào, các đập thượng nguồn của Trung Quốc đều có tác động đến ĐBSCL. Các đập thủy điện của Trung Quốc tác động đến sông Mekong ở ĐBSCL bằng cách tích nước hoặc xả nước. Trong 30 năm qua, Trung Quốc tích nước nhiều hơn là xả nước. Trong những năm hạn nghiêm trọng và trong mùa khô, lượng nước từ Trung Quốc chảy về hạ lưu từ 40% hoặc hơn so với phần còn lại của lưu vực.

Vì vậy, trong mùa khô, tác động từ thượng nguồn do việc hạn chế dòng chảy có khả năng ảnh hưởng lớn hơn so với các tác động này trong mùa mưa. Tác động của việc tích nước trong mùa khô làm tăng nhiễm mặn ở ĐBSCL, buộc người dân phải khai thác một lượng lớn nước ngầm do thiếu nước ngọt.

Trung Quốc có thể giữ nước phía sau các con đập của họ. Điều gì xảy ra với khối lượng nước này, cuối cùng thì nước chảy đi đâu?Ngoài ra, tác động tổng hợp lớn nhất của các đập thủy điện ở Trung Quốc là loại bỏ phù sa khỏi hệ thống sông Mekong vì 60% lượng trầm tích của dòng chính sông Mekong đến từ Trung Quốc. Phù sa rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, là yếu tố rất quan trọng làm cho ĐBSCL vững chắc hơn trước những đe dọa của biến đổi khí hậu. Khi phù sa bị mất đi, ĐBSCL không còn được bồi đắp, nơi này sẽ bị suy yếu về mặt địa chất, dễ bị xói mòn và lún thấp hơn mực nước biển.

– 5 con đập đã được xây dựng trong 5 năm qua ở thượng nguồn sông Mekong đều có hồ chứa lớn. Nước có khả năng nằm trong các hồ chứa này ở thượng nguồn. Các đập trên sông Lan Thương thường không sử dụng để sản xuất thủy điện nên nước không thường xuyên chạy qua các tuôcbin, trừ khi ở thượng nguồn hoặc hạ nguồn cần xả nước. Các con đập ở thượng nguồn có vai trò như nguồn dự trữ nước cho tương lai của Trung Quốc với cái giá mà các nước hạ nguồn gánh chịu.

Đập Cảnh Hồng của Trung Quốc quả thực có xả nhiều nước hơn trung bình trong mùa khô (cuối tháng 1-2020), giúp mực nước trung bình trên sông Mekong tăng lên nhưng chỉ số ở các trạm đo tại Tân Châu, Châu Đốc ở ĐBSCL cho thấy lượng nước này không đến VN.

Tôi không thấy có bằng chứng nào về việc Trung Quốc tháo nước từ sông Lan Thương sang các lưu vực sông khác ở đại lục. Cho đến nay, điều này là không thể về mặt kỹ thuật, nhưng không có nghĩa là nó không được khắc phục trong tương lai khi tài nguyên nước ở Trung Quốc cạn kiệt dần theo thời gian.

Ông Brian Eyler. Ảnh: NVCC

Có khả năng nước được dùng như một loại vũ khí như tích trữ trong mùa khô hạn hoặc xả thêm trong mùa lũ không, thưa ông?

– Trước khi có báo cáo này, tôi sẽ trả lời “KHÔNG” với câu hỏi trên. Nhưng bằng chứng khoa học đã thay đổi suy nghĩ của tôi. Năm ngoái, Trung Quốc đã giữ rất nhiều nước trong mùa mưa, vốn là một năm ít mưa ở hạ lưu sông Mekong, phá vỡ chu kỳ nước sông dâng lên.

Liệu Trung Quốc có làm điều này và sử dụng nước như một loại vũ khí hay không còn phải lý giải. Tôi cho rằng sự kiện đã xảy ra có thể do thiếu sót về thông tin hoặc thiếu phối hợp giữa các đơn vị vận hành đập và chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

Nhưng qua đó ta thấy những thiếu sót ở Trung Quốc có khả năng can thiệp sâu vào sự sống còn của sông Mekong, dòng chính. Ngoài ra, có báo cáo về việc xả nước đột ngột liên quan đến các con đập mới. Một lần nữa, Trung Quốc dường như đã không được lường trước hậu quả của việc xả nước bất ngờ với hạ nguồn.

Hậu quả của nó chắc chắn là giống với tác động của một loại vũ khí đối với các cộng đồng ở bắc Thái Lan và Lào, nơi sinh kế của người dân bị thiệt hại. Ruộng vườn của họ bị ngập, nông cụ và gia súc bị cuốn trôi.

Việc các con đập tích nước, xả nước có thể là thách thức cho các nỗ lực đối thoại giữa Trung Quốc và các nước Mekong. Làm sao các bên liên quan có thể thảo luận, kêu gọi sự minh bạch và hợp tác tích cực hơn từ Trung Quốc?

– Phương pháp của Công ty Eyes on Earth có thể được nhân rộng với chi phí thấp. Nếu các bên liên quan, cho dù là cấp chính phủ hay phi chính phủ áp dụng các phương pháp nghiên cứu này hoặc có nhu cầu tiếp cận với số liệu gần như theo thời gian thực từ Công ty Eyes on Earth hoặc các tổ chức nghiên cứu khác, những thông tin này có thể trở thành kiến thức phổ biến và được sử dụng rộng rãi để cải thiện các cuộc đối thoại liên quan đến Mekong.

MRC cần áp dụng phương pháp và phát hiện này, đồng thời công nhận giá trị của nó trong việc giám sát sông Mekong và sử dụng nó trong các thảo luận trong khuôn khổ Hợp tác Lan Thương – Mekong của cơ quan này với Trung Quốc.

Xin cảm ơn hai ông.

https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20200522/song-mekong-can-su-minh-bach-hop-tac-ve-nguon-nuoc/1557780.html

Ngày Trái đất, ngắm những ‘điểm đen’ ô nhiễm trở nên trong lành giữa đại dịch

TTO – Ngày Trái đất (22-4) năm nay được Liên Hiệp Quốc lựa chọn với chủ đề ‘Hành động vì khí hậu’ nhằm nâng cao nhận thức và đưa ra những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Venice (Ý) trời xanh, nước xanh, giữa đại dịch COVID-19 – Ảnh: REUTERS

2020 cũng là kỷ niệm 50 ngày Trái đất. Theo The Guardian, sự kiện được tổ chức lần đầu vào năm 1970, thu hút khoảng 20 triệu người Mỹ hưởng ứng, xuống đường tuần hành vì môi trường và yêu cầu chính quyền mạnh tay đưa ra các biện pháp bảo vệ hành tinh.

Đến năm 2009, Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận 22-4 là ngày Trái đất, cũng là dịp cả thế giới nhìn nhận về giá trị của môi trường, kêu gọi các hành động thiết thực bảo vệ môi trường.

Năm nay, ngày Trái đất đến giữa lúc thế giới đang chống lại đại dịch COVID-19.

Nhờ những biện pháp phong tỏa để ngăn đại dịch, môi trường những ngày qua ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Khí quyển Trái đất sạch hơn khi người dân ít ra ngoài, phương tiện giao thông hạn chế, hoạt động sản xuất thải khí nhà kính giảm đi… Nhiều “điểm đen” ô nhiễm như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan… có bầu không khí trong lành kinh ngạc.

Theo Reuters, dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy từ ngày 14 đến 25-3, ô nhiễm không khí do chất NO2 ở những thành phố lớn tại các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý giảm khoảng 40%.

Trái đất cũng ít ồn ào hơn. Tạp chí Newsweek ghi nhận, những ngày qua bề mặt Trái đất yên tĩnh hơn, giảm đáng kể những rung động trên đất liền, chủ yếu do lượng xe cộ giảm, tạm dừng thi công nhiều công trình xây dựng giữa đại dịch…

Theo TS Stephen Hicks – ĐH Hoàng gia London (Anh) – đây là thời điểm hiếm có giữa nhịp sống hiện đại để nghiên cứu về địa chất Trái đất.

Giữa mùa dịch, động vật hoang dã ‘lộ diện thường xuyên hơn sau nhiều năm; hoa tulip, hoa anh đào nở đúng hẹn; những kỳ quan thiên nhiên đông đúc khách nay nhàn nhã, yên bình…

Ngày Trái đất năm nay dường như đúng nghĩa cho Trái đất.

Đường xá thênh thang, không khí trong lành, người dân ở miền bắc Ấn Độ thậm chí đã thấy được dãy Himalaya cách đó 200km lần đầu tiên sau 30 năm – Ảnh: INDIA TIMES

Hoa tulip nở đúng mùa (tháng 4 – tháng 5) ở Hà Lan. Tuy nhiên, ước tính mỗi ngày nước này phải bỏ đi 1 triệu cành hoa do nhu cầu sụt giảm trong đại dịch. Theo hợp tác xã Royal FloraHolland – cơ sở chuyên cung cấp hoa lớn nhất Hà Lan – ước tính năm nay khoảng 70% tổng sản lượng hoa tulip ở nước này sẽ không tiêu thụ được – Ảnh: REUTERS

Khung cảnh yên tĩnh ở La Paz, Bolivia – Ảnh: REUTERS

Mùa dịch động vật “tràn” ra ngoài nhiều hơn. Trong ảnh: Bầy khỉ tại đền Prang Sam Yod, Lopburi, Thái Lan – Ảnh: REUTERS

Ở châu Á, hoa anh đào vẫn nở đón xuân (tháng 3 – tháng 5). Chính quyền Tokyo (Nhật Bản) từng kêu gọi người dân nên hủy các kế hoạch ngắm hoa năm nay nhằm tránh lây nhiễm virus – Ảnh: REUTERS

Hoa anh đào nở, mùa xuân vẫn đến ở Riga, Latvia – Ảnh: REUTERS

Dòng sông trong vắt ở Venice (Ý) khi vắng khách du lịch. Người dân nơi đây cho biết đã rất lâu mới được ngắm nhìn màu nước xanh và đẹp đến thế khi không có khách du lịch, không động cơ mô tô nước, không rác thải… – Ảnh: REUTERS

Loài rùa biển đặc hữu ở bang Odisha của Ấn Độ “chiếm cứ” bờ biển Rushikulya đẻ trứng. Rùa ở đây từng trốn tránh do ô nhiễm và khách du lịch quấy phá, nhưng nay có thể vô tư nghỉ dưỡng mà không bị làm phiền – Ảnh: INDIA TIMES

Cánh rừng còn sót lại sau đợt cháy rừng lịch sử tại Úc. Đầu tháng 3, chính quyền bang New South Wales (Úc) thông báo đám cháy đã hoàn toàn được dập tắt, nhưng hỏa hoạn đã gây thiệt hại nặng nề cho thiên nhiên nước này – Ảnh: NEW YORK TIMES

Chú ong hút mật trên hoa hạnh nhân một ngày yên bình ở Tel Arad, Israel – Ảnh: REUTERS

Sư tử nằm nghênh ngang giữa đường tại Vườn Quốc gia Kruger (Nam Phi). Theo người phát ngôn Vườn quốc gia Isaac Phaala, sư tử thường ngủ trong các bụi rậm nhưng do lệnh đóng cửa vườn từ 25-3, đàn sư tử tranh thủ “tận hưởng” khoảnh khắc yên tĩnh hiếm thấy – Ảnh: REUTERS

HOÀNG THI

https://tuoitre.vn/ngay-trai-dat-ngam-nhung-diem-den-o-nhiem-tro-nen-trong-lanh-giua-dai-dich-20200422123131468.htm

Đập thủy điện Trung Quốc giữ nước sông Mê Kông suốt mùa mưa, gây hạn cho hạ nguồn

Phúc Duy

Các đập Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước lớn ở thượng nguồn sông Mê Kông ngay cả trong mùa mưa, gây thiệt hại cho khu vực hạ lưu dù Trung Quốc có mực nước cao hơn mức trung bình, theo nghiên cứu mới.

Hạn hán, thiếu nước tại xã An Phú Trung, H.Ba Tri, Bến Tre (tháng 3.2020). Ngọc Dương

Trong đợt hạn hán năm ngoái, mực nước ở hạ lưu sông Mê Kông giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 thập niên qua, đe dọa đời sống của khoảng 60 triệu người. “Nếu người Trung Quốc tuyên bố họ không có động thái cố tình gì trong đợt hạn hán thì dữ liệu của chúng tôi chống lại họ”, ông Alan Basist, nhà khí tượng học-chủ tịch công ty Eyes on Earth Inc. (Mỹ), nói với Reuters.

Eyes on Earth Inc., công ty nghiên cứu và tư vấn về nước, vừa công bố nghiên cứu về sông Mê Kông. Nghiên cứu được tiến hành với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông.

Theo nghiên cứu, dữ liệu vệ tinh về độ ẩm bề mặt trên đất liền cho thấy mực nước tại khu vực thượng nguồn sông Mê Kông ở tỉnh Vân Nam thực sự trên mức trung bình một chút trong mùa mưa từ tháng 5-10.2019.

Trong khi đó, mực nước ở hạ lưu sông Mê Kông được đo đạt vào cùng thời điểm này có lúc thấp hơn 3 m so với mức cần thiết, nhóm nghiên cứu cho biết. “Điều này cho thấy các đập của Trung Quốc đã giữ nước trong mùa mưa, làm cho tình trạng hạn hán ở hạ lưu nghiêm trọng hơn”, theo ông Basist.

Trung Quốc che đậy thông tin về 11 đập

Tác động của 11 đập Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông luôn là vấn đề tranh luận lâu nay, nhưng thiếu dữ liệu vì Trung Quốc không công bố thông tin chi tiết về lượng nước mà các đập đang sử dụng để đổ vào hồ chứa, theo Reuters. Dùng công nghệ cảm biến đặc biệt SSMI/S để thu thập dữ liệu vệ tinh từ năm 1992-2019, Eyes on Earth Inc. ước tính các hồ chứa nước của Trung Quốc có tổng công suất hơn 47 tỉ m3.

Thực tế là kể từ khi thông tin về các đập thủy điện Trung Quốc xuất hiện trên mạng hồi 2012, các chỉ số mực nước sông bắt đầu biến động, điều này thể hiện rõ nét nhất vào năm 2019, ông Basist lưu ý.

Bên cạnh đó, Trung Quốc không có hiệp ước chính thức với các nước hạ lưu sông Mê Kông, nhưng hứa hẹn sẽ hợp tác quản lý dòng sông dài 4.350 km và phối hợp điều tra nguyên nhân của đợt hạn hán kỷ lục năm ngoái.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc chính quyền Trung đang kiểm soát sông Mê Kông. Phát biểu tại thủ đô Bangkok của Thái Lan năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng đợt hạn hán nghiêm trọng xuất phát từ “quyết định của Trung Quốc về việc chặn dòng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông”.

Một ngư dân cho thấy tảo phát triển mạnh ở sông Mê Kông, đoạn chảy qua thị trấn Loei, Thái Lan ngày 10.1.2019. Reuters

Trong một thông báo ngày 13.4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ nghiên cứu của Eyes on Earth Inc., đồng thời cho rằng việc xem các đập của nước này gây ra hạn hán ở hạ lưu sông Mê Kông là “vô lý”.

Theo thông báo, tỉnh Vân Nam cũng hứng chịu hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái và lượng nước trong hồ chứa tại các đập thủy điện đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Dù vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cam kết nước này sẽ làm hết sức mình để đảm bảo “lượng nước xả hợp lý” cho các quốc gia ở hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Tuyên bố của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với dữ liệu của nghiên cứu mới, ông Brian Eyler, giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ) cho biết. “Chính quyền Trung Quốc đang nói dối hoặc những người vận hành đập ở thượng nguồn sông Mê Kông che đậy sự thật”, ông Eyler nói.

https://thanhnien.vn/the-gioi/dap-thuy-dien-trung-quoc-giu-nuoc-song-me-kong-suot-mua-mua-gay-han-cho-ha-nguon-1210682.html

Mẹ Trái Đất đang tự chữa lành?

Chúng ta đang sống trong những ngày mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện giãn cách xã hội (social distancing) hay thậm chí đóng cửa thành phố, quận, huyện (lockdown). Người dân được khuyến khích ở yên tại nhà, không ra đường khi không có việc cần. Và đi cùng với đó sẽ là ngưng rất nhiều hoạt động từ sản xuất, dịch vụ đến các hoạt động sinh hoạt của người dân nơi công cộng.

Kết quả là bạn có thấy gần đây có những thông tin về môi trường đang thay đổi với dấu hiệu rất tích cực không?

Bầu trời trên các thành phố tại Trung Quốc, Ý, Mỹ, hay các quốc gia châu Âu đang trong xanh hơn và các chuyên gia chất lượng không khí đang chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể của các chất ô nhiễm không khí trên toàn thế giới.

china_trop_2020056
Hình 1: Chất lượng không khí tại Trung Quốc được cải thiện đáng kể khi nồng độ NO2 giảm mạnh từ tháng 1 sang tháng 2/2020. Nguồn: NASA [1]

26082430-8121515-image-a-10_1584466170806

25943874-8121515-satellite_images_from_the_european_space_agency_and_nasa_show_a_-a-20_1584470098188
Hình 2:  Ảnh vệ tinh từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu và NASA cho thấy từ tháng 1, hàm lượng NO2 cao tại miền bắc Italy (hình trên), đến tháng 3 (hình dưới) cũng đã giảm đáng kể. Nguồn: [2]

NO2 là khí ô nhiễm phát thải từ các hoạt động đốt nhiên liệu tại các nhà máy, nhà máy điện và các phương tiện giao thông – các hoạt động đã giảm đáng kể kể từ khi các quốc gia đưa ra các biện pháp ngừng hoạt động để ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19.

Những dòng kênh đã trong xanh trở lại trên thành phố Venice xinh đẹp.

Khi các tàu du lịch ngừng hoạt động và các quầy hàng lưu niệm vắng bóng, việc đóng cửa thành phố do coronavirus đã tạo ra sự biến đổi kỳ diệu ở đường thủy La Serenissima. Độ trong của nước đã được cải thiện đáng kể. Chim cốc đã có thể tìm thấy cá qua làn nước trong. Tại trạm dừng chân của Piazzale Roma, vịt thậm chí còn làm tổ [3].

venice-canal-clear-01
Hình 3: Dòng kênh đã trong xanh trở lại khi các hoạt động tàu thuyền ngưng do đóng cửa thành phố. Nguồn [4]

Hệ sinh thái đang phục hồi để sinh vật sinh sôi nảy nở.

Trong bối cảnh đóng cửa 21 ngày ở Ấn Độ, một hiện tượng đáng ngạc nhiên đã được quan sát trên các bãi biển của bờ biển phía đông quốc gia Nam Á này. Các bãi biển của bang Odisha là nơi sinh sống của loài rùa Olive Ridley quý hiếm khi chúng đến đẻ trứng vào mùa xuân hàng năm. Năm nay, hàng ngàn con rùa đã xuất hiện tại hai bãi biển ở khu vực này và quyết định đẻ trứng lần đầu tiên vào ban ngày sau 7 năm.

Có đến 420,000 chú rùa con xuất hiện ở khu bảo tồn biển Gahirmatha năm nay. Các nhà khoa học ước tính có hơn sáu triệu quả trứng đã được sinh ra.

a567bc10-740c-11ea-8267-633b31ba81b6_800_420
Hình 4: Hàng ngàn chú rùa con xuất hiện ven bờ biển phía đông Ấn Độ. Nguồn: [5]

Thật thú vị khi thấy thiên nhiên dường như khẳng định lại chính mình khi hoạt động của con người thay đổi. Có lẽ đó là cách Trái đất phản ứng để báo hiệu cho chúng ta phải xem lại cách chúng ta đã và đang khai thác hành tinh. Đã đến lúc cần xem xét lại các ưu tiên, và nhất là thay đổi cách sống và học cách nuôi dưỡng thiên nhiên để duy trì chức năng của tự nhiên là lá chắn bảo vệ cho chúng ta.

Và tôi càng tin nữa về học thuyết Gaia – Trái đất là một siêu sinh vật [6]. Bạn có từng nghĩ rằng Trái Đất của chúng là đang sống không? Đã từng có nhiều nhà khoa học cho rằng Trái Đất là một siêu sinh vật? vậy chúng ta là gì nhỉ? Và liệu “sinh vật con người” sẽ như thế nào nếu chúng ta sống trên “siêu sinh vật” Trái Đất?

Và 1 đoạn cuối, hãy cảm nhận cảm giác của Gaia – Mẹ Trái Đất qua những dòng thơ của Joe Kitchen [7]

Con virus này liệu có thể chỉ cho chúng ta cách chữa lành cho Mẹ Trái Đất?

Mẹ Trái Đất bị bệnh.

Mẹ đã bị bệnh từ lâu.

Bà đang bị ho khò khè vì không thể thở được.

Trái Đất nóng lên. Mẹ Trái Đất đang nóng lên vì sốt.

Sốt này, bệnh này, không phải là lỗi của Mẹ.  Mà là của chính chúng ta.

Đó là lý do tại sao Mẹ buồn.

Mẹ Trái Đất đã buồn từ rất lâu.

Bị cô lập, không thể tiếp cận và nói chuyện với những người đã khiến Mẹ bị bệnh nặng như vậy.

Bởi vì mọi người không chịu lắng nghe.

Mọi người thậm chí sẽ không lắng nghe các nhà khoa học và nhà thông thái.

Ồ, nhiều nhà khoa học và nhà thông thái đã cảnh báo chúng ta, những đứa con của Mẹ.

Các nhà thơ cũng vậy. Các nhà thơ đã cầu xin chúng ta đừng đối xử với Mẹ của chúng ta bằng sự nhẫn tâm như vậy.

Các nhà thơ đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc mà chúng ta sẽ phải đối mặt nếu chúng ta không chú ý đến các cảnh báo.

….

Mẹ Trái Đất đã ngừng cố gắng nói qua các nhà khoa học, các nhà thơ và các ca sĩ

Đó là khoảnh khắc – khoảnh khắc tan vỡ của Trái Đất – khi mất bình tĩnh.

Đầu tiên, Mẹ đốt cháy Úc.

Rồi Mẹ làm mưa bão khắp nước Mỹ.

Làm ra hàng loạt trận động đất, lở đất, hạn hán và lũ lụt.

Và nhân loại vẫn tiếp tục làm những gì họ đã luôn luôn làm.

Cho đến khi virus đến.

Một loại virus sao chép chính xác các triệu chứng mà Mẹ Trái đất đang mắc phải lúc này: sốt, khó thở, mệt mỏi và đau đớn.

Phải mất một bước quyết liệt như vậy để làm cho loài người nhìn lên từ điện thoại của họ và nói, Chuyện gì thế này?

Chỉ cần một sinh vật nhỏ bé, hình dạng của một quả bóng có mũi nhọn, để khiến nhân loại đi đến ý thức tập thể của họ.

Thế giới đang thức dậy, một đứa trẻ 16 tuổi nói với chúng tôi chưa đầy một năm trước. Thế giới đang thức dậy, em ấy nói với các nhà lãnh đạo thế giới, và sự thay đổi đang đến, dù bạn có thích hay không.

Thế giới đang thức dậy thực sự.

Nó không phải là một sự thức tỉnh dễ chịu.

Đó là một sự thức tỉnh đi kèm với sự nôn nao tồi tệ nhất mà loài người từng trải qua; nôn nao gây ra bởi nhiều thế kỷ chiến tranh quá mức, vô nghĩa và xung đột, ích kỷ và tham lam.

Nhưng ít nhất nó là một sự thức tỉnh. Và nó xảy ra ngay bây giờ.

Không phải là một thời điểm quá sớm.

Cảm ơn mẹ Trái đất, cảm ơn vì tình yêu nuôi dạy loài người.

Cảm ơn Mẹ đã cho loài người có dịp ở trong căn phòng của chính họ để suy nghĩ về những gì loài người đã làm.

Có lẽ, đây là bước ngoặt mà tinh cầu nhỏ bé trong một vũ trụ rộng lớn và tối tăm này đang chờ đợi.

Phương Chi.

Tham khảo

[1]  https://earthobservatory.nasa.gov/images/146362/airborne-nitrogen-dioxide-plummets-over-china

[2] https://www.dailymail.co.uk/sciencetech/article-8121515/Global-air-pollution-levels-plummet-amid-coronavirus-pandemic.html

[3] https://www.theguardian.com/environment/2020/mar/20/nature-is-taking-back-venice-wildlife-returns-to-tourist-free-city

[4] https://nypost.com/2020/03/18/venice-canals-are-crystal-clear-after-coronavirus-lockdown-in-italy/

[5] https://explore.newsner.com/india-lockdown-olive-ridley-turles-odisha-eggs-mass-nesting

[6] https://diamoitruong.com/2016/11/25/theo-cac-nha-nghien-cuu-gaia-la-mot-sinh-vat-song/

Hãy đọc lại về Trái đất sống- Gaia trên diamoitruong.com, theo lược dịch của Thầy Hà Quang Hải.

Hoặc bài gốc trên Wake-up world.

https://wakeup-world.com/2014/10/17/the-gaia-hypothesis-cohabitating-with-the-earth-a-sentient-living-organism/

[7] https://www.dailymaverick.co.za/article/2020-03-26-could-this-virus-guide-us-to-the-healing-of-our-world/

Mười vùng biển đẹp nhất Việt Nam

Việt Nam sở hữu 3.260 km đường bờ biển cùng nhiều quần đảo đẹp. Các bãi biển đa dạng có thể chiều lòng mọi du khách, từ người yêu thích sự sôi động với các môn thể thao biển hay những người tìm kiếm nơi nghỉ dưỡng, yêu thích sự hoang sơ. Dưới đây là 10 vùng biển đẹp nhất cả nước, do Forbes giới thiệu.

Quần đảo gồm 16 hòn đảo nhỏ, ở vùng biển phía nam đất nước, Côn Đảo được biết tới với những bãi biển cát mịn, rạn san hô và sinh vật biển đa dạng.

Bình minh trên bãi biển. Ảnh: Khoroshunova/Shutterstock.

Trên đảo chính Côn Sơn, du khách có nhiều lựa chọn từ nhà nghỉ, homestay bình dân đến các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Nổi bật nhất là Six Senses Côn Đảo, nơi có bãi biển Đất Dốc. Phía bắc thị trấn có bãi tắm Lò Vôi hoang sơ, trong lành, thích hợp cho các gia đình tổ chức cắm trại, dã ngoại ngoài trời.

Đảo Bảy Cạnh thu hút nhiều du khách, yêu thích khám phá thá thiên nhiên và du lịch sinh thái. Nằm phía đông đảo chính, Bảy Cạnh có diện tích hơn 680 ha là khu vực được phủ xanh bởi rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn. Hệ sinh thái ở đảo vô cùng phong phú với san hô, rong, cỏ biển, các loài cá và rùa.

Ngoài ra, khi đến Côn Đảo, du khách có thể thăm các bãi biển đẹp như An Hải, Ông Đụng, Đầm Trầu hay tham quan các di tích lịch sử như miếu Bà, miếu Cậu, nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương.

Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới UNESCO nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 180 km. Nơi đây được biết tới với kỳ quan núi đá vôi và làng chài Cửa Vạn.

Với những du khách yêu thích tắm biển, Bãi Cháy là điểm đến không thể bỏ lỡ. Một gợi ý khác cho du khách là đi thuyền tới đảo Ti Tốp, nằm ở trung tâm vịnh, nơi có làn nước xanh như ngọc và êm đềm. Từ đây, du khách có thể thuận tiện tới thăm Vịnh Lan Hạ, Vịnh Bái Tử Long, đảo Ngọc Vừng, đảo Cát Bà, đảo Tuần Châu. Khu vực cũng nổi tiếng với những hang động như hang Sửng Sốt, hàng Đầu Gỗ, hang Trống…

Nép mình trong vịnh Thái Lan, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trên cả nước. Hơn một nửa hòn đảo hình giọt nước này là rừng rậm nhiệt đới nhưng điểm thu hút khách du lịch lại là những bãi biển. Trong đó phải kể đến bãi Sao, phía nam đảo, nơi có làn cát trắng mịn và nước trong xanh. Bãi Trường là điểm đến đẹp nhất để ngắm hoàng hôn, với những công trình nghệ thuật thuộc Sunset Sanato Beach Club. Du khách có thể đi dạo trong ánh chiều tà, bên dưới hàng dừa lao xao và tận hưởng những làn gió mát lành từ biển cả.

Nếu yêu thích một chuyến du lịch đảo, đừng bỏ lỡ tour hòn Móng Tay, Gầm Ghì, Mây Rút và Dăm Ngang. Du khách sẽ được trải nghiệm câu cá, lặn biển khám phá đại dương hay chơi các môn thể thao trên mặt nước. Hòn Thơm với cáp treo xuyên biển dài nhất thế giới cũng là một gợi ý. Ngoài bãi biển đẹp, ở đây còn có công viên nước 8 ha Aquatopia Water Park.

Du khách tắm biển ở đảo Gầm Ghì. Ảnh: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/Shutterstock.

Thành phố lớn thứ 3 trên Việt Nam sở hữu một số bãi biển đẹp. Ở đây, có những điểm đến phù hợp với mọi du khách, cách trung tâm thành phố không xa. Những du khách yêu thích thể thao dưới nước có thể ghé thăm bãi biển Mỹ Khê, nơi nổi tiếng với hoạt động lướt sóng, lặn ống thở, phản lực nước Flyboard…

Nếu muốn tìm kiếm sự riêng tư, bạn có thể thuê một chiếc xe máy, chạy tới bãi biển Tiên Sa hoang sơ, phía bắc bán đảo Sơn Trà. Các địa điểm tham quan khác gần đó là cảng Tiên Sa, bãi Bụt, bãi Nam và chùa Linh Ứng.

Đà Nẵng chỉ cách phố cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới UNESCO hay khu du lịch Bà Nà Hills khoảng 30 km.

Hội An là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam. Thương cảng cũ chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, hiện rõ trên những dãy nhà sơn vàng và đèn lồng nhiều màu sắc.

Sau khi tham quan phố Hội, di sản thế giới UNESCO, du khách hãy dành thời gian đến bãi biển Cửa Đại, nơi 3 con sông lớn hội tụ trước khi ra biển. Ở đây thu hút du khách với bãi cát trắng trải dài bất tận, hàng dừa xanh rì và nước biển phẳng lặng.

Ngoài ra, cụm đảo Cù Lao Chàm cũng là điểm đến không thể bỏ lỡ ở Hội An. Đảo được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, là minh chứng điển hình cho sự kết nối hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Trong đó, lặn biển ngắm san hô nhiều màu sắc ở Hòn Dài, Bãi Xếp là một trong những trải nghiệm hấp dẫn nhất. Ở đây có hơn 300 loài san hô khác nhau, đa dạng về hình dạng, kích thước và màu sắc.

Thành phố miền trung tự hào khi sở hữu những bãi biển nổi tiếng nhất thế giới, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Bãi Nha Trang với chiều dài 7 km, nằm trong thành phố là điểm đến phổ biến nhất. Ở đây, du khách có thể bơi lội, chơi trò kéo dù, lướt sóng, mô tô nước. Vào mùa cao điểm tháng 4 – 8 hàng năm, bãi biển luôn trong trạng thái đông nghịt khách du lịch.

Nếu tìm kiếm những bãi biển vắng người hơn, du khách có thể đặt các tour đảo hòn Mun, đảo san hô, đảo Hòn Một… Ở đây có hàng loạt những trải nghiệm không thể bỏ lỡ như lặn biển, đi bộ dưới biển, cưỡi phao chuối và lướt sóng.

Biển Dốc Lết, thuộc phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cách thành phố Nha Trang khoảng 50 km về phía nam. Ở phía bắc khu du lịch tập trung nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Trung tâm là nơi tập trung các bãi biển hoang sơ. Còn ở phía nam có khu du lịch Jungle Beach, hay còn được gọi là ngôi làng biển. Ở đây có những homestay mộc mạc với mái tranh, cột tre nằm trên bãi cát trắng, mịn.

Dốc Lết không phát triển cơ sở vật chất như Nha Trang, tuy nhiên có ưu điểm là phong cảnh đẹp, thưa khách và yên tĩnh hơn. Ở đây cũng có các hoạt động vui chơi như dù biển, mô tô nước. Nếu đi theo nhóm, du khách có thể tổ chức chơi bóng rổ, kéo co trên bãi biển.

Hồ Cốc là bãi biển thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cách TP HCM khoảng 150 km. Bãi biển nằm trong một vịnh cong, bao quanh bởi cánh rừng xanh và vịnh cát trắng thoai thoải.

Ở đây cách xa khu dân cư và không tập trung nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vì vậy thích hợp với những du khách muốn trốn khỏi phố thị ồn ã và tận hưởng cảnh biển yên bình.

Cách biển Hồ Cốc không xa là trang trại cừu Suối Nghệ, điểm đến chụp ảnh mới nổi của du khách. Đàn cừu có hơn 200 con và thường được thả vào mỗi 6h sáng. Tuy nhiên, đàn cừu chủ yếu nuôi để lấy thịt nên lông không trắng, mượt như trong tưởng tượng của nhiều du khách.

Mũi Né, Phan Thiết nổi tiếng với đường bờ biển trải dài, khu du tích lịch sử Chăm Pa. Đặc biệt, nơi đây còn đặc trưng bởi cồn cát trắng (Bàu Trắng) và cồn cát hồng, thu hút khách du lịch với bộ môn ván trượt.

Du khách có thể ghé thăm Hòn Rơm, nằm tại ấp Long Sơn, nơi có vùng biển sóng êm, nước trong xanh và những rặng đá ngầm. Hòn Ghềnh hay Hòn Lao cũng là một điểm gợi ý để tắm biển. Ở đây khung cảnh rất hoang sơ, êm đềm. Du khách có thể câu cá, lặn biển và cả ngắm san hô.

Mũi Né cũng là điểm đến để du khách khám phá cuộc sống của ngư dân. Làng chài trải dài 100 m với những chiếc thuyền lớn nhỏ, nhiều màu sắc là nơi bạn có thể mua những loại hải sản tươi ngon nhất.

Với vị trí xa xôi ngoài khơi biển miền Trung, đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi được biết đến với những dấu tích miệng núi lửa khổng lồ và trang trại tỏi rộng. Ở đảo Lớn, đảo Bé, hòn Mù Cu không có nhiều hàng cọ, khu nghỉ mát bãi biển, thay vào đó là vùng địa chất và 50 ngôi đền địa phương.

Đảo Bé hay còn gọi là đảo An Bình là nơi sở hữu những bãi biển hoang sơ, cảnh thiên nhiên thanh bình. Ở đây, du khách có thể bơi lội trong làn nước trong vắt, ngắm những rạn san hô nhiều màu sắc.

Lan Hương (Theo Forbes)

https://vnexpress.net/longform/10-vung-bien-dep-nhat-viet-nam-4075529.html