NHẬT KÝ LỘ TRÌNH THỰC TẬP MÔI TRƯỜNG ĐẠI CƯƠNG – 2016

Ngày 23.07.2016

Hôm nay là ngày cuối của đợt thực tập. Đoàn thực tập sẽ trở về thành phố HCM. Các bạn từ Nha Trang trở ra và trên vùng Tây Nguyên được tách đoàn về nhà sau khi có đơn xin phép. Một số bạn xuống dọc đường cũng phải đăng kí trước để giáo viên phụ trách xe biết và được yêu cầu để hành lý trên xe cho thuận tiện.

5:00 xách máy ảnh ra bãi biển, bình minh tuyệt vời, đã thấy Nhóm 7 (Khánh Linh trưởng nhóm) ngồi ngắm bình minh. Khánh Linh và mình tìm góc đẹp chụp ảnh, sau đó là phần chụp ảnh điệu của cả nhóm với thày. Mình được các bạn hướng dẫn một số kiểu mà TEEN hay sử dụng, nhưng không hiểu và không biết làm, ví dụ như kiểu I love you, Tim Hàn, Chu mỏ…nhưng cũng tham gia đầy đủ.

6:00 cả đoàn mang theo hành lý xuống ăn sáng. Sáng nay nghe nói chỉ có bún riêu. Món này không thích hợp với thày Tự Thành, nên thày ra ngoài kiếm món khác. Các thày cô còn lại đang phân vân thì lại được thông báo có bánh mì ốp la. Thế là hầu hết đều chọn bánh mì ốp la (thực ra mọi người chọn ốp lết).

6:40 nhóm các thày cô ra uống cà phê rồi chia tay thày Ngân (đi Tuy Hòa) và cô Thu Dung (ở lại chờ gia đình để đi dự đám cưới). Do thày Ngân và cô Thu Dung phụ trách xe 3 có việc bận nên thày Tự Thành sang xe 3 để quản sinh viên, mình ở lại xe 1 để cùng các bạn từ nhóm 1 đến nhóm 4 trở về thành phố.

7:00 đoàn xe lăn bánh rời Nha Trang. 9:00 đoàn xe ghé Trạm dừng chân Hạnh Vy để các bạn mua các sản phẩm từ nho (rượu nho, siro nho, mật nho, nho xanh, nho đỏ…), hành, tỏi…làm quà cho người thân.

10:00 dừng ăn cơm trưa tại Hưng Phát 2 (Cà Ná). Năm nay đặt cơm đĩa thay vì mang cơm hộp như mọi năm. Hỏi mấy bạn sinh viên, các bạn cho biết cơm trưa tại Hưng Phát thích hơn cơm hộp. Như vậy, có thể từ sang năm đoàn sẽ đặt cơm trưa cho những ngày di chuyển.

Tại Cà Ná, mình cùng thày Tự Thành tranh thủ chụp ảnh dải núi bóc mòn, bậc thềm biển mài mòn – tích tụ cao 15?. Thày Tự Thành giới thiệu cho mình cây NEEM. Lá và quả cây này được pha chế để trị sâu rầy rất hiệu quả.

13:00 ghé trạm Dừng chân Hải Thắng (chuyên bán đồ hải sản). 15:45 ghé trạm dừng chân Bò sữa Long Thành.

Đoàn xe bon bon trên đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, nhưng đến bùng binh Phú Hữu thì phải chờ đợi khá lâu. Xe qua hầm Thủ Thiêm và đến Cơ sơ Nguyễn Văn Cừ, trường Đại học KHTN lúc 18:00.

18: 20, mọi người chia tay nhau. Thêm một đợt hướng dẫn sinh viên thực tập kết thúc an toàn với nhiều kỷ niệm đẹp giữa thày, cô và trò. Với mình đây là năm thứ 9 liên tục đồng hành cùng các bạn sinh viên.

Một vài hình ảnh hôm nay:

Bình minh trên biển Nha Trang
Bình minh trên biển Nha Trang
Nhóm 7 (Khánh Linh trường nhóm) đón hoàng hôn trên biển Nha Trang
Nhóm 7 (Khánh Linh trưởng nhóm) đón bình minh trên biển Nha Trang
Trạm Dừng chân Hạnh Vy
Trạm Dừng chân Hạnh Vy
Mua qua cho người thân
Mua quà cho người thân
Núi bóc mòn và thềm biển mài mòn-tích tụ cao 15 m tại Cà Ná
Núi bóc mòn và thềm biển mài mòn-tích tụ cao 15 m tại Cà Ná
Cây neem (nim) ở Cà Ná
Cây neem (nim) ở Cà Ná

Ngày 22.07.2016

5:45 đi ra bãi biển, lúc này đã có một số du khách nữ (người Tàu) dạo biển, chụp ảnh. Chụp vài kiểu ảnh buổi sáng biển Nha Trang rồi trở lại khách sạn uống cà phê sáng với vợ chồng Liên-Lợi và thày Ngân.

6:15 ăn sáng tại khách sạn Thành Đạt. Cô Tuyến thông báo sáng nay chỉ có hai món: 1) bánh mì ốp la và 2) bún bò. Đầu tiên định chọn bánh mì trứng chiên (thay vì ốp la), sau thống nhất mọi người cùng chọn bún bò. Món bún bò cực mặn. Mọi người chỉ vớt vài miếng thịt bò mỏng (hình như 3 miếng) và những sợi bún to trong tô “nước muối” để ăn. Ăn xong tô bún, thày Nghị uống liền hai chai nước suối. Với mình, đây là lần thứ hai trong đời ăn mặn. Lần đầu lúc còn là sinh viên năm 3, được bạn gái nấu cho ăn món đậu sào cực mặn.

7: 20 xe 1 xuống tàu Con Sẻ Tre để ra Hòn Mun. Khác với mọi năm, năm nay hướng dẫn viên du lịch làm hoạt náo viên nên con tàu vui nhộn hơn, vì vậy thời gian tới Hòn Mun dường như nhanh hơn.

8: 20 đoàn đến Hòn Mun. Anh Tài (cán bộ khu bảo tồn vịnh Nha Trang) bố trí cho các nhóm lần lượt xem san hô bằng tàu đáy kính. Lúc này những lều có view đẹp (ven biển) du khách Tàu đã chiếm hết. Đoàn Khoa Môi trường đành chấp nhận những túp lều có vị trí khiêm tốn, nằm sau dãy lều ven biển.

Chẳng mấy chốc bờ biển đảo Hòn Mun đầy người, toàn du khách Tàu, không gian bỗng trở lên ngột ngạt, toàn tiếng Tàu. Nghe nói Trung Quốc có chính sách du lịch cộng đồng, chính phủ hỗ trợ cho dân đi du lịch, các công ty du lịch Trung Quốc thực hiện qui trình khép kín, họ không dùng hoặc hạn chế dùng sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam.

Sinh viên rất khó khăn trong việc tìm kiếm được du khách Việt để phỏng vấn. Có khoảng trên một ngàn du khách, phần lớn là người Tàu, du khách Việt chỉ chiểm khoảng 5 – 10%. Các thày cô đang ngao ngán với cảnh du lịch tại khu bảo tồn thì bỗng vang lên tiếng Việt nam, Việt nam!. Sau này nghe nói lại mới biết, anh Tuấn (hướng dẫn viên du lịch) cùng với sinh viên trên tàu đáy kính đã hô to Chúng tôi là Việt Nan, Việt Nam.

10:20 các nhóm hoàn tất việc đi tàu đáy kính. Toàn đoàn tập trung để nghe anh Tài giới thiệu về Khu bảo tồn Vịnh Nha Trang.

11:30 ăn trưa đơn giản với bánh mì, chả giò (cô Phương Chi đặt) tuyệt ngon. Vừa ăn các thày cô vừa trao đổi về việc chọn Khu bảo tồn rừng Quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận thay cho Khu bảo tồn vịnh Nha Trang, nơi đang mất dần những giá trị cốt lõi của việc bảo tồn.

13:00 rời Hòn Mun, một giờ sau (14:00) đoàn đã có mặt tại Viện biển Nha Trang. Các nhóm được cán bộ của Viện thuyết minh, hướng dẫn thăm quan sinh vật biển nuôi trong bể, trong các bồn kính.

15:00 về khách sạn Thành Đạt, thả sinh viên xong anh Lợi chở mình cùng thày Thành, thày Ngân đi Hòn Chồng thăm quan. Hòn Chồng là một trong những điểm đá chồng mà mình rất muốn đến từ lâu.

Đến khu thắng cảnh Hòn Chồng lại tràn ngập du khách Tàu. Để chụp được bức hình tảng đá kẹp giữa hai khối đá phải chờ rất lâu để đoàn người đi qua. Hòn chồng Nha Trang là khối đá granit cao khoảng 5 m nằm trên nền đá mài mòn cũng là granit cao hơn mực biển khoảng 8 m. Như vậy, Hòn Chồng Nha Trang cao hơn mực nước biển khoảng 13 m.

19:30 là buổi tổng kết và liên hoan văn nghệ. Thày Tự Thành nhận xét việc học tập của các bạn sinh viên trong chuyến thực tập, nhắc nhở mọi người kế hoạch làm văn phòng và lịch báo cáo môn học. Cô Tuyến đọc lại tên các đề tài mà các nhóm phải thực hiện trong tháng 8 và tuần đầu tháng 9 và một số lưu ý cho chuyến trở về ngày mai.

Buổi văn nghệ diễn ra thật sôi động, nhiều tiết mục hay, ban giám khảo gồm thày Tự Thành, cô Bích Huệ và thày Nghị. Hai MC tươi trẻ, đẹp, xinh và rất dí dỏm làm cho buổi văn nghệ thêm hào hứng. Các nữ diễn viên cực kỳ đẹp làm thày Nghị lúng túng không nhận được ai là ai. Kết thúc buổi văn nghệ là phần trao giải thưởng cho các bạn đạt giải leo núi Langbiang và văn nghệ.

Một vài hình ảnh hôm nay:

Chuẩn bị ra đảo Hòn Mun
Chuẩn bị ra đảo Hòn Mun
Thăm quan, học tập tại Viện biển
Thăm quan, học tập tại Viện biển
Hòn chồng Nha Trang
Hòn chồng Nha Trang
Khối đá kẹt tại khu vực Hòn chồng
Khối đá kẹt tại khu vực Hòn chồng
Ban giám khảo cho buổi biểu diễn văn nghệ
Ban giám khảo cho buổi biểu diễn văn nghệ
Diễn viên (giữa) và hai MC (bìa)
Diễn viên (giữa) và hai MC (bìa)
Nhận giải leo núi
Nhận giải leo núi
Nhận giải văn nghệ
Nhận giải văn nghệ

Ngày 21.07.2016

6:45 sau khi chụp ảnh chia tay Công Thành, đoàn xe rời trường Trung cấp Văn thư Lưu trữ.

8:20 tới Trạm N/C cá nước lạnh Tây Nguyên. Các bạn sinh viên nhanh chóng tập trung tại nhà nuôi cá giống. Anh Hùng cán bộ kỹ thuật của Trạm trình bày ngắn gọn về môi trường sống của cá hồi, cá tầm (nhiệt độ, oxy, nước suối trong…) và kỹ thuật nuôi cá giống và cá thương phẩm. Sinh viên đặt một số câu hỏi, sau đó đi thăm quan các hồ cá.

9:20 đoàn xe di chuyển xuống đèo Khánh Lê – một con đường đèo thật hùng vĩ, thật đẹp. Yêu cầu sinh viên quan sát và chụp ảnh qua cửa sổ. Duy nhất xe 1 (có thày Thành, thày Hải) chạy chậm để sinh viên có điều kiện quan sát, chụp ảnh. Tại một số điểm, thày Thành xuống xe để có được những bức hình ưng ý. Khoảng 10: 30 xe 2, 3, 4 và 5 đã tới chân đèo, dừng ở quán Chân Đèo. Xe 1 đúng 11:00 mới tới.

Quán Chân Đèo được thày Cảnh giới thiệu “đây là bạn tôi mà bây giờ mới biết”. Thay vì ăn cơm hộp như mọi năm, năm nay đặt cơm trưa tại quán Chân Đèo. Bữa cơm trưa có món gà kho (gà ta), rau muống xào, trứng chiên, canh rau thập cẩm và đặc biệt có món cá suối chiên dòn. Bữa cơm thật ngon, giá cả hợp lý. Sau khi lo xắp xếp 20 bàn ăn cho đoàn, ông chủ quán mang bình rượu mời thày cô mỗi người một ly, hỏi thăm thày Cảnh.

Nghe nói biết ngay ông chủ quán là người Nam Định, mọi người gọi thày Nghị vào tiếp chuyện đồng hương. Chủ quán sơ lược vài nét về lịch sử bản thân và việc mở quán tại chân đèo vì sự mê mẩn vẻ đẹp của đèo Khánh Lê. Chủ quán là người yêu thích thơ, hay làm thơ, nhất là những bài thơ về vẻ đẹp tự nhiên của núi, đồi, sông suối. Ông đọc cho mọi người nghe bài thơ Con đường, bài thơ mô tả cảnh đẹp đèo Khánh Lê – con đường đèo đã cuốn hút ông đến lập nghiệp.

Mình đang nghiên cứu về geosite, đèo Khánh Lê xứng đáng là một geosite cảnh quan địa mạo. Nghe ông chủ quán Nguyễn Luật đọc thơ, thích quá, yêu cầu ông chép vào nhật ký của mình bài thơ này.

Chép bài thơ Con đường xong, lại đọc thơ; rồi lại gọi đứa con trai 9 tuổi ra đọc thơ. Cháu đọc thuộc lòng bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến. Bố thích thơ, con cũng thích thơ, thích đọc thơ, thích làm thơ; thơ gắn chủ và khách không dứt ra được.

Rồi cũng phải xin phép để dẫn sinh viên đi khảo sát bãi bồi thượng nguồn sông Cái tại Bến Lội, cách quán Chân Đèo khoảng 500 m. Thế là Nguyễn Luật lại đọc cho mọi người bài thơ Bến Lội.

12:00 sinh viên di chuyển đến Bến Lội để khảo sát, chơi trò xếp đá cân bằng và chụp ảnh.

Một vài hình ảnh hôm nay:

Tại Trạm nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên
Tại Trạm nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên
Một đoạn đèo Khánh Lê (ảnh: Tự Thành)
Một đoạn đèo Khánh Lê (ảnh: Tự Thành)
Quán Chân Đèo của công Nguyễn Luật
Quán Chân Đèo của ông Nguyễn Luật
Chủ quán Nguyễn Luật đang chép bài thơ "Con Đường" vào nhật ký của Hà Quang Hải
Chủ quán Nguyễn Luật đang chép bài thơ “Con Đường” vào nhật ký của Hà Quang Hải
Bài thơ "Con Đường"
Bài thơ “Con Đường”
Tại Bến Lội - Thượng nguồn sông Cái
Tại Bến Lội – Thượng nguồn sông Cái
Thực hành Đá cân bằng tại Bến Lội
Thực hành Đá cân bằng tại Bến Lội

Bến Lội

Bến Lội ở dưới chân đèo

Cà phê thơm nức, suối reo rì rào

Nhiều đêm cứ nghĩ chiêm bao

Ánh trăng nhảy múa chảy vào suối thơ

Em ơi chưa đến bao giờ

Anh bên Bến Lội đang chờ đợi em.

Ngày 20.07.2016

7:00 lớp 14 KMT đã có mặt tại vườn Bích Câu (ven hồ Xuân Hương) để thực tập xác định chất lượng nước bằng teskit. Đây là công việc làm bù cho ngày hôm qua. Thày Tự Thành dự kiến thực hiện 30 phút, song thực tế kéo dài tới gần 1 giờ.

8:00 xe 1, 2 và 3 đi trang trại Organik. Xe 4 và 5 đi Trạm xử lý nước thải. Năm nay đi trang trại Organik là do vào giờ chót lãnh đạo Trạm xử lý nước Đan Kia không đồng ý cho tham quan. Cô Bích Huệ là người đề xuất và trực tiếp liên hệ để đoàn đến thăm quan và học tập tại trang trại Organik.

Từ Đà Lạt theo còn đường đang sửa chữa đi về phía Xuân Trường, Xuân Thọ. Con đường này trước đây thuộc tuyến thực tập MTĐC qua hồ Đơn Dương, đèo Ngoạn Mục, Phan Rang, đến Nha Trang. Từ năm 2009, khi đèo Ngoạn Mục sửa chữa, tuyến thực tập theo con đường mới mở qua đèo Khánh Ly – Bi Đup đi Nha Trang.

9:00 đoàn tới trang trại của Công ty TNHH liên doanh ORGANIK DALAT tại thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt. Trang trại nằm trong một thung lũng rộng 4 ha, được bao quanh bởi các đồi thông. Công ty được nhà nước giao quản lý một vành đai rừng 20 ha.

Anh Nguyễn Lê Minh Triết, cán bộ kỹ thuật của Công ty giảng giải cho các bạn sinh viên về nông nghiệp organic. Những yêu cầu về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc…nông nghiệp Organic với điều kiện tiên quyết đó là sự cân bằng sinh thái. Sản phẩm đến người tiêu dùng có mức độ an toàn cao.

Mình đề nghị thày Thành cho đoàn thưởng thức sản phẩm nông nghiệp organic trong bữa cợm chiều nay. Sinh viên và thày cô đều nhiệt tình ủng hộ sáng kiến này.

11:00 rời trang trại, đến Viện sinh học Nhiệt đới lúc 11:45. Khác với mọi lần, năm nay cán bộ Viện cho sinh viên vào cửa trước. Cùng với thày Thành dạo qua một vài phòng, xem xét xung quanh thấy cơ sở của Viện ngày càng xuống cấp.

Chiều nay xe 1, 2 và 3 đi thăm quan Trạm xử lý nước thải thành phố Đà Lạt. Mình cùng thày Ngân đi khảo sát khu vực hồ Tuyền Lâm, đích đến là Đường hầm Điêu khắc. Hai thày trò thuê một xe máy chạy gần như vòng quanh hồ Tuyền Lâm trên một con đường trải nhựa khá đẹp.

Đường hầm Điêu khắc là một đoạn hào cắt vào vỏ phong hóa ryodaxit thuộc phức hệ Đơn Dương. Hào dài khoảng 500 m, rộng khoảng 20 m, sâu 7 – 8 m. Người ta khắc họa những nét thiên nhiên đặc thù và kiến trúc đặc trưng của Đà Lạt trên vách hào qua hai giai đoạn: thiên nhiên hoang dã và thời thuộc Pháp.

Một vài hình ảnh hôm nay:

Thực tập xác định chất lượng nước bằng testkit
Thực tập xác định chất lượng nước bằng testkit
Cô Bạch Linh chuẩn bị ăn thử hoa của trang trại Organik
Cô Bạch Linh chuẩn bị ăn thử hoa của trang trại Organik
Anh Nguyễn Lê Minh Triết giảng, giải cho sinh viên về nông nghiệp organic
Anh Nguyễn Lê Minh Triết giảng, giải cho sinh viên về nông nghiệp organic
Rời trang trại Organik Dalat cùng nhóm 5
Rời trang trại Organik Dalat cùng nhóm 5
Đà Lạt hoang sơ tại Đường hầm Điệu khắc
Đà Lạt hoang sơ tại Đường hầm Điêu khắc
Đà Lạt thời thuộc Pháp tại Đường hầm Điêu khắc
Đà Lạt thời thuộc Pháp tại Đường hầm Điêu khắc
Hôm nay có thêm món rau sống từ trang trại Organik Dalat
Hôm nay có thêm món rau sống từ trang trại Organik Dalat

Lưu ý:

1. Ngày mai đoàn sẽ đi Nha Trang qua đèo Khánh Lê – Bi Đúp. Con đường đèo khá dài (trên 30 km), cheo leo, hiểm trở nhưng rất đẹp. Do không có vị trí thích hợp để dừng trên đường đèo nên các bạn quan sát và chụp các bức hình qua cửa sổ.

2. Sau khi ăn trưa xong, các bạn xuống bãi cuội thượng nguồn sông Cái để khảo sát. Xác định thành phần, hình dạng, kích thước cuội. Các nhóm chụp ảnh với cảnh quan bãi bồi và thử nghiệm kỹ thuật Đá cân bằng từ các hòn cuội xem.

Ngày 19.07.2016

7:15 đoàn thực tập tới bãi xe jeep của khu du lịch Langbiang. Nhắc lại thời gian triển khai các việc tại đỉnh Radar cho các nhóm.

Đúng 7:30 thày Tự Thành phát lệnh leo núi, các nhóm nhanh chóng di chuyển dọc theo con đường ngược sườn dốc lên đỉnh Radar.

Nhóm đi bằng xe jeep để vận chuyển đồ (loa, nước uống…) gồm có thày Hải, Công Thành, Ngọc Tuyến, Bạch Linh).

Tại đỉnh Radar, mua hai thẻ, cùng cô Tuyến xem cảnh quan bằng kính viễn vọng (năm ngàn 3 phút). Lên đây nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên sử dụng loại dịch vụ này do gần đây mình quan tâm nhiều đến điểm nhìn (viewpoint) trong địa du lịch.

Giới thiệu cho cô Tuyến, thày Công Thành, cô Bạch Linh xem cảnh quan bằng ống nhòm hiệu National Geographic. Mọi người đều thích thú, công nhận xem rõ hơn kính viễn vọng.

8:40 bạn Lê Nguyễn Đức Linh (nhóm 14) và Bùi Thị Kim Thủy (nhóm 6) lên tới đỉnh, giành giải leo núi cá nhân (nhất nam và nhất nữ).

9:00 các nhóm 14 (toàn trai), nhóm 19 (toàn gái) và nhóm 7 (gái và trai) cùng tới đỉnh.Như vậy cả ba nhóm cùng đoạt giải nhất leo núi đồng đội.

10:00 tất cả các nhóm đều lên tới đích. Các thày cô giảng bài, sau đó các nhóm triển khai đo vẽ phẫu diện đất, đo vẽ ô thực vật tiêu chuẩn, lấy mẫu đá, đất và thực vật. Sau khi hoàn thành công việc trên đỉnh Radar, các nhóm sẽ xuống núi và tập trung tại bãi xe vào lúc 15:00.

Các thày cô trở lại chân núi bằng xe jeep. Lúc 14:00 thày Hải đề nghị trưởng đoàn (thày Tự Thành) cho các thày cô đến thăm trang trại cà phê hữu cơ của vợ chồng anh, chị Josh Guikema – Rolan Co Lieng (mọi người gọi là Rolan). Trang trại thuộc phố Boneur’C, Lạc Dương, cách bãi xe du lịch Langbiang 3 km.

Mười thày cô đi hai xe taxi. Cô Rolan (dân tộc K’Ho) vui vẻ đón tiếp mọi người, giới thiệu thương hiệu K’Ho Coffee. Giới thiệu kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến cà phê của Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ K.Ho. Rolan pha cà phê mời mọi người cùng thưởng thức. Mọi người đều công nhận cà phê tuyệt ngon.

Rolan dẫn mọi người thăm trang trại cà phê, thăm căn nhà nhỏ bằng gỗ với nội thất đơn giản nhưng thật dễ thương. Rolan biểu diễn đàn Tơ Rưng với bản nhạc Tiếng chày trên sóc Bom Bo thật điêu luyện. Câu chuyện trang trại Cà phê hữu cơ sẽ còn dài dài.

Chia tay trang trại, mọi người không quyên mua cà phê K’Ho. Rolan xay, đóng gói cà phê và hẹn mọi người trở lại.

15:00 đoàn rời bãi xe Langbiang, trời mưa lớn, thày Tự Thành quyết định chuyển thực hành đo chất lượng nước hồ Xuân Hương bằng Teskit sang sáng hôm sau.

Giới thiệu vài bức hình hôm nay:

Lớp 14 KMT trên đỉnh Radar
Lớp 14 KMT trên đỉnh Radar
Thày, cô bô môn KHMT hướng dẫn thực tập MT đại cương lớp 14 KMT
Thày, cô bô môn KHMT hướng dẫn thực tập MT đại cương lớp 14 KMT
Cô Ngọc Tuyến đang thích thú quan sát các dạng địa hình từ điểm nhìn Radar
Cô Ngọc Tuyến đang thích thú quan sát các dạng địa hình từ điểm nhìn Radar
Lê Nguyễn Đức Linh, Bùi Thị Kim Thủy giải nhất cá nhân leo núi
Lê Nguyễn Đức Linh, Bùi Thị Kim Thủy giải nhất cá nhân leo núi
Nhóm 14, 19 và 7 đồng giải nhất đồng đội leo núi
Nhóm 14, 19 và 7 đồng giải nhất đồng đội leo núi
Làm phẫu diện đất tại vách đã phủ cỏ (bị ban quản lý khu du lịch la)
Làm phẫu diện đất tại vách đã phủ cỏ (bị ban quản lý khu du lịch la)
Thày Trường Ngân hướng dẫn đo vẽ ô thực vật tiêu chuẩn
Thày Trường Ngân hướng dẫn đo vẽ ô thực vật tiêu chuẩn
Tại trang trại cà phê hữu cơ của vợ chồng chị Ro Lan
Tại trang trại cà phê hữu cơ của vợ chồng anh, chị Josh Gui kema -Rolan
Tại quán cà phê của vợ chồng chị Ro Lan (trong ảnh, thày Tự Thành đang xay cà phê)
Chị Rolan đang giới thiệu về K’Ho Coffee (trong ảnh, thày Tự Thành đang xay cà phê)

Ngày 18.07.2016

5:30 đoàn xe bị khởi hành. Cũng như năm trước, đoàn xe đi theo tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây, đến 8:00 đã tới điểm khảo sát đầu tiên – Đồi tượng đài La Ngà. Hướng dẫn các nhóm thủ tục triển khai khảo sát mô tả tại một điểm bao gồm định điểm vị trí khảo sát trên bản đồ, đo phương vị mặt cắt, mô tả các hợp phần cảnh quan, lấy mẫu vật…

Từ lý thuyết đến thực tế là cả một vấn đề. Hầu hết các nhóm đều lúng túng khi xác định vị trí khảo sát, định hướng bản đồ, xác định tọa độ kinh độ, vĩ độ, X, Y…nhiều bạn lấy mảnh bản đồ A4 để định điểm, có nhóm thiếu tờ Vĩnh An nên không thể xác định được tên núi lửa và phương vị từ núi lửa đến điểm khảo sát.

Cuối cùng nhóm 13 các bạn cũng xác định được vị trí khảo sát, định được tên núi lửa là đỉnh cao 240 m có dạng chữ “C”, phương vị mặt cắt 260o, độ cao tương đối đồi thềm tượng đài khoảng 25 m.

11:30 đoàn đến mỏ bauxit Bảo Lộc. Cơm hộp xong đoàn di chuyển ra khu tuyển rửa quặng. Xí nghiệp đã ngừng sản xuất 2 năm, trong khi chờ đợi bán cho đơn vị khác, chú Trí (giám đốc) vẫn chịu trách nhiệm quản lý. Vẫn như mọi năm, chú Trí nhiệt tình giảng cho các bạn về qui trình khai thác, tuyển rửa quặng, các vấn đề về môi trường và hoàn thổ sau khai thác. Sau đó các nhóm tiến hành khảo sát mặt cắt vỏ phong hóa bauxit, phẫu diện đất bazan…

13:30 đoàn rời mỏ bauxit. 15:30 đến điểm khảo sát tại cầu Đại Ninh, nghe giảng về hệ thống bậc thềm, về thủy điện Đại Ninh và các vấn đề môi trường liên quan. Các nhóm tiến hành khảo sát, mô tả, lấy mẫu trên các thềm bậc 3, 4 và 5. Trên thềm 5, quan sát thung lũng sông Da Queyon tuyệt đẹp.

18:00 đoàn đến Trường Trung cấp Văn thư và Lưu trữ trung ương, ăn cơm tối xong cô Bích Huệ hướng  dẫn các nhóm ép mẫu.

Kết thúc ngày đầu thực tập, lộ trình dài, nhiều nội dung phải thực hiện nhưng xem như kết quả đạt yêu cầu.

Nhóm 13 định điểm vị trí khảo sát trên bản đồ
Nhóm 13 định điểm vị trí khảo sát trên bản đồ
Nghe giảng qui trình khai thác và tuyển rửa quặng bauxit
Nghe giảng qui trình khai thác và tuyển rửa quặng bauxit
Đầm lầy hóa lòng sông dưới đập Đại Ninh
Đầm lầy hóa lòng sông dưới đập Đại Ninh
Trên thềm bậc 5 tại khu vực cầu Đại Ninh
Trên thềm bậc 5 tại khu vực cầu Đại Ninh

Ngày mai sẽ đi Langbiang, các nhóm lưu ý mấy điểm sau:

1. Từ Trường Trung cấp Văn thư và Lưu trữ trung ương đến chân núi Langbian quan sát hoạt động nông nghiệp trên sơn nguyên Đà Lạt (rau và hoa) với các mảnh ruộng bậc thang trên sườn đồi. Khác với các ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc (công trình mang tính nghệ thuật), ruộng bậc thang ở Đà Lạt làm các sườn đồi nham nhở, nhiều hình dạng, nhiều kích thước.

2. Đất ở Đà Lạt và sườn núi Langbiang có màu đỏ vàng nhưng không phải phong hóa từ đá bazan như ở Dầu Giây và Bảo Lộc (có người nhầm lẫn rồi đấy). Đất ở sơn nguyên Đà Lạt chủ yếu phong hóa từ trầm tích Jura (hệ tầng La Ngà). Đất ở Langbian g phong hóa từ ryodacit, ryolit thuộc hệ tầng Đơn Dương.

3. Có nhiều vết trượt đất mới và cũ có thể quan sát được trên đường đến Langbian. Chân núi Langbian có nhiều vết trượt và rãnh xâm thực.

4. Tại đỉnh Radar cao 1900 m, có thể quan sát được sơn nguyên Đà Lạt, hồ Đan Kia và đoạn sông uốn khúc trước khi nhập vào lòng hồ Đan Kia. Sử dụng ống nhòm có thể quan sát các dạng địa hình trượt đất rất rõ. Có thể xem đỉnh Radar là một điểm nhìn (viewpoint) ấn tượng của Đà Lạt.

Ngày 17.07.2016

Ngày mai, sinh viên ngành Khoa học môi trường (Lớp 14 KMT) cùng các thày cô tham gia đợt thực tập MT đại cương 2016 sẽ khởi hành lúc 5:00 tại Cơ sở Nguyễn Văn Cừ. Đến hôm nay, công tác chuẩn bị cho chuyến đi đã hoàn tất.

Ngày mai, lộ trình khá dài (trên 300 km, từ TP.HCM đi Đà Lạt), khởi hành sớm, công việc khá nhiều (khảo sát tại 3 điểm). Tại các điểm dừng, các bạn được nghe các thày cô giảng bài. Tuy vậy, cũng có một số điểm lưu ý để các bạn sinh viên chủ động quan sát, chụp ảnh, ghi chép để tài liệu thu thập phong phú hơn (nhất là những đặc điểm cảnh quan theo tuyến lộ trình mà đoàn không có điều kiện dừng lại để mô tả).

Ngoài những nội dung đã trình bày trong giáo trình, các bạn lưu ý những nội dung dưới đây tại các điểm khảo sát và theo lộ trình

1. Từ Dầu Giây đến cầu La Ngà, lộ trình chủ yếu đi qua vùng đất đỏ bazan; các bạn lưu ý quan sát và chụp ảnh. Khi dừng tại cây xăng Huyền Hậu (nghỉ giải lao), các bạn tranh thủ mô tả cảnh quan cho dạng địa hình này. Cách cầu La Ngà khoảng 2 km, các thày cô phụ trách xe yêu cầu các bác lái xe đi chậm để sinh viên quan sát, mô tả, chụp ảnh để có tài liệu xây dựng mặt cắt cảnh quan qua thung lũng sông La Ngà.

2.Tại điểm khảo sát Đồi tượng đài Bắc cầu La Ngà

Các bạn xác định tên núi lửa (mũi tên trên hình 1). Xác định phương vị mặt cắt từ đỉnh núi lửa này đến Đồi tượng đài và lập mặt cắt theo phương này.

Tìm góc thích hợp để có bức hình đẹp về làng Chài tại cầu La Ngà (tham khảo hình 2)

Lập mặt cắt cảnh quan từ đỉnh núi lửa tới Đồi tượng đài La Ngà
Hình 1. Lập mặt cắt cảnh quan từ đỉnh núi lửa tới Đồi tượng đài La Ngà
Sáng sớm mù sương trên Làng chài La Ngà (a. Tự Thành)
Hình 2. Sáng sớm mù sương trên Làng chài La Ngà (a. Tự Thành)

3.Từ Đồi tượng đài đi khoảng 9 km sẽ gặp khối đá Ba Chồng bên trái. Các bác tài đi chậm để sinh viên chụp ảnh. Đi tiếp khoảng 0,8 km là khối đá Hai Chồng bên phải.

4. Khi xe chạy qua đèo Bảo Lộc, các bạn ngồi bên trái quan sát và chụp ảnh đá phun trào trung tính thuộc hệ tầng Đèo Bảo Lộc.

5. Tại mỏ Bauxit Bảo Lộc (điểm khảo sát 2), các bạn cần xác định ranh giới giữa các đới của vỏ phong hóa. Mô tả và chụp ảnh cận cảnh đới laterit bauxit và các khối bazan phong hóa bóc cầu. Tìm vị trí thích hợp để chụp ảnh toàn cảnh cao nguyên Bảo Lộc.

6. Tại cầu Đại Ninh (Điểm khảo sát 3), các bạn quan sát hình thái, độ cao, cấu tạo các bãi bồi và bậc thềm. Cũng cần ghi nhận các yếu tố nhân sinh (nhà, chùa, hoạt động canh tác…) trên các dạng địa hình này. Tham khảo hình 3 và 4.

Bãi bồi thấp và thềm bậc 1 ở bờ trái sông Đa Quyeon
Hình 3. Bãi bồi thấp và thềm bậc 1 ở bờ trái sông Đa Quyeon
Bãi bồi cao và các bậc thềm ở bờ phải sông Đa Queyon
Hình 4. Bãi bồi cao và các bậc thềm ở bờ phải sông Đa Queyon

7. Từ cầu Đại Ninh đi khoảng 3 km sẽ thấy núi Chai (miệng núi lửa) nhô cao trên bề mặt cao nguyên. Bác tài đi chậm để các bạn quan sát và chụp ảnh.

H & H

Advertisement

Một suy nghĩ 3 thoughts on “NHẬT KÝ LỘ TRÌNH THỰC TẬP MÔI TRƯỜNG ĐẠI CƯƠNG – 2016

  1. Sau khi ngồi đọc lại nhật ký thầy viết em thấy chuyến đi thực địa này rất vui và thú vị, mặc dù lúc mới tham gia em không thấy hào hứng chút nào, nhưng khi kết thúc nhìn lại hành trình 1 tuần qua những hình ảnh chụp lại của nhóm em, em lại muốn đi nữa, haha. Cám ơn thầy cô rất nhiều. <3.

  2. thật tuyệt vời vì mình đã có mặt trong mấy tấm ảnh mà thầy cô chụp, đây là một kỷ niệm đẹp của lớp 14ktm và đối với mình. chắc không thể nào quên được!

Nhận xét về Vi Nguyen Hủy trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s