BIẾN ĐỘNG BỜ BIỂN MŨI CÀ MAU QUA 20 NĂM (1995 – 2015)

Nguyễn Lương Thanh Hằng

  1. Giới thiệu

Tỉnh Cà Mau được bao bọc bởi hai mặt biển: biển Đông và biển Tây với đường bờ dài 254 km. Trong những năm qua, cộng đồng sống dọc ven biển Cà Mau đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự xâm thực biển. Trong tương lai, hàng trăm ngàn ha đất canh tác dự kiến sẽ bị ngập do nước biển dâng. Nước biển dâng và xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của rừng ngập mặn và đa dạng sinh học.

Trong ba mươi năm (1965-1995), bờ biển Đông tương đối ổn định; bờ biển Mũi và Bờ Tây bồi tụ với tốc độ khoảng hơn 100m mỗi năm. Tuy nhiên, từ vài chục năm qua, bờ biển đã bị xói mòn nghiêm trọng kể cả bờ biển Mũi.

Đề tài “Biến động bờ biển mũi Cà Mau trong hai mươi năm (1995-2015)” được thực hiện nhằm làm sáng tỏ quá trình xói lở và bồi tụ, góp phần phục vụ quy hoạch bảo vệ bờ biển, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong tương lai.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này chủ yếu sử dụng phương pháp xử lý ảnh viễn thám, trong đó đường bờ biển được lọc bằng phương pháp Gathot Winasor. Năm 2011, Gathot Winasor đã dùng phép tỷ số ảnh để tách tự động vùng nước và vùng bờ. Trong nghiên cứu này các kênh tỷ lệ 4/2 và 5/2 (ảnh Landsat 5 và Landsat 7); 5/3 và 6/3 (Landsat 8) được sử dụng. Hình 1 trình bày quá trình xử lý đánh giá biến động đường bờ biển.

Hình 1. Sơ đồ thể hiện quá trình xử lý ảnh

Tốc độ và diện tích xói lở/bồi tụ được tính bằng công cụ DSAS trong ArcGIS: DSAS (Digital Shoreline Analysis System – Hệ thống phân tích đường bờ kỹ thuật số) là phần mở rộng của phần mềm ESRI ArcGIS giúp người dùng tính toán mức độ thay đổi đường bờ theo thời gian.

Chỉ số End Point Rate (tỷ số điểm kết thúc) biểu diễn mức độ xâm thực hay bồi tụ được tính bằng cách chia khoảng cách đường bờ biển năm 1995 và năm 2015. Ưu điểm chính của EPR là dễ tính và yêu cầu tối thiểu chỉ có hai đường bờ biển.

  1. Kết quả và thảo luận

3.1 Giai đoạn 1995 – 2003

Tính toán từ bản đồ (Hình 2) cho thấy diện tích xói lở là 41.73 km2, diện tích bồi tụ là 25.04 km2, như vậy ­diện tích đất mất trong 8 năm là 16.69 km2. Trung bình 1 năm diện tích đất mất là 2.09 km2 (209 ha).

Bờ Tây: Kết quả phân tích (Hình 3) cho thấy bờ biển Tây có tốc độ xói lở trung bình 20 m/năm. Xói lở cục bộ khá mạnh ở một số nơi như: bờ biển thuộc xã Khánh Hưng và xã Phú Tân tới -50 m/năm. Đường bờ biển cửa Khánh Hội có mức xói lở yếu nhất, trùng bình -1 m/năm.

Bờ Đông: Có mức xói lở rất mạnh, trung bình khoảng -80 m/năm, ở khu vực bờ biển Ngọc Hiển có nơi ở mức -130 m/năm. Tại một số nơi thuộc xã Viên An Đông, mức xói lở từ -20 đến -10 m/năm.

Bờ mũi Cà Mau: Bồi tụ chiếm ưu thế, tại cửa Bảy Háp bồi tụ tới 210 m/năm, cửa Lớn tới 218 m/năm.

Hình 2. Bản đồ xói lở – bồi tụ từ năm 1995 – 2003
Hình 3. Chỉ số EPR giai đoạn 1995 – 2003

3.2 Giai đoạn  2003-2015

Tính toán từ bản đồ (Hình 4) cho thấy xói lở bờ biển ở giai đoạn 2003 – 2015 ở mức nghiêm trọng. Diện tích xói lở là 75.34 km2, diện tích bồi tụ là 18.62 km2. Như vậy diện tích đất bị mất trong 12 năm là 56.72 km2. Trung bình 1 năm diện tích đất mất là 4.73 km2 (473 ha).

Bờ Tây: Kết quả phân tích (Hình 5) cho thấy xói lở trung bình -25 m/năm. Cửa Sông Đốc xói lở tới -50 m/năm, bờ biển thuộc xã Việt Khái có đoạn bị xói lở -40 m/năm. Khu vực cửa Khánh Hội xói lở yếu nhất, khoảng -1 m/năm.

Bờ Đông: Bờ biển thuộc xã Tam Giang và xã Tân An xói lở mạnh, cửa sông Bồ Đề tới -93 m/năm. Khu vực cửa sông Gành Hào -52 m/năm mặc dầu đã có kè bảo vệ.

Bờ Mũi Cà Mau: Bồi tụ ở cửa Bảy Háp (87 m/năm), cửa Lớn (97 m/năm), như vậy bồi tụ đã giảm đi đáng kể so với giai đoạn trước.

Hình 4. Bản đồ xói lở – bồi tụ từ năm 2003 – 2015
Hình 5. Chỉ số EPR giai đoạn 2003 – 2015

Tốc độ và diện tích xói lở giai đoạn 1995-2003, giai đoạn 2003-2015 và tổng hai giai đoạn được biểu diễn trên hình 6 và 7.

Hình 6. Biểu đồ tốc độ xói lở – bồi tụ qua các giai đoạn nghiên cứu
Hình 7. Biểu đồ diện tích xói lở – bồi tụ qua các giai đoạn nghiên cứu

Kết luận

Xói lở bờ biển Tây và Đông gia tăng trong giai đoạn 2003 – 2015 so với giai đoạn 1995 – 2003, trong đó bờ biển Đông gia tăng mạnh mẽ. Bờ biển Mũi vẫn tiếp tục bồi tụ, nhưng tốc độ giảm đáng kể so với giai đoạn 1995 – 2003. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 20 năm xói mòn đã làm mất một diện tích đất là 734 ha, trung bình một năm mất 367 ha.

Xói lở gia tăng, bồi tụ giảm phản ánh sự thiếu hụt nguồn cấp trầm tích do hoạt động của con người bao gồm hệ thống hồ đập trên lưu vực, khai thác cát, sỏi lòng sông, suy giảm rừng ngập mặn và khai thác nước ngầm gây sụt lún mặt đất.

Ghi chú: Nội dung trình bày trong bài này được trích từ kết quả Tiểu luận tốt nghiệp chuyên ngành Môi trường và Tài nguyên biển K13, Khoa Môi trường, Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s