Kiểm kê, phân loại và đánh giá sơ bộ geosite đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Nguyễn Hạnh Nhi, Hà Quang Hải

Bài viết này được trích (có sửa chữa và bổ sung) từ luận văn cao học với tiêu đề “Phát triển chương trình địa du lịch tại đảo Lý Sơn”, thuộc chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo luận văn lưu trữ tại thư viện trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia TP.HCM.

1.Giới thiệu

Geosite là tiêu chí đầu tiên và cốt lõi để một khu vực có thể trở thành một Công viên địa chất. Giá trị khoa học (đặc biệt là tính quí hiếm) của geostie sẽ là cơ sở đề xuất khu vực đó đáp ứng Công viên địa chất qui mô khu vực, quốc gia hay toàn cầu.

Trong mấy năm gần đây, đảo Lý Sơn gồm cù lao Ré (đảo Lớn) và cù lao Bờ Bãi (đảo Bé) đã thu hút một lượng lớn du khách đến thăm quan cảnh quan và cấu trúc núi lửa giữa biển khơi. Những điểm đến yêu thích của du khách chủ yếu là cù lao Ré gồm: Chùa Hang, đỉnh Thới Lới, Hang Câu, Cổng Tò Vò, Chùa Đục. Trên cù lao Bờ Bãi, du khách tập trung thăm quan, giải trí tại Bãi Tiên.

Có thể nói hoạt động du lịch tại Lý Sơn hiện nay mang tính đại chúng, du khách chưa được giới thiệu sự hấp dẫn địa chất, địa mạo của địa hình núi lửa; những điểm có giá trị nổi bật về khoa học Trái đất rất hữu ích cho nghiên cứu, học tập cũng như giải trí chưa được sử dụng. Nói cách khác, loại hình du lịch tại đảo Lý Sơn còn đơn điệu, thiếu tính chuyên sâu để có thể thu hút các đối tượng du khách khác nhau.

Trong khi chưa có công trình nghiên cứu về địa chất, địa mạo một cách hệ thống, chi tiết theo một tỉ thích hợp để làm rõ cấu trúc địa chất cũng như làm nổi bật giá trị geosite đảo Lý Sơn phục vụ cho việc phát triển Công viên địa chất; chúng tôi tiến hành kiểm kê, phân loại và đánh giá sơ bộ giá trị geosite (giá trị khoa học và giá trị bổ sung) làm cơ sở bước đầu cho việc qui hoạch, mở rộng hoạt động du lịch cũng như định hướng cho công tác bảo tồn di sản tự nhiên.

2. Kiểm kê, phân loại geosite

Kết quả khảo sát, phân tích đã xác định đảo Lý Sơn có 27 geosite, trong đó cù lao Ré có 18 geosite và cù lao Bờ Bãi có 9 geosite. Các geosite được phân loại thành ba kiểu: Địa mạo – Địa tầng, Thủy văn và Cảnh quan địa mạo. Kiểu Địa mạo- Địa tầng gồm các geosite: đỉnh và miệng núi lửa, bãi biển, hang biển, vách biển, các khối đá, cầu thiên nhiên là tàn dư của quá trình xâm thực bóc mòn. Kiểu Thủy văn là các giếng nước phân bố tại vị thí địa hình thuận lợi, có lưu lượng khai thác lớn có giá trị lịch sử và kinh tế. Kiểu Cảnh quan địa mạo là các geosite điểm nhìn, nơi có địa thế thích hợp cho việc quan sát địa hình và chiêm ngưỡng cảnh quan. Các kiểu geosite được thể hiện trên hình 1 và 2.

Hình 1: Các geosite trên Cù lao Ré

Hình 2: Các geosite trên Cù lao Bờ Bãi

3.Giá trị khoa học và giá trị bổ sung của geosite

Việc đánh giá các giá trị khoa học và giá trị bổ sung geosite dựa vào các tiêu chí được Emmanuel Reynard đề xuất (Reynard 2008). Việc đánh giá sơ bộ các giá trị này dựa vào kết quả khảo sát thực địa và tham khảo ý kiến một số chuyên gia đã từng điều tra địa chất, địa mạo tại đảo Lý Sơn. Các geosite có sự hiện diện tiêu chí liên quan được cho điểm 1, nếu không có được cho điểm 0, các tiêu chí chưa đánh giá hoặc chưa rõ được đặt dấu ?. Điểm đánh giá giá trị khoa học và bổ sung geosite tại cù lao Ré và cù lao Bờ bãi được trình bày trong Bảng 1; 2; 3 và 4. Tóm tắt các giá trị khoa học và bổ sung geosite được trình bài trong bảng 5 và 6.

Bảng 1: Điểm đánh giá giá trị khoa học geosite Cù lao Ré
Bảng 2: Điểm đánh giá giá trị khoa học geosite Cù lao Bờ Bãi
Bảng 3: Điểm đánh giá giá trị bổ sung của geosite Cù lao Ré
Bảng 4: Điểm đánh giá giá trị bổ sung của geosite Cù lao Bờ Bãi
Bảng 5: Tóm tắt giá trị khoa học và bổ sung các geosite Cù lao Ré
Bảng 6: Tóm tắt giá trị khoa học và bổ sung các geosite Cù lao Bờ Bãi

4.Các geosite tiêu biểu

Dưới đây trình bày những geosite có giá trị khoa học hấp dẫn về mặt địa chất, địa mạo và những giá trị bổ sung nổi trội (có điểm giá trị cao).

4.1 Hang Câu – Chùa Hang & Thới Lới

Giá tri khoa học: Hai nón núi lửa cùng họng phun, nón Thới Lới nhỏ hơn nằm chồng trên nón Hang Câu-Chùa Hang (kiểu núi lửa lồng nhau tạo thành hai tầng). Đỉnh nón Thới Thới cao khoảng 170 m (điển cao nhất tại đảo Lý Sơn). Dựa vào đặc điểm hình thái và cấu trúc, có thể xác định geosite này thuộc núi lửa phun nổ kiểu strobolian.

Geosite này chứa các geosite dạng điểm như nấm đá, tháp đá bóc mòn và các điểm nhìn. Trong các vật liệu vụn trên sườn và trũng núi lửa Hang Câu-Chùa Hang, ngoài các khối đá, bom núi lửa còn gặp nhiều các khối, mảnh san hô; vỏ sò và cuội thạch anh.

Giá trị thẩm mỹ: Là địa hình cao nhất Cù lao Ré, nên tại đây có thể nhìn thấy được cảnh quan theo các hướng khác nhau. Gờ miệng hai núi lửa cũng là những điểm nhìn ấn tượng (viewpoint) không chỉ quan sát các dạng địa hình trong phạm vi núi lửa mà còn các cảnh quan đồng bằng thấp và địa hình biển, bờ biển bao quanh.

4.2 Vách Hang Câu – Chùa Hang

Giá trị khoa học: Vách biển hoành tráng (cliff) cao 20 – 40 m, dài 1250 m để lộ cấu trúc nón xỉ ấn tượng (geosite lộ cấu trúc núi lửa duy nhất của Việt Nam). Dọc theo geosite này quan sát được cấu trúc trầm tích phân lớp, phân dải chứa các mảnh đá, khối đá bazan kích thước từ 1 – 2 cm đến 1,0 m. Có những điểm lộ địa chất quí, làm cơ sở định tuổi hoạt động núi lửa như xương san hô nằm rải rác trong vụn núi lửa trên vách biển, nằm trong các khối đá rơi. Tại chân vách, trầm tích vụn núi lửa phủ bất chỉnh hợp trên đá rạn san hô.

Các dạng địa hình dọc chân vách Hang Câu – Chùa Hang là các hang biển; trong đó lớn nhất là Hang Câu và hang Chùa Hang – hai địa danh du lịch hấp dẫn hiện nay tại cù lao Ré. Ngoài ra có khá nhiều các khối đá rơi, các hố lõm tròn trên bãi biển do sóng bóc các khối đá bazan khỏi nền đáy ?

Giá trị văn hóa: Chùa Hang nằm trong hang geosite kiểu hang biển – hang lớn thứ hai ở cù lao Ré. Chùa Hang đã được Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng thắng cảnh quốc gia theo quyết định số 921 ngày 20 tháng 7 năm 1994. Các sự kiện văn hóa lớn được tổ chức tại đây vào các ngày Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan, Phật Đản, ngày giỗ các vị tiền hiền. Hàng năm Chùa Hang thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước tới hành lễ, niệm phật, chiêm bái.

4.3 Cổng Tò Vò Lý Sơn

Cổng Tò Vò Lý Sơn là dải đá dài 41,5 m, cao 3,5 m so với bề mặt mài mòn biển. Mặt cầu rộng nhất là 8,1 m, hẹp nhất là 1,6m.

Giá trị khoa học: Cổng Tò Vò (cầu thiên nhiên), là dạng địa hình do quá trình xói mòn của biển vào đá bazan phân lớp ngang.

Bazan cấu tạo Cổng Tò Vò phủ trên cát kết san hô (calcarenite). Đá calcarenite hình thành bãi biển mài mòn lộ dọc bờ biển về phía tây với chiều dài hơn 1 km. So sánh với tài liệu của A.M. Karoky, đá calcarenite có tuổi tuyệt đối trong khoảng 1077 ± 98 – 2472 ± 104 năm.

Giá trị thẩm mỹ và kinh tế: Cổng Tò Vò có hình dạng khá đặc biệt, dải đá màu đen nổi bật trên bãi biển cát, đá san hô màu trắng và nước biển màu xanh tạo nên một cảnh quan biển ấn tượng trước núi lửa Giếng Tiền. Cổng Tò Vò là một trong những điểm nhấn cảnh quan biển tại đảo Lý Sơn, thu hút một số lượng đông đảo du khác đến thăm quan, chụp ảnh, nhất là vào thời khắc bình minh và hoàng hôn.

4.4 Bãi Tiên

Giá trị khoa học: Bãi Tiên là kiểu bãi biển dạng túi nằm giữa hai mũi đá bazan. Trầm tích trong bãi là cát san hô, nguồn vật liệu di chuyển từ ngoài khơi vào. Bãi Tiên và các bãi biển dạng túi khác phân bố ở bờ bắc, tây và đông là dạng địa hình bờ biển xâm thực đặc trưng của cù lao Bờ Bãi.

Vách biển xuống bãi Tiên có sự hiện diện các hang biển và Tafoni – một dạng vi địa hình trên vách đá có nguồn gốc phong hóa muối.

Giá trị thẩm mỹ và sinh thái: Bãi Tiên là điểm nhấn cảnh quan biển của cù lao Bờ Bãi, đây thường là điểm thăm quan và tắm biển của du khách. Tại đây du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bãi biển với sự phối hợp hài hòa các sắc màu tự nhiên như bãi cát trắng chen giữa bờ đá đen trên nền biển màu ngọc bích. Du khách còn được ngắm san hô trên các thuyền thúng bồng bềnh trên mặt biển – một loại hình du lịch rất hấp dẫn.

4.5. Miệng núi lửa Đồng Truông

Giá trị khoa học: Geosite Đồng Truông là miệng núi lửa âm có đường kính khoảng 200 m. Đây là một gờ vành núi lửa gần như khép kín giống như tường thành của một pháo đài, rõ nhất là đoạn gờ phía đông kéo dài khoảng 150 m, cao 7 – 10 m (geosite Hòn Đụn). Đá bazan gồm hai loại: 1) bazan đặc xít màu xám đen, ít lỗ rỗng; phần ven biển bề mặt đá có tafoni. Bazan này phủ lên cát kết san hô lộ ra khi thủy triều xuống thấp và 2) bazan dạng mảnh vụn, dạng xỉ (dung nham kiểu aa?) có màu nâu đỏ do phong hóa mạnh (màu oxit sắt). Theo quan hệ địa tầng, bazan cù lao Bờ Bãi có cùng tuổi với bazan cù lao Ré (Holocen muộn).

Giá trị văn hóa, kinh tế: Gờ miệng núi lửa Đồng Truông tạo thành một con rồng cuộn tròn có đầu và đuôi nằm trên bãi Nam. Người dân trên cù lao Bờ Bãi có thể hướng dẫn du khách thăm quan bãi biển nơi có đầu rồng (chính là Hòn Đụn) hay đuôi rồng. Một truyền thuyết về con rồng cù lao Bờ Bãi sẽ thật sự hấp dẫn du khách. Bề mặt địa hình trũng miệng núi lửa được người dân cấu trúc thành các ruộng bậc thang trồng tỏi, hành – một hoạt động nông nghiệp chính tại cù lao Bờ Bãi.

5.Kết luận

Geosite dạng đường Vách Hang Câu – Chùa Hang (vách xâm thực biển) để lộ một cấu trúc núi lửa phun nổ tuyệt đẹp. Dọc theo geosite này còn có thể quan sát các geosite (dạng điểm) như hang biển, các khối đá lở, và đặc biệt quan sát vật liệu vụn núi lửa chứa các mảnh, khối san hô hay phủ trên cát kết san hô làm cơ sở cho việc xác định giai đoạn hoạt động bazan.

Vách Hang Câu – Chùa Hang là geosite quí hiếm và duy nhất tại Việt Nam. Với sự hiện diện của geosite này, Lý Sơn xứng đáng trở thành Công viên địa chất quốc gia.

 

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s