Hà Quang Hải, Trần Ngọc Lê Duy
I. Giới thiệu
Cho đến nay, những nghiên cứu về lòng sông cổ vùng đồng bằng sông Cửu Long rất ít. Xác định những lòng sông cổ thời kỳ Neogen – Pleistocene thực sự khó khăn. Việc này chỉ có thể thực hiện được qua tài liệu các lỗ khoan đủ dày với các kết quả phân tích tin cậy, nhất là tuổi các phân vị địa tầng.
Xác định sông cổ (các dòng đã ngừng hoạt động) trong Holocen thường dễ dàng hơn do những dấu vết còn để lại trên bề mặt đồng bằng qua tư liệu viễn thám và có thể kiểm tra bằng công trình khoan, đào bề mặt. Tư liệu viễn thám rất hữu ích trong việc nhận dạng lòng sông cổ qua đặc trưng tôn ảnh và hình thái dạng địa hình. Tuy vậy, việc nhận dạng lòng sông cổ một số khu vực gặp khó khăn khi bề mặt đồng bằng bị biến đổi nhiều bởi các hoạt động nhân sinh.
Nghiên cứu lòng sông cổ sẽ giúp hiểu biết môi trường cổ địa lý, đồng thời nhìn nhận khách quan hơn những hiện tượng xói lở hay bồi tụ xảy ra dọc theo các sông, rạch hiện nay cũng như trong tương lai. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu có thể góp phần hiểu biết thêm các nền văn hóa cổ gắn với sông nước như Văn hóa Óc Eo chẳng hạn.
Bài viết này giới thiệu dấu vết lòng sông cổ trên bề mặt đồng bằng sông Cửu Long, khu vực tây Sông Hậu từ Ankor Borei đến Rạch Giá được nhận dạng từ tư liệu viễn thám.
II. Sơ lược lịch sử nghiên cứu
Năm 1930, lần đầu tiên Pierre Paris – nhiếp ảnh gia/nhà khảo cổ học người Pháp đã chụp ảnh hàng không khu vực tây sông Hậu (Bassac River) từ Ankor Borei (Campuchia) đến Rạch Giá (Việt Nam). Paris, đã ghi nhận những kênh cổ trên đồng bằng và đường viền hình chữ nhật lớn, sau này được công nhận là tàn tích của đô thị Óc Eo [4].
Vào những năm 1940, Louis Malleret – nhà khảo cổ học người Pháp đã khai quật tại Óc Eo, xác định hệ thống kiểm soát nước rộng lớn, kiến trúc đồ sộ và nhiều loại hàng hóa thương mại quốc tế [4].
Trong thập niên 1970, sau một thời gian gián đoạn kéo dài bởi Thế chiến II và Chiến tranh Việt Nam, các nhà khảo cổ Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều nghiên cứu mới ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cuộc điều tra các kênh rạch tại Eo Eo gần đây gợi ý rằng chúng đã từng kết nối với thủ đô Angkor Borei, và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mạng lưới thương mại đáng chú ý của vương quốc Phù Nam [4].
Sơ đồ hệ thống kênh cổ [2] của Paris cho thấy, các kênh đào thường thẳng và ngắn; dài nhất là kênh 4, kéo thành một đường khá thẳng từ Ankor Borei đến Óc Eo (khoảng 85) km. Các kênh tỏa ra từ hai trung tâm: 1) tại Ankor Borei, các kênh tỏa về phía nam; tại Óc Eo các kênh tỏa ra nhiều hướng (Hình 1).
Năm 1994, trên bản đồ địa mạo thuộc Công trình bản đồ địa chất – khoáng sản Nhóm tờ đồng bằng Nam Bộ tỉ lệ 1:200.000, Nguyễn Huy Dũng và cộng sự đã thể hiện các dấu vết lòng sông cổ từ việc giải đoán ảnh hàng không loạt AF-68-15 do quân đội Mỹ chụp trong chiến tranh Việt Nam. Trên bản đồ này, dấu vết lòng sông cổ phân bố phổ biến ở khu vực Đồng Tháp Mười và khu vực An Giang – Kiên Giang (Hình 2). Sông cổ có dạng mạng, hướng chảy chủ yếu bắc – nam (từ Campuchia xuống). Ở Khu vực An Giang – Kiên Giang, lòng sông cổ dài nhất phân bố ở phía đông Bảy Núi và phía tây Óc Eo (dài khoảng 70 km) từ phía nam Núi Sam đến Vịnh Rạch Giá.

Năm 2003, 2004 Sanderson, Bishop và cộng sự đã lập bản đồ chi tiết các kênh đào gần khu định cư cổ Ankor Borei dựa trên sơ đồ của Pierre Paris, đồng thời lấy mẫu trầm tích lấp đầy kênh để xác định tuổi bằng phương pháp OSL (Nhiệt phát quang) và carbon phóng xạ (C14) [3, 5].
Bản đồ dấu vết kênh cổ khu vực Ankor Borei được thành lập bằng giải đoán ảnh hàng không (hình 3a, 3b) và điều tra thực địa sử dụng khoan tay cho kênh 1 và kênh 2 và rãnh đào ngang kênh 2, lấy mẫu phân tích tuổi chi tiết theo mặt cắt. Bản đồ này đã xác nhận sơ đồ của Paris (Hình 2a) nhưng cũng cho thấy dấu vết khác của kênh, đó là: “các kênh đào rất thẳng thường nối kết với hệ thống sông cổ (palaeochannel) như trường hợp kênh 2 và 3 từ Kampong Youl đến Angkor Borei qua hồ “móng ngựa” uốn khúc tại Phnom Angkor Borei.“[5].
Kết quả phân tích cho thấy các trầm tích kênh 2 có tuổi từ giữa thiên niên kỷ đầu trước công nguyên đến giữa thiên niên kỷ đầu sau công nguyên. Tuổi OSL và carbon phóng xạ cho thấy kênh 2 bị chết (bị lầy hóa) vào thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 6 sau Công nguyên.

III. Nhận dạng lòng sông cổ
Dấu vết lòng sông cổ khá phổ biến ở Tây sông Hậu từ Ankor Borei (Campuchia) đến Rạch Giá, Kiên Giang. Đây là khu vực lòng sông cổ dễ nhận dạng, nhất là diện tích thuộc Campuchia nơi địa hình ít chịu tác động nhân sinh. Hai kỹ thuật nhận dạng dấu vết lòng sông cổ được thực hiện ở đây là giải đoán và xử lý ảnh.
Giải đoán ảnh: thực hiện trên ảnh Google Earth thu nhận theo thời gian. Lòng sông cổ được nhận dạng dựa vào sự phân bố các trũng có tôn ảnh thẫm (độ ẩm cao); các đê ven sông, các khúc uốn bị cắt, các hồ móng ngựa…
Trên ảnh viễn thám việc nhận dạng lòng sông cổ khá dễ, nhất là các ảnh có độ phân giải cao. Ở một số khu vực, việc nhận dạng dễ dàng hơn thường đối với những ảnh cũ do tác động của con người đối với mặt địa hình lúc đó chưa nhiều (Hình 4).
Những đoạn sông cổ uốn khúc có thể đo đạc được bán kính khúc uốn, độ rộng đai khúc uốn và bề rộng dòng chảy (hình 5).


Xử lý hình ảnh: dấu vết lòng sông cổ trên ảnh Landsat được xử lý bằng cách tăng cường chất lượng hình ảnh như: tổ hợp màu nâng cao chất lượng (Hình 6) hoặc xử lý kênh nhiệt (Hình 7).


IV. Bản đồ dấu vết lòng sông cổ
Kết quả giải đoán và xử lý hình ảnh là cơ sở thành lập bản đồ phân bố lòng sông cổ. Dựa vào đặc điểm hình thái mạng sông cổ và khu vực phân bố, hai bản đồ dấu vết lòng sông cổ khu vực phân tích được thành lập là Nam Angkor Borei và An Giang – Kiên Giang.
IV.1 Khu vực Nam Ankor Borei: Dấu vết lòng sông cổ phân bố từ phía nam Angkor Borei đến ranh giới với Việt Nam (tây Châu Đốc) khoảng 35 km, trên dải rộng khoảng 15 km (Hình 8). Ở phía tây sông Châu Đốc, dấu vết một dòng cổ khá lớn theo hướng á kinh tuyến với những khúc uốn rộng (bán kính uốn khúc tới 1,0 km) phát triển trong đai uốn khúc khoảng 3,0 km. Từ Mõm Con Heo đến Châu Đốc mạng dòng chảy hướng tây đông về phía sông Châu Đốc. Có thể giả thiết hiện tượng cướp dòng sông Châu Đốc với sông cổ xảy ra tại Mõm Co Heo?. Một số dòng về đổ về phía nam bị chặn bởi Kênh Vĩnh Tế.

IV.2 Khu vực An Giang – Kiên Giang
Dấu vết lòng sông cổ bao gồm mạng dòng chảy Tây Nam Bảy Núi và sông Châu Đốc – Rạch Giá phân bố phía đông Bảy Núi và tây Óc Eo.
Mạng sông cổ Tây Nam Bảy Núi (Hình 9) có hình thái tương tự như giải đoán của Nguyễn Huy Dũng (Hình 2). Các dòng hướng bắc nam (từ Campuchia xuống) rồi nối với một dòng chính hướng tây bắc đông nam có sự uốn khúc mạnh (Hình 6). Dòng này sau đó nhập vào dòng cổ Tây Óc Eo (phương bắc – nam) tại vị trí cách thành phố Rạch Giá khoảng 9 km.
Mạng sông cổ khu vực này khá dày, đan cắt phức tạp lại bị cắt xẻ bởi hệ thống kênh đào dày đặc. Ảnh vệ tinh cho thấy hầu hết các dòng chảy từ Campuchia về phía nam đã bị chặn bởi kênh Vĩnh Tế. Như vậy, các dòng chảy bắc kênh Vĩnh Tế phải chuyển dòng về phía tây, trong khi phần phía nam mất nguồn cấp trở thành các lòng cổ.

Sông cổ Châu Đốc – Rạch Giá: dòng chảy hướng bắc – nam nhận dạng được từ kênh Vĩnh Tế (phía tây nam Núi Sam 5,5 km) đến vịnh Rạch Giá gồm sông Đông Bảy Núi và Tây Óc Eo với điểm kết nối tại phía đông núi Cô Tô. Ảnh viễn thám từ năm 1984 đến nay rất khó nhận dạng sông Đông Bảy Núi đoạn từ đông bắc núi Bà Đội đến đông núi Cô Tô; trong khi đó trên bản đồ giải đoán (ảnh AF-68-15) của Nguyễn Huy Dũng (Hình 2), đoạn sông này được thể hiện khá rõ. Kết hợp bản đồ giải đoán hình 9 và hình 2, nhận được sông cổ Châu Đốc – Rạch Giá có đặc trưng sau:
– Sông Đông Bảy Núi: dài 41 km, trên hình 9, hộp (b), (b1) và (d) dấu vết sông cổ biểu hiện rõ ở Tây Núi Sam, rừng tràm Trà Sư và phía đông bắc núi Bà Đội. Hình 10 và 11 thể hiện chi tiết hơn các đoạn sông cổ này; đoạn Tây Núi Sam (Hình 10, hộp a và Hình 11 a) dài khoảng 8,0 km; rộng 0,4 – 0,5 km; bắt đầu từ kênh Vĩnh Tế chảy theo hướng đông nam và nối với đoạn sông cổ qua Rừng tràm Trà Sư. Đoạn sông cổ Đông Bắc núi Bà Đội gồm hai khúc uốn liên tục dài khoảng 10 km, lòng rộng trung bình 0,2 km; bán kính uốn khúc khoảng 0,8 km (Hình 10, hộp a và Hình 11 b).


– Sông Tây Óc Eo: dài 36 km, lòng mở rộng dần về Vịnh Rạch Giá, nơi rộng nhất tới 5,5 km. Có hai điểm đáng chú ý cho sông này: 1) nhận dạng được một kênh đào (cổ ?) dài 6,5 km nối kết với Óc Eo (Hình 10, hộp c và hình 12 a); và 2) khu vực vịnh Rạch Giá có mạng sông cổ thể hiện một cửa sông đã từng tồn tại? (Hình 10, hộp d và hình 12 b).

Từ kết quả giải đoán trên cho hai nhận xét:
– Có thể giả thiết sông Châu Đốc – Rạch Giá với phần thượng nguồn từ khu vực nam Ankor Borei trở thành sông cổ do sự cướp dòng của sông Châu Đốc ?.
– Khu vực Tứ giác Long Xuyên đã từng có hệ thống dòng chảy từ Campuchia đổ vào. Kênh Vĩnh Tế đã cắt ngang hệ thống này dẫn đến hàng loạt các dòng (phân bố từ Châu Đốc đến sông Giang Thành) mất nguồn cấp, biến thành các lòng sông cổ.
V. Thử tìm đường đi Kênh 4 Paris
Việc tìm đường đi kênh 4 Paris được dựa vào các sơ đồ (hình 1), kết quả nghiên cứu của Pau Bishop (hình 2) và giải đoán ảnh viễn thám bổ sung. Có thể phân chia kênh K4 thành 4 đoạn:
Đoạn 1 (Từ Ankor Borei đến giao điểm với sông Tà keo): dài 14 km bao gồm các đoạn kênh đào nối với các dòng chảy tự nhiên như được Pau Bishop thể hiện trên Hình 2 b [5].
Đoạn 2 (Từ giao điểm với sông Tà Keo đến Rừng tràm Trà Sư) dài 28 km, thể hiện rõ trên bản đồ địa hình tỉ lệ 1:250.000 tờ NC 48 – 6 do Mỹ xuất bản năm 1966 – 1967. Kết quả giải đoán ảnh Google Earth cho thấy đoạn 2 cũng bao gồm các đoạn kênh thẳng nối với các dòng chảy tự nhiên (Hình 13).
Đoạn 3 (Từ Rừng tràm Trà Sư đến Óc Eo) dài 41 km, đoạn này chưa phát hiện được dấu hiệu Kênh 4 trên những ảnh viễn thám hiện có, nhưng giải đoán đoạn 4 cho phép giả thiết điểm nối kết là giao điểm giữa kênh Núi Chóc – Năng Gù với kênh Ba Thê Mới?.

Đoạn 4 (Từ Óc Eo đến Đá Nổi): Dài 26 km, phần đầu đoạn 4 (giao điểm giữa kênh Núi Chóc – Năng Gù với kênh Ba Thê Mới) đến sông Thoại Sơn – Giồng Riềng dài khoảng 10 km là kênh đào? với vết mờ trên ảnh (Hình 14); phần tiếp theo K4 nối vào sông Thoại Sơn – Giồng Riềng đến Đá Nổi.


VI. Kết luận
Bề mặt đồng bằng tây Sông Hậu đã tồn tại một hệ thống lòng sông cổ, trong đó lòng lớn nhất hướng bắc nam, phân bố ở phía tây sông Châu Đốc, đông Bảy Núi có các khúc uốn rộng nối kết với sông Tây Óc Eo ở phía đông Cô Tô rồi đổ ra vịnh Rạch Giá.
Uốn khúc và phân lưu tạo cù lao là hai hoạt động chính của sông, rạch vùng đồng bằng ngập lụt sông Cửu Long. Trong tiến trình phát triển, các hoạt động này luôn tạo nên các dòng chảy mới, các đoạn sông mới; để lại các dòng chảy cũ, đoạn sông cũ – các lòng sông cổ.
Hoạt động đào, đắp kênh cũng làm chệch hướng dòng hoặc mất nguồn cấp nước để trở thành sông cổ. Kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc đến sông Giang Thành là ví dụ điển hình trong việc các dòng chảy bắc – nam bị cắt đứt. Như vậy, trước kênh Vĩnh Tế đã từng có một hệ thống dòng chảy mang nước ngọt và phù sa đổ vào vùng Tứ giác Long Xuyên.
Kênh 4 Paris trong thời kỳ vương quốc Phù Nam thịnh vượng không hoàn toàn là kênh đào mà là những đoạn kênh đào kết nối các dòng chảy tự nhiên.
Tham khảo
[1] Nguyễn Huy Dũng và nnk, 1994. Bản đồ địa mạo Nhóm tờ Đồng bằng Nam Bộ tỷ lệ 1:200.000. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Hà Nội.
[2] Võ Quang Yến. Theo dõi cuộc khảo cứu văn hóa Óc Eo. https://nghiencuulichsu.com/2013/08/29/theo-doi-cuoc-khao-cuu-van-hoa-oc-eo/
[3] D.C.W. Sanderson, P. Bishop, M.T. Stark, J.Q. Spencer. Luminescence dating of anthropogenically sediments from Angkor Borei, Mekong Delta, Cambodia. Quaternary Science Reviews 22 (2003) 1111-1121.
[4] K. Kris Hirst. Oc Eo, 2,000-Year-Old Port City in Vietnam . https://www.thoughtco.com/oc-eo-funan-culture-site-vietnam-172001.
[5] P. Bishop, D. C.W. Sanderson, M.T. Stark MT. (2004), OSL and radiocarbon dating of a pre-Angkorian canal in the Mekong delta, southern Cambodia. Journal of Archaeological Science 31 (2004) 319-336.