Hà Quang Hải, Lê Thị Bạch Linh, Dương Thị Bích Huệ
1. Giới thiệu
Đồng Tháp Mười là vùng địa hình trũng lầy của đồng bằng sông Cửu Long, trải dài trên ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An theo hướng tây – đông. Phía bắc giáp với Cambodia, phía nam giới hạn bởi dải đất cao ven sông Tiền nối với giồng cát Cai Lậy (Tiền Giang), phía đông giáp với sông Vàm Cỏ Đông. Diện tích Đồng Tháp Mười có sự khác biệt giữa các tài liệu đã công bố: 8000 km2 [7], 950.000 hecta, 700.000 hecta hoặc 544.000 hecta [3], 13000 km2 [9], tài liệu “Viet Nam – Netherlands Cooperation” thể hiện Đồng Tháp Mười hầu hết diện tích bắc sông Tiền, sông Mỹ Tho đến ranh giới với Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh [11].
Tên gọi Đồng Tháp Mười có những tư liệu và giả thiết khác nhau: 1) ngôi tháp của ông vua thứ mười, 2) ngôi tháp thứ mười tính từ Lục Chân Lạp xuống, 3) tháp 10 tầng của Chân Lạp, 4) tháp canh thứ 10 (tính từ Ba Sao vào Gò Tháp), hoặc 10 tầng (còn gọi là thang trong) của nghĩa quân Thiên Hộ Dương để canh chừng giặc Pháp [3]. Khai quật khảo cổ học mới đây cho rằng Đồng Tháp Mười có thể có 10 tháp như truyền thuyết [5].
Trong cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, Đồng Tháp Mười là một trong những chiến khu quan trọng của quân giải phóng. Sau năm 1975, Đồng Tháp Mười đã được cải tạo thành vùng trồng lúa. Hiện nay, Đồng Tháp Mười có Vườn Quốc gia Tràm Chim và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, nơi hệ sinh thái đất ngập nước được bảo tồn.
Đồng Tháp Mười cũng như các cảnh quan khác của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long có lịch sử phát sinh và phát triển trong Đại Kainozoi, trong đó giai đoạn Holocen có vai trò quyết định diện mạo cảnh quan hiện nay.
2. Đặc điểm các hợp phần cảnh quan
2.1 Địa mạo
Nghiên cứu này khoanh định Đồng Tháp Mười theo đường ranh giới trong hình 1 với diện tích là 7,195 km2. Đồng Tháp Mười là cảnh quan đầm lầy sau đê thiên nhiên (backswamp). Một số tài liệu gọi Đồng Tháp Mười là Đồng lụt kín (closed flood plain) do sự bao bọc bởi các dải địa hình cao nên thoát lũ diễn ra chậm. Cảnh quan Đồng Tháp Mười được phân thành hai cảnh (cấp nhỏ hơn) là Cảnh quan gò, trũng (tài liệu [7] gọi là Cảnh quan vùng rìa) và Cảnh quan bồn trũng.

Cảnh quan gò, trũng: có diện tích 2370 km2, phân bố ở phía bắc gồm những gò đất cao nằm rải rác giữa những bãi lầy thấp. Các gò đất cao cấu tạo bằng cát, bột sét. Cát thường phủ trên, sét phân bố từ 0,3 – 0,4 trở xuống [7]. Các gò là địa hình cao nhất của thềm phù sa cổ (2-3 m) có tuổi Pleistocen muộn [7]. Địa hình dạng gò cho thấy sự chia cắt của thềm phù sa cổ [7]. Một khảo sát gần đây [1], tại ấp Roọc Đô (xã Thái Bình Trung, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa), đã xác nhận sự hiện diện lớp cát màu xám sáng, độ chọn lọc khá tốt (So: 2,7), phân bố trên gò cao 3,0 m. Địa hình gò này kéo dài 170 – 350 (gần bắc – nam). Khi phân tích bản đồ địa hình 1:250.000 chúng tôi cũng ghi nhận một loạt 8 gò kéo dài 12 km theo phương 325o từ Gò Goòng đến gò Út Tấu ở khu vự đông nam Sa Rài. Như vậy có thể xem các gò này là di tích đường bờ biển (giồng cát) có tuổi sớm hơn giồng Cai Lậy, hình thành trong giai đoạn biển lùi sau Flandrian ?.
Cảnh quan bồn trũng [7]: phân bố ở phía nam có diện tích 3,825 km2, độ cao mặt địa hình thay đổi từ 0,5 đến 2,0 m. Ở đây trầm tích hiện đại (Holocen muộn) phủ kín trên các trầm tích Pleistocen và Holocen giữa. Các trầm tích Holocen chủ yếu là hạt mịn (sét, bột) từ sông Tiền mang tới sau khi vượt qua dải đê thiên nhiên. Ở một số vị trí, dưới sét là lớp than bùn, đất đai bị phèn với độ pH rất thấp [11].
Dải địa hình kéo dài từ Hồng Ngự đến Cái Bè (Tiền Giang) nối với giồng cát Cai Lậy tạo thành “con đê” chắn, làm cho khả năng thoát lũ của Đồng Tháp Mười chậm lại.
2.2 Địa chất
Mặt cắt địa chất (hình 2) [1] cho thấy chưa có lỗ khoan nào tới móng đá cứng (đá trước Kainozoi) trong vùng Đồng Tháp Mười. Lỗ LK21TT sâu 400 m chưa xuyên qua các trầm tích Neogen. Theo mặt cắt này, có thể nhận thấy Cảnh quan bồn trũng gần như sụt liên tục trong Neogen-Đệ tứ, trong khi đó Cảnh quan gò, trũng sụt trong Neogen-Pleistocen, nâng phân cắt trong Holocen.

Địa tầng từ dưới lên có thể khái quát như sau:
Trầm tích Pliocen (N2). Phân bố từ độ sâu khoảng 160 trở xuống, chủ yếu là cát, cát bột mà xám, phần trên sét bột chiếu ưu thế có màu nâu vàng.
Trầm tích Pleistocen (Q1). Phân bố từ độ sâu 20 – 30 m đến 150-170 m trong Cảnh quan bồn trũng và lộ ra dưới dạng gò, đồi thềm xâm thực trên Cảnh quan gò, trũng. Trầm tích gồm cát, sét bột màu xám trắng, loang lổ.
Trầm tích Holocen giữa (mQ22). Phân bố trong Cảnh quan bồn trũng từ độ sâu 5 – 10 m đến 30 m. Trầm tích có nguồn gốc biển, chủ yếu là sét, sét bột màu xám xanh. Trầm tích này có tuổi tương đương với giồng cát Cai Lậy, hình thành cách ngày nay 5,6 đến 4,6 ngàn năm [11].
Trầm tích Holocen muộn (abQ23). Các trầm tích có nguồn gốc sông, đầm lầy phân bố bề mặt Cảnh quan bồn trũng đến độ sâu 5 – 10 m. Thành phần trầm tích gồm bột sét, sét; than bùn, di tích thực vật. Các trầm tích này vẫn tiếp tục hình thành do dòng lũ vượt đê thiên nhiên vào bồi đắp.
2.3 Thủy văn
Đồng Tháp Mười được gọi là đồng lụt kín là do khả năng nhận lũ cao nhưng khả năng thoát lũ kém [2]. Có người còn gọi vùng này là “rốn lũ” [6]. Đồng Tháp Mười có diện tích ngập lụt hàng năm rất lớn. Nguyên nhân chính gây ngập vùng Đồng Tháp Mười là do nước lũ chảy tràn qua biên giới Việt Nam-Cambodia.Vào mùa lũ chỉ thấy một biển nước mênh mông, mức ngập sâu tới 2-4 m (Hình 3).

Dải biên giới ngập lũ dài khoảng 100 km, Đồng Tháp Mười cũng là nơi chuyển lũ từ vùng ngập Campuchia sang, với lưu lượng 8.000-10.000 m3/s trong những năm lũ lớn, những năm lũ nhỏ cũng không dưới 3.000 m3/s. Nước lũ trong vùng chủ yếu được thoát ra sông Vàm Cỏ và sông Mỹ Tho, nhưng rất chậm [2].
Trong Đồng Tháp Mười, chỉ còn rạch Long Khọt, phân bố ở phía bắc Vĩnh Hưng còn có dáng vẻ của dòng chảy tự nhiên. Rạch Long Khọt chảy từ tây bắc xuống đông nam, đổ ra sông Vàm Cỏ Tây gần ấp Bến Tràn. Các sông, rạch tự nhiên khác phần lớn bị chia cắt và nối kết với mạng kênh dầy đặc.
Trong quá khứ, hệ thống dòng chảy tự nhiên theo hướng bắc nam đã hiện diện trong Đồng Tháp Mười. Đó là các lòng sông cổ mà nay vẫn còn thấy rõ trên các ảnh vệ tinh và ảnh hàng không. Sự phân bố các lòng sông cổ trên diện rộng cho thấy chúng đã đổi dòng nhiều lần.
2.4 Thổ nhưỡng
Đồng Tháp Mười không chỉ là “rốn lũ” mà còn là “túi phèn” [6]. Tóm tắt công trình nghiên cứu [8] dưới đây cho thấy mối tương quan rõ ràng giữa đặc tính vật lý, hóa học của đất, thảm thực vật tự nhiên, gương nước ngầm với sự chênh lệnh rất nhỏ về độ cao địa hình.
Loại đất phèn hoạt động điển hình (Typic Sulfaquepts) hình thành trên địa hình cao (cao hơn 85 cm so với mực nước biển), được bao phủ bằng đồng cỏ mồm mốc (Ischaemum spp). Loại đất phèn hoạt động có tầng sét khử nước (Hydraquentic Sulfaquepts) giầu hữu cơ và gley hóa với sự thống trị của cỏ năng (Eleocharis spp) hình thành trên địa hình thấp (thấp hơn 75 cm so với mực biển). Ở giữa hai loại này là loại hình đất và thảm thực vật có tính trung gian.
Các mối tương quan, sự biến đổi không gian cao và các kiểu hình đất được giải thích bởi quá trình hình thành đất. Do sự bốc hơi mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn trên địa hình cao so với các địa hình thấp, sự khác biệt nhỏ về độ cao có thể dẫn đến sự khác biệt quan trọng về mực nước ngầm và điều kiện oxi hóa khử. Do đó, trong thời gian dài, những khác biệt này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển các kiểu đất. Hydraquentic Sulfaquepts có thể được coi là giai đoạn trung gian của sự phát triển Typic Sulfaquepts khi thoát nước nhiều hơn.
Sinh trưởng của cây lúa bị ảnh hưởng mạnh bởi tính chất đất và điều kiện oxi hóa khử. Hệ quả là năng suất lúa có tương quan với khác biệt nhỏ về độ cao. Mối tương quan giữa độ cao, đặc tính đất và thảm thực vật tự nhiên có thể giúp ích cho việc lập bản đồ đất. Tích hợp biến đổi đất và nước trong các chương trình nghiên cứu và sử dụng các phương pháp thích hợp không chỉ nâng cao hiệu quả nghiên cứu mà còn giúp hiểu rõ hơn về phát sinh đất và các quá trình ảnh hưởng tới nông nghiệp
2.5 Sinh thái
Đồng Tháp Mười nguyên thủy chỉ có một số ít các lạch nước nhỏ tự nhiên. Cả một vùng mênh mông bao phủ bởi bởi năn, bàng, đưng, lác được người Pháp đặt tên là La plaine des joncs, dịch sang tiếng Anh là Plain of Reeds. Hàng năm vào mùa nước nổi, cỏ mọc cao theo mức dâng của nước. Vào mùa khô, nước hạ dần, chảy len lỏi chảy ra qua lớp thực vật dày, cá dồn vào những nơi còn ít nước và chim cò tụ hội để ăn tiệc [4].
Sau năm 1975, Đồng Tháp Mười được cải tạo để trồng lúa. Một mạng lưới kênh mương dày đặc đã được đào để xổ phèn. Ngày nay, Đồng Tháp Mười đã trở thành một biển lúa mênh mông. Chính hệ thống kênh mương dày đặc này đã làm thay đổi nhịp nước lên nước xuống hàng năm. Nước vào và ra khỏi đồng nhanh hơn so với chu trình tự nhiên, nay người địa phương gọi là “mùa lũ” thay cho “mùa nước nổi” trước đây [4].
Để giữ lại lại một phần hình ảnh cánh đồng hoang dã đặc trưng của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, Vườn Quốc gia Tràm Chim và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đã được thiết lập. Mới đây, tổ chức Công ước Ramsar đã ra quyết định công nhận Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An) là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn) thứ 7 của Việt Nam.


Những kết quả trình bày trên cho thấy các hợp phần phi sinh (địa mạo, địa chất, thủy văn) có ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát sinh và phát triển của hợp phần hữu sinh (đất, hệ sinh thái), những biến đổi về thủy văn hoặc biến đổi rất nhỏ của địa hình cũng dẫn đến sự biến đổi của hệ sinh thái. Đó chính là cơ sở khoa học cho việc phân loại cảnh quan.
Ngày nay, Đồng Tháp Mười đã được cải tạo rất nhiều, một hệ sinh thái tự nhiên gần như đã chuyển thành hệ sinh thái nhân tạo, con người thu được rất nhiều từ sự chuyển đổi này. Tuy nhiên, cũng cần có những công trình đánh giá, so sánh dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo, từ đó điều chỉnh qui hoạch để có được những lợi ích lớn hơn cả về kinh tế và môi trường.
Để hoàn thành bài viết này, các tác giả chân thành cảm ơn thạc sỹ Nguyễn Huy Dũng, kỹ sư Đinh văn Tùng về sự hỗ trợ tài liệu bản đồ, hình ảnh, các kết quả lỗ khoan và khảo sát.
Tham khảo
[1]. Nguyễn Huy Dũng, 2015. Phần địa chất (bản thảo) trong Điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thành kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở đồng bằng Sông Cửu Long. Lưu trữ Liên đoàn bản đồ Địa chất miền Nam.
[2]. Nguyễn Tất Đạt. Cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hình thành phương án kiểm soát lũ tràn biên giới Việt Nam-Campuchia vào Đồng Tháp Mười. http://www.siwrp.org.vn/?id_pnewsv=474&lg=vn&start=0.
[3]. Nguyễn Hữu Hiếu. Vùng Đồng Tháp Mười. http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam
[4].Nguyễn Hữu Thiện, Hệ sinh thái Đồng Tháp Mười “Ráng mà giữ lấy nhé!”. http://www.thesaigontimes.vn/50431/
[5]. Đồng Tháp Mười có thể có 10 tháp như truyền thuyết. SGGP 21/04/2014 01:20
[6]. Đồng Tháp Mười hôm nay. http://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/dong-thap-muoi-hom-nay/199469.html
[7]. Lê Bá Thảo, 2006. Thiên nhiên Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục.
[8]. O. Husson, P.H. Verburg, Mai Thanh Phung, M.e.F. Van Menswoort. Spatial variability of acid sulphate soils in the Plain of Reeds, Mekong delta, Vietnam. Geoderma. Volume 97, Issues 1–2, August 2000, Pages 1–19
[9]. Plain of Reeds, Viet Nam. http://www.mekongwetlands.org/Demonstration/Vietnam/description.htm
[10]. Toru Tamura at al. Origin and evolution of interdistributary delta plains; insights from Mekong River delta. GEOLOGY, April 20, v. 40; no. 4; p. 303–306.
[11]. Viet Nam – Netherlands Cooperation. Towards a Mekong Delta Plan. Synthesis of Water Sector Assessment. Kingdom of the Netherlands.
Viết thêm (liên quan chút ít với bài trên)
Đầu năm nay xin mãi thày Cảnh mới cho đi theo đoàn thực tập môi trường (lớp 12KMT), mục đích chính chuyến đi này là đến thăm quan vườn Quốc gia Tràm chim (những nơi khác đã đến rồi). Từ Đức Hòa, theo tuyến đường N2, 837 đoàn xe thẳng tiến về phía tây. 8:30 đoàn đã đến Tràm Chim, sinh viên được hướng dẫn vào hội trường nghe giảng trước khi đi thăm quan. Thày, cô từng nhóm 3 đến 4 người tìm chỗ ngồi uống nước.
Khoảng 10:00 kết thúc học trong phòng, cả đoàn tiến về bến tác ráng để thăm quan. Theo sự hướng dẫn của cán bộ Vườn Quốc Gia, mỗi nhóm lên một tác ráng, mình may mắn được đi tác ráng do cô Diễm Thúy chỉ huy. Tác ráng xuyên qua đồng cỏ mênh mông, theo lộ trình cô Diễm Thúy giới thiệu: đây là loài cỏ năng, đây là cỏ mồm, đây là…rất thú vị vì tính đa dạng của thực vật nơi đây, nhưng tác ráng chay quá nhanh, cô nói cũng nhanh, không kịp chụp ảnh chứ đừng nói chuyện ghi chép, mô tả.
Hai bên bờ kênh lộ tầng đất phèn khoảng 0,5 m, một dải màu vàng nằm dưới dải màu xám đen, không kịp chụp ảnh, cũng không dừng lại để xem phẫu diện đất. Xa xa trong các khu rừng tràm, vài người dân đang mở nắp tổ ong, một vài nơi người ta thả vó bắt cá…, thú thật mình rất thích đến xem và nói chuyện với họ, nhưng rất ngại đề xuất với chỉ huy.
Nhưng rồi đoàn tác ráng cũng dừng lại ở một vị trí (lên bờ). Không thấy sếu thì lên thăm quan cánh đồng năng kim, một số sinh viên nhổ để xem củ (thức ăn của sếu). Ở đây mình chụp ảnh thoải mái, hỏi sinh viên mình đang đứng ở đâu vậy?, chẳng ai có bản đồ (buồn). Đây cũng là điểm kết thúc lộ trình, đoàn trở về bến để đi Cần Thơ.
Mình rất muốn thêm thời gian để khảo sát ngoài trời, ít nhất 2 ngày, với sự hướng dẫn của cán bộ Vườn Quốc gia và thày, cô am hiểu về hệ sinh thái nơi đây.
Chắc chắn mình sẽ trở lại Tràm Chim, đến láng Sen và nhiều điểm khác để tìm hiểm thêm về cảnh quan Đồng Tháp Mười. Có ai đi cùng thi lập nhóm cùng đi?.
Các bạn xem một số hình chuyến thực tập 2015 nhé.
H & H





