CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ TÁC NHÂN ẢNH HƯỞNG ĐẾN RÙA XANH TẠI HÒN BẢY CẠNH – VQG CÔN ĐẢO

Nguyễn Ngọc Linh

Giải nhì SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – EUREKA lần XVII năm 2015, lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

Linh Ngoc

Tóm tắt:

Rùa Xanh, tên thường gọi là Vích (Chelonia mydas), là một trong 7 loài rùa biển, hiện còn xuất hiện và sinh sản tại Côn Đảo. Qua nghiên cứu, tác giả ghi nhận số lượng Vích mẹ về đẻ trứng tăng ổn định theo thời gian (>300 cá thể/mỗi năm), cũng như tỉ lệ trứng nở thành công (80 %), và số cá thể Vích con được thả về tự nhiên tăng lên đáng kể trong thời gian 10 năm (1994 -2014), từ 6442 cá thể lên đến 118423 cá thể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế trong công tác bảo tồn, đó là: 1) Chưa tìm được mối liên hệ giữa yếu tố môi trường trong trạm ấp so với bãi tự nhiên (thời gian ấp trứng, vận tốc bò trên bãi cát, vận tốc bơi của rùa con và so sánh các thông số trên giữa các rùa con nở từ trạm ấp và từ tổ tự nhiên trên bãi cát), 2) Các nội quy về du lịch còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, những tác động từ thiên nhiên và ảnh hưởng tiêu cực từ các hoạt động của con người cũng chi phối đến sự tồn tại của quần thể loài Rùa biển này. Do vậy, cần phải có những nghiên cứu sâu hơn và các hành động ưu tiên trong việc bảo vệ sinh vật biển quý hiếm này trong tương lai.

Từ khóa: Vích, bảo tồn Vích, Côn Đảo, Du lịch sinh thái.

1. Đặt vấn đề

Rùa biển được xem là số ít sinh vật biển chỉ thị cho chất lượng môi trường biển, do chúng có đời sống trải qua nhiều sinh cảnh khác nhau, có sinh cảnh sống trải rộng trên nhiều quốc gia, được thế giới đặc biệt quan tâm bảo tồn, là loài trong sách đỏ thế giới và Việt Nam. Tất cả các loài rùa biển đều có nguy cơ bị tuyệt chủng do khai thác và sử dụng (làm thực phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, thuốc chữa bệnh…) không hợp lý trong một thời gian dài. Hầu hết các quần thể loài Vích đều suy thoái nghiêm trọng trong các vùng có dân cư sinh sống. Để tạo điều kiện cho các loài rùa biển nói chung và Vích nói riêng phục hồi và phát triển, cần phải bảo tồn các loài rùa biển, bảo vệ các sinh cảnh sinh sản và tìm thức ăn, bảo vệ chúng trong các vùng di cư và có chương trình phục hồi hiệu quả. Hơn nữa bảo tồn chúng không những là lợi ích trong việc khai thác tài nguyên, mà còn là nghĩa vụ quốc gia của các nước tham gia trong các công ước, hiệp hội quốc tế và trong khu vực. Côn Đảo là địa điểm đầu tiên của Việt Nam thực hiện công tác bảo tồn loài Vích (1994), số lượng Vích mẹ làm tổ tại vùng biển Côn Đảo hàng năm chiếm 80% số lượng Vích đẻ trứng ở Việt Nam. Côn Đảo cũng là nơi nghiên cứu các mô hình bảo tồn Rùa biển hiệu quả, phù hợp với điều kiện nước ta và chia sẻ cho các vùng khác của Việt Nam.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1 Nghiên cứu tài liệu: 1) môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội VQG Côn Đảo, 2) đời sống sinh học Rùa biển và các nguyên nhân ảnh hưởng đến quần thể Rùa Xanh, 3) số liệu thống kê từ các báo cáo về hoạt động công tác bảo tồn của Vườn Quốc Gia Côn Đảo.

2.2 Khảo sát thực địa: tại bãi Cát Lớn, Hòn Bảy Cạnh vào thời kỳ Vích lên làm tổ và hoạt động bảo tồn trong giai đoạn Vích mẹ lên bãi đẻ, công tác ấp trứng và thả Vích con về biển.

2.3 Đánh giá tác động của du lịch sinh thái đến Vích: (trong thời gian Vích mẹ lên đẻ và Vích con trở về biển) và hướng khắc phục.

2.4 Điều tra theo bảng câu hỏi: các câu hỏi liên quan đến các hoạt động mua bán quà lưu niệm, mua bán trứng cũng như thịt làm thực phẩm.

2.5 Tham khảo ý kiến chuyên gia: Trong quá trình làm bài báo cáo, tác giả đã nhận được ý kiến quý báu từ các chuyên gia trong ngành (Ths. Nguyễn Trường Giang và Ths. Ngô Thị Trâm Anh).

2.6 Xử lý số liệu: sử dung phần mềm Excel để sử lý số liệu thu thập từ Ban quản lý VQG, khảo sát thực địa và những số liệu trong bảng câu hỏi điều tra phỏng vấn.

3. Kết quả và thảo luận

3.1 Đánh giá công tác bảo tồn

Số liệu thống kê từ các báo cáo về hoạt động công tác bảo tồn của Vườn Quốc Gia Côn Đảo phản ánh một số kết quả sau:

– Số lượng Vích mẹ lên sinh sản

Hình 1: Số lượng Vích mẹ lên sinh sản giai đoạn 1994-2014
Hình 1: Số lượng Vích mẹ lên sinh sản giai đoạn 1994-2014

Hình 1 cho thấy số lượng cá thể Vích lên bờ sinh sản biến động không theo quy luật; tuy nhiên, từ năm 2009, có chiều hướng tăng ổn định > 300 cá thể mỗi năm. So với các vùng biển khác, ở đây rùa biển vẫn lên sinh đẻ nhiều. Ví dụ: ở Florida rùa biển đã giảm sút, giai đoạn 1981-1990 có 80-125, năm 1991 đến 1997 thì chỉ còn 4 cá thể lên bãi đẻ (Van Meter, 2010). Như vậy, sinh cảnh tại Vườn quốc gia Côn Đảo vẫn đảm bảo tốt cho việc đẻ và ấp trứng của Vích.

Tỉ lệ trứng nở

Hình 2: Tỉ lệ trứng nở giai đoạn 1994 - 2014

Hình 2: Tỉ lệ trứng nở giai đoạn 1994 – 2014

Tỉ lệ trứng nở thành công trên 60%, ngoại trừ năm 1995 (lúc này công tác bảo tồn chưa phát triển, ghi nhận số liệu thực tế chưa đầy đủ). Các năm 1994-1998, có sự di dời những tổ Vích do ảnh hưởng bởi triều cường, tỉ lệ Vích nở thành công 51.5%. Từ năm 1999 đến 2014, đã di dời 100% số tổ Vích lên bãi ấp, tỉ lệ nở lên tới 79,6%. Điều này đã chứng minh việc cứu hộ Vích trong giai đoạn ấp là hiệu quả. Tuy vậy, điều này mới chỉ có ý nghĩa về mặt số lượng, chưa có nghiên cứu khẳng định chất lượng (tỉ lệ giới tính) có khả quan hay không. Vì thế cần phải có nhiều nghiên cứu về mối tương quan giới tính với điều kiện trong trạm ấp nhân tạo.

Hình 3: Biểu đồ tương quan giữa số lượng Vích mẹ, số tổ trứng, số tổ đẻ thành công và số rùa con nở xuống biển
Hình 3: Biểu đồ tương quan giữa số lượng Vích mẹ, số tổ trứng, số tổ đẻ thành công và số rùa con nở xuống biển

Nhìn chung, số lượng tổ đẻ thành công có mối quan hệ tỉ lệ thuận với số Vích mẹ lên bãi đẻ (khoảng 2.58 lần/trên 1 cá thể Vích mẹ). Điều này cho thấy hoạt động bảo tồn các bãi đẻ của Vích trong thời gian qua là rất hiệu quả.

Biểu đồ trên (Hình 3) cũng cho thấy mối tương quan thuận giữa số lượng trứng và số lượng Vích con nở, hay nói cách khác tỉ lệ trứng nở thành công khoảng 80%, riêng năm 2013 tỉ lệ trứng nở lên đến 98% phần trăm, đây cũng là năm công tác kiểm lâm hoạt động có hiệu quả nhất, vì số lượng Vích con được thả về biển tại hòn Bảy Cạnh chiếm hơn 90% tổng số Vích con được thả về biển.

Trong 22 năm qua, hoạt động bảo tồn các bãi đẻ và công tác di dời các tổ trứng có nhiều thành công, số lượng Vích con thả về đại dương ngày càng nhiều, đây cũng là dấu hiệu áng mừng từ hoạt động cứu hộ.

3.2 Các tác nhân ảnh hưởng đến Vích

Hoạt động du lịch:

Trước đây, để phục vụ cho hoạt động du lịch, Vích mẹ sẽ được lật ngửa trên bãi cát trong thời gian khá dài (thời gian có thể lên tới 12h); đặc biệt ở các vị trí không có bóng che có thể làm Vích mẹ bị stress rất cao (bao gồm cả stress nhiệt và mất nước nội sinh).

Hình 4: Vích được lật lại để cho khách tham quan
Hình 4: Vích được lật lại để cho khách tham quan

Hiện nay tình trạng này đã chấm dứt, thay vào đó là các nhóm du khách khoảng 5 người đợi xem khi Vích mẹ lên bờ sinh sản. Tuy vậy, việc này cũng gây ảnh hưởng đến Vích mẹ, vì trong lúc đẻ, Vích rất dễ bị tác động bởi tiếng ồn và ánh sáng, Vích mẹ có thể ngừng đẻ và bò nhanh xuống biển nếu bị tác động nhẹ vào thời điểm trước khi đẻ trứng.

Hiện nay, du khách được xem Vích đẻ bằng đèn pin có công suất thấp. Tuy vậy Vích là loại rùa có thị giác tốt nhất, nó khá nhạy cảm với ánh sáng mờ nên việc dùng đèn pin với công suất thấp cũng sẽ gây ảnh hưởng đến Vích mẹ.

Qui định hiện nay chỉ một nhóm khoảng 5 người xem vích đẻ để hạn chế tiếng ồn. Tuy vậy cũng rất khó kiểm soát, giọng nói của con người trong khoảng tần số 500-2000Hz cũng gây ảnh hưởng đến Vích mẹ vì chúng phản ứng với âm thanh có tần số 100-1000Hz, đặc biệt nhạy cảm với tần số 600-700Hz (Amanda Southwood, 2008; Eckert et al., 2006).

Tóm lại hoạt động cho du khách xem Vích mẹ sinh sản có ảnh hưởng đến Vích, tuy nhiên ảnh hưởng như thế nào thì chưa ghi nhận được chính xác.

Hình 5: Du khách xem rùa đẻ trứng
Hình 5: Du khách xem rùa đẻ trứng

Việc giữ Vích con để du khách phóng sinh cũng là nguyên nhân làm giảm tỉ lệ sống sót, vì vận tốc bơi và khoảng cách bơi của Vích con tỉ lệ nghịch với thời gian lưu giữ chúng sau khi nở, Vích con sẽ trở nên đờ đẫn nếu bị giữ lại trên bãi sau 6 giờ (Pilcher và Enderby, 2000).

Tỉ lệ Vích lên làm tổ không thành công cao khi có khách du lịch nghỉ lại qua đêm trên các bãi, nhất là các khu vực mà du khách dùng đèn pin và đi lại nhiều trên các bãi đẻ vào ban đêm. Việc du khách tắm biển vào buổi chiều trước đó, có nhiều tiếng ồn vào buổi tối cũng là nguyên nhân ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc làm tổ của Vích.

Cơ sở hạ tầng:

Du lịch phát triển kéo theo các công trình xây dựng mọc lên: nhà hàng, quán cà phê… cùng với các công trình chắn sóng, bờ kè đã làm giảm đi các bãi đẻ của Vích.

Ánh sáng phía sau bờ cát (sau bãi đẻ) sẽ làm mất khả năng định hướng của Vích mới nở, làm chúng bò ngược vào (thay gì bò ra biển) nơi có nguồn sáng. Chúng chắc chắn sẽ ở lại trên bãi thời gian lâu hơn, làm tăng nguy cơ địch hại và mất đi năng lượng cần thiết cho việc bơi ra khơi, chúng sẽ chết do nhiệt độ cao và mất nước nội sinh.

Đánh bắt hải sản:

Ánh sáng di động trên các bãi biển vào ban đêm sẽ gây ra sự sợ hãi cho Vích mẹ khi chúng lên bãi làm tổ. Điều này đã có ghi nhận ở Côn Đảo và có thể xảy ra nhiều hơn trong tương lai. Các chong đèn đánh bắt cá sẽ thu hút Vích con nên chúng rất dễ mắc vào lưới bắt cá.

Các lưới đánh bắt cá có tính hủy duyệt cũng đang đe dọa rất lớn đến loài Vích. Ngoài ra, ở Côn Đảo còn xuất hiện một hình thức đánh bắt Vích mẹ một cách tinh vi đó là các lưỡi câu kiều, các lưỡi câu này làm cho Vích không thể nào thoát khỏi.

Hình 6: Câu kiều
Hình 6: Câu kiều

Hoạt động tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm từ Vích:

Kết quả điều tra theo bảng câu hỏi cho thấy số người sử dụng sản phẩm từ Vích lên tới 50% (trong số những người được khảo sát) với mục đích như: đặc sản tại địa phương, thuốc, làm vật trang trí…

3.3 Các ảnh hưởng tự nhiên

Mất sinh cảnh làm tổ:

Xói lở bờ biển: Sự thay đổi tự nhiên của các bãi làm tổ và các vật bao quanh từ các công trình xây dựng trên các bãi biển và trên biển, chúng tác động trực tiếp hay gián tiếp lên các bãi làm tổ. Các công trình xây dựng trên các đụn cát hay lấn biển, các đê chắn sóng dẫn đến sự mất sự cân bằng trầm dọc theo bãi biển là nguyên nhân làm thay đổi bãi sinh đẻ của Vích.

Triều cường ngập bãi biển: Côn Đảo nằm trong vùng bán nhật triều không đều, độ lớn triều khoảng 3 – 4 m trong kỳ nước cường, thuộc loại lớn nhất Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến các bãi đẻ của Vích.

Sóng biển đưa san hô chết lên các bãi biển:

Côn Đảo có hệ sinh thái san hô cực kì phong phú; khi chết, vụn san hô được sóng đưa vào bờ làm cho quá trình đào hố của Vích trở nên khó khăn.

Địch hại:

Các loài bò sát, đặc biệt là Rắn rất thích trứng Vích nên hay đào bới trứng lên ăn. Khi Vích con di chuyển xuống biển lại bị Cua kẹp hay các loài cá lớn hơn ăn thịt. Như vậy, địch hại cũng góp phần làm giảm tỉ lệ sống sót của Vích.

Nhận xét chung và ý kiến đề xuất:

Việc cứu hộ và nghiên cứu các đặc tính sinh thái của Vích có ý nghĩa rất lớn, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học biển ở nước ta. Các hoạt động bảo tồn đã hạn chế các tác động tiêu cực của tự nhiên và con người đến Vích (do tiến hành di dời các tổ trứng).

Tập chung nghiên cứu mối liên hệ giữa sự biến đổi nhiệt độ không khí nói riêng và các yếu tố môi trường nói chung trong trạm ấp và trên bãi tự nhiên, cũng như thời gian ấp trứng, vận tốc bò trên bãi cát, vận tốc bơi của rùa con và so sánh các thông số trên giữa các rùa con nở từ trạm ấp và từ tổ tự nhiên trên bãi.

Xây dựng chiến lược bảo tồn lâu dài, tăng cường lực lượng kiểm lâm để đáp ứng một khối lượng công việc rất lớn tại khu bảo tồn.

Các nội quy xem Vích sinh sản cũng như phóng sinh Vích cần phải chặt chẽ hơn. Ví dụ:

– Nhóm người đi tham quan Vích mẹ sinh sản (từ 4-5 người) không được nói chuyện, không gây ồn .

– Đèn sử dụng khi xem Vích sinh sản cần có các nghiên cứu về cường độ ánh sáng, quy định các loại đèn được sử dụng khi xem Vích sinh sản như đèn led…không được sử dụng flash khi chụp hình mà phải sử dụng máy ảnh cảm ứng nhiệt….

– Không cung cấp dịch vụ phóng sinh Vích con về đại dương, hoặc hạn chế theo số lượng. Giảm thời gian giữ Vích con lại để cho du khách phóng sinh.

– Triển khai các hoạt động vệ sinh bãi ấp bằng nước biển để diệt nấm mốc, các thành phần từ trứng Vích thối khi bị vỡ ra.

– Nghiên cứu để có luật bảo vệ Vích nói riêng và Rùa biển nói chung chặt chẽ hơn. Có mức xử phạt cao để răn đe việc sử dụng Vích vào các mục đích kinh tế.

– Nâng cao ý thức của người dân thông qua công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng, cũng như lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa của học sinh, sinh viên để các em và phụ huynh hiểu hơn về Vích và bảo vệ chúng.

Kết luận

Hoạt động bảo tồn Vích tại Hòn Bảy Cạnh – VQG Côn Đảo trong thời gian 10 năm qua đã đạt được nhiều thành công, đó là sự gia tăng số lượng Vích mẹ về sinh sản hàng năm, tỉ lệ trứng nở thành công cũng như Vich con được thả về biển. Tuy nhiên, để có kết quả tốt hơn cần có những công trình nghiên cứu sâu về môi trường sinh sản của Vích. Có những qui định chặt chẽ giữa hoạt động du lịch và bảo tồn rùa biển cũng như tăng cường lực lượng kiểm lâm tại khu bảo tồn và nâng cao ý thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn rùa biển thông qua hoạt động giáo dục tuyên truyền.

Tài liệu tham khảo

1. Chương trình phối hợp thực hiện giữa tổ chức WWF – chương trình quốc gia Việt Nam, Vườn Quốc gia Côn Đảo, IUCN Việt Nam, Bộ Thủy sản và Quỹ Nghiên cứu biển Malaysia, 2014.

2.Nguyễn Trường Giang, 2003. Báo cáo kết quả bảo tồn rùa biển tại Vườn Quốc gia Côn Đảo năm 2003. Tài liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp nghiên cứu với Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).

3.Nguyễn Trường Giang, 2008. Báo cáo kết quả khảo sát vùng tìm thức ăn của quần thể rùa làm tổ và các tác động xấu đến chúng tại huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Tài liệu Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp nghiên cứu với Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).

4.Amanda Southwood, Kerstin Fritsches, Richard Brill, Yonat Swimmer, 2008. Sound, chemical, and light detection in sea turtles and pelagic fishes: sensory-based approaches to bycatch reduction in longline fisheries.

5.Eckert, K.L. & J. Beggs. 2006. Marine Turtle Tagging: A Manual of Recommended Practices, Revised Edition. Wider Caribbean Sea Turtle Conservation Network (WIDECAST) Technical Report No. 2. Beaufort, NC, pp. 40.

6.Pilcher N. J. and Enderby S., 2000. Green turtle hatchling Swimming performance and the effects of prolonged captivity. Proceedings of the 18 th international symposium on sea turtle biology and conservation, pp. 50-51.

Summary

Green turtle (Chelonia mydas) is one of seven sea turtle species, which also appears in Con Dao. Through research, the author noted the number of mother turtles lay eggs in Con Dao, which steadily increased from 1994 to 2014 (> 300 individuals / per year), as well as successful hatched rate (80%) and the number of baby green turtles were released into the wild increased significantly during 10 years ago, from 6442 up to 118 423 bodies. However, there are still limited in conservation activities that is: typical examples such as have not found a relation between the nature nests and artificial incubation about the air temperature change and environmental factors; after incubation time how the speed of baby turtles crawling on the sand is, the baby turtles swim velocity. It doesn’t have the comparation about parameters between the baby turtles born naturally and from its artificial incubation. The nature impacts and negative influences from human activities also dominant existence to sea turtle populations. Therefore, we should be further studies and carry out priority actions – the most important action – to protect rare sea organism group in the future.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s