Hà Quang Hải, Trần Tuấn Tú, Nguyễn Ngọc Tuyến, Lê Nguyên Cẩn, Nguyễn Thị Phương Thảo
1. Giới thiệu
Thạch Động thuộc xã Mỹ Đức, Thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang là khối núi đá vôi hình tháp cao 91 m so với mực nước biển, đường kính chân núi theo phương 40o là 41 m, chiếm diện tích gần 1.000 m2. Thạch Động nằm ven quốc lộ 80, cách cầu Tô Châu 4 km về phía bắc, cách cửa khẩu Xà Xía 3 km về phía đông nam (Hình 1). Thạch Động có tọa độ như sau:
Địa lý: Kinh độ Đông: 104o28’24” Vĩ độ Bắc: 10o24’48”
UTM: Zone: 48; X= 442365; Y= 1151158

Thạch Động, nơi có di tích đứt gẫy chờm nghịch đã được mô tả trong các công trình lập bản đồ địa chất [1, 2]. Năm 2009, Nguyễn Đình Hòe coi Thạch Động là “một Thể Địa di sản (Geomark) nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua” [4]. Bài này trình bày những giá trị khoa học và các giá trị bổ sung của Địa di sản Thạch Động.2. Giá trị khoa học
2.1 Di tích đứt gẫy chờm nghịch
Đứt gẫy chờm nghịch tại Thạch Động cắm về phía tây nam, góc dốc 20 – 30o. Tại đây đá vôi hệ tầng Hà Tiên (286-245 tr. năm) phủ chờm trên cát kết, sét kết, phiến sét hệ tầng Núi Cọp (245-208 tr.năm).
Hệ tầng Hà Tiên (P hh): Đá vôi ở núi Thạch Động có chứa san hô, Nguyễn Hữu Hùng định danh là Remingeria asiatica Mansuy, loài này thường đi cùng với Neoschwagerina, Lepidolina tuổi dầu Permi muộn [2].
Hệ tầng Núi Cọp (T2 anc): Trong các lớp cát bột kết, đá phiến nằm trên tuf ryolit tại vách núi Tà Pang (phía tây Thạch Động khoảng 5 km thuộc bờ biển Mũi Nai) đã tìm được hóa thạch Ammonit (Cúc đá) được Vũ Khúc xác định gồm:
– Paraceratites cf. elegans (Mojsisivics)
– Beyrichites sp; – Frechites sp.
Cùng với Cúc đá tuổi Anisi (T2a) còn nhiều hóa thạch Pelecypoda [2].
Tại chân vách phía đông, quan sát dọc theo đứt gẫy có đới vò nhàu rộng khoảng 30 – 50 cm và một hệ thống khe nứt ép thẳng đứng (Hình 2) [3].

Tại chân vách phía tây, mặt trượt lộ rõ trên đá cát kết thuộc hệ tầng Núi Cọp (Hình 3). Theo đặc điểm vết xước trên mặt trượt, nhận thấy đá vôi trượt về phía bắc.

Chân vách phía bắc lộ cát kết, sét kết, phiến sét với hệ khe nứt ép thẳng đứng. Chân vách phía nam lộ cát kết phân lớp cắm về đông nam (120o) với góc dốc 50o (Hình 4)

Đứt gẫy chờm nghịch này được Nguyễn Đình Hòe [4] mô tả như sau:
“Các nhà địa chất Viện Hàn Lâm Pháp cũng tính toán rằng trong lịch sử, phần tây nam đứt gãy Sông Hậu (miền Tây Nam Bộ và tây nam Campuchia) đã dịch trượt tương đối về phía đông nam chừng 300 km. Quá trình dịch trượt này được gây ra do sức ép của Tiểu lục địa Ấn Độ (cũng có nguồn gốc Châu Úc) khi“ trôi” về phía Bắc để hình thành Ấn Độ Dương. Điều đó có nghĩa là nếu ta dịch chuyển miền Tây Nam Bộ theo đứt gãy Sông Hậu ngược về phía tây bắc chừng 300 km thì có thể thấy các loại đá của miền Tây Nam Bộ ghép nối hoàn hảo với miền Xiêm Riệp của Campuchia và dãy Dangrek giáp cao nguyên Khorạt của Thai Lan nằm ở phần đông bắc đứt gãy này. Như vậy đá vôi Thạch động là chứng nhân lịch sử về cuộc thiên di vĩ đại của một vùng đất trôi dạt từ Châu Úc lên và sau đó dịch trượt một quãng đường dài về phía đông nam theo đứt gãy sông Hậu”.
2.2 Địa mạo karst và hang động
– Khối núi hình tháp
Nhìn từ phía đông nam, khối nuí nhô cao dạng hình tháp (Hình 5), có tài liệu ví hình dáng Thạch Động giống mũ lông kỵ binh Anh (người Pháp gọi là “Bonnet à poil”) [6]. Đứng trước ủy ban xã Mỹ Đức (phía tây Thạch Động) nhìn tháp đá này như tiếp tục “trườn” lên ngọn đồi cát kết phía bắc (Hình 6). Tại đây, còn quan sát hình mặt người ở cửa tây động [3].


-Thạch Động
Trước hết cần hiểu “Hang động” là hai thuật từ khác nhau. Hang = đoạn hang dạng đường hầm; động = hang dạng buồng, phòng (hang= tunnel or passage cave; dong= chamber cave) [7]. Như vậy Thạch Động là kiểu buồng hang. Thạch Động có đặc điểm sau đây (Hình 7):

Động có 4 cửa quay về các hướng tây, tây nam, đông bắc. Cửa hang hướng tây và tây nam hứng trực tiếp gió từ biển Mũi Nai rồi đi qua cửa đông bắc, làm cho động luôn thông thoáng, mát mẻ, nhiệt độ trong hang 23,5oC, độ ẩm 83% và tốc độ gió tới 3,2m/s [3].
Tại Thạch Động, quá trình tạo thạch nhũ đã dừng lại; những măng đá, cột đá hầu như không còn; những chuông đá chỉ là những dấu vết, di tích chuông đá lớn nhất gặp ở vách phía đông được ví như hình “đầu con đại bàng khổng lồ đang quặp công chúa”.
Kiểu hang động có đáy phân bố ở độ cao như Thạch Động còn gặp được ở núi Đá Dựng (Hà Tiên), Hòn Chông và đảo Hòn Nghệ (Kiên Lương). Hệ thống hang động này có thời gian thành tạo tương đương với bậc thềm ven biển cao 10 – 15 m, có tuổi pleistocen muộn (Q13) phân bố phổ biến ở Nam Bộ cũng như ở Việt Nam.
3. Giá trị bổ sung
3.1 Tâm linh
Thạch Động có chùa Tiên Sơn (trước có tên là Bạch Vân Am), lịch sử ngôi chùa này theo Võ văn Tường [5] như sau:
Vào thế kỷ XVIII, Hòa thượng Huỳnh Phong đã đến tu hành tại đây. Năm 1790 (khoảng thời gian Mạc Thiên Tích làm Tổng trấn xứ Hà Tiên), Hòa thượng Minh Đường đã tìm đến động này tu hành và đặt tên là Bạch Vân Am. Sau đó, ngài đã giao am lại cho Bạch Vân Cư sĩ và về tu ở chùa Địa Tạng, cách Bạch Vân Am 800 m về hướng Đông Nam.
Đến năm 1888, một nhóm người Minh Hương đã đến tổ chức trùng tu am xưa và cung thỉnh Hòa thượng Thích Chánh Quả, thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 39, về trụ trì. Hòa thượng đã cho đúc một số tượng Phật và Bồ tát, đổi tên Bạch Vân Am thành Linh Sơn Tự. Ngài viên tịch năm 1913. Kế thế trụ trì là Hòa thượng Thích Thiện Sĩ đã tổ chức trùng tu, mở rộng ngôi chùa, đặt tên chùa Tiên Sơn.
Đại đức Thích Minh Luận trụ trì chùa từ năm 1989 đến nay. Đại đức đã cho trùng tu, xây dựng nhiều công trình như: xây lan can và các bậc cấp lên xuống, an vị tượng đức Bổn sư trên gác điện; xây đài Quán Thế Âm năm 1991; trùng tu, lót gạch toàn bộ ngôi chánh điện năm 1995; xây Tăng xá năm 1997…
Chùa nằm trong khu danh thắng Thạch Động, gắn với truyền thuyết Thạch Sanh, là nơi đón tiếp hàng vạn du khách, Phật tử đến tham quan, lễ bái hàng năm.
3.2 Văn hóa
Thạch Động – Địa danh được ca ngợi trong Hà Tiên thập vịnh
Thạch động thôn vân có nghĩa động đá nuốt mây, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Cả hai bài đều mô tả cảnh đẹp của núi Thạch Động, một trong mười thắng cảnh của đất Hà Tiên (Việt Nam) xưa [8].
Thạch Động – nơi khởi nguồn truyền thuyết Thạch Sanh
Đến Thạch Đông thường được nghe kể về truyền thuyết Thạch Sanh. Trong truyền thuyết này, Thạch Động chính là nơi đại bàng giam giữ công chúa. Động có một nhánh ăn sâu xuống lòng đất và thông ra biển, nơi Thạch Sanh đi gặp vua Thủy Tề. Động cũng có đường thông thiên, đây là con đường mà ngày xưa Thạch Sanh xuống cứu công chúa. Men theo bậc thang nhỏ lên tầng trên nhìn ra bên ngoài hang, thấy khối thạch nhũ hình đầu con đại bàng khổng lồ đang quặp một cô gái, theo truyền thuyết cô gái ấy chính là công chúa Quỳnh Nga (Hình 8).

3.3 Cảm nhận vị trí và điểm nhìn
Thạch Động là địa hình karst có dạng hình tháp duy nhất ở khu vực Hà Tiên, vì vậy có thể nhận dạng Thạch Động từ các vị trí khác nhau. Ngay tại đỉnh Tà Pang cũng nhận ra Thạch Động qua dạng hình tháp của khối núi này.
Tại cửa tây và tây nam Thạch Động, hay chân sườn phía tây có thể chiêm ngưỡng cảnh quan bờ biển Mũi Nai (Hình 9), tại cửa đông bắc có thể quan sát cách đồng phía biên giới với Campuchia.

Lời kết: Thạch Động, một di sản địa chất, địa mạo có giá trị khoa học trong việc tìm hiểu lịch sử phát triển vỏ trái đất khu vực. Các giá trị tâm linh và văn hóa bổ sung cho Thạch Động đã làm cho di sản này càng trở nên nổi tiếng. Việc tiếp cận Thạch Động cho mục đích nghiên cứu khoa học, học tập, thăm quan giải trí sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn các di sản tự nhiên nói chung và các di sản địa chất, địa mạo nói riêng.
Tham khảo
[1]. Nguyễn Xuân Bao và nnk, 1996. Địa chất và khoáng sản tờ Phú Quốc-Hà Tiên (C-48-XIV & C-48-XV). Cục địa chất Việt Nam. Hà Nội
[2]. Trương Công Đượng và nnk, 1998.. Báo cáo đo vẽ địa chất và tìm kiếm khoáng sản nhóm tờ Hà Tiên-Phú Quốc tỷ lệ 1:50.000. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Hà Nội.
[3]. Hà Quang Hải và nnk, 2013. Nghiên cứu, đánh giá và phân loại các geosite phục vụ công tác bảo tồn các di sản thiên nhiên (ví dụ vùng Hà Tiên – Kiên Lương). Trường Đại học Khoa học tự nhiên. TP. Hồ Chí Minh.
[4]. Nguyễn Đình Hòe, 2009. Thạch Động Hà Tiên – một thể Địa di sản. http://vacne.org.vn/thach-dong-ha-tien-%E2%80%93-mot-the-dia-di-san/2421.html
[5]. Võ văn Tường. Chùa Việt Nam – Xưa và Nay. http://www.vncgarden.com/di-tich-danh-thang/chuavietnam-xuavanay/kien-giang/chua-tien-son
[6]. Thạch Động Hà Tiên. http://dulichhatien.vn/home/index.php/news/Diem-Den-Du-Lich/Thach-Dong-Ha-Tien-30/
[7]. Tony Waltham, 2005. Karst and Caves of Ha Long Bay. Speleogenesis and Evolution of Karst Aquifers.
[8]. Thạch Động thôn vân. https://vi.wikipedia.org/wiki/