XÓI LỞ BỜ TÂY CỬA LỘC AN VÀ CÔNG NGHỆ STABIPLAGE

Hà Quang Hải, Nguyễn Ngọc Tuyến, Lê Thị Thu Hiền, Hoàng Thị Phương Chi

I. Giới thiệu

Trong môn học “Quản lý tổng hợp đới bờ” ngoài phần lý thuyết có phần thực tập Môi trường và Tài nguyên đới bờ theo lộ trình Bà Rịa, Vũng Tàu – Bình Thuận. Cửa Lộc An là một trong những điểm để sinh viên quan sát kè mỏ hàn Stabiplage chống xói lở bờ biển. Đây là công nghệ mềm của Cộng hoà Pháp, lần đầu tiên được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu áp dụng ở Việt Nam. Qua bốn năm dẫn sinh viên (2012 – 2015), chúng tôi nhận thấy bờ tây cửa Lộc An (nơi đặt các mỏ hàn Stabiplage) biến đổi nhanh với xu thế xói lở gia tăng, các mỏ hàn mất dần tác dụng bảo vệ bờ. Tới tháng 12 năm 2015 nhiều mỏ hàn đã bị phá hủy toàn bộ.

Gần đây trên trang web site của Sở KHCN Bà Rịa – Vũng Tàu có bài “Hiện trạng xói, bồi bờ biển khu vực cửa Lộc An, huyện Đất Đỏ”. Bài báo diễn giải khá chi tiết về tiến trình xói lở và bồi tụ khu vực cửa Lộc An, đặc biệt có sự đánh giá sơ bộ về vai trò của Stabiplage trong việc chống xói lở trong giai đoạn đầu (2005 – 2011). Bài báo có đoạn “bờ phía Nam cửa sông thuộc phần nằm trong đất liền (Tính từ thượng nguồn xuống) đang bị xói lở rất mạnh, còn bờ phía bên trái (Phần nằm ngoài biển) lại đang bị bồi rất mạnh và hiện một doi cát dài hàng nghìn mét đang dần dần tiến xuống phía Nam. Hiện tượng vừa xói lở vừa bồi lấp đang gây mất ổn định cho cả khu vực” [1]. Nhận xét này cũng phù hợp với những quan sát của chúng tôi từ những đợt dẫn sinh viên thực tập tại cửa Lộc An.

Trong bài viết này, chúng tôi trình bày rõ hơn về sự biến đổi nhanh chóng bờ tây cửa Lộc An, hiệu quả mỏ hàn Stabiplage trong việc kiểm soát xói lở, nguyên nhân gây xói lở và đề xuất giải pháp kiểm soát xói lở đoạn bờ này.

II. Quan sát xói lở bờ tây cửa Lộc An tại thực địa

Từ năm 2012 đến năm 2015, chúng tôi có 4 đợt thực tập quan sát xói lở tại cửa Lộc An và vai trò của Stabiplage trong việc bảo vệ bờ biển. Dưới đây là những tài liệu ghi nhận tại thực địa.

1) Ngày 30 tháng 11 năm 2012

Stabiplage (viết tắt là S) đặt dọc theo cửa Lộc An – cửa sông Ray (Hình 1, trái) đã xuống cấp, đây có thể là mỏ hàn “tam giác để bảo vệ đoạn bờ sông – biển” được đặt năm 2011 [1].

S.1 đặt vuông góc với bờ tây (bờ biển phía tây) còn khá nguyên vẹn, nằm trên bãi biển cát (Hình 1, phải). Phía đầu S.1 là vách xói lở cao 1,8 m cắt vào cồn cát làm lộ trơ nhiều gốc cây phi lao.

Hình 1. S cửa Lộc An (trái) và S.1 (phải)
Hình 1. S cửa Lộc An (trái) và S.1 (phải)

Lúc này đã có sự xâm thực vào tầng bột, sét màu xám đen chứa nhiều thực vật phân hủy (nguồn gốc đầm lầy) ở khoảng giữa S.1 và S cửa sông (Hình 2, trái). S. 2 phần lớn nằm chìm dưới cát (Hình 2, phải).

Hình 2. Xâm thực vào tầng bột, sét (trái) và S.2 (phải)
Hình 2. Xâm thực vào tầng bột, sét (trái) và S.2 (phải)

2) Ngày 5 tháng 12 năm 2013

S đặt dọc bờ cửa sông đã xuống cấp đáng kể, những khối đá tảng đã được sử dụng để chống xói lở (Hình 3, trái). S.1 đã bị phá hủy. Cồn cát tiếp tục bị xói lở (Hình 3, phải).

Hình 3. S cửa Lộc An (trái) và cồn cát bị xói lở (phải)
Hình 3. S cửa Lộc An (trái) và cồn cát bị xói lở (phải)

3) Ngày 8 tháng 12 năm 2014

Xuất lộ một số S với lớp vỏ bong tróc, đầu S về phía biển thường bị lún xuống tầng bột, sét màu xám đen (Hình 4, trái). Cồn cát vẫn bị xói lở mạnh mẽ để lộ nhiều gốc cây lớn (Hình 4. phải).

Hình 4. Các S xuất lộ với lớp vỏ bong, tróc và lún (trái), xói lở mạnh (phải)
Hình 4. Các S xuất lộ với lớp vỏ bong, tróc và lún (trái), xói lở mạnh (phải)

4) Ngày 26 tháng 12 năm 2015

Xói lở khoét vào tầng bột sét màu xám đen và tiến sát vào vách cồn cát (Hình 5, trái), bờ kè đá tạm đã được bổ sung kéo dài theo vách cồn cát, các S lộ năm 2014 đã bị phá hủy, di tích để lại chỉ là các mũi nhô nhỏ ra biển (Hình 5, phải).

Hình 5. Xói vào tầng bột sét nằm dưới lớp cát (trái), kè bờ bằng đá và mũi nhô S (phải)
Hình 5. Xói vào tầng bột sét nằm dưới lớp cát (trái), kè bờ bằng đá và mũi nhô S (phải)

Hình 6 (trái) cho thấy một số S không còn tác dụng chống xói lở. Hình 6 (phải) là các S từ khu du lịch bắt đầu lộ trên mặt bãi cát.

Hình 6. Xói lở ngay đầu S (trái), S phía tây nam bắt đầu xuất lộ (phải)
Hình 6. Xói lở ngay đầu S (trái), S phía tây nam bắt đầu xuất lộ (phải)

III. Giải đoán biến động cửa Lộc An từ Google Earth

Loạt ảnh Google Earth theo thời gian tại khu vực cửa Lộc An được sử dụng để phân tích biến động cửa sông.

1) Ảnh 13 tháng 2 năm 2010

Ảnh 13 tháng 2 năm 2010 cho thấy bồi tụ ưu thế, bãi biển dọc theo cồn cát (có phi lao) trải rộng. Cửa Lộc An mở rộng với nhiều cồn cát cửa sông lấn về phía biển. Nước biển chỉ có thể qua cống thoát vào đầm nước mặn sau cồn cát. Trên hình 7 chỉ lộ S.1 (mũi tên đỏ), cát phủ phía đông kè. Hình 7 phù hợp với mô tả hoạt động bồi tụ mạnh trong 6 năm sau khi lắp đặt 8 S đầu tiên: “bãi biển không chỉ được bồi rộng ra xa mà còn được bồi cao lên 3 đến 4m có tác dụng bảo vệ tốt cho cơ sở hạ tầng phía bên trong” [1].

Hình 7. Bồi tụ ưu thế, bề rộng cồn cát (có phi lao) là 65 m, phần ngoài bị phủ cát là 20 m.
Hình 7. Bồi tụ ưu thế, bề rộng cồn cát (có phi lao) là 65 m, phần ngoài bị phủ cát là 20 m.

2) Ảnh 24 tháng 6 năm 2012

Trên hình 8, ba S được đặt theo hướng đông bắc (trong vòng tròn đỏ) dường như để chặn xói lở bờ sông đang phát triển về phía tây. S.1 và S.2 thấy khá rõ trên ảnh, phía đông hai S này không có cát phủ thể hiện cát bị mang đi. Cồn cát chỉ còn 36 m (ở đầu S. 2), so sánh với ảnh 13 tháng 2 năm 2010. Như vậy, sau 26 tháng cồn cát đã bị xói 29 m. Những cồn cát cửa sông không còn xuất hiện như trên hình 7.

Hình 8. Bờ tây cửa Lộc An biểu hiện xói lở
Hình 8. Bờ tây cửa Lộc An biểu hiện xói lở

3) Ảnh 15 tháng 2 năm 2014

Ba S dọc cửa sông và S.1 đã bị phá hủy, xuất lộ S.2 và S.3. Kè S.2 trơ trên bãi biển, kè S.3 chỉ có cát phủ phía tây. Như vậy xói lở đã tiến tới phía đông của S.3. Chân bãi cát xuất hiện các đường răng cưa thể hiện rõ quá trình sóng biển mang cát đi khỏi bãi. Cồn cát phía đầu kè S.1, S.2 và S.3 đã bị nước biển tràn qua. Xuất hiện các mũi cát ở phía đông cửa sông đẩy lạch sâu về phía bờ kè.

Hình 9. Lạch sâu tiến sát đầu kè S.2, xói lở gia tăng,
Hình 9. Lạch sâu tiến sát đầu kè S.2, xói lở gia tăng.

4) Ảnh ngày 8 tháng 2 năm 2015

S.2 đã bị phá hủy, xuất lộ S.3, S.4, S.5 và S.6. Bãi biển thu hẹp đáng kể. Các mũi cát liên kết đẩy dòng chảy cắt qua S.2, tiến sát vào đầu kè S.3. Nước biển tràn qua cồn cát vào đầm nước mặn, tiếp tục nhổ đi các cây phi lao trên cồn cát. Đến ngày 26 tháng 12 năm 2015 (quan sát từ đợt thực tập mới đây), các S trên ảnh này hầu như đã bị phá hủy (xem hình 5 và 6).

Hình 9. Lạch sâu cắt ngang kè S.2, tiến sát đầu kè S.3, xói lở gia tăngHình 9. Lạch sâu cắt ngang kè S.2, tiến sát đầu kè S.3, xói lở gia tăng.

IV. Nguyên nhân gây xói lở bờ tây

Nhìn rộng hơn khu vực cửa sông (Hình 10), dễ dàng nhận thấy sự phát triển doi cát phía đông là nguyên nhân trực tiếp gây xói lở bờ tây (nơi được lắp đặt S). Hiện tại doi cát này đã dịch chuyển về phía tây nam là 4,28 km tính từ cửa sông Ray. Ưu thế gió và sóng đông bắc làm cho dòng bồi tích ven bờ mang theo một khối lượng lớn cát di chuyển và đẩy dần cửa sông về tây nam dẫn đến xói lở bờ tây. Gió và sóng tây nam chỉ có thể tạo các doi cát nhỏ dạng móc câu (c, d, e) hoặc các doi cát chắn cửa sông. Khi lạch sâu cửa sông khoét vào tầng bột sét nằm dưới S, sẽ làm cho S bị phá hủy dần, hướng phá hủy theo chiều từ đông sang tây (theo hướng dịch chuyển cửa sông).

Các doi cát (spit) là dạng địa hình phổ biến ở các cửa sông có một hướng gió và sóng ưu thế [3].

Hình 10. Doi cát dịch chuyển lạch sâu dẫn đến xói lở bờ tây cửa Lộc AnHình 10. Doi cát dịch chuyển lạch sâu dẫn đến xói lở bờ tây cửa Lộc An

V. Hiệu quả của công nghệ Stabiplage

Trong 6 năm đầu (2005 – 2011), sau khi lắp đặt các S công trình đã phát huy tác dụng, bờ biển đã bồi tụ [1]. Nhưng từ năm 2011 đến nay, xói lở đã hoạt động trở lại với đoạn bờ biển này, các S đã và đang bị phá hủy. Như vậy, công nghệ S áp dụng cho cửa Lộc An là không hiệu quả. Ý kiến của chúng tôi về vấn đề này như sau:

– Các S đặt vuông góc với bờ biển chủ yếu làm giảm năng lượng sóng tác động vào bờ, tức là chống xói lở do sóng biển. Ở giai đoạn đầu, khi lạch sâu còn cách xa bờ tây, xói lở dải bờ này chủ yếu do sóng gây ra nên các S có tác dụng giảm năng lượng sóng, gây bồi tụ (kiểm soát được xói lở).

– Từ năm 2011 đến nay, khi lạch sâu dịch chuyển dần về phía bờ tây, lúc này xói lở lại do chính dòng chảy sông gây ra, sau đó mới là tác động của sóng (ảnh vệ tinh và khảo sát thực địa thấy rõ hiện tượng này). Các S đặt bổ sung (dọc bờ cửa sông) và các S trước đó không thể ngăn được lạch sâu dịch chuyển, chúng dễ dàng bị phá dần, không còn tác dụng gây bồi tụ.

Quan sát các S tại thực địa cũng nhận thấy độ bền của chúng không như tài liệu [2] đã công bố. Chúng bị phá hủy rất nhanh, có thể chỉ trong một năm. Sự phá hủy có thể do ăn mòn của các sinh vật biển và tác động va đập của sóng (Hình 11).Hình 11. Hà biển bám dầy đặc trên S (trái), sóng biển phá hủy S (phải)Hình 11. Hà biển bám dầy đặc trên S (trái), sóng biển phá hủy S (phải)

VI. Giải pháp kiểm soát xói lở

Doi cát phát triển, làm cửa sông dịch chuyển là nguyên nhân gây xói lở bờ biển tây cửa Lộc An. Như vậy kiểm soát xói lở, trước hết phải kiểm soát sự phát triển của doi cát. Theo chúng tôi nên mở cửa sông với kè luồng ở vị trí phía tây nam cửa Bà Đập (khoảng vị trí điểm a trên Hình 10) là nơi doi cát mới nối với phần doi cát đã cố định.

Thực ra, sự hình thành doi cát do dòng bồi tích ven bờ ở cửa sông Lộc An cũng tương tự như các cửa sông khác ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Tại các cửa sông này, giải pháp kè luồng cứng đã được chứng minh là hiệu quả (Hình 12). Cửa Lộc An cũng nên áp dụng giải pháp này.

Hình 12. Kè luồng La Gi (cửa sông Dinh)
Hình 12. Kè luồng La Gi (cửa sông Dinh)

VII. Kết luận

Xói lở bờ tây cửa Lộc An phản ánh quá trình địa mạo động lực thông thường ở các cửa sông, nơi doi cát (spit) phát triển do sóng ưu thế từ một phía. Giải pháp kiểm soát xói lở đoạn bờ biển này, trước hết phải là kiểm soát sự phát triển dòng bồi tích ven bờ bằng việc xây dựng công trình kè luồng.

Thực tế cho thấy công nghệ Stabiplage áp dụng cho cửa Lộc An là không hiệu quả. Các nhà chuyên môn về công trình bờ biển cần nghiên cứu điều kiện tự nhiên nào (địa chất, địa mạo, sóng, thủy triều, sinh thái…) có thể áp dụng công nghệ này. Nghiên cứu cấu trúc, vật liệu của Stabiplage có thích hợp cho điều kiện môi trường biển nhiệt đới như ở Việt Nam hay không cũng là công việc cần thiết, trước khi triển khai công nghệ này ở những vị trí khác.

Tài liệu tham khảo

[1]. Hiện trạng xói, bồi bờ biển khu vực cửa Lộc An, huyện Đất Đỏ. Tin hoạt động khoa học. http://sokhcn.baria-vungtau.gov.vn/locan/news.aspx?mnid=7&id=380.

[2]. Ứng dụng công nghệ mới để chống xói lở bờ biển. http://www.khoahocphothong.com.vn/newspaper/detail/14698/ung-dung-cong-nghe-moi-de-chong-xoi-lo-bo-bien.html

 [3]. Richard A. Davis Jr and Duncan M. Fitzgerald. 2004, Beaches and Coasts. Blackwell Publishing.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s