Chuyến khảo sát đảo Lý Sơn (cù lao Ré, cù lao Bờ Bãi) và dải ven biển Bình Châu cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước từ nhiều chuyên ngành khác nhau cho thấy các geosite (di sản địa chất, địa mạo) trong khu vực này có giá trị cao về khoa học Trái đất, đặc biệt về hoạt động núi lửa. Các tác động lâu dài của ngoại sinh, nhất là của biển cả đã tạo nên các geosite (địa mạo) đa dạng như: thềm biển, bãi biển, hang biển, cầu thiên nhiên, vách biển (cổ và trẻ), đê biển cổ, lòng sông cổ…của khu vực. Các geosite này có tiềm năng để phát triển thành Công viên Địa chất toàn cầu.
Ngoài các giá trị về khoa học địa chất, một số geosite còn có các giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh như các đê cát cổ, thềm biển liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh, cù lao cổ liên quan đến văn hóa Chăm và đặc biệt cù lao Ré, nơi lưu trữ những dấu ấn đậm nét một thời của ông, cha ta gìn giữ biển đảo của tổ quốc.
Là người đã hướng dẫn sinh viên quê ở Lý Sơn thực hiện khóa luận về du lịch địa chất và tham gia đợt khảo sát này, tôi đánh giá cao quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Bình Châu – Lý Sơn nhằm bảo vệ, bảo tồn các di sản tự nhiên quí giá này.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Công ty Đoàn Ánh Dương đã tạo cho tôi cơ hội tham gia đợt khảo sát đa ngành này; đặc biệt cảm ơn ông Đoàn Sung (Chủ tịch hội đồng quản trị) người có những ý tưởng hay về bảo tồn các di sản tự nhiên, di sản văn hóa gắn với sự phát triển kinh tế cộng đồng và là người đã tạo mọi điều kiện để đoàn công tác hoàn thành những nội dung của đợt khảo sát.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến TS. Nguyễn Ngọc Thu, đồng nghiệp rất gần gũi với tôi từ phương án đo vẽ Bản đồ địa chất và khoáng sản 1:50.000 thành phố Hồ Chí Minh (1981-1987) và các đề tài về Địa chất môi trường khi cùng công tác tại Liên đoàn Địa chất 6. TS. Nguyễn Ngọc Thu cũng là người giới thiệu tôi với Công ty Đòan Ánh Dương để tham gia đợt khảo sát này.
Dưới đây là một vài đoạn trích từ nhật ký chuyến công tác.
Ngày 30.03.2016
Công ty Đoàn Ánh Dương tổ chức đoàn khảo sát thực địa vùng Bình Châu, Lý Sơn để xây dựng Công viên Địa chất nhằm bảo tồn các di sản thiên nhiên và phát triển kinh tế địa phương. Đoàn khảo sát tổng hợp gồm các chuyên gia địa chất, kiến tạo, địa mạo, khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật và bảo tồn. Các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nhật Bản, Philipin, Malaysia. Các phóng viên VTV2, phóng viên tạp chí Cấm Thành đi thực hiện phóng sự và viết bài. Thời gian khảo sát và thảo luận trong phòng theo kế hoạch là 6 ngày (từ 30.03 đến 04.04.2016).
Đoàn thành phố Hồ Chí Minh có nhà địa chất, anh hùng lao động Nguyễn Xuân Bao, TS. Trịnh Long, TS. Nguyễn Ngọc Thu.
Máy bay cất cánh lúc 8:30, chậm hơn 1 giờ so với lịch trình (7:25). Máy bay hạ cánh xuống sân bay Chu Lai lúc 9:30, công ty cho xe đón về nghỉ ở khách sạn Đồng Khánh, Quảng Ngãi lúc 10:30. Đoàn Hà Nội đến khách sạn Đồng Khánh lúc 11.
Trong đoàn Hà Nội có TS. Ngô Quang Toàn (địa mạo học) là bậc đàn anh (khóa 1) của mình (khóa 7) tại trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Hai anh em trước cùng công tác tại Liên đoàn Bản đồ, có những chuyến khảo sát thực địa tại Điện Biên (lập bản đồ địa mạo 1:500.000) và Bắc Nghĩa Đàn (lập bản đồ địa mạo 1:50.000) cách nay đã gần 40 năm (1987, 1988).

Ngồi chờ mọi người đi ăn cơm trưa, quan sát các cột đá bazan trụ được khách sạn dựng rải rác dọc bức tường. Các cột bazan này chưa biết lấy từ đâu, có người nói từ Ba Làng An?

14:00 Công ty đưa đoàn đi thăm quan một số địa điểm tại Đức Phổ.
Điểm 1. Thăm quan chùa Thanh Sơn, xã Phổ Vinh. Ngôi chùa cổ này bị bom phá hủy vào năm 1968. Năm 1994 xây dựng lại trên nền đất chùa cũ, nay địa phương muốn phục dựng lại theo cấu trúc cũ. Chùa được xây dựng ở vị trí khá đẹp, trên đồi thềm cao khoảng 10 – 15 m nhìn ra cánh đồng bằng phẳng. Phía sau chùa có một tháp mộ cổ, các chuyên gia khảo cổ xác định tháp mộ này có từ thế kỷ thứ XVII – là tháp mộ cố nhất miền Trung.

Điểm 2. Thăm quan giếng nước cổ phía sau nhà anh Sung (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Đoàn Ánh Dương) cũng ở xã Phổ Vinh. Giếng sâu khoảng 6-7 m được xây bằng đá ong, anh Sung cho biết giếng này đã tồn tại qua 9 đời. Trước đây giếng phục vụ cả làng, nay có nguồn nước cấp nên giếng bị bỏ hoang. Đây là giếng cổ, cần được bảo tồn (theo các chuyên gia khảo cổ loại giếng đá ong kiểu này do người Chăm xây dựng). Nguồn đá ong lấy từ đâu cũng cần tìm hiểu thêm.

Điểm 3. Thăm quan điểm nước nóng tại xã Đức Lân, huyện Mộ Đức. Nước nóng xuất lộ trên mặt đồng bằng, địa phương xây bờ bao thấp để làm nơi tắm cho dân trong vùng. Nhiệt độ nước khoảng 70 – 80o (tương tự như ở Bình Châu). Nước sôi, bốc hơi nghi ngút, mùi lưu huỳnh nhận thấy rõ. Điểm nước nóng này chưa được khai thác phục vụ du lịch.

Những điểm thăm quan ngày đầu tại Đức Phổ thật thú vị.
Ngày 31.03.2016
Tàu khởi hành từ cảng Sa Kỳ lúc 8:30, biển lặng, trời mù sương. Đến gần cảng lên mũi tàu chụp ảnh nhưng cảnh quan núi lửa đã bị che khuất bởi các khách sạn mới xây. Mọi người nhận phòng tại Centeral Ly Son Hotel và đi thực địa ngay.
10:00 khảo sát Chùa Hang, Hang Câu.

Điểm mới với mình trong đợt này là tại vách Chùa Hang (nơi cầu thang đi xuống) thấy xuất lộ xương san hô (nằm trong cát kết và bột kết tuf).
14:00 Khảo sát Chùa Đục (núi lửa Giếng Tiền). Cổng Tò Vò, núi lửa Thới Lới.
Tại cổng Tò Vò quan sát lại hình thái, kích thước và xem xét hiện trạng môi trường. Có những thay đổi đáng kể tại đây. Phía tây cổng đã có đê bê tông chắn sóng. Tại đây chỉ cho TS Ngô Quang Toàn bazan dòng chảy phân lớp phủ trên cát kết, bột kết tuf chứa khung xương san hô (theo TS. Toàn thì đây là bazan phủ lên trầm tích Holocen). TS. Nguyễn Hoàng đã lấy mẫu bazan và cát kết san hô tại đây.
Sau khi thăm quan Âm Linh Tự, đoàn lên núi Thới Lới. Tại đây bác Bao nói mình giới thiệu cho mọi người cấu trúc hai núi lửa phun nổ lồng vào nhau (bài viết trong Địa môi trường là núi lửa hai tầng).
Đoàn lên núi Thới Lới, tới khối đá bóc mòn chỉ cho mọi người điểm nhìn tuyệt đẹp tại đây-trước con gấu ngồi. Mọi người thích thú chụp ảnh với chú gấu lúc hoàng hôn. TS. Đoàn Minh Ngọc (Đại học Mỹ Thuật, TP. HCM) cũng nhận xét đây là cảnh đẹp ấn tượng trên đỉnh Thới Lới.

Cuối hành trình, tại bãi đậu xe trên miệng núi lửa Hang Câu – Chùa Hang, TSKH Vũ Cao Minh nói “sau khi khảo sát, tớ công nhận phát hiện của cậu, đây là cấu trúc của hai miệng núi lửa, cậu phải chiêu đãi tớ chiều nay”. Nhưng mình nói “phát hiện này đã công bố từ năm 2012 rồi”.
Tại Chùa Hang, Hang Câu, Giếng Tiền đã có biển thông báo về Công viên Địa chất Toàn cầu Lý Sơn. Nhưng các hàng quán tạm bợ đã mọc theo biển báo. Người ta cũng đã xây dựng nhà ngay lưng chừng vách Giếng Tiền.

Ngày 01.04.2016
Sáng khảo sát Đảo Bé (cù lao Bờ Bãi). Đảo Bé còn tương đối hoang sơ, địa hình nhìn khái quát là lớp phủ bazan gò, đống. Phong hóa cơ học (nứt vỡ) tạo các khối tảng bazan đủ hình dạng và kích thước (khá giống bazan Cát Tiên, Định Quán ?). Bờ biển xâm thực tạo vách cao 5 – 7 m, bãi biển hình túi (Bãi Tiên) là bãi tắm ưa thích của du khách, các hang biển do sóng thành tạo cũng là dạng địa hình đặc trưng. Bazan dòng chảy đủ dạng: đặc xít, lỗ rỗng (tổ ong), cầu gối. Chưa tìm được điểm hóa thạch san hô trong đá bazan màu đen mà năm 2012 sinh viên đã phát hiện.

Chiều trở lại đất liền khảo sát bờ biển tại Trạm đèn biển Ba Làng An. Tại đây có các dạng địa hình: thềm biển (25 m), vách biển cắt vào đá bazan, bãi cuội bazan mài tròn, các khối đá ong kích thước lớn (từ 1 đến 3 m) rơi nằm rải rác dọc bãi biển.
Bãi biển Vũng Tàu (thôn Châu Thuận, xã Bình Châu) là nơi đoàn dừng lại nghỉ ngơi, ăn tối và nghe ông Đoàn Sung trình bày việc khai quật tàu cổ năm 2012.

Ngày 02.04. 2016
Sáng đoàn trở lại bãi biển Vũng Tàu để đi Hòn Than. Tàu đi dọc theo vách biển bazan, qua trạm đèn biển Ba Lang An. TS. Ngô Quang Toàn chỉ cho xem các vị trí có bazan dạng cột, các hang biển do sóng tạo thành. Đến gần Hòn Than mọi người một lần nữa xuống thuyền thúng để lên đảo nhỏ (Hòn Than).


Chiều khảo sát Gành Yến. Đá bazan dạng cột, bờ biển xâm thực tại đầu các mũi nhô và tích tụ cuội, tảng tại cung lõm (bazan và san hô), thềm biển cao 10 – 15 m có bề mặt bằng phẳng. Tại đây, rất ấn tượng với các ruộng bậc thang kè bằng cuội bazan và san hô lấy từ bãi biển.
Điểm cuối cùng trong ngày là thăm thành cổ Châu Sa. TS. Ngô Văn Doanh giới thiệu về cấu trúc thành cổ của người Chăm (TK. VII-IX), những dấu tích để lại cho thấy đây là một cảng biển cổ.
Tối về xem ảnh vệ tinh, đúng là có những dấu vết lòng sông cổ ở khu vực này. Phải chăng, bờ biển trước đây gần với thành Châu Sa, quá trình biển lùi đã dần xóa đi bến cảng này?.
Ngày 03.04.2016
Sáng dự lễ khai trương “Phòng phát triển Du lịch Công viên Địa chất Toàn cầu” của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương.

Trưa đi núi Thiên Ấn, nơi có mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây TS. Nguyễn Ngọc Thu hướng dẫn một số điểm nhìn về sông Trà, núi Thiên Bút (đối xứng với núi Thiên Ấn qua sông Trà), thành phố Quảng Ngãi, xa xa là dẫy Trường Sơn. Nghe TS. Thu kể truyền thuyết về con rồng (sông Trà), về giếng Thiên Ấn thật hấp dẫn (cần tìm hiểu thêm để gắn kết với geosite Thiên Ấn).
Chiều là buổi thảo luận “Kết quả cuộc khảo sát với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi” với sự chủ trì của công Lê Văn Thích (PCT. UBND tỉnh Quảng Ngãi). Ông Nhân, Phó giám đốc Sở Du lịch và Thể thao điều khiển thảo luận. Các nhà khoa học phát biểu ý kiến về kết quả cuộc khảo sát. Hầu hết đều đánh giá cao các di sản tự nhiên đảo Lý Sơn và dải ven biển Bình Châu. Xây dựng Công viên Địa chất sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo tồn các di sản quí hiếm này.
Ngày 04. 04. 2016
Buổi sáng đi qua công viên Ba Tơ, chụp ảnh bình minh trên núi Ấn, sông Trà. TS. Nguyễn Ngọc Thu mời trình bày khái quát về geosite cho các cán bộ trẻ tại Công ty Đoàn Ánh Dương.

17:00 trở về TP. HCM, kết thúc chuyến công tác thật thú vị.
H & H
Chúc thầy có chuyến đi thú vị và có thêm nhiều bài viết hay…^^