MŨI ĐÁ DINH CẬU – MỘT GEOSITE HẤP DẪN CỦA ĐẢO PHÚ QUỐC

Hà Quang Hải

I. Giới thiệu

Mũi đá Dinh Cậu phân bố phía nam Cửa Dương Đông, thuộc huyện đảo Phú Quốc. Mũi đá (còn gọi là ghềnh đá) gồm các cột đá rời rạc có hình dáng và kích thước khác nhau xếp thành hàng thẳng xuyên ra biển. Trên cột đá lớn và cao nhất là Dinh Cậu – Điểm đến linh thiêng của đảo Phú Quốc với cảnh biển đẹp, đặc biệt quyến rũ du khách những chiều hoàng hôn.

Mũi đá Dinh Cậu là geosite mũi đá xói mòn trên cát kết duy nhất trên bờ biển Việt Nam. Bài viết này nhằm giới thiệu các giá trị khoa học và giá trị bổ sung nổi bật của geossite Dinh Cậu.

II. Giá trị khoa học địa chất, địa mạo

  1. Các cột đá sót xói mòn do sóng (sea stacks)

Các cột đá sót ở Dinh Cậu là cột đá tự nhiên hình thành do quá trình xâm thực của sóng biển (Hình 1); khi thủy triều cao, các cột đá bị cô lập bởi nước biển và tách biệt với đất liền một khoảng cách; khi thủy triều xuống thấp, có thể thấy các cột đá đứng trên bãi biển.

Hình 1. Các cột đá sót (stacks) do xói mòn tại mũi Dinh Cậu
Hình 1. Các cột đá sót (stacks) do xói mòn tại mũi Dinh Cậu

Các cột đá sót tại Dinh Cậu được cấu tạo bởi các đá cát kết thuộc hệ tầng Phú Quốc, tuổi Creta. Ở phía nam Dinh Cậu, khi thủy triều xuống thấp để lộ ra các lớp cát kết có phương vị hướng dốc 220o, góc dốc 15o (Hình 2). Thế nằm đá cát kết ở đây phản ánh cấu trúc đơn nghiêng (cuesta) của đảo Phú Quốc.

Hình 2. Cát kết có phương vị hướng dốc 220o (mũi tên vàng)
Hình 2. Cát kết có phương vị hướng dốc 220o (mũi tên vàng)

Sự hình thành các cột đá sót ở Dinh Cậu là do hoạt động xói mòn mũi đá bờ biển xảy ra theo mức độ khác nhau, phụ thuộc vào kiểu đá và năng lượng sóng tại từng vị trí cụ thể. Các cột đá là những phần tàn dư còn lại trên bãi biển xói mòn do sóng. Những tàn dư này được gọi là stacks (hoặc sea stacks). Quá trình xói mòn mũi đá thường tạo nên dạng địa hình ngoạn mục ven biển, tiến trình hình thành các cột đá gồm: 1) sóng tấn công vào các điểm xung yếu của bờ đá (khe nứt, các lớp đá yếu), 2) các khe nứt mở rộng thành các hang biển, 3) các hang mở rộng hơn, 4) các hang phá hủy tạo thành cầu thiên nhiên (natural arch), 5) cầu thiên nhiên bị xói mòn và sập, 6) cột đá tàn dư được tạo ra (stack), 7) stack tiếp tục bị xói mòn để tạo gốc cột đá (stump) (Hình 3).

Hình 3. Tiến trình hình thành các cột đá sót (stacks). Nguồn: Internet
Hình 3. Tiến trình hình thành các cột đá sót (stacks). Nguồn: Internet
  1. Các hõm sóng vỗ (notches)

Tại Dinh Cậu quan sát các hõm sóng vỗ phân bố theo mức cao khác nhau (Hình 4). Các hõm sóng vỗ tại đây được hình thành do sóng đập vào bờ đá, các lớp đá có độ kháng xói yếu sẽ bị xói nhiều hơn (Hình 4). Như vậy, cơ chế hình thành các hõm sóng vỗ ở đây (bờ đá cát kết) là các hõm vật lý, hoàn toàn khác với các hõm trên vách đá vôi ở Kiên Lương và Hà Tiên, nơi mà quá trình gặm mòn chủ yếu do sinh vậy gây ra và liên quan tới  mực thủy triều ổn định trong khoảng thồi gian lâu dài.

Hình 4. Các hõm sóng vỗ (mũi tên đỏ) trên vách đá cát kết tại Dinh Cậu
Hình 4. Các hõm sóng vỗ (mũi tên đỏ) trên vách đá cát kết tại Dinh Cậu
  1. Bãi biển Dinh Cậu

Bãi biển Dinh Cậu nằm kẹp giữa mũi Dinh Cậu và các mũi đá thấp hơn phía nam. Bãi biển rộng khoảng 20 m khi triều xuống thấp, chủ yếu là cát mịm, sạch – là bãi tắm thích hợp cho các nhóm du khách nhỏ, cũng là dạng địa hình thích hợp để du khách thưởng thức các món ăn đặc sản Phú Quốc và ngắm nhìn hoàng hôn biển tây.

Hình 5. Bãi biển Dinh Cậu
Hình 5. Bãi biển Dinh Cậu
  1. Kè luồng Dương Đông

Kè Luồng cửa sông Dương Đông khánh thành năm 2013 (Hình 5) là nơi mà mọi người có thể tìm hiểu về công trình bờ biển kiểm soát bồi tụ cửa sông. Bờ kè nam nối liền với Dinh Cậu, là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng hình dạng các cột đá sót từ ngoài biển, đón hoàng hôn trên biển và cảnh tàu, thuyền ở cửa Dương Đông.

Hình 5. Kè luồng cửa Dương Đông Hình DSC_3703a
Hình 5. Kè luồng cửa Dương Đông

III. Các giá trị bổ sung của geosite Dinh Cậu

  1. Giá trị tâm linh

Dinh Cậu còn có tên gọi là miếu thờ Long Vương, ở giữa chánh điện của dinh thờ Chúa Ngọc nương nương và tượng thờ  “Cậu Tài” và “Cậu Quý” –  những đấng linh thiêng cai quản vùng sông nước và luôn bảo vệ ngư dân vùng biển đảo [1].

Dinh Cậu gắn liền với truyền thuyết: “Khoảng thế kỷ thứ 17, tương truyền có từ khi những cư dân đầu tiên từ miền Trung đến định cư trên đảo. Nhiều ngư dân ra khơi gặp sóng dữ đã mãi mãi không về. Đột nhiên họ thấy một mỏm đá dần dần nổi lên nơi cửa biển. Dân đảo cho là núi thiên lập miếu thờ để cầu mong thần linh che chở trước tai ương biển cả. Họ bắt đầu đến đây thờ cúng và quản lý chuyến đi ra khơi gặp sóng êm biển lặng. Tin lành đồn xa dần dần hình thành nên tục thờ cúng tại mỏm đá này và đặt tên là Dinh Cậu” [1].

  1. Giá trị văn hóa

Lễ hội Dinh Cậu (lễ cúng kỳ yên Dinh Cậu) tổ chức vào ngày 15-16/10 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, ngư dân trên đảo lại tụ họp về đây để làm lễ thắp hương, cầu mong cho trời yên sóng lặng, đầy thuyền tôm cá. Phần lễ được tổ chức ngay trong khuôn viên Dinh Cậu. Các chủ tế làm những phần việc như Lễ Nghinh Cậu, Lễ yết cậu, Lễ chánh tế…Phần hội gồm các cuộc thi và trò chơi diễn ra trên biển và bờ biển. Các trò chơi như: đua thuyền, bắt vịt trên biển, đi cà kheo, nhảy bao bố, đập nồi…Các trò chơi đã thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia hết sức sôi nổi [2].

Chợ đêm Dinh Cậu cũng là nét văn hóa ẩm thực gắn liền với địa danh Dinh Cậu. Chợ có hàng 100 gian hàng với nhiều loại hải sản tươi sống được các chủ quán chế biến công phu và sạch sẽ. Chợ đêm cũng có các gian hàng bán đồ lưu niệm với đủ loại đồ thủ công làm từ vỏ sinh vật biển hoặc nuôi trồng từ biển như chuỗi ngọc, nhẫn ngọc trai, lược chải đầu, lắc đeo tay đồi mồi, các loại vỏ ốc…

  1. Giá trị thẩm mỹ

Một khối đá ở Dinh Cậu có dạng khá đặc biệt được du khách hình dung theo hình dạng của các con vật khác nhau; có người cho rằng đây là hình con rùa, một trong tứ linh theo quan niệm của người Việt hiện nay. Có người lại nói đó là con cá sấu đang há miệng khi mặt trời rơi dần xuống biển, có người lại gọi đó là con heo rừng.

Hình 6. Khối đá được hình dung theo các con vật khác nhau: rùa, cá sấu, heo rừng
Hình 6. Khối đá được hình dung theo các con vật khác nhau: rùa, cá sấu, heo rừng

Điều kỳ thú với người viết bài này đó là ngắm hoàng hôn từ Dinh Cậu, lần nào đến Phú Quốc đều phải bố trí thời gian để đón hoàng hôn Dinh Cậu.

Hình 7. Ảnh chụp ngày 24/06/2010
Hình 7. Ảnh chụp chiều 24/06/2010
Hình 8. Ảnh chụp ngày 12/04/2012
Hình 8. Ảnh chụp chiều 12/04/2012
Hình 9. Ảnh chụp ngày 20/12/2013
Hình 9. Ảnh chụp chiều 20/12/2013
Hình 10. Ảnh chụp ngày 25/03/2016
Hình 10. Ảnh chụp chiều 25/03/2016

Kết luận

Geosite Dinh Cậu là một di sản địa chất, địa mạo quí, cho chúng ta một bài học sinh động về sự tương tác giữa cấu trúc bờ đá và sóng biển. Cảnh quan Dinh Cậu thật tuyệt vời, đó là sự hòa quyện giữa biển, trời, sông, núi, ghềnh đá và bãi bờ. Các giá trị tâm linh, giá trị văn hóa và thẩm mỹ đã làm cho geoste Dinh Cậu càng trở nên nổi tiếng. Hãy đến Phú Quốc, đến với Dinh Cậu để tìm hiểu và thưởng thức các giá trị trên, và không quên chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn Dinh Cậu.

Tham khảo:

  1. Khám phá Dinh Cậu Phú Quốc. http://phuquocnews.vn/kham-pha-dinh-cau-phu-quoc
  2. Đôi nét về Dinh Cậu Phú Quốc. http://tapchidulich.info/van-hoa/le-hoi/doi-net-ve-le-hoi-dinh-cau-phu-quoc/

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s