VÀI NÉT VỀ ĐỊA CHẤT MÔI TRƯỜNG và CẢM NGHĨ SAU KHI BỐC THĂM ĐẤT NỀN DỰ ÁN 245 ĐẠI HỌC QUỐC GIA

  1. Thêm tí hy vọng sau 16 năm

Tuần qua, sau khi bốc thăm đất nền “Dự án 245 Đại học Quốc gia” mọi người có vẻ được chút niềm vui. Thú thật, qua 16 năm đóng tiền mình không còn trông mong gì ở dự án này nữa, coi như đây là đầu tư rủi ro và đã thất bại. Vì vậy mình cũng không có dự định  bốc thăm. Cô Huệ, cô Thảo gửi mail thông báo về lịch bốc thăm đất nền, mình chỉ xem qua, không ý kiến gì. Đến sáng thứ 5, trưởng khoa môi trường (cô Hiền) đi bốc thăm và thúc dục mình cứ đi bốc đi, nếu không thích thì chuyển lại cho cô “sáng nay cả thày Cảnh, cô Thảo đi đấy”.

Gọi điện cho thày Tú, thống nhất sáng mai (ngày bốc thăm cuối cùng) hai anh em cùng đi. Tại điểm bốc thăm, mình được chỉ định làm chứng dấu niêm phong cho thùng thư  lô 300, được bốc đầu tiên và được lô 294 m2, khu 1S, gần cây xanh (CX4) và công viên (CX8), một chị bốc sau mình được lô hai mặt tiền (sướng rên), mọi người chúc mừng hai người. Thày Tú bốc thùng 200, được lô 189 m2, khu 1O gần với khu mình. Thày Tú chụp hình tổng thể khu dự án và cận cảnh lô đất của của hai người. Hai anh em phấn khởi ra mặt, rút điện thoại báo tin cho các bà xã, không quên gọi điện cho cô Thảo (người tích cực cung cấp thông tin về đất và đốc thúc mọi người đi bốc thăm và bốc được lô đất gần 300 m, cười vui vẻ và đã lên  kế hoạch tương lai cho lô đất này).

Chiều thày Tú gửi ảnh khu dự án trên Google Earth kèm theo lời “Kính chúc Thầy Hải, Thầy Cảnh, Cô Hiền, Cô Thảo, Cô Loan, Thầy Tú có miếng đất đẹp, ngủ ngon”.

Nhân đây, mình viết vài nét về địa chất môi trường khu vực dự án.

  1. Địa chất và địa mạo khu vực

Dự án nằm trong vùng Bưng sáu xã (trước đây là vùng nam quận Thủ Đức), nay thuộc quận 9, thành phố HCM. Đây là vùng đồng bằng đầm lầy có độ cao phổ biến là 1 m, bề mặt bằng phẳng, bị ngập khi triều cao, bị chia cắt mạnh bởi mạng kênh rạch chằng chịt với mật độ phân cắt từ  4 đến 8 km/km2 (Hình 1). Các kênh, rạch chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ triều, dừa nước mọc theo bờ. Trên bề mặt đồng bằng phân bố rải rác vài gò đất cao, đó là các “giồng” cát có phương kéo dài á vĩ tuyến. Các giồng cát cao hơn bề mặt đồng bằng từ 1 đến 2 m. Giồng cát là địa hình thuận lợi để dân cư tập trung, lớn nhất là giồng Ông Tố thuộc xã Bình Trưng (giồng Ông Tố có nghĩa trang Văn Giáp, nơi có mộ AHLS Nguyễn Văn Trỗi).

Hình 1. Ảnh Landsat TM năm 1992. Vùng đất thấp (đầm lầy) có màu đỏ và nâu thẫm

Hình 1. Ảnh Landsat TM năm 1992. Vùng đất thấp (đầm lầy) có màu đỏ và nâu thẫm

Cấu tạo đồng bằng là các trầm tích Neogen, Pleistocen và Holocen có tổng bề dày khoảng 120 m phủ trên đá móng là andesite thuộc hệ tầng Long Bình (tuổi Kreta). Trầm tích Neogen, Pleistocen (thường gọi là aluvi cổ) có thành phần là cát, cát sạn màu xám, loang lổ từ dưới lên gồm hệ tầng Bình Trưng (Miocen muộn), Nhà Bè (Pliocen sớm), Bà Miêu (Pliocen muộn), Trảng Bom (Pleistocen sớm), Thủ Đức (Pleistocen giữa-muộn) và Củ Chi (Pleistocen muộn). Phân cách giữa các hệ tầng là các tầng sét dày, giữa vai trò là các tầng cách nước. Các trầm tích Neogen và Pleistocen là những tầng chứa nước ngọt tiềm năng.

Các trầm tích Holocen (thường gọi là aluvi trẻ) gồm hệ tầng Bình Chánh (Q21-2bc) và hệ tầng Cần Giờ (Q22-3cg). Đây là các trầm tích trên cùng hình thành lên bề mặt đồng bằng đầm lầy hiện nay. Thành phần trầm tích chủ yếu là sét, sét bột, bùn, thực vật phân hủy, than bùn; bề dày trung bình hai hệ tầng này khoảng 20 m. Đây là tầng đất yếu, khi xây dựng nhà tầng (hai hay ba tầng) phải đóng cọc bê tông qua tầng đất này. Như vậy cột bê tông làm móng nhà phải có độ dài trung bình 20 m, xuyên qua aluvi trẻ để tới aluvi cổ.

  1. Xem đất dự án từ Google Earth

Sau khi nhận mail của thày Tú có kèm sơ đồ các lô đất và vị trí dự án trên Google Earth, tò mò cộng với tí phấn khởi (vì coi như bốc được lô đất đẹp), thử xem đất ở đâu; xem ảnh theo thời gian tiến triển khu đất dự án, có vài ý kiến để mọi người đọc và suy nghĩ.

Ảnh 2004 (Hình 2): chỉ có một phần diện tích phía bắc khu đất dự án, lúc này vẫn là đất ruộng?

Hình 2. Năm 2004, diện tích phía bắc dự án vẫn là đất ruộng?
Hình 2. Năm 2004, diện tích phía bắc dự án vẫn là đất ruộng?

Ảnh 2005 (Hình 3): khu đất dự án dường như đã được san lấp (tone ảnh sáng xám). Có ba rạch chảy qua khu dự án (mũi tên đỏ). Các rạch này dường như có chủ trương để lại?.

Hình 3. Năm 2005, diện tích dự ánh được san lấp, các rạch chảy qua dự án được để lại
Hình 3. Năm 2005, diện tích đất dự án được san lấp, các rạch chảy qua đất dự án được để lại

– Ảnh 2010 (Hình 4): Dường như dự án không triển khai gì thêm, riêng con đường phía tây nổi rõ hơn.

Hình 4. Đất khu dự án vào năm 2010
Hình 4. Đất khu dự án vào năm 2010

– Ảnh 2013 (Hình 5): Ba rạch trên ảnh năm 2010 (Hình 4) đã được san lấp. Rạch phía đông bắc bị lấp toàn bộ. Rạch trung tâm và phía tây bị lấp phần lớn, chỉ còn lại hai đoạn ngắn mang hình dấu hỏi. Phần phía bắc xuất hiện một khu vực đã được xây dựng. Đường Vành đai Đông đã hình thành rõ nét.

Hình 5. Ảnh 2013 cho thấy các rạch được san lấp phần lớn, chỉ còn lại hai đoạn mang hình dấu hỏi
Hình 5. Ảnh 2013 cho thấy các rạch được san lấp phần lớn, chỉ còn lại hai đoạn ngắn mang hình dấu hỏi

– Ảnh 2015 (Hình 6): Vành đai Đông và nút giao thông Phú Hữu đã hoàn thiện. Khu vực tây nam dự án được đầu tư xây dựng (đã hoàn thiện?). Đoạn sông hình dấu hỏi phía tây nay đã được chuyển thành các hồ nước nhỏ hơn. Chưa có dấu hiện các lô đất như trên bình đồ 1/500 mà đã nhìn thấy hôm bốc thăm đất nền.

Hình 6. Ảnh 2015 cho thấy chỉ còn 1 dấu hỏi trong khu dự án
Hình 6. Ảnh 2015 cho thấy chỉ còn 1 dấu hỏi trong khu dự án
  1. Giao thông thuận lợi

Bản đồ hình 7 cho thấy khu dự án đất (hình mặt cười) sát nút giao thông Phú Hữu, có vị trí giao thông thuận lợi: sang Quận 1, qua hầm Thủ Thiêm khoảng 10 km; sang Quận 7, qua cầu Phú Mỹ khoảng 7,5 km; đến cao tốc Long Thành – Dầu Giây (từ cầu Long Thành) khoảng 7,5 km; tới Đại học Quốc gia (Linh Trung) khoảng 8 km.

Hình 7. Vị trí khu đất dự án và hệ thống giao thông lân cận
Hình 7. Vị trí khu đất dự án (hình mặt cười) và hệ thống giao thông lân cận
  1. Vấn đề địa chất môi trường

Ngập triều, ngập mưa trong tương lai

Ảnh vệ tinh (Google Earth 2015) cho thấy vùng đầm lầy quận 9 và quận 2 đang được đô thị hóa mạnh, hệ thống đường xá cắt ngang, cắt dọc bề mặt địa hình. Các dự án đủ mọi kích thước, đủ mọi hình dạng đang thi nhau mọc lên. Xu hướng lấp đầy từ tây sang đông. Vùng đất thấp được nâng cao, kênh rạch nhỏ bị san lấp dẫn đến diện tích ngập triều tự nhiên dần thu hẹp. Tình trạng này sẽ dẫn đến ngập triều và ngập mưa trong tương lai.

Vấn đề cốt nền xây dựng

Cốt nền xây dựng vùng TP.HCM được thủ tướng phê duyệt (năm 2008) là 2,05 m. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay dường như vấn đề cốt nền ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Khu xây dựng sau, nhà xây dựng sau thường có cốt nền cao hơn khu xây dựng trước, nhà xây dựng trước. Các công trình xây dựng trước bị ngập nước triều, muốn thoát ngập lại phải nâng cao nền.

Trở lại cốt nền dự án đất Đại học Quốc gia: Khu vực này có độ cao trung bình là 1,0 m. Theo qui định cốt nền xây dựng 2,05 m; như vậy việc san lấp, nâng cao bề mặt là 1,05 m. Vậy sau này có nền nhà xây dựng, liệu có kiểm soát được cốt nền thống nhất không? Nếu không thì tình trạng ngập nước diễn ra ngay trong khu dự án. Cần có câu hỏi về cốt nền với ban dự án?.

Những lô đất trên lòng kênh rạch

Trên ảnh 2015 (Hình 6) chưa thấy phân lô nền đất. Dựa vào bình đồ mặt bằng dự án (Hình 8), mọi người có thể áng chừng xem lô đất của mình bốc thăm có nằm trên lòng rạch (đã được san lấp) không ?.

Hình 8. Bản đồ qui hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất
Hình 8. Bản đồ qui hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất

Có hai câu hỏi đặt ra ở đây:

Câu hỏi 1: Việc san lấp một diện tích lớn các rạch trong khu vực dự án chỉ xuất hiện sau 2010, vậy cơ sở nào để quyết định san lấp rạch? Những người góp vốn dự án có được hưởng lợi từ diện tích gia tăng này không?

Câu hỏi 2: Những lô đất trên lòng rạch có được tính hệ số khác không? Vì khi làm móng nền nhà chắc chắn với các nhà trên lòng rạch sẽ phải đóng móng sâu hơn.

  1. Kết luận

Đô thị hóa vùng đầm lầy, chuyển đổi vùng đất thấp vốn dĩ có chức năng chứa nước thành vùng phân nước cùng với việc qui hoạch và quản lý đô thị kém cỏi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy môi trường trong tương lai cho khu vực này, trong đó ngập lụt đô thị sẽ là vấn đề hàng đầu. Nói cách khác, tình trạng ngập lụt nội thành hiện nay sẽ là tương lai của vùng đất thấp Quận 9 và quận 2.

Sau 16 năm chúng ta đã có được tí niềm vui, được thấy nền đất của mình trên giấy của một dự án đầy tai tiếng kéo dài gần hai thập kỷ do một trường đại học nổi tiếng chủ trì. Mặc dầu vậy, niềm vui này liệu có bù đắp được cho những thiệt thòi, những nỗi buồn mà những người góp vốn (trong đó có rất nhiều thày cô) đã phải gánh chịu; có những người đã ra đi và “được” nhận lô đất từ thế giới bên kia; có những gia đình tan cửa, nát nhà, lục đục vì Dự án đất này.

Lòng tin về lô đất còn nhiều thử thách lắm, còn nhiều câu hỏi về dự án này lắm. Mọi người vẫn nói đây là Dự án 245 (hai bốn năm), và việc bốc thăm nền đất là chúng ta mới chỉ đi qua 2/3 đoạn đường.

H & H

Advertisement

Một suy nghĩ 3 thoughts on “VÀI NÉT VỀ ĐỊA CHẤT MÔI TRƯỜNG và CẢM NGHĨ SAU KHI BỐC THĂM ĐẤT NỀN DỰ ÁN 245 ĐẠI HỌC QUỐC GIA

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s