TIỀM NĂNG ĐỊA DU LỊCH KHU VỰC ĐỊNH QUÁN, TỈNH ĐỒNG NAI

Phạm Thị Thu, Hà Quang Hải

I. Giới thiệu

Huyện Định Quán phân bố ở phía đông bắc tỉnh Đồng Nai, nơi có sự hiện diện một số dạng địa hình khá độc đáo như các miệng núi lửa dạng chữ “C”, dạng trũng (miệng âm), dạng vòm (miệng dương); bazan dòng chảy phủ trên các bậc thềm sông; các khối đá xâm nhập bóc mòn chồng lên nhau; các thung thũng xâm thực tạo nên cảnh quan đẹp. Một số dạng địa hình đã được khai thác phục vụ du lịch như Đá Ba chồng, Thác Mai, Bầu Nước Sôi.

Theo quốc lộ 20 từ Ngã ba Dầu Giây đi Đà Lạt qua khu vực Định Quán, ngồi trong ô tô hành khách có thể thấy thoáng qua một vài dạng địa hình đẹp hoặc kỳ lạ như Thung lũng sông khu vực Cầu La Ngà, cột Đá ba chồng, hai chồng, miệng núi lửa phân bố rải rác.

Bài viết này trích từ Khóa luận tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường K_12. Đây là kết quả bước đầu trong việc nghiên cứu các geosite phục vụ thăm quan, giải trí, nghiên cứu và học tập về địa du lịch ở khu vực Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

II. Địa hình có tiềm năng phát triển địa du lịch

Địa hình có tiềm năng phát triển địa du lịch ở khu vực Định Quán gồm: địa hình núi lửa, địa hình đá xâm nhập bóc mòn, cảnh quan thung lũng sông.

II.1 Địa hình núi lửa

Địa hình núi lửa liên quan đến hai giai đoạn hoạt động gồm vòm núi lửa do phun nổ – phun trào và dòng chảy dung nham.

1) Vòm núi lửa

Một vòm núi lửa có đường kính khoảng 10 km, phân bố ở khu vực Túc Trưng với độ cao 60 – 70 m ở chân vòm đến 100 m ở phần trung tâm. Nhô cao trên vòm là các miệng núi lửa có độ chênh cao 100 – 150 m. Trong các văn liệu địa chất, các đá hình thành địa hình vòm núi lửa được xếp vào hệ tầng Xuân Lộc, chủ yếu la bazan tholeit, tuổi Pleistocen giữa. Bazan hệ tầng Xuân Lộc phong hóa tạo đất đỏ, vàng.

Ở đông bắc Định Quán cũng có khá nhiều núi lửa cũng được xem là hình thành trong giai đoạn Pleistocen muộn như cụm 6 núi lửa ở khu vực Phú Lợi, Phú Hòa và rải rác ở Gia Canh.

2) Dòng chảy dung nham

Địa hình dòng chảy dung nham có bề mặt khá bằng phẳng, phân bố rộng rãi ở phía đông huyện Định Quán. Đó là lớp phủ mỏng (trong lòng sông, trên thềm sông); chủ yếu là bazan olivine màu đen có nhiều lỗ rỗng, phong hóa cơ học tạo nên các khối nứt vỡ. Các đá bazan dòng chảy được xếp vào hệ tầng Phước Tân, hoặc Cây Gáo, tuổi Pleistocen muộn. Khu vực Tân Phú, Cát Tiên cũng phổ biến loại bazan này.

Trong khu vực Định Quán đã xác định được 17 miệng núi lửa, chủ yếu là miệng dương; một số miệng trũng có dạng chữ “C” khá rõ. Bàu nước sôi là kiểu miệng núi lửa âm có tuổi Pleistocen muộn.

II.2 Đá xâm nhập bóc mòn

Định Quán có khá nhiều các khối đá xâm nhập (granodiorit) lộ rải rác ở nhiều nơi, nhưng tập trung ở thị trấn Định Quán với diện tích khoảng 2,5 ha.

Về hình thái: các khối đá có dạng cột, dạng tường và dạng khối.

Về kích thước: các khối đá có kích thước to nhỏ khác nhau từ vài m đến 30 – 40 m, độ cao các khối thuộc ba mức: 5 – 7 m, 10 – 12 m, và 21 – 25 m.

Về nguồn gốc: các khối đá được hình thành do sông xâm thực, các khối đá cao 20 – 25 m tương đương với bậc thềm cùng độ cao phổ biến ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai, có tuổi vào Pleistocen muộn.

Các khối đá chồng lên nhau, chênh vênh như Đá Ba Chồng, Đá Dĩa được giải thích bởi nguyên lý cân bằng đá. Vận động nâng tân kiến tạo và phong hóa, bóc mòn các vận liệu rời rạc, mềm bở xung quanh đã tạo nên các cột đá như hiện nay.

II. 3 Cảnh quan thung lũng sông

Hoạt động núi lửa, xâm thực và hoạt động nhân sinh đã hình thành nên sự đa dạng địa hình thung lũng sông khu vực Định Quán như: thác nước, ghềnh, thềm sông, thung lũng cắt qua…Điểm du lịch Thác Mai do sông La Ngà xâm thực trên nền đá xâm nhập; trong khi đoạn sông khu vực cầu La Ngà, nơi có làng cá bè được hình thành sau khi có công trình thủy điện Trị An.

III. Khảo sát sơ bộ các geosite

Kết quả khảo sát sơ bộ các geosite lý thú về mặt địa mạo (có giá trị về khoa học, thẩm mỹ) được trình bày trong Hình 1 và Bảng 1.

Hình 1: Các geosite khu vực Định Quán
Hình 1: Các geosite khu vực Định Quán

Anh_Bang_1

IV. Các geosite đại diện

IV.1 Geosite núi lửa

1) Núi lửa Đông Bắc (G_6)

Địa danh: ấp 5, xã Gia Canh, huyện Định Quán; Tọa độ: 1109’38’’B_107025’48’’Đ

Núi Đông Bắc cao 233 m, nhô trên bề mặt đồng bằng cao 120 m. Phần đỉnh có miệng trũng dạng chữ C hướng hướng về phía nam, nơi có lưỡi dung nham tiếp giáp với núi Hang Dơi (Hình 2). Đá bazan cấu tạo núi Đông Bắc thuộc hệ tầng Xuân Lộc. Địa hình miệng trũng phong hóa đất đỏ được trồng cây ngắn ngày (bắp, đậu, mè); phần sườn dốc lộ đá được trồng cây công nghiệp như điều, tràm. Đỉnh Núi lửa Đông Bắc cao nhất khu vực đông nam Định Quán nên có thể là điểm nhìn (viewpoint) tốt, quan sát vùng đồng bằng Gia Canh.

Hình 2: Núi lửa Đông Bắc nhô cao trên đồng bằng Gia Canh
Hình 2: Núi lửa Đông Bắc nhô cao trên đồng bằng Gia Canh

2) Bàu Nước Sôi (G_9)

Địa danh: ấp 9, xã Gia Canh, huyện Định Quán. Tọa độ: 1106’13’’B_107024’28’’Đ.

Bàu có dạng trũng kéo dài bắc nam, là miệng núi lửa âm, diện tích khoảng 2 ha; nằm trong vùng phân bố lớp phủ bazan dòng chảy tuổi Pleistocen muộn. Lớp phủ bazan rộng, bằng phẳng thuộc khu rừng phòng hộ của Lâm trường Tân Phú.

Gọi là bàu nước sôi, nhưng nhiệt độ nước khoảng 30-40oC. Điểm nước nóng này đã được khai thác du lịch (Hình 3) gồm hệ thống kênh ngâm chân, bể tắm, vịt đạp, nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng, bãi giữ xe. Tuy vậy hoạt động du lịch vắng vẻ, các công trình đang dần xuống cấp.

Hình 3: Một phần diện tích Bàu Nước Sôi (miệng núi lửa âm)
Hình 3: Một phần diện tích Bàu Nước Sôi (miệng núi lửa âm)

IV.2 Geosite đá xâm nhập bóc mòn

1) Công viên đá Ba Chồng (G_3)

Khu vực này là một quần thể đá rộng tới 2,5 ha. Các khối đá, cột đá, tường đá tập trung ở thị trấn Định Quán. Cột đá ba chồng nằm rìa trái quốc lộ 20 (từ Dầu Giây đi Đà Lạt) được dùng đặt tên cho Công viên Đá Ba Chồng – một danh thắng cấp quốc gia.

Ngoài cột đá ba chồng cao 22 m (Hình 4), các khối đá ấn tượng trong khu công viên này còn có Đá Voi (Bạch Tượng) gồm Voi đực cao 22 m, Voi cái cao 20m (Hình 5); Đá Dĩa cao khoảng 23 m.

Trên lưng Voi đực có tượng phật Thích Ca. Đây cũng là vị trí thích hợp để quan sát một diện tích rộng lớn Công viên Đá Ba Chồng, các núi lửa ở khu vực Phú Lợi, núi lửa Đông Bắc (G_6), Núi Hang Dơi (G_7) trên đồng bằng Gia Canh và núi lửa Đồi Mười Hai (G_4).

Cách Đá Voi khoảng 60 m về phía đông nam là chùa Thiên Chơn. Chùa được xây dựng năm 1957 trên diện tích khoảng 4000 m2. Năm 2000 chùa được đại trùng tu nhưng vẫn bảo lưu những đường nét kiến trúc cổ và hệ thống thờ tự truyền thống. Chùa Thiên Chơn thường xuyên đón tiếp du khách, Phật tử đến thăm, lễ bái nhất là vào ngày lễ Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán. Sự hiện diện chùa Thiên Chơn đã bổ sung thêm giá trị tâm linh cho geosite Đá Ba Chồng.

Hình 4: Tường đá và cột Đá Ba Chồng
Hình 4: Tường đá và cột Đá Ba Chồng
Hình 5: Đá Voi (Bạch Tượng)
Hình 5: Đá Voi (Bạch Tượng)

2) Đá Xuân Sơn (G_2)

Địa danh: ấp 114, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán. Tọa độ: 11011’23’’B_107020’50’’Đ.

Đá Xuân Sơn là hai cột đá hình trụ đứng sát nhau, có cùng độ cao, khoảng 25 m. Đường kính mỗi cột trung bình là 30 m. Mỗi cột đá gồm hai khối: khối dưới cao khoảng 20 m, khối trên nhỏ hơn cao khoảng 5 m (cột đá hai chồng) (Hình 6). Cột đá Xuân Sơn nằm bên rìa phải quốc lộ 20, cách cột Đá Ba Chồng khoảng 800 m. Đá Xuân Sơn cũng có thành phần, nguồn gốc thành tạo như các khối đá, cột đá trong công viên Đá Ba Chồng.

Tại chân cột đá Xuân Sơn có lớp phủ đá bazan tuổi Pleistocen muộn (Hình 7). Đá có màu đen, nhiều lỗ rỗng, phong hóa vỡ khối giống với đá bazan khu vực Bàu Nước Sôi, Tân Phú và Cát Tiên. Điều thú vị được ghe bác chủ nhà giải thích: “đá bazan này được thổi ra từ núi lửa Đồi 118 ở phía bắc”.

Đá Xuân Sơn cùng với lớp phủ bazan (dòng chảy) là một điểm lộ đẹp, một geosite có giá trị về khoa học địa mạo, địa tầng. Tiếc thay, việc xây dựng nhà cửa đã che lấp gần như toàn bộ hình dáng của geosite này.

Hình 6: Cột đá Xuân Sơn
Hình 6: Cột đá Xuân Sơn

Hinh_7_DaXuanSon_b

Hình 7: Lớp phủ bazan tuổi Pleistocen muộn ở chân cột đá Xuân Sơn

IV.3 Cảnh quan thung lũng sông

1) Điểm nhìn cầu La Ngà (G_5)

Lòng sông tại cầu La Ngà nay là một phần diện tích hồ Trị An. Từ năm 1993, những người dân chài đến đây lập nghiệp dần tạo nên một làng nổi xếp thành dải uốn lượn theo dòng chảy dài tới 3 km, tạo nên cảnh sông nước thơ mộng hấp dẫn du khách mỗi lần đi qua. Làng cá bè này thường xắp xếp theo lòng cũ của sông La Ngà và luôn thay đổi hình dạng (xắp xếp lại) phụ thuộc vào mực nước hồ theo mùa trong năm.

Phía đông cầu La Ngà có một đồi cao 25 m. Đây là đồi thềm xâm thực trên đá phiến sét thuộc hệ tầng La Ngà – một vị trí thích hợp để quan sát, lập mặt cắt cảnh quan qua thung lũng sông La Ngà. Từ nhiều năm nay, đồi thềm xâm thực này là điểm dừng học tập đầu tiên trong tuyến lộ trình Thực tập môi trường Đại cương hàng năm của Khoa Môi trường.

Trên đỉnh đồi thềm có tượng đài Chiến Thắng La Ngà nơi diễn ra trận thắng vang dội của quân và dân Đông Nam Bộ vào ngày 1 tháng 3 năm 1948. Tượng đài là một trong những công trình của Cụm di tích Chiến thắng La Ngà đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích, lịch sử cấp quốc gia vào 1986.

Điểm nhìn Cầu La Ngà cùng với Cụm di tích Chiến thắng La Ngà là nơi thích hợp cho việc thăm quan, nghiên cứu, học tập về địa chất, địa mạo núi lửa, thung lũng sông cũng như tìm hiểu về lịch sử của địa danh này.

Hình 8: Sáng sớm trên làng cá bè La Ngà
Hình 8: Sáng sớm trên làng cá bè La Ngà
Hình 9: Hoàng hôn trên làng chài cá bè La Ngà
Hình 9: Hoàng hôn trên làng cá bè La Ngà
Hình 10: Làng cá bè La Ngà (Nguồn: Dungsulk)
Hình 10: Làng cá bè La Ngà (Nguồn: Dungsilk)
Hình 11: Quăng lưới (Nguồn: DungSilk)
Hình 11: Quăng lưới (Nguồn: DungSilk)

2) Thác Mai (G_8)

Địa danh: ấp 9, xã Gia Canh, huyện Định Quán. Tọa độ: 1106’37’’B_107027’9’’Đ.

Thác Mai được hình thành bởi dải đá granodiorit chắn ngang lòng sông La Ngà. Dải đá này dài khoảng 130 m, kéo dài theo hướng tây bắc – đông nam (Hình 12). Bờ tây bắc là thềm cao 5 m gồm cát, sạn (aluvi) phủ trên đá granodiorit. Bờ đông nam là vách thềm cao khoảng 7 m lộ đất đỏ bazan. Độ chênh cao Thác Mai không lớn như các thác ở vùng Tây Nguyên do thác được hình thành nơi sông chảy qua nền đá xâm nhập có độ cứng lớn các nền đá khác.

Tại khu vực Thác Mai còn quan sát được hiện tượng đá chồng (Hình 13) làm cơ sở giải thích cho sự hình thành các khối đá chồng ở khu vực thị trấn Định Quán. Tại đây khá phổ biến hiện tượng phá hủy đá do thực vật. Các rễ cây phát triển theo các hệ khe nứt dần tách các khối đá xâm nhập rắn chắc thành các mảng nhỏ hơn (Hình 14), rồi bị dòng chảy mang đi.

Thác Mai đã được khai thác phục vụ du lịch. Ngoài việc ngắm nhìn cảnh quan thác, một số dạng địa hình khác cũng được sử dụng như đảo giữa dòng (Nhất Đảo Mai), nền đá xâm thực, bãi tắm phía trên thác. Tuy vậy, điểm du lịch này đang dần xuống cấp, một vài công trình không còn được sử dụng hoặc không đảm bảo an toàn cho du khách.

Hình 12: Dải đá granodiorit chắn ngang sông La Ngà tạo nên Thác Mai
Hình 12: Dải đá granodiorit chắn ngang sông La Ngà tạo nên Thác Mai
Hình 13: Đá chồng ở Thác Mai
Hình 13: Đá chồng ở Thác Mai
Hình 14: Hệ thống rễ cây đang tách khối đá xâm nhập
Hình 14: Hệ thống rễ cây đang tách khối đá xâm nhập

V. Kết luận

Có vị trí địa lý thuận lợi (gần các thành phố, các khu đô thị lớn), các geosite địa chất, địa mạo – nguồn tài nguyên địa du lịch đầy tiềm năng khu vực Định Quán nếu được nghiên cứu chi tiết, được khai thác hiệu quả sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tìm hiểu khoa học Trái đất, từ đó sẽ có trách nhiệm trong việc việc bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quí giá này.

Advertisement

Một suy nghĩ 3 thoughts on “TIỀM NĂNG ĐỊA DU LỊCH KHU VỰC ĐỊNH QUÁN, TỈNH ĐỒNG NAI

  1. Thanh HIếu

    có thể mong tác giả chia sẻ thêm một số tư liệu về vấn đề đá ba chồng này được không ạ. vì là người con của đất Định Quán nên rất quan tâm.cảm tạ

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s