Từ năm 2010 đến nay đã bốn lần tới đảo Phú Quốc, trong đó 3 lần hướng dẫn sinh viên khảo sát thực địa làm đề tài và 1 lần đưa gia đình thăm quan đảo. Mỗi lần đến đảo đều chụp khá nhiều ảnh về cảnh quan, môi trường đảo. Mỗi lần đến đều có những kỷ niệm riêng, nhưng đáng nhớ nhất là chuyến khảo sát lần đầu tại đảo.
Tháng 06, năm 2010 dẫn ba sinh viên nghiên cứu thực địa theo các lộ trình quanh đảo. Phú Quốc lúc đó còn hoang sơ, lộ trình khảo sát chủ yếu trên những con đường đất lầy lội, những cầu tre trơn, trượt khi mưa.
Nghiên cứu địa môi trường đảo Phú Quốc thật thú vị, các hệ thống bậc thềm được bảo tồn khá tốt, cấu trúc cuesta hình thành sự bất đối xứng giữa sườn đông và tây đảo. Các di sản địa chất, địa mạo như mũi đá Dinh Cậu, đá chồng An Thới, các bãi biển cát mịn, đẹp làm du khách say đắm.
Cùng chung một lộ trình ban đầu, nhưng ba sinh viên thực hiện ba đề tài theo ba cấp độ khác nhau:
Nguyễn Thanh Thúy (khóa luận) với đề tài “Nghiên cứu giá trị địa chất, địa mạo vùng Hà – Kiên – Phú phục vụ cho việc xây dựng công viên địa chất”
Nguyễn Ngọc Tuyến (luận văn cao học) với đề tài “Đánh giá tổn thương đới ven biển đảo Phú Quốc trong điều kiện mực nước biển dâng”
Lê Hoài Nam (luận án tiến sỹ) với đề tài “Nghiên cứu xói lở bờ biển đảo Phú Quốc trong điều kiện mực nước biển dâng”.
Thúy đã bảo vệ khóa luận vào năm 2010, Tuyến bảo vệ luận văn vào năm 2012, và ngày 14 tháng 10 năm 2016 Nam đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ Khoa học môi trường. Việc bảo vệ đề tài luận án tiến sỹ của Nam xem như thày trò đã hoàn thành nhiệm vụ học tập ban đầu, tạm kết thúc một giai đoạn nghiên cứu đảo Phú Quốc kéo dài khoảng 6 năm.
Những hình ảnh dưới đây là kỉ niệm đợt khảo sát lần đầu tại Phú Quốc.











H & H