Trước chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã có hai luồng ý kiến, cả tán thành và không tán thành. Thế rồi Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án vào ngày 25 tháng 11 năm 2009. Hôm nay ngày 22 tháng 11 năm 2016, thiếu 3 ngày là tròn 7 năm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong phiên họp kín.
Hỏi một cán bộ công tác tại Ninh Thuận (là học trò cũ) cảm nhận về việc Quốc hội dừng dự án điện hạt nhân, câu trả lời thật ngắn gọn: Mừng quá thày ơi!

Dự án được xây dựng trên nền mạo hiểm quá lớn
Đã có những ý kiến của chuyên gia hạt nhân, đại biểu quốc hội về việc chưa nên triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân vì nhiều lý do: Việt Nam phải dựa vào nước ngoài, từ nhân lực, nguyên liệu, vốn đầu tư (75-85% phải vay), đến thiết bị công nghệ…Dưới đây là một trong những ý kiến đó [1].
“Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phát biểu, không tán thành chủ trương đầu tư dự án trong lúc này vì Việt Nam chưa đủ tiềm lực, chưa sẵn sàng làm điện hạt nhân. Nguồn nguyên liệu Uranium để hoạt động trong 10 năm đầu trông chờ hoàn toàn vào nước ngoài, theo đại biểu phân tích là quá bấp bênh.
Không thể coi những thanh nguyên liệu này như các loại hàng hóa khác. Có 100 lý do đối tác có thể đưa ra để không bán và 101 lý do khác để trì hoãn bán. Về giá bán, giai đoạn đầu theo tính toán cần đến 900 triệu USD mua nguyên liệu và cứ sau 18 tháng lại thêm 320 triệu USD nữa”, ông Thuyết lo lắng về bài toán giá thành. Hội đồng thẩm định quốc gia ước tính, giá bán điện hạt nhân sẽ cao gấp 3 lần giá điện hiện tại, không cạnh tranh, có đáng để bỏ tiền xây dựng nhà máy?
Việt Nam hiện chỉ có khoảng 30-40 nhân lực nắm được về điện hạt nhân. 10 năm nữa nhà nước có chuẩn bị được đủ ít nhất 1000 cán bộ nhân viên để vận hành 1 nhà máy?. Đại biểu Thuyết cho rằng, dự án được xây dựng trên nền mạo hiểm quá lớn. “Cho đến giờ phút này tôi không dám bấm nút để thông qua dự án” – ông Thuyết chốt lại.
Ngày 25 tháng 11 năm 2009 Quốc hội biểu quyết thông qua dự án điện hạt nhân
Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dù trước đó còn một số băn khoăn về an toàn bức xạ, sự phụ thuộc vào nước ngoài và hiệu quả kinh tế của dự án [2].
Theo nghị quyết được 77% đại biểu thông qua, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy. Mỗi nhà máy có 2 tổ máy, công suất 2.000 MW. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020 [2]. Vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 200.000 tỷ đồng, sau đó tăng lên 400.000 tỷ. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từng được kỳ vọng đóng góp khoảng 3,6% về công suất và 5,7% về sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia vào năm 2030 [4].
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã phải giải trình và khẳng định điện hạt nhân là lựa chọn thích hợp cho Việt Nam trong bối cảnh than đang cạn, dầu khí cạn rất nhanh và cho đến giờ không có thêm năng lượng thay thế. Mua điện nước ngoài không được nhiều và ngày càng đắt đỏ, năng lượng tái tạo như gió, mặt trời cũng chỉ khai thác được khoảng 1.000 MW [2].
Lý giải việc xây dựng hai chứ không phải một nhà máy hạt nhân, ông Hoàng cho rằng xuất phát từ bài toán cân bằng năng lượng. “Từ năm 2015 trở đi ta phải tính đến nguồn thay thế dần năng lượng hóa thạch truyền thống của ta. Vì than đang cạn dần, dầu khí cạn rất nhanh và cho đến giờ ta không có thêm năng lượng thay thế” [3].
Ngày 22 tháng 11 năm 2016 Quốc hội tán thành dừng dự án điện hạt nhân
Theo vnexpress.net ngày 22 tháng 11 năm 2016 [4]:
Với 92% phiếu thuận, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong phiên họp kín chiều 22/11.
Tờ trình về việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh lần đầu trình bày trước Quốc hội hôm 10/11, sau thời gian dài Bộ đã giao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chuẩn bị thực hiện dự án này.
Lý giải đề xuất trên, Chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho hay một trong những lý do là “thời điểm hiện nay, nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí có giá thành thấp hơn trước, việc đầu tư không cạnh tranh được về kinh tế”.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, “việc dừng dự án không phải với lý do công nghệ, an toàn mà do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay” [5].
Tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án. Mặt khác, Việt Nam cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra [5].
“Quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không dễ nhưng là đúng đắn”, Thứ trưởng Vượng nói và cho rằng “qua việc này chúng ta cũng có bài học sâu sắc, làm sao nâng cao trình độ cán bộ nhất là cán bộ làm chính sách chiến lược, quy hoạch chiến lược sát thực tiễn hơn” [5].
Vậy lý do cốt lõi để dừng dự án ở đây là gì? do than, dầu khí có giá thành thấp hơn trước, việc đầu tư không cạnh tranh được về kinh tế?; do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay? hay do cán bộ làm chính sách chiến lược, quy hoạch chiến lược?
Đây là một trong những dự án tác động rất lớn đến xã hội, có thể Chính phủ đã phải chi phí một lượng tiền khá lớn cho các công việc liên quan trong 7 năm qua; thiết nghĩ Quốc hội cần có một bản tổng kết, đánh giá đầy đủ mọi khía cạnh của dự án, thay vì chỉ là những dòng thông tin khái lược, thiếu thuyết phục.
H & H
Tài liệu tham khảo
[1] P.Thảo. “Phập phồng” với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. http://dantri.com.vn/xa-hoi/phap-phong-voi-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-1258394285.htm
[2] Hồng Khánh. Năm 2014 xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nam-2014-xay-nha-may-dien-hat-nhan-dau-tien-2149662.html
[3] Hồng Khánh. ‘Không thể để điện hạt nhân làm gánh nợ lớn cho con cháu’. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/khong-the-de-dien-hat-nhan-lam-ganh-no-lon-cho-con-chau-2148915.html
[4] Hoài Thu – Võ Hải. Hơn 90% đại biểu Quốc hội tán thành dừng dự án điện hạt nhân. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hon-90-dai-bieu-quoc-hoi-tan-thanh-dung-du-an-dien-hat-nhan-3502801.html
[5] Anh Minh. Chính phủ công bố nguyên nhân dừng dự án điện hạt nhân. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chinh-phu-cong-bo-nguyen-nhan-dung-du-an-dien-hat-nhan-3502869.html