LÝ SƠN, THÁNG 6 NĂM 2017

Ngày 09, chuyến bay BL 226 của hãng Jestar rời sân bay Tân Sơn Nhất lúc 6:45, tới sân bay Chu Lai lúc 7:55, chúng tôi lên taxi (đã đặt trước) đến cảng Sa Kỳ lúc 9:15, lên tàu cao tốc tới cảng An Vĩnh (Đảo Lớn) lúc 10:30; chủ nhà nghỉ Hoa Mai đón về lúc 10:30. Đến Lý Sơn thật thuận tiện, chỉ 3 giờ di chuyển đã có mặt tại hòn đảo nhỏ, đẹp.

Đến Lý Sơn lần này, nhóm Địa môi trường tiếp tục tìm hiểu giá trị các Geosite phục vụ đề tài Địa du lịch Nam Trung Bộ của học viên cao học. Dưới đây là ghi chép cảm nhận về hoạt động du lịch đảo Lý Sơn trong chuyến đi này.

Di chuyển

Bến cảng An Vĩnh thật sự nhộn nhịp, du khách từ đất liền lên cảng, ca nô sang đảo Bé, tàu hàng, hàng quán phục vụ du khách, tất cả diễn ra trong một không gian nắng chói và trật trội.

Tàu cao tốc Sa Kỳ – An Vĩnh có nhiều chuyến hơn so với năm trước. Có thêm ca nô sang đảo Bé, việc bán vé, xắp xếp lên và xuống tàu có vẻ trật tự hơn.

Taxi Tiên Sa 10 chiếc, vài xe khách 16 chỗ là các xe đẹp, mới. Xe Lam bốn bánh và hai bánh (loại xe này phổ biến ở TP. Hồ Chí Minh cách nay hơn 20 năm) nhiều hơn. Xe máy đủ loại thuê từ các nhà nghỉ là phương tiện thích hợp cho du khách di chuyển trên đảo lớn.

Trên đảo Bé, số lượng xe điện (thực tế chạy bằng xăng) hiện nay là 22 chiếc (tháng 3 năm 2016 chỉ có 3 chiếc, tới tháng 6 năm 2016 là 19 chiếc). Nghe nói chính quyền không cho tăng thêm loại xe này nữa.

Công trình

Kè bê tông cao, chống xói lở dọc bờ nam như bức tường chắn tầm nhìn du khách ra biển. Âu thuyền An Vĩnh ở phía Tây cổng Tò Vò và ở vịnh Mù Cu đã hoàn thiện. Một số công trình khác đang triển khai như cảng Bến Đình ở phía Tây giếng Xó La, một công trình biển khác ở phía tây chùa Hang?, cầu cảng đảo Bé đang được nâng cấp.

Chiếm vị thế xây dựng đẹp nhất đảo Lớn là khách sạn Mường Thanh Lý Sơn cao ngất ngưởng, qua quảng cáo được biết đây là khách sạn bốn sao với đủ tiện nghi như nhà hàng, trung tâm hội nghị, massage, karaoke, bar coffee. Không biết du khách đến nghỉ ở khách sạn bốn sao này thuộc loại gì, nhưng chắc chắn không phải là những người ra đảo để thưởng thức các giá trị của tự nhiên và gần gũi với người dân bản địa.

Hàng loạt khách sạn nằm chen chúc ở khu vực cầu cảng An Vĩnh đã đi vào hoạt động. Với lượng du khách tăng nhanh, tương lai Lý Sơn sẽ có thêm những khách sạn khác.

Lối vào hang Câu nay đã có cổng chào. Một doanh nghiệp nào đó đang đắp những ụ đất tạo cảnh cùng với bảng thông báo về những trò giải trí như chèo xuồng Kayak, lặn ngắm san hô…rất có thể lần sau đến Hang Câu sẽ phải mua vé vào cổng?

Một thanh chắn dọc đường lên hồ Thới Lới đã được lắp đặt để đảm bảo an toàn cho những du khách chạy xe máy. Tương lai chắc sẽ có thêm thanh chắn dọc bờ vách Hang Câu?

Dịch vụ du lịch

Nhà Trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải luôn mở cửa, số hiện vật dường như không được bổ sung,  hỏi thêm thông tin cũng khó vì không thấy nhân viên trực.

Hàng trăm ngàn lượt du khách đến đảo hàng năm, thiếu một trung tâm du khách để giới thiệu về văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên… hay hướng dẫn các tour trên đảo Lý Sơn là một điều đáng tiếc.

Tại những điểm thăm quan như Hang Câu, Chùa Hang, Cổng Tò Vò, những lều, quán tạm bợ vừa thiếu mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường. Cấu trúc núi lửa Hang Câu đẹp như vậy, đi sâu vào hang khai nhức mũi. Rác thải, nước thải trên bãi biển phía tây Chùa Hang làm cho bãi biển vừa bẩn vừa hôi.

Đi thuyền thúng lặn biển ngắm san hô, đi thuyền năng lượng mặt trời ngắm cảnh quan núi lửa từ biển, lều ngủ đêm trên bãi biển, cầu tạm…đều là những dịch vụ tự phát.

An toàn du khách

Các núi lửa đảo Lý Sơn có tuổi rất trẻ (khoảng 2000 năm), các vật liệu vụn cấu trúc lên núi lửa này có mức độ gắn kết yếu nên có thể rơi, lở (sập) bất cứ lúc nào.

Việc chạy xe ô tô, xe máy lên miệng núi lửa Hang Câu – Chùa Hang và Thới Lới cũng tiềm ẩn rủi ro. Thực ra tuyến lộ trình này thích hợp cho người đi bộ, vừa an toàn, vừa có điều kiện ngắm cảnh.

Tại gờ miệng núi lửa Thới Lới, người viết bài này thót tim khi thấy một ông bố cho hai cháu bé đứng để chụp hình đúng lúc mây đen kéo đến và gió mạnh tràn qua.

Đường bê tông trên đảo Bé chỉ vừa làn xe điện chạy, người đi bộ luôn thấp thỏm và giật mình tránh vội ra lề mỗi khi những chiếc xe này chay qua.

Đất, cát, nước và tỏi

Đất đỏ, cát trắng là hai loại tài nguyên quan trọng trên đảo Lý Sơn. Đặc sản tỏi Lý Sơn không thể thiếu hai loại tài nguyên này. Đất đỏ và cát trắng (cát vụn san hô) ngày càng khan hiếm. Đất đỏ nay tới 250 ngàn đồng/1 m3, cát trắng khoảng 200 ngàn đồng/1 m3 chưa tính tiền vận chuyển.

Nước ngầm đảo Lớn tạm đủ cho mùa vụ quanh năm. Nước cho đảo Bé vẫn còn khó khăn, mùa vụ thất thường, có năm mất trắng.

Tỏi đảo Lý Sơn đã nổi tiếng từ lâu, nhưng để mua đúng tỏi Lý Sơn làm quà không phải dễ. Đây cũng là một trong những vấn đề du lịch đảo Lý Sơn.

Bàng vuông, phong ba, bão táp

Bàng vuông, phong ba và bão táp khá phổ biến trên đảo Lý Sơn. Những cây này phát triển tốt trên cát san hô có hơi nước mặn từ biển; chúng có sức sống mãnh liệt, chịu được điều kiện khắc nghiệt, có tác dụng chống gió bão.

Những cây bàng vuông cao, to có tán rộng, hoa đẹp, quả vuông cho bóng mát trên đảo nắng cũng là nét đặc thù của Lý Sơn.

Bàng vuông, phong ba và bão táp cùng nhiều loài cây khác trên đảo Lý Sơn nếu được khai thác về các khía cạnh như sử dụng, cảnh quan, chữa bệnh…sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với du khách.

Có tiềm năng về tự nhiên và văn hóa, du lịch khởi sắc, du khách đến Lý Sơn ngày một nhiều, người dân đảo phấn khởi vì có thêm công ăn việc làm. Nhưng Lý sơn cũng thay đổi từng ngày, diện tích bê tông hóa tăng dần, di sản thiên nhiên đang dần mất đi tính nguyên dạng, du lịch sơ khai, tự phát đang làm suy giảm chất lượng môi trường.

Theo năm tháng, dường như Lý Sơn đang xa dần các tiêu chí của một CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT.

Ô tô và xe máy vận chuyển du khách lên miệng núi lửa Hang Câu-Chùa Hang
Bến ca nô sang đảo Bé; rác thải, thức ăn thừa được du khách vô tư ném xuống nước
Xe điện chở khách trên đảo Bé
Khách sạn, nhà nghỉ sát nhau tại cảng An Vĩnh
Lối vào Hang Câu nay có cổng trào và các kios
Đường bê tông và thanh chắn lên đỉnh Thới Lới
Dân tự làm cầu ra Bàn Than Đông, đảo Bé (5000 đồng cho một lượt lên cầu)
Bản đồ tuyến điểm du lịch Lý Sơn vẫn đặt ngược
Một phần đỉnh Núi Meo đã bị lở, rơi xuống bãi biển
Khe nứt cổng Tò Vò mở rộng dần
Cây bàng vuông trong khuôn viên nhà nghỉ Hoa Biển
Hoa bàng vuông bắt đầu nở vào khoảng 18 giờ và lụi tàn vào sáng sớm hôm sau
Cây phong ba trên đảo Bé
Hàng cây bão táp ven đường ra Bàn Than Đông và hòn Vợ Chồng trên đảo Bé

H & H

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s