ĐỊA DU LỊCH AN GIANG – TIỀM NĂNG CẦN ĐƯỢC KHAI THÁC

Hà Quang Hải*, Lê Nguyên Cẩn**

*Trường Đại học khoa học Tự nhiên, Đại học QG. TP.HCM

**Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang

Bài báo này được trích từ chuyên đề “Tiềm năng Địa du lịch Tỉnh An Giang” thuộc nhóm các “Báo cáo chuyên đề và đề xuất các định hướng nghiên cứu” do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang chủ trì.

Các tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành tới:

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Anh Giang đã tạo nhiều điều kiện cho việc thực hiện chuyên đề này.

Cán bộ thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc đã hỗ trợ trong công tác thực địa.

Lãnh đạo và các cán bộ Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo đã cung cấp tài liệu và hướng dẫn thăm quan một số di tích tại Óc Eo.

1.Giới thiệu

An Giang là tỉnh có tài nguyên địa chất, địa mạo đa dạng bao gồm nhiều loại đất, đá;  núi, đồi; đồng bằng, đầm lầy; sông, kênh và hồ nước. An Giang là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Kinh – Chăm – Hoa – Khmer với một nền văn hóa độc đáo, đa sắc màu. Sự đa sắc màu văn hóa hình thành và phát triển trên nền địa chất, địa mạo đa dạng đã tạo cho An Giang một tiềm năng lớn về du lịch.

Những điểm thu hút du khách tại An Giang bao gồm: Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam, đỉnh Núi Cấm (huyện Tịnh Biên); tham quan dâng hương tại Nhà mồ Ba Chúc, Đồi Tức Dụp (Tri Tôn). Khách đến An Giang chủ yếu là khách hành hương kết hợp tham quan du lịch [3], có thể nói du lịch tâm linh là loại hình du lịch ưu thế trong thời gian qua.

Những điểm du lịch tâm linh cũng như các danh thắng khác tại An Giang được dựa vào núi, đồi, đầm lầy, cồn bãi… như Núi Cấm, Núi Sam, Núi Két, rừng tràm Trà sư…tức là dựa vào yếu tố địa chất và địa mạo; nói cách khác tài nguyên thiên nhiên là nền tảng cho tài nguyên văn hóa (tôn giáo, lịch sử, thẩm mỹ, nghệ thuật…). Những nghiên cứu mới hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, giá trị văn hóa được xem là các giá trị bổ sung của các di sản tự nhiên (địa chất, địa mạo).

Như vậy có thể thấy du lịch hiện nay ở An Giang mới chỉ khai thác một phần của giá trị tự nhiên. Để khai thác toàn diện hơn giá trị nguồn tài nguyên này, phát triển địa du lịch đang là hướng đi mới.

2.Sơ lược về Địa Du lịch

Phần này trình bày định nghĩa, tính chất và đặc điểm cơ bản về địa du lịch dựa vào các công bố của Ross K. Dowling [5, 6].

2.1 Định nghĩa

Địa du lịch là một hình thức du lịch tự nhiên tập trung vào các cảnh quan địa chất. Nó thúc đẩy du lịch tại các di sản địa chất (Geosites) và bảo tồn đa dạng địa học (Geodiversity) cũng như sự hiểu biết về khoa học Trái đất thông qua bảo tồn và học tập. Điều này đạt được thông qua việc tham quan các đặc điểm địa chất theo các đường mòn địa chất (geotrails) các điểm nhìn (view points), hướng dẫn du lịch, các hoạt động địa chất và bảo trợ của trung tâm du khách tại các geosite”.

2.2 Tính chất địa du lịch

Nhìn chung, địa du lịch cung cấp nhiều sản phẩm như: các đặc điểm địa chất, địa mạo, cơ sở hạ tầng, quá trình giải thích (diễn giải), lập kế hoạch, và quản lý bởi vì địa du lịch không chỉ là hiện tượng địa chất; nó còn bao gồm các cơ sở và dịch vụ du lịch, quản lý du lịch, các điểm hấp dẫn địa chất, giải thích sinh động và hiệu quả, lập kế hoạch linh hoạt và các hoạt động thú vị. Mặt khác, địa du lịch phản ánh nét đặc trưng và các quá trình xảy ra tại một geosite (Hình 1).

Hình 1. Nhận thức về tính chất và phạm vi của địa du lịch [6]. Tài nguyên thiên nhiên – đó là các Dạng (FORM) thành tạo địa chất, địa mạo bao gồm: cảnh quan, các dạng địa hình, các điểm lộ đá, các loại đá, các loại trầm tích, kiểu đất và các khoáng vật, chúng là sản phẩm của các Quá trình (PROCESS) địa chất, địa mạo. Phần ‘du lịch’ trong địa du lịch là hoạt động tham quan, học tập và thưởng thức di sản địa chất (geosite). Nhìn chung, địa du lịch là sự kết hợp các yếu tố địa chất của ‘Dạng’ và ‘Quá trình’ với các thành phần của Du lịch như sự hấp dẫn, chỗ ở, chuyến thăm quan, hoạt động, diễn giải cũng như quy hoạch và quản lý.

2.3 Địa du lịch – loại hình du lịch bền vững

Địa du lịch là loại hình du lịch đặc biệt tập trung vào các giá trị địa chất và cảnh quan. Các du khách có thể thăm quan các khu vực tự nhiên hoặc các khu đô thị/xây dựng hoặc bất cứ nơi nào có sự thu hút đặc điểm địa chất. Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa địa du lịch và các loại hình du lịch tự nhiên khác vì theo định nghĩa du lịch tự nhiên chỉ diễn ra ở các vùng tự nhiên.

Ngoài trọng tâm là trải nghiệm các đặc điểm địa chất của trái đất, bảo tồn địa di sản; địa du lịch giúp tăng cường sự hiểu biết môi trường và xã hội cũng như mang lại lợi ích cho địa phương, giúp xây dựng cộng đồng. Như vậy địa du lịch chính là loại hình du lịch bền vững, có thể xem địa du lịch là hình thức du lịch thân thiện với môi trường.

3.Tiềm năng địa du lịch An Giang

3.1 Địa tầng, magma

Trên diện tích tỉnh An Giang có sự hiện diện 11 phân vị địa tầng và phức hệ magma xâm nhập. Đá cổ nhất thuộc hệ tầng Tà Pạ tuổi Trias thượng – Jura hạ (T3 – J1tp), trẻ nhất là các trầm tích hiện đại tuổi Holocen muộn có nguồn gốc sông, sông đầm lầy, đầm lầy.

Hệ tầng Tà Pạ và hệ tầng Xa Lon (J3xl) là hai hệ tầng được thiết lập từ những quan hệ địa chất tại hai địa danh Tà Pạ và Xa Lôn thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang [1].

Magma xâm nhập vùng Bảy Núi gồm: Phức hệ Định Quán tuổi Kreta sớm pha 1: Diorit aphibol biotit (Di/K1dq1) và pha 2: Granodiorit biotit (GDi/K1dq2). Phức hệ Đèo Cả tuổi Kreta gồm pha 2: Granit – granosyenit (G/Kđc2), pha 3: Granit granosyenit (G/Kđc3) và pha đá mạch: aplit (a/Kđc). Phức hệ Ankroet tuổi Kreta muộn chủ yếu là đá granite (G/K2ak). Phức hệ Cù Mông tuổi Paleogen chủ yếu là đá mạch gabrodiaba porphyr, andesit porphyr (Gby/Ecm).

Đá magma phun trào có sự hiện diện hệ tầng Nha Trang tuổi Kreta (Knt), đá thuộc tướng á núi lửa, thành phần chủ yếu là ryolit porphy.

Hoạt động khai thác đá đã làm mất đi địa hình nguyên thủy tại Tà Pạ và Xa Lôn cũng như một số vị trí khác, các vết lộ tự nhiên quan sát trước đây có thể không còn, nhưng lại có thể bộc lộ những điểm quan hệ địa chất mới?. Điều tra bổ sung để có giải pháp bảo tồn các điểm lộ phục vụ cho nghiên cứu và khoa học là việc làm cần thiết.

3.2 Địa hình – Địa mạo

An Giang nổi bật với địa hình núi, đồi sót và đồng bằng ngập lụt.

Núi, đồi với Thất Sơn hùng vĩ – một địa danh nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ. Vùng Thất Sơn thuộc huyện Tịnh Biên và Tri Tôn gồm bốn cụm khối núi (Phú Cường, Cấm, Dài, Tô) xếp dài theo hướng bắc nam khoảng 34 km, chiều ngang theo hướng đông tây khoảng 18 km, cao nhất là núi Cấm 705 m. Những huyện khác như An Phú, Châu Đốc và Thoại Sơn cũng có rải rác các núi thấp như núi Nổi, cụm núi Ba Thê, cụm núi Sập.

Địa hình đồng bằng thấp có độ cao phổ biến 1,0 – 2,0 m chiếm phần lớn diện tích tỉnh An Giang. Đây là đồng bằng ngập lụt do sông Tiền và sông Hậu bồi đắp, các dạng địa hình cơ bản bao gồm: Đê ven sông Tiền, sông Hậu, vùng trũng giữa sông Tiền và sông Hậu, Đồng bằng sau đê ven sông, Đồng bằng ven chân núi, các cù lao cổ và trẻ.

3.3 Thủy văn

Sông Tiền, sông Hậu là hai sông lớn đã hình thành nên địa hình dòng chảy đa dạng. Hàng năm, hai sông này mang một lượng phù sa lớn bồi đắp cho đồng bằng Tây Nam Bộ. Một hệ thống sông, rạch tự nhiên và kênh đào dày đặc trên đồng bằng tạo nên một mạng dòng chảy đa dạng.

Sự đa dạng dòng chảy An Giang là nhân tố quyết định hình thành các dạng địa hình vùng đồng bằng ngập lụt và mùa nước nổi An Giang bao phủ đồng bằng hay ven vùng núi là kiểu môi trường địa chất duy nhất của Việt Nam. Đặc điểm này nên được xem là lợi thế trong phát triển địa du lịch, một hiện tượng địa chất đặc thù của Việt Nam.

3.4 Khí hậu

Nền nhiệt cao và ổn định quanh năm, khoảng 26 – 28oC. Mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) nắng chói chang, mỗi ngày có tới 10 giờ nắng. Mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11). Lượng mưa năm trong khoảng 1.400 – 1500 mm, lượng mưa trong các tháng khá điều hòa. Trong mùa mưa, có tới 7 giờ nắng mỗi ngày [2].

Khí hậu điều hòa chính là nguồn tài nguyên thiết yếu ảnh hưởng tích cực đến phát triển du lịch. An Giang có thời tiết thích hợp cho việc phát triển loại hình địa du lịch, du lịch chữa bệnh và nghỉ dưỡng. 

3.5 Các geosite – điểm du lịch tiềm năng ở An Giang

1) Geosite Núi Sam

Geosite Núi Sam thuộc cảnh quan núi sót cao 228 m, đỉnh nhọn, cấu tạo bởi đá granit phức hệ Ankroet. Trên bình đồ Núi Sam có dạng gần như đẳng thước, chiều bắc nam 2,0 km, chiều đông tây 1,8 km. Liên quan đến tên Núi Sam có hai truyền thuyết: 1) trên bình đồ, núi có dáng dấp như con sam và 2) thời xưa ở đây nước dâng rất cao, xung quanh núi có nhiều con sam đeo.

Là núi sót nhô cao trên đồng bằng nên Núi Sam cũng là điểm nhìn ấn tượng để chiêm ngưỡng cảnh quan như: cánh đồng Châu Phú mênh mông bao quanh núi đổi màu theo thời vụ, màu xanh của mạ, màu vàng của lúa chín; các kênh đào thẳng tắp, nhất là kênh Vĩnh Tế phía tây bắc (Hình 2); thành phố Châu Đốc phía đông bắc; vào những ngày quang mây, từ chùa Hang có thể nhìn thấy tượng phật Di Lặc trên đỉnh Núi Cấm phía tây nam.

Hình 2. Cảnh quan phía tây Chùa Hang.         Hình 3. Lăng Thoại Ngọc Hầu (Sơn Lăng)

Núi Sam nổi tiếng là điểm du lịch tâm linh và lịch sử với những di tích thu hút một lượng lớn du khách hàng năm như: Miếu Bà Chúa Xứ, Chùa Tây An, Chùa Hang, Lăng Thoại Ngọc Hầu (Hình 3). Đó là những di tích gắn với nhiều huyền thoại và truyền thuyết từ thời khai khẩn, mở mang bờ cõi.

Tâm linh và lịch sử là những giá trị bổ sung nổi bật của geosite Núi Sam, trong khi đó giá trị khoa học địa chất, địa mạo của geosite này chưa được minh giải một cách tường tận. Nghiên cứu chi tiết cấu tạo địa chất, các dạng vi địa hình bổ sung tư liệu cho Núi Sam sẽ làm cho cụm điểm di tích này giá trị hơn nữa.

2) Geosite Bảy Núi

Geosite Bảy Núi thuộc kiểu Cảnh quan đồi, núi sót. Geosite này gồm bốn cụm (Hình 4) cấu tạo chủ yếu bởi đá magma, từ bắc xuống nam gồm: Phú Cường, Cấm, Dài và Tô. Các núi nhô cao nổi bật trên bề mặt đồng bằng, đỉnh cao nhất của cụm núi Cấm là 705 m, có thể xem là nóc nhà của Tây Nam Bộ.

Cảnh quan Bảy Núi là đối tượng thích hợp cho nghiên cứu, học tập địa mạo vùng núi cho học sinh, sinh viên các trường từ phổ thông đến đại học ở Tây Nam Bộ, nơi mà địa hình đồng bằng chiếm phần lớn diện tích. Sơ bộ nhận thấy có mối quan hệ về mặt hình thái với nguồn gốc và thành phần thạch học như các khối núi cao, đỉnh nhọn, sườn dốc được cấu tạo bởi magma xâm nhập (thuộc phức hệ Định Quán, Đèo Cả) và magma phun trào (thuộc hệ tầng Nha Trang); các núi cấu tạo bởi các đá cát kết, bột kết thuộc hệ tầng Tà Pạ tạo nên kiểu địa hình cuesta.

Bao bọc xung quanh geosite Bảy Núi là đồng bằng, đầm lầy và kênh rạch, trong đó có những điểm đến hấp dẫn có giá trị sinh thái hay lịch sử như rừng tràm Trà Sư, kênh Vĩnh Tế…

Hình 4. Địa hình khu vực Bảy Núi

Geosite Bảy Núi rất khả thi trong việc xây dựng các tuyến địa du lịch như: đường mòn địa chất (geotraile), đi bộ thám hiểm đường dài (trecking), địa du lịch thể thao-mạo hiểm kết hợp giữa tìm hiểu giá trị khoa học trái đất và các giá trị bổ sung kèm theo (lịch sử, tâm linh, địa sử…).

3) Geosite Tà Pạ

Geosite Tà Pạ thuộc kiểu địa tầng. Tại đây lộ các đá bột kết, cát kết, đá phiến, cát kết chứa cuội (Hình 5). Ranh giới dưới chưa quan sát được, ranh giới trên trên bị xâm nhập phức hệ Định Quán (Hình 6) xuyên cắt và bị cuội kết cơ sở của hệ tầng Xa Lôn phủ lên [1]. Dựa vào mặt cắt này các tác giả thiết lập hệ tầng Tà Pạ có tuổi Trias muộn – Jura sớm (T3-J1tp).

Hình 5 (trái). Bột kết màu tím xen trong cát kết hệ tầng Tà Pạ. Hình 6 (phải). Đá xâm nhập phức hệ Định Quán xuyên cắt các đá hệ tầng Tà Pạ. Ảnh Trương Công Đượng

Đồi Tà Pạ hiện nay là khu mỏ đá bỏ hoang. Moong khai thác đá nay là hồ nước (Hình 7), những tháp đá (Hình 8) đã hình thành kiểu địa hình mới lạ thu hút một số du khách thăm quan.

Đồi Tà Pạ sẽ là điểm đến hấp dẫn của huyện Tri Tôn nếu qui hoạch khu mỏ đá bỏ hoang này cùng với chùa Tà Pạ (chùa Chơn Num)… thành điểm du lịch.

Hình 7 (trái). Một phần moong khai thác đá Tà Pạ nay là hồ nước trong xanh. 
Hình 8 (phải). Tháp đá để lộ các tầng bột kết, cát sạn kết cắm về tây bắc với góc dốc 15o.

4) Geosite Xa Lôn

Geosite Xa Lôn thuộc kiểu địa tầng. Tại đây lộ mặt cắt cuội kết, tuf tảng và phun trào andesit được nghiên cứu chi tiết. Một lỗ khoan sâu 200 m được thực hiện để nghiên cứu bổ sung cho mặt cắt này. Dựa vào tài liệu địa chất mặt cắt và lỗ khoan các tác giả đã thiết lập hệ tầng Xa Lôn tuổi Jura muộn (J3xl).

Hình 9. Cuội kết cơ sở hệ tầng Xa Lôn phủ trên cát kết chứa cuội, bột kết hệ tầng Tà Pạ. Ảnh Trương Công Đượng

Theo mô tả [1] đây là mặt cắt khá đẹp về hệ tầng Xa Lôn. Tại mặt cắt này, ranh giới dưới của hệ tầng phủ trên cát kết chứa cuội, bột kết màu tím của hệ tầng Tà Pạ (Hình 9) và ranh giới trên bị phun trào ryolit porphyr của hệ tầng Nha Trang (K2nt) phủ lên.

5) Geosite Óc Eo – Ba Thê

Geosite Óc Eo – Ba Thê thuộc kiểu cảnh quan địa mạo núi sót bao gồm cụm núi Ba Thê (Ba Thê, Nhỏ, Tượng, Trọi, Chóc) và vùng đồng bằng bao quanh, nơi có di tích văn hóa Óc Eo.

Hình 10 (trái). Cảnh quan địa mạo núi sót Óc Eo – Ba Thê. Hình 11 (phải). Từ trên đỉnh núi Ba Thê có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thị trấn Ba Thê và đồng bằng bao quanh

Hai giá trị khoa học địa chất nổi bật của geosite này gồm:

– Núi Ba Thê (Hình 10) nhô cao trên đồng bằng bằng phẳng. Đỉnh núi Ba Thê – một điểm nhìn lý tưởng. Từ đây có thể chiêm ngưỡng những ruộng lúa bằng phẳng được phân chia bởi những dòng kênh thẳng tắp cắt nhau như ô bàn cờ (Hình 11). Vào mùa nước nổi, Ba Thê trở thành hòn đảo trên những cánh đồng khi đã ngập nước mênh mông.

– Các lòng sông cổ để lại dấu vết trên bề mặt đồng bằng lân cận di tích Óc Eo, trong đó Kênh 4 là kênh dài nhất (80 km) gần như một đường thẳng từ Angkor Borei đến Óc Eo.

Kênh 4 là một trong bốn kênh rạch dẫn từ trung tâm nông nghiệp Funan của Angkor Borei lần đầu tiên được vẽ bởi nhiếp ảnh gia hàng không Pierre Paris vào những năm 1930. Các cuộc khai quật tiếp theo của Louis Malleret trong những năm 1940, cuộc khảo sát do Janice Stargardt dẫn đầu trong những năm 1970 và bản đồ không ảnh của Finnmap Oy trong những năm 1992-1993 đã bổ sung thêm thông tin[4].

Nếu được nghiên cứu khôi phục vị trí và hình dạng, các lòng sông cổ, cửa biển cổ sẽ góp phần làm sáng tỏ bối cảnh của vương quốc Phù Nam vào giai đoạn hưng thịnh cũng như giúp luận giải sự suy tàn của vương quốc này ?.

Hai giá trị bổ sung cho geosite Óc Eo – Ba Thê gồm:

– Khảo cổ: khu di tích văn hóa Óc Eo – dấu vết của vương quốc Phù Nam xưa, vốn là một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á cách nay khoảng 2000 năm. Di chỉ văn hóa Óc Eo có trung tâm là khu vực núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo) và các xã Vọng Thê, Vọng Đông, huyện Thoại Sơn.

– Tâm linh: Trên đỉnh núi Ba Thê có ngôi chùa cổ Sơn Tiên Tự được dựng vào năm 1933. Trước sân chùa có tượng Phật Quan Thế Âm bồ tát cao chừng 8 m (Hình 12). Cạnh chùa có một khối đá granit mà trên đó có dấu lõm dạng bàn chân được nhà chùa ghi là “bàn chân tiên” – một điểm nhấn gắn với câu truyện thần thoại đặc biệt thu hút du khách.

Hình 12. Tượng Phật Quan Thế Âm bồ tát trên đỉnh núi Ba Thê

Ở chân núi Ba Thê có Chùa Linh Sơn còn được gọi là chùa Phật bốn tay xây dựng năm 1913. Năm 2012 chùa được xếp vào loại hình kiến trúc tiêu biểu trong quần thể Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê. Chùa Linh Sơn là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của tỉnh An Giang.

Geosite Óc Eo – Ba Thê có thể trở thành điểm đến Địa du lịch – Lịch sử – Khảo cổ – Tâm linh nếu được nghiên cứu, phục dựng mô hình cổ địa lý giai đoạn phát triển vương quốc Phù Nam bổ sung cho giá trị khoa học địa chất, địa mạo và giá trị khảo cổ hiện có.

6) Geosite sông Tiền

Sông Tiền từ biên giới với Campuchia đến đuôi cù lao Giêng dài khoảng 80 km thuộc kiểu sông bện tết với hệ thống cù lao cổ gần như nối tiếp nhau bao gồm cù lao Long Khánh, cù lao Long Thuận và cù Lao Tây (thuộc tỉnh Đồng Tháp).

Các cù lao trẻ (cồn) hình thành và phát triển giữa sông Tiền (đoạn sông phía bắc Tân Châu) chính là hình ảnh quá khứ của các cù lao cổ nói trên. Có thể lấy cồn Chính Sách làm ví dụ:

– Ảnh vệ tinh năm 1985 (Hình 13) cho thấy lòng sông Tiền (phía đông xã Vĩnh Hòa) chỉ có hai cù lao nhỏ;

– Ảnh vệ tinh năm 2015 cù lao này đã phát triển thành cồn Chính Sách, mở rộng tới 1,2 km; dài tới 7,2 km (Hình 14).

Hình 13 Trên ảnh vệ tinh năm 1985, các cồn giữa lòng sông Tiền nhỏ, phân bố rải rác.Nguồn Google Earth nh năm 1985). Nguồn Google Earth
Hình 14. Trên ảnh vệ tinh năm 2015, hai cồn nhỏ phía đông xã Vĩnh Hòa phát triển thành cồn Chính Sách rất rộng.Nguồn Google Earth

Sự hình thành cồn Chính Sách là ví dụ sinh động về hiện tượng “Đảo trôi” – bài học giáo khoa trong khoa học địa mạo. Đảo trôi bồi tụ mở rộng diện tích sẽ dẫn đến hiện tượng xói lở hai bờ sông (Hình 15). Hiện tượng xói lở nhiều năm thấy rất rõ dọc bờ sông Tiền thuộc Tân Châu và Hồng Ngự. Đảo trôi là hiện tượng cù lao hình thành giữa dòng sông mà luôn bị xói lở đầu cù lao (Hình 16) và bồi tụ phần đuôi cù lao.

Có một thực tế rằng, trong nhiều năm qua, nhiều công trình nghiên cứu chỉ tập trung vào hiện tượng xói lở bờ sông mà quên mất hiện tượng bồi tụ. Kết quả là các phương tiện thông tin đại chúng chỉ nói đến xói lở gây mất đất, mất nhà, mất người…mà hầu như không nói gì đến các cù lao hình thành do bồi tụ?

Hình 15 (trái). Bồi tụ cồn Chích Sách đẩy dòng chảy về phía tây gây xói lở bờ sông tại ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa, Tân Châu. Ảnh Trương Ngọc Bích
Hình 16 (phải). Đầu cồn Chích Sách đang bị xói lở – hiện tượng đảo trôi thường được giới thiệu trong giáo trình địa mạo đại cương. Ảnh Trương Ngọc Bích

Có thể xem các cù lao trẻ giữa dòng là mô hình thực tế minh họa cho kiểu geosite chủ động. Đưa mô hình này phục vụ nghiên cứu, học tập cũng như thăm quan du lịch sẽ thực sự bổ ích cho du khách.

7) Geosite sông Hậu

Sông Hậu từ biên giới với Campuchia đến hết địa phận thành phố Long Xuyên dài khoảng 100 km, cũng thuộc kiểu sông bện tết với các dấu ấn thể hiện trên địa hình là các cù lao cổ bao gồm các gờ cao và trũng xen kẽ nhau.

Một hệ thống cù lao cổ từ Campuchia qua Khánh An, Phú Hữu, Phước Hưng đến Vĩnh Trường (huyện An Phú) cho thấy sự dịch chuyển phức tạp của sông Hậu trong quá khứ. Búng Bình Thiên kéo dài theo hướng tây – đông và đoạn sông dạng chữ “U”, nơi hội lưu giữa sông Bình Di, sông Tà Keo và sông Châu Đốc cho chúng ta một gợi ý về sự dịch chuyển dòng sông Hậu từ tây sang đông, cũng có thể xảy ra hiện tượng cướp dòng ở khu vực này.

Các cù lao dọc sông Hậu thường nhỏ hơn sông Tiền, mỗi cù lao đều có những nét văn hóa đặc thù. Cù lao Vĩnh Trường (huyện An Phú) có làng Chăm ở ấp La Ma; cù lao Khánh Hòa (huyện Châu Phú) có ẩm thực nổi tiếng là mắm Ba Vui), cù lao Bình Thủy còn gọi là cù lao Năng Gù (huyện Châu Phú) có di tích Đình thần Bình Thủy cổ kính (Hình 17), là một công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật độc đáo. Cù lao Năng Gù còn có nhiều căn nhà to đẹp trang trí kiểu Pháp. Cù lao Ông Hổ có khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng (Hình 18).

Hình 17 (trái). Đình Thần Bình Thủy trên cù lao Năng Gù. Nguồn Internet
Hình 18 (phải). Tòa nhà chính của khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng trên cù lao Ông Hổ. Nguồn Internet

Geosite sông Tiền và sông Hậu thuộc kiểu geosite thủy văn chủ động (geosite hoạt động). Phát triển tuyến địa du lịch dọc theo geosite này sẽ nhận được những kiến thức trực quan, sinh động về hoạt động của sông hiện đại bao gồm động lực dòng chảy theo mùa (lũ và kiêt), những đảo trôi giữa dòng giải thích cho sự hình thành cù lao, các quá trình xói lở và bồi tụ đan xen phản ánh qui luật phát triển tự nhiên của sông ngòi.

Ghé thăm những thành phố, thị trấn cổ kính ven sông như Tân Châu, Châu Đốc, Long Xuyên hay những cù lao thanh bình và hấp dẫn với những giá trị văn hóa, dân tộc độc đáo sẽ là những trải nghiệm thú vị và ấn tượng của du khách.

5.Kết luận và khuyến nghị

An Giang có sự đa dạng về địa chất, địa mạo: Về địa chất có sự hiện diện 11 phân vị địa tầng và phức hệ magma, cổ nhất là các đá thuộc hệ tầng Tà Pạ được hình thành cách ngày nay khoảng 200 triệu năm, trẻ nhất là các trầm tích hiện đại nguồn gốc sông do sông Tiền, sông Hậu bồi đắp hàng năm. Về địa mạo có sự hiện diện nhiều dạng địa hình với qui mô khác nhau bao gồm núi, đồi, đồng bằng thấp trải rộng, đồng bằng cao hẹp viền quanh núi, trũng lầy, hồ nước, đê thiên nhiên, hệ thống cù lao cổ, trẻ giữa sông và các bãi bồi ven sông.

An Giang có bốn dân tộc (Kinh – Chăm – Hoa – Khmer) hội tụ và cùng chung sống. Mỗi dân tộc có riêng một tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục đã tạo nên tính đa sắc màu văn hóa của mảnh đất An Giang – tỉnh đầu tiên của Tây Nam Bộ đón nhận những hạt phù sa từ sông Tiền, sông Hậu – hai dòng chảy lớn của sông Mê Công nổi tiếng thế giới.

Đa dạng văn hóa hình thành trên một nền tự nhiên đa dạng là tiềm năng rất lớn để An Giang phát triển địa du lịch – một loại hình du lịch mới đang được một số nước trên thế giới áp dụng và đạt được kết quả tốt. Địa du lịch là giải pháp giúp địa phương bảo tồn các di sản tự nhiên, di sản văn hóa và nâng cao đời sống của cộng đồng các dân tộc.

Để có cơ sở phát triển loại hình địa du lịch, những nội dung dưới đây cần được đầu tư nghiên cứu:

– Kiểm kê, đánh giá các geosite về giá trị khoa học và các giá trị bổ sung (sinh thái, thẩm mỹ, văn hóa và kinh tế) để có kế hoạch bảo tồn, phục vụ nghiên cứu khoa học, học tập và du lịch.

– Hiệu chỉnh bản đồ địa hình vùng Bảy Núi cùng với việc định rõ vị trí, định danh cụ thể cho bảy ngọn núi được gọi là “THẤT SƠN” cũng như các ngọn núi khác. Mô tả chi tiết đặc điểm hình thái và cấu trúc của từng ngọn núi.

– Lập bản đồ hệ thống các bờ biển cổ, cảng biển cổ, lòng sông cổ; tìm hiểu hiện tượng dịch chuyển dòng hay cướp dòng của sông Hậu hiện đại đối với sông Hậu cổ?, định rõ hình thái kênh 4 từ Angkor Borei tới Óc Eo để bổ sung tư liệu cho văn hóa Óc Eo.

– Tiến hành cải tạo, qui hoạch những moong khai thác bỏ hoang thành các điểm du lịch để tránh lãng phí diện tích đất đai, ô nhiễm môi trường cũng như rủi ro đối với con người và vật nuôi.

Để kết thúc bài viết này, xin trích dẫn đoạn dưới đây từ trang web của Tổ chức Phát triển Địa du lịch [7].

Tổ chức Phát triển Địa du lịch (GDF) tin tưởng rằng, du lịch làm cho thế giới trở nên tốt hơn. Du lịch tạo ra thu nhập và việc làm cho người nghèo nhất, bảo tồn văn hoá và môi trường, thúc đẩy lòng khoan dung và hiểu biết giữa các dân tộc và mở rộng trí óc.

Tham khảo chính

[1] Trương Công Đượng và nnk. 1998. Báo cáo đo vẽ địa chất và tìm kiếm khoáng sản Nhóm tờ Hà Tiên – Phú Quốc tỷ lệ 1:50.000. Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam.

[2] Địa chí An Giang. 2013. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang

[3] Nguyễn Văn Thanh,  Nguyễn Quang Vũ. 2016. Phát triển loại hình du lịch tâm linh tại tỉnh An Giang. SCIENCE & TECHNOLOGY DEVELOPMENT, Vol 19, No.X5-2016

[4] K. Kris Hirst. Oc Eo – Funan Culture Site in Vietnam. https://www.thoughtco.com/oc-eo-funan-culture-site-vietnam-172001

[5] Ross K. Dowling. 2013. Global Geotourism – An emerging Form of sustainable tourism. Czech Journal of Tourism, 2(2), 59-79. DOi: 10.2478/cjot-2013-0004.

[6] Ross K. Dowling. 2014. Geotourism’s Contributionto Protected Areas. IUCN World Parks Congress. Sydney.2014.

[7] GDF. http://www.geotourismfoundation.org/

 

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s