Cùng với Thảo, Lâm, Thành khảo sát tuyến lộ trình vượt núi Chứa Chan để thu thập thông tin phục vụ đề tài khóa luận tốt nghiệp chủ đề về Địa du lịch. Chuyến đi vượt núi cao 837 m vào đầu năm Kỷ Hợi – một kỷ niệm không thể nào quên của bốn thày trò.
Ngày 06 (10/02/2019)
7:00 sáng ngày 6 tết Kỷ Hợi, làm thủ tục khai trương năm mới tại văn phòng Bộ môn cùng với thày Lê Tự Thành.
7:45 Thảo đón thày đi thực địa núi Chứa Chan thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
8:00 hai thày trò lên xem Kim Mạnh Hùng tại đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai.
10:00 xe đến Ngã Ba Ông Đồn, Lâm và mẹ Thảo (mang xe máy cho Thảo) đã chờ sẵn. Ba thày trò lên xe, đi khảo sát ngay khu vực Núi Le, hồ Núi le, bãi đá cảnh và làng đồng bào Chơ Ro (ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường).
17:30 kết thúc ngày thực địa, về nghỉ tại khách sạn Hà Thi (Lâm đã đặt phòng nghỉ trước cho thày).
Ngày 07 (11/02/2019)
6:30 Thảo, Lâm và Thành (làm đề tài tốt nghiệp “Địa du lịch khu vực Núi Bà Đen” cùng tham gia vượt núi Chứa Chan).
7:30 bốn thày trò bắt đầu lộ trình vượt núi Chứa Chan theo tuyến đường cột điện. Đây là tuyến mà dân phượt thường đi.
Vượt dốc, quan sát, mô tả (địa chất, địa mạo, cảnh quan, hoạt động nhân sinh…). 11:30 tới đỉnh núi Chứa Chan (837 m).
12:30 bắt đầu xuống dốc, tiếp tục định điểm, mô tả theo lộ trình.
15:00 kết thúc lộ trình vượt núi Chứa Chan.
Dưới đây là vài nhận xét ghi nhận dọc theo lộ trình:
– Vượt sườn đông theo đường mòn dọc theo 148 cột điện. Đây là đường thoát nước vào mùa mưa, chủ yếu lộ đá gốc bóc mòn (granit) và các tảng lăn. Đường mòn theo sườn Đông có thể chia thành ba đoạn: đoạn 1 từ điểm xuất phát (quán chị Yến) đến cột điện 70, độ dốc thoải (30-40o), đường đi rộng. Đoạn 2 tiếp theo đoạn 1 tới cột điện 129, sườn dốc có chỗ tới 50 – 60o, đường đi hẹp lại. Đoạn 3 tiếp đến đỉnh, sườn có sự phân bậc, không gian mở rộng, có một số vị trí quan sát được bề mặt cao nguyên basan Xuân Lộc với vài đỉnh núi lửa.
– Núi Chứa Chan có hai đỉnh, đỉnh phía nam là vị trí trạm thông tin của quân đội; qua một yên ngựa hẹp là đỉnh phía bắc. Đỉnh phía bắc là khối đá granit trên đó có mốc tam giác sơn trắng ghi độ cao 837 m (so với mực biển). Đây là điểm nhìn (viewpoint) tuyệt vời. Tại đỉnh này quan sát được phần lớn cao nguyên Xuân Lộc (trừ phần phía nam do đỉnh Nam che khuất).
– Theo sườn phía bắc xuống núi. Sườn bắc chủ yếu lộ đất phong hóa từ granit màu vàng nhạt, lối mòn nhỏ, có đoạn qua rừng cỏ lau chỉ vừa một người đi. Đường mòn theo sườn Bắc có thể chia thành hai đoạn: đoạn 1 từ đỉnh đến ga cáp treo, sườn nhiều chỗ khá dốc, đi xuống bị chồn chân, trời mưa sẽ bị trơn trượt; gần đến ga cáp treo, đường mòn theo đồng mức đi khá thoải mái. Đoạn 2 là các bậc thềm từ chùa Bửu Quang xuống cổng chùa (gần cổng cáp treo). Các bậc thềm cao cắt ngang sườn dốc, di chuyển lên xuống bậc thềm cũng thật khó khăn nhất là những người già và lực lượng vác, gánh đồ thuê cho các chủ quán.
– Tuyến đường mòn cắt qua núi, nhưng phần lớn là đi dưới nắng do cây cối thưa thớt, cây rừng lớn gần như không còn, thay vào đó là những loại cây trồng như điều, keo, mít. Đường mòn qua nhiều đoạn là lồ ô, lau sây và cỏ tranh, thỉnh thoảng mới có những lùm cây tạo bóng dâm để dân phượt và du khách dừng chân nghỉ.
– Rác do dân phượt để lại rải rác tại các điểm nghỉ dọc hành trình cũng là vấn đề, phần lớn là vỏ chai nước. Những diện tích tương đối bằng phẳng gần đỉnh núi là nơi dân phượt hay du khách cắm trại, nấu nướng. Đây cũng là nơi để rác như: đá kê làm bếp, than, củi cháy chưa hết, vỏ chai nước, vỏ đồ hộp. Ngay gần vườn hoa ga cáp treo cũng có một bãi tập kết rác, trông thật nhếch nhác.
– Đoạn đường từ chùa xuống cũng khá dài, dọc theo các bậc thang là hàng, quán sát nhau (bán đồ lưu niệm, đồ ăn, thức uống…) với mái tôn che kín lối đi. Có cảm tưởng như chùa chen vào hàng quán. Cây Da ba gốc cũng bị bọc bởi quán ăn, lửa, nhang khói… Có thể nói đoạn đường lên và xuống chùa là một không gian ngột ngạt.
Một vài hình ảnh chuyến vượt núi:










Phân tích chi tiết những giá trị địa du lịch, những đề xuất sản phẩm địa du lịch, đề xuất hoạt động du lịch dọc tuyến hành trình sẽ được trình bày trong khóa luận tốt nghiệp của sinh viên tới đây.
H &H