Đê chắn Cửa Đại cổ và trẻ

Hà Quang Hải

Gần đây một số tờ báo đưa tin về sự xuất hiện ‘đảo cát’ ở vùng biển Hội An. Đã có những đợt khảo sát, có hội thảo về nguyên nhân hình thành ‘đảo cát’ nhưng dường như chưa có sự thống nhất. Thực ra việc hình thành ‘đảo cát’ không phải là câu chuyện mới mẻ. Trong quá khứ, ở Cửa Đại đã từng tồn tại ‘đảo cát’ dài hơn 3 km, rộng 250 m. ‘Đảo cát’ chính là đê cát chắn cửa sông, một dạng địa hình đặc trưng thuộc cấu trúc cửa sông Liman (cửa sông tạo đê chắn), là một trong bốn kiểu cửa sông phổ biến trên thế giới. Bài viết này trình bày sơ lược về cửa sông Liman; đặc điểm hình thái, sự phá hủy đê chắn Cửa Đại cổ và quá trình hình thành đê chắn trẻ, cái được gọi là ‘đảo cát’ vùng biển Hội An hiện nay.

  1. Cửa sông Liman

Liman mượn từ tiếng Nga (Лиман), từ này lại có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là vịnh hoặc bến cảng. Liman hình thành ở cửa sông mở rộng, nông nơi dòng chảy bị chặn bởi đê cát chắn cửa sông (gọi chung là đê chắn). Đê chắn có thể là trầm tích biển (được tạo ra bởi dòng chảy ven biển) hoặc dòng chảy sông (đê cát được tạo ra bởi dòng chảy của một sông lớn tại điểm hợp lưu) [1].

Một thuật ngữ khác đồng nghĩa với Liman là Guba (губа) được sử dụng trong các văn liệu của Nga cho các cửa sông bờ biển ở phía bắc Nga [1]. Trong chuyên khảo về địa mạo, địa chất biển ở các nước Tây Âu, Hoa Kỳ, kiểu cửa sông như Cửa Đại được phân loại cửa sông tao đê chắn (bar built estuary) [2; 3].

Nhiều cửa sông ở Trung Bộ thuộc kiểu Liman với các đê chắn được hình thành do tích tụ trầm tích của dòng chảy ven bờ. Phía trong đê chắn là vũng cửa sông thường rộng và nông. Các đê chắn bịt kín cửa sông khi động lực biển chiếm ưu thế và bị xuyên thủng khi dòng chảy sông trở lên mạnh mẽ vào mùa lũ. Những chỗ đê chắn bị xuyên thủy gọi là ‘phá’ như trường hợp phá Tam Giang, Thừa Thiên Huế.

Dòng chảy ven bờ (long shore drift) di chuyển cát từ bãi biển, bờ biển để tạo nên các đê chắn cửa sông (Hình 1). Tùy thuộc vào hướng gió thịnh hành mà các đê chắn có hình thái và mức độ phát triển khác nhau (Hình 2).

Hình 1. Dòng ven bờ di chuyển cát (trái); đê chắn hình thành tại các cửa sông (phải). Nguồn: internet
Hình 2. Đê chắn cửa sông Ba từ 2 phía (trái); đê chắn cửa sông Ray từ 1 phía kéo dài tới Lộc An (phải). Nguồn ảnh: Google Earth
  1. Giải đoán tư liệu viễn thám khu vực Cửa Đại

Giải đoán ảnh vệ tinh và ảnh hàng không theo thời gian là cơ sở đánh giá sự tồn tại hay phá hủy đê chắn cổ cũng như quá trình hình thành đê chắn trẻ.

1984 – 1989: ảnh 1984 (Hình 3) cho thấy Cửa Đại có hai đê chắn: Đê chắn Bắc (Đê Bắc) tiếp giáp bờ biển Hội An có dạng hơi vòng cung, dài 2,6 km, rông  trung bình 250 m; Đê chắn Nam (Đê Nam) dạng mũi cát gắn vào bờ biển Duy Hải, dài 600 m. Lạch nước sâu (cửa mở) chay giữa Đê Nam và đầu phía đông Đê Bắc, rộng khoảng 200 m. Năm 1989, phần giữa Đê Bắc nhô cao hơn, cửa mở rộng hơn (Hình 3).

Hình 3: Đê chắn Cửa Đại trên ảnh vệ tinh năm 1984 và 1989. Nguồn ảnh: Google Earth

Ảnh hàng không năm 1988 cho thấy rõ các dạng địa hình Cửa Đại gồm: Đê Bắc với phần phía tây bắc đang được dòng ven bờ bổ sung trầm tích. Bãi bồi Hội An và Đê Nam bồi tụ khá rõ. Cửa mở (cửa thoát) phân bố đầu phía đông nam của Đê Bắc (Hình 4).

Hình 4: Đê chắn Cửa Đại trên ảnh hàng không năm 1988

1990 – 1999: hình thái đê chắn cửa sông biến đổi nhanh (Hình 5). Trên ảnh 1991, Đê Bắc đã gắn vào bờ biển Hội An, duỗi thẳng, dài  2,0 km; phần phía đông Đê Bắc và mũi Đê Nam bị phá hủy, cửa thoát hướng về phía đông. Trên ảnh 1995, hình dạng Đê bắc và Nam như hai mỏ neo, xuất hiện một gờ ngầm cửa sông. Trên ảnh 1997, Đê Bắc nhập vào bãi bồi, Đê Nam biến mất; trên ảnh năm 1999, trầm tích cửa sông bị đẩy ra xa, biểu hiện bãi ngầm cách cửa sông khoảng 1,3 km.

Hình 5: Biến động đê chắn Cửa Đại thời đoạn 1990 -2009. Nguồn ảnh: Google Earth

2000 -2009: Đê chắn không còn tồn tại, cửa sông hình thành thùy trầm tích nhưng chưa rõ nét (ảnh 2009). Mũi cát Duy Hải biểu hiện bồi tụ về phía đông (Hình 6).

Hình 6: Đê chắn hoàn toàn biến mất, dòng chảy sông đẩy trầm tích ra xa. Nguồn ảnh: Google Earth

2010 – 2019:  hình dạng bãi bồi mũi Hội An và mũi Duy Hải biến đổi nhanh do xâm thực. Trầm tích Cửa Đại dạng thùy thấy rõ hơn trên ảnh 2015, 2017; đầu thùy xuất hiện đê ngầm. Cuối năm 2018, đê ngầm nổi lên tạo thành ‘đảo cát’ (Hình 7).

Hình 7: Đê ngầm Cửa Đại hình thành tại đầu thùy trầm tích; theo thời gian, đê ngầm phát triển và nhô trên mặt nước thành ‘đảo cát’. Nguồn ảnh: Google Earth
  1. Thảo luận

Đê chắn cổ: từ 1984 (có thể sớm hơn) đến 1989, gió đông bắc tạo dòng chảy ven bờ vận chuyển trầm tích về Cửa Đại hình thành Đê Bắc. Dòng ven bờ nam Cửa Đại yếu hơn chỉ hình thành đê chắn nhỏ dạng mũi cát. Hai đê chắn có tổng chiều dài hơn 3 km, bít gần kín Cửa Đại, tàu bè có lẽ chỉ di chuyển qua cửa mở khoảng 200 m (Hình 3, 4).

Phá hủy đê chắn cổ: Từ 1990 – 2009, dòng chảy sông mạnh hơn đã phá hủy hoàn toàn hai đê chắn. Trầm tích bị đẩy ra xa cửa sông (Hình 5, 6).

Hình thành đê chắn trẻ: từ 2010 đến 2017, một đê ngầm bao quanh đầu thùy trầm tích dần hình thành và ngày càng rõ nét. Năm 2018 một phần đê ngầm đã nhô lên mặt biển, tới đầu năm 2019 lộ thành ‘đảo cát’ với chiều dài khoảng 850 m, rộng 200 m (Hình 7).

Các hình 8, 9 và 10 cho thấy đê chắn trẻ phát triển khá nhanh. Khi nhô lên mặt biển, sóng tác động vào đê chắn tạo một dòng chảy ven bờ mới tiếp tục di chuyển trầm tích về phía nam. Cả phần nhô cao và phần ngầm đã định hình một đê chắn bọc quanh Cửa Đại rõ rệt (Hình 10).

Hình 8: Ảnh ngày 26/4/2017 cho thấy đê chắn ngầm phát triển nhanh, một vài diện tích đã nhô trên mặt biển (đốm trắng trong vòng tròn đỏ). Nguồn ảnh: Google Earth
Hình 9. Ảnh ngày 7/3/2018. Bãi bồi cửa sông tiếp tục bị phá, đê chắn nhô trên mặt biển tại đầu thùy trầm tích. Nguồn ảnh: Google Earth
Hình 10. Ảnh ngày 2/3/1019 cho thấy một đê chắn bao quanh Cửa Đại đã được định hình rõ nét. Các đốm trắng nhỏ bao quanh thùy trầm tích là biểu hiện tác động của sóng vào đê chắn. Nguồn ảnh: Google Earth

Như vậy việc phá hủy đê chắn cổ và hình thành đê chắn mới cách xa cửa sông cho thấy động lực dòng sông đã trở lên mạnh hơn. Dòng chảy sông mạnh hơn là do tác động nhân sinh như mất diện tích rừng đầu nguồn, dòng chảy mùa lũ cộng hưởng với việc xã lũ từ các nhà máy thủy điện.

Thời gian tới, đê chắn sẽ tiếp tục mở rộng và nhô cao. Đê chắn Cửa Đại sẽ tạo thành vòng cung dài khoảng 5 km, khi đó việc di chuyển tàu bè sẽ thật sự khó khăn. Đê chắn phát triển sẽ đẩy dòng chảy về bờ biển Duy Hải, gây xói lở bờ biển này.

  1. Giải pháp

Nghiên cứu xây dựng kè luồng để cố định Cửa Đại. Kè luồng sẽ tạo điều kiện cho tàu bè qua cửa sông dễ dàng, đồng thời ngăn chặn sự phát triển đê chắn lấn về phía nam.

Tiến hành xây dựng một số mỏ hàn dọc bờ biển Hội An (bờ biển phía bắc Cửa Đại) để hạn chế sự phá hủy của sóng vào bờ biển và sự di chuyển cát của dòng chảy ven bờ.

  1. Kết luận

Khoảng 40 năm trước, Cửa Đại đã từng có hai đê chắn. Sự gia tăng động lực dòng chảy sông do hoạt động của con người từ những năm 1990 trở lại đây đã phá hủy hai đê chắn này để hình thành một đê chắn trẻ cách xa cửa sông hơn. Do được bổ sung bởi một lượng trầm tích đáng kể từ dòng ven bờ, đê chắn trẻ phát triển nhanh chóng trở thành ‘đảo cát’ ngày càng nhô cao và mở rộng.

Đê chắn cổ và trẻ phản ảnh sự tương tác sông biển vùng cửa sông Liman hay cửa sông tạo đê chắn, là loại cửa sông khá phổ biến trên thế giới. Có thể nói vị trí hình thành đê chắn trẻ phản ánh sự cân bằng động lực sông biển hiện nay ở Cửa Đại.

Xây dựng kè luồng Cửa Đại và một số mỏ hàn bờ biển Hội An là cách tốt nhất để tàu bè qua cửa sông thuận tiện, đồng thời giảm thiểu xói lở bờ biển. Kè luồng được xây dựng sẽ trở thành một điểm mới thu hút khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu sự tiến hóa Liman Cửa Đại và lịch sử đô thị cổ Hội An ở cửa sông này.

Tài liệu tham khảo

[1]. Liman (landform): https://www.revolvy.com/main/index.php?s=Liman%20(landform)&item_type=topic

[2]. Estuaries. https://www.niwa.co.nz/education-and-training/schools/students/estuaries

[3]. Robin Davidson-Arnott. 2010. An Introduction to Coastal Processes and Geomorphology. Cambridge University Press.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s