Nguyên nhân ngập mưa đường Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Hồ Chí Minh

Triệu Xuân Tú, Hà Quang Hải

Bài viết được biên tập từ kết quả đề tài Khóa luận “Nguyên nhân ngập do mưa đường Nguyễn Hữu Cảnh” do sinh viên Triệu Xuân Tú ngành Khoa học Môi trường, Trường đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện. Bài có sự bổ sung tài liệu lưu trữ và hình ảnh trên internet.

  1. Giới thiệu

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (NHC) thi công từ năm 1997 và được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho thành phố. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm thành phố, có tổng vốn đầu tư gần 420 tỷ đồng.

Con đường dài khoảng 3 km có tới 5 phức hợp gồm chung cư (hơn 18.500 căn hộ cao cấp), bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào khai thác, đường NHC liên tiếp bị sụt cầu, lún đường, ngập nước mưa làm cản trở giao thông, có người gọi đây là ‘con đường đắt đỏ và đau khổ nhất Sài Gòn’ [1].

Đã có nhiều hội họp, ý kiến về giải pháp thoát ngập cho đường NHC nhưng chưa có kết quả, nay thành phố đã phải chi hàng chục tỉ đồng mỗi năm để thuê máy bơm khủng thoát nước – đây chỉ là giải pháp tình thế. Muốn có giải pháp đúng cần phải tìm đúng nguyên nhân, tức là phải chẩn ‘đúng bệnh’ của đường NHC.

Bài viết này nhằm góp thêm thông tin để các nhà qui hoạch đô thị và những cơ quan hữu trách tham khảo trong việc tìm giải pháp giải ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh.

  1. Khu vực nghiên cứu

Ví trí:  Khu vực nghiên cứu có tổng diện tích là 436 ha, được giới hạn:

Phía tây: đường Nguyễn Thị Minh Khai – Xô Viết Nghệ Tĩnh

Phía bắc: đường Ung Văn Khiêm

Phía đông: bờ sông Sài Gòn

Phía nam: đường Tôn Đức Thắng

Địa hình, địa chất

Khu vực Thảo Cầm Viên thuộc địa hình cao cấu tạo bởi aluvi cổ. Phần lớn diện tích phía bắc là bãi bồi sông Sài Gòn có độ cao trung bình 0,6 đến 1,0 m cấu tạo bởi aluvi trẻ chủ yếu là sét xám xanh thuộc hệ tầng Bình Chánh và sét xám đen chứa mùn thực vật thuộc hệ tầng Cần Giờ, bề dầy chung tới 30 m [2].

Thủy văn: Trên bản đồ địa hình tỉ lệ 1:10.000 xuất bản năm 1989 (chưa đô thị hóa mạnh) cho thấy diện tích phía bắc khu vực nghiên cứu là lưu vực Văn Thánh kéo dài hướng bắc nam. Rạch Văn Thánh là dòng chính thoát nước lưu vực, ngoài ra có rạch R.VT2 và R.VT3 cùng tham gia thoát nước lưu Văn Thánh (Hình 1).

Hình 1. Khu vực nghiên cứu và lưu vực Văn Thánh trên bản đồ địa hình 1:10.000 năm 1989
  1. Phương pháp

Ngoài việc tham khảo tài liệu địa chất và các thông tin trên internet, hai phương pháp cơ bản được sử dụng là 1) Bản đồ, viễn thám và GIS và 2) khảo sát thực địa.

  1. 1 Bản đồ, viễn thám và GIS

Bản đồ địa hình tỉ lệ 1:10.000 năm 1989 (Hình 2A) gồm các tờ Ấp 1 – C-48-46-C-b-6; Bình Triệu – C-48-46-C-b-3; Phú Nhuận – C-48-46-C-b-2; Bến Thành-C-48-46-C-b-5.

– Ảnh Google năm 2010 (Hình 2B) và 2018 (Hình 2C). Các ảnh này cho thấy khu vực nghiên cứu có sự đô thị hóa mạnh mẽ.

Bản đồ sử dụng đất các thời điểm 1989, 2010 và 2018 được xây dựng trong đó các lớp thông tin sử dụng đất được giải đoán gồm: giao thông (a1, a2, a3), nhà (b1, b2,b3) và thủy hệ (c1,c2,c3). Lớp đất trống là diện tích không có công trình xây dựng và thực phủ.

Hình 2. A_Bản đồ địa hình 1:10.000 năm 1989; B và C_Ảnh Google Earth năm 2010, 2018; a1, a2, a3; b1, b2, b3; c1, c2, c3_các lớp sử dụng đất thời kỳ tương ứng được giải đoán từ bản đồ A và ảnh B, C.

3.2 Khảo sát thực địa

Tiến hành khảo sát hiện trạng tại 26 vị trí (Hình 3). Công việc khảo sát gồm: mô tả đặc điểm địa hình, địa vật (đo cao độ nền nhà so với mặt đường thiết bị laser), điều tra tình hình ngập do mưa.

Hình 3. Các điểm khảo sát thực địa
  1. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1 Diện tích bê tông hóa gia tăng

Bản đồ sử dụng đất các năm 1989, 2010, 2018 (Hình 4) cho thấy sau 30 năm phần lớn diện tích lưu vực Văn Thánh đã phủ kín công trình xây dựng.

Hình 4. Bản đồ sử dụng đất năm 1989, 2010, 2018
Bảng 1 Diện tích các lớp sử dụng đất các năm 1989, 2010, 2018
Hình 5. Tỷ lệ cơ cấu sử dụng đất năm 1989, 2010, 2018
Hình 6. Biến động diện tích các loại hình sử dụng đất giai đoạn 1989-2010-2018

Nhận xét:

Năm 1990 khu vực nghiên cứu là địa hình thấp (bãi bồi, trũng lầy) chủ yếu là diện tích mặt đệm tự nhiên, đây là diện tích chứa nước mưa và nước triều.

Đến năm 2010, các công trình xây dựng khu vực này tăng lên, diện tích đất bê tông hóa (nhà và giao thông) chiếm 76 % kèm theo ngập mưa đường NHC.

Đến năm 2018, diện tích bê tông hóa gần như chiếm toàn bộ khu vực (96%), ngập mưa đường NHC gia tăng.

Diện tích nhà và giao thông (diện tích bê tông hóa) tăng lên, diện tích đất trống và thủy hệ giảm xuống dẫn đến tình trạng khu vực không còn khả năng thấm, vùng trũng chứa nước trước đây không còn, dòng chảy mặt tăng lên gây ngập nhanh địa hình trũng thấp như đường Nguyễn Hữu Cảnh.

4.2 Đường Nguyễn Hữu Cảnh và phức hợp cao ốc chặn đường thoát nước lưu vực

Đường Nguyễn Hữu Cảnh cắt ngang lưu vực Văn Thánh và xóa bỏ chức năng thoát nước của rạch R.VT2 và R.VT3 (Hình 7A, 7B).

Khu phức hợp cao ốc trong đó Vinhomes Central Park, Saigon Pearl, Sun Wah Pearl mọc ven sông Sài Gòn theo hướng đông bắc – tây nam đã chặn đường thoát nước lưu vực R.VT2 và RVT3 (Hình 7A, 7B, 7C, 7D).

Hình 7. A-Đường NHC chặn hướng thoát nước bắc –nam; B-Đoạn đường bắc-nam nằm trên rạch cũ; C-Phức hợp cao ốc [1]; D-Phức hợp cao ốc trên ảnh Google Earth.
4.3 Đường – ‘Kênh và Rốn ngập’ Nguyễn Hữu Cảnh

Đường NHC xây dựng trên bãi bồi cấu tạo bởi tầng đất yếu, việc khảo sát, thiết kế và thi công không đảm bảo kỹ thuật đã dẫn đến sụt cầu, lún đường, ngập đường phải mất nhiều năm sửa chữa tốn kém nhưng vẫn không đạt yêu cầu.

Hiện tại Đường NHC xem như có ‘hai chức năng’: 1) đường giao thông bộ và 2) ‘kênh dẫn và chứa nước’ (Hình 8) khi lượng mưa quá sức tải của kênh thoát ngầm.

Hình 8. Nguyễn Hữu Cảnh- tuyến đường của các siêu dự án sẽ trở thành kênh dẫn nước khi nước mưa dồn xuống các công trình hai bên và từ thượng lưu vực Văn Thánh. Ảnh: Lê Quân [1].

Đoạn từ Chi cục đường thuỷ nội địa phía Nam (số nhà 90, vị trí số 7, hình 7B) đến cầu vượt (vị trí số 9, hình 7B) nằm trùng với lòng rạch thoát nước cũ R.VT2 và một phần R.VT3; mặc dù đô thị hóa đã làm biến dạng lưu vực trước đó, nhưng đây vẫn là nơi địa hình thấp của lưu vực Văn Thánh vì vậy nước dồn vào ‘rốn ngập’ (Hình 9) khi mưa quá sức tải cống ngầm.

Hình 9-Cầu vượt Văn Thánh – một trong những điểm của “rốn ngập”. A dấu hiệu sụt lún (mũi tên đỏ); B-vết ngập; C – ngập trưa 17/10/2017 [3]; D- Ngập chiều 14/9/2019 [4].
  1. Kết luận

Nguyên nhân ngập mưa đường Nguyễn Hữu Cảnh gồm:

1) Đô thị hóa (bê tông hóa) quá mức ngay trên địa hình thấp, trũng nơi vốn dĩ có chức năng thoát nước mưa cho vùng đất cao và chứa nước khi triều lên.

2) Đường Nguyễn Hữu Cảnh và phức hợp cao ốc chặn và xóa bỏ một số kênh thoát nước lưu vực Văn Thánh.

3) Đoạn đường ngập sâu ‘rốn ngập’ nằm trên lòng rạch cũ (vị trí hạ lưu vực Văn Thánh) vẫn là nơi thấp trũng nên trở thành kênh dẫn và chứa nước mưa khi hệ thống cống thoát ngầm quá tải.

4) Khảo sát, thiết kế, xây dựng đường trên địa hình thấp có nền đất yếu không đáp ứng kỹ thuật.

Nguyên nhân của các nguyên nhân trên chính là năng lực qui hoạch và quản lý đô thị.

Tham khảo

[1] Hà Hương: Nguyễn Hữu Cảnh – con đường đắt đỏ và đau khổ nhất Sài Gòn

http://tphcm.tintuc.vn/tin-tuc/nguyen-huu-canh-con-duong-dat-do-va-dau-kho-nhat-sai-gon.html

[2] Hà Quang Hải, Ma Công Cọ (chủ biên). Bản đồ địa chất thành phố Hồ Chí Minh tỉ lệ 1:50.000. Lưu trữ Cục Địa Chất Việt Nam.

[3] Hoàng Minh: Bắt bệnh trị ngập đường

https://www.baogiaothong.vn/bat-benh-tri-ngap-duong-d249052.html

[4] Minh Quân: “Rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Hồ Chí Minh

https://laodong.vn/photo/tphcm-ron-ngap-nguyen-huu-canh-ngap-nhu-song-sau-mua-lon-754667.ldo

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s