TỔNG QUAN VỀ KHAI THÁC MỎ – Phần 2: Tác động môi trường và xã hội

2.1 Tác động đến tài nguyên nước

Tác động lớn nhất của một dự án khai thác mỏ là ảnh hưởng của nó đến chất lượng nước và việc sử dụng tài nguyên nước trong khu vực dự án. Câu hỏi cốt lõi ở đây là sự cung cấp nước mặt và nước ngầm liệu có còn đáp ứng cho con người, và chất lượng nước mặt liệu có đủ để hỗ trợ sinh vật sống trên cạn và dưới nước không.

2.1.1 Thoát nước axít và rò rỉ chất ô nhiễm

SỰ HÌNH THÀNH A XIT: thoát nước axit là một mối quan tâm ở nhiều mỏ kim loại, bởi các kim loại như vàng, đồng, bạc và molypden, thường được tìm thấy trong đá chứa khoáng vật sunfua. Khi khai đào sunfua trong đá tiếp xúc với nước và không khí tạo thành axit sunfuric. Nước có tính axit có thể hòa tan các kim loại độc khác từ các đá vây quanh. Nếu không được kiểm soát, nước axit có thể chảy vào suối hoặc sông, hoặc ngấm vào nước ngầm. Nước axit có thể rò rỉ từ bất kỳ bộ phận nào của mỏ, nơi sunfua được tiếp xúc với không khí và nước bao gồm: các đống đá thải, đuôi quặng, moong khai thác, các đường hầm, và các tấm đệm tách lọc quặng.

TÁC HẠI ĐẾN SINH VẬT DƯỚI NƯỚC: Nhiều dòng suối bị ảnh hưởng bởi thoát nước axit từ mỏ có pH bằng 4 hoặc thấp hơn – tương tự như axit trong các cục pin. Thực vật, động vật, và cá không có khả năng tồn tại trong các dòng suối này.

CÁC KIM LOẠI ĐỘC: Thoát nước axít mỏ cũng hòa tan các kim loại độc hại, chẳng hạn như đồng, nhôm, cadmium, arsen, chì và thủy ngân từ đá xung quanh. Những kim loại, nhất là sắt có thể phủ một lớp lên đáy suối bằng một chất nhờn màu đỏ-cam (hay cụm oxit sắt). Ngay với một lượng rất nhỏ kim loại cũng có thể gây độc cho con người và động vật hoang dã. Khi được nước mang theo, các kim loại có thể gây ô nhiễm suối và nước ngầm cho khoảng cách rất xa khu mỏ.

Ô NHIỄM VĨNH VIỄN: thoát nước axit từ mỏ đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể gây thiệt hại vô thời hạn sau khi khai thác mỏ đã kết thúc. Do mức độ nghiêm trọng của các tác động chất lượng nước từ thoát nước axit, nhiều mỏ đòi hỏi phải xử lý nước vĩnh viễn. Ngay cả với công nghệ hiện có, hệ thống thoát nước axit là hầu như không thể dừng lại một khi các phản ứng bắt đầu. Có thể phải mất hàng trăm năm để xử lý.

Acid mine drainage. PHOTO: SOSBlueWaters.org
Acid mine drainage. PHOTO: SOSBlueWaters.org

2.1.2 Xói mòn đất và chất thải mỏ vào nước mặt

Đối với hầu hết các dự án khai thác khoáng sản, xói mòn đất làm suy giảm chất lượng nước mặt là một vấn đề nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu của Liên minh châu Âu:

“Do diện tích mặt đất bị xáo trộn, nên xói mòn là vấn đề lớn tại các khu vực khai thác. Do đó, kiểm soát xói mòn phải được xem xét ngay khi bắt đầu các hoạt động khai thác. Xói mòn có thể tạo ra tải lượng đáng kể các trầm tích (và các chất gây ô nhiễm hóa học bị cuốn theo) vào các thể nước lân cận, đặc biệt vào các kỳ mưa bão và tuyết tan.

“Dòng chảy tràn chứa đầy trầm tích đổ vào các khe rãnh, sông suối tự nhiên hoặc các dòng nhân tạo. Sự lắng đọng trầm tích có thể xảy ra ở các vùng nước mặt hoặc trong diện tích đồng bằng ngập lụt của thung lũng suối. Trong lịch sử, xói mòn và trầm tích đã hình thành các lớp trầm tích dày trong khu vực ngập lụt và làm thay đổi môi trường thủy sinh cũng như mất đi khả năng trữ nước mặt. Các nhân tố ảnh hưởng đến xói mòn bao gồm lưu lượng và vận tốc của dòng chảy từ các các trận mưa, hệ số thấm của đất, độ phủ thực vật, chiều dài và độ dốc của sườn dốc.

“Nguồn chính gây xói mòn/trầm tích tại khu vực khai thác có thể bao gồm các moong, bãi thải, đống đá thải và đất phủ, quặng đuôi và đê bao, đường vận chuyển, nơi trữ quặng, các điểm bảo dưỡng xe và thiết bị, khu vực thăm dò, và các khu vực khai hoang. Ngoài ra, các vật liệu lộ ra trong quá trình khai thác (công trình mỏ, chất thải, đất bị ô nhiễm, v. v…) cũng đóng góp trầm tích với các chất ô nhiễm hóa học, chủ yếu là kim loại nặng. Những biến đổi điều kiện tự nhiên (ví dụ, địa chất, thực vật, địa hình, khí hậu, và nước mặt), kết hợp với sự khác biệt đáng kể về số lượng và tính chất vật liệu tại các mỏ sẽ gây khó khăn cho việc tổng quát hóa về số lượng và đặc tính của tải lượng trầm tích.

“Các loại tác động liên quan đến xói mòn và trầm tích là rất nhiều, cả tác động ngắn hạn và dài hạn. Trong nước bề mặt, nồng độ cao của các hạt vật chất trong cột nước có thể gây hiệu ứng độc mãn tính và cấp tính ở cá.

“Trầm tích lắng đọng thành các lớp trong đồng bằng ngập lụt hoặc trên cạn có thể tác động đến nước mặt, nước ngầm, và các hệ sinh thái trên cạn. Các khoáng vật trong trầm tích có thể làm giảm độ pH của dòng chảy mặt do đó các các kim loại nặng linh động có thể xâm nhập vào đất xung quanh hoặc mang đến các thể nước mặt lân cận. Các tác động liên quan có thể bao gồm giảm pH đáng kể hoặc kim loại vào nước mặt và/hoặc ô nhiễm lâu dài nguồn nước ngầm. Trầm tích bị ô nhiễm cũng có thể hạ thấp pH của đất đến mức thực vật và môi trường sống thích hợp bị mất.

“Ngoài các tác động ô nhiễm tiềm năng đến con người và sinh vật dưới nước, có những tác động vật lý tiềm năng liên quan đến vận tốc dòng chảy và khối lượng gia tăng do hoạt động làm biến đổi mặt đất. Tốc độ và khối lượng tăng lên có thể dẫn đến lũ lụt ở hạ lưu, xói mòn lòng sông, và phá hủy cấu trúc móng cầu và cống dẫn. Ở những nơi có khí thải lắng đọng, các hạt có tính axit có thể phá hủy thực vật bản địa, dòng tràn có khả năng làm tăng tốc độ xói mòn và vận chuyển đất từ các khu vực bị ảnh hưởng. Điều này thường xảy ra ở những nơi địa hình đặc trưng bởi các sườn đá và dốc. Một khi lớp đất đã bị xói mòn, việc thực vật tái sinh hoặc trồng rừng trở lại trên các sườn dốc sẽ thực sự khó khan”.

Overburden drainage at an Australian mine. PHOTO: Peripitus
Overburden drainage at an Australian mine. PHOTO: Peripitus

2.1.3 Tác động của hồ chứa quặng đuôi, bãi thải và cơ sở thấm lọc

Các tác động bao gồm ô nhiễm nước ngầm bên dưới các cơ sở khai thác nêu trên và ô nhiễm nước mặt lân cận. Các chất độc có thể thấm qua đất và nhất là khi dưới đáy các cơ sở này không được trang bị một lớp chống thấm thích hợp.

Đuôi quặng là chất thải với khối lượng lớn có thể chứa nhiều chất độc hại như arsen, chì, cadmium, crom, niken, và xyanua. Hầu hết các công ty khai thác xử lý đuôi quặng bằng cách trộn chúng với nước (để tạo thành bùn) và lưu trữ trong hồ có đập ngăn (thải ướt). Bùn thải nhiều nước, chứa trong các hồ đập lớn có thể là một mối đe dọa cho động vật hoang dã. Đuôi quặng có xyanua trong các mỏ kim loại là cực kỳ nguy hiểm.

Cuối cùng, ao chất thải khi khô có thể phát tán vào không khí trong vùng khí hậukhô hoặc có thể dò rỉ nước ô nhiễm trong vùng khí hậu ẩm ướt. Trongcả hai trường hợp, kỹ thuật quản lýcụ thể đòi hỏi phảiđóng các hồ chứa chất thảivà giảm thiểucác mối đe dọamôi trường

Trong thời kỳ mưa lớn, nước có thể chảy vào hồ đuôi quặng vượt sức chứa của nó, đòi hỏi phải xả nước. Việc xả nước có thể làm suy giảm chất lượng nước của các sông, suối xung quanh. Ngoài ra, sự cố vỡ đập nước thải sẽ tạo ra những hậu quả môi trường tồi tệ. Khi hồ chứa đuôi quặng bị vỡ, một lượng lớn nước độc hại có thể giết chết các sinh vật sống dưới nước và gây độc nguồn nước uống ở hạ lưu.

2.1.4 Tác động do hạ mực nước ngầm

Khi một moong khai thác cắt qua mực nước ngầm, nước ngầm sẽ chảy vào hố moong. Để khai thác, nước phải được bơm và xả đến vị trí khác. Bơm và xả nước mỏ sẽ gây ra các tác động môi trường được Liên minh châu Âu nghiên cứu bao gồm:

“Nước mỏ tạo ra khi mực nước ngầm cao hơn các công trình mỏ dưới lòng đất hoặc độ sâu moong khai thác. Để có thể khai thác, nước phải được bơm ra khỏi mỏ. Ngoài ra, nước có thể được bơm ra từ các giếng quanh mỏ để tạo nón sụt mực nước ngầm, làm giảm sự vận chuyển của nước. Khi các mỏ đang hoạt động, nước mỏ phải được bơm ra liên tục để thuận lợi cho việc lấy quặng. Tuy nhiên, một khi hoạt động khai thác khoáng sản kết thúc, việc quản lý nước mỏ cũng thường kết thúc, kết quả là nước mỏ có thể tích tụ trong các khe nứt, giếng khoan, đường hầm và moong khai thác và có thể phát tán một cách không kiểm soát vào môi trường”.

“Rút nước ngầm và các tác động liên quan đến nước mặt và đất ngập nước gần đó có thể là vấn đề nghiêm trọng ở một số khu vực”.

“Tác động từ việc rút nước ngầm có thể bao gồm sự suy giảm hoặc mất đi dòng chảy mặt; suy giảm chất lượng nước mặt và những sử dụng có lợi; sự xuống cấp của môi trường sống (không chỉ cho vùng ven sông, suối, và các sinh cảnh đất ngập nước khác, mà cả môi trường sống vùng cao khi mức nước ngầm giảm xuối dưới đới rễ cây); suy giảm hoặc loại bỏ các giếng khoan gia đình; các vấn đề chất lượng/trữ lượng nước liên quan với miền thoát nước ngầm ở phía hạ lưu sẽ phát sinh. Các tác động này có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ. Biện pháp giảm thiểu suy giảm mực nước ngầm là bổ cập từ nguồn nước mặt hoặc bơm nước để tạo ra các khu vực đất ngập nước”.

2.2 Tác động của các dự án khai thác mỏ lên chất lượng không khí

Lượng khí thải trong không khí xảy ra trong từng giai đoạn của chu kỳ mỏ, đặc biệt trong các hoạt động thăm dò, phát triển, xây dựng, và khai thác. Hoạt động khai thác huy động một lượng lớn vật liệu, và các đống chất thải có chứa các hạt kích thước nhỏ có thể dễ dàng phát tán bởi gió.

Các nguồn ô nhiễm không khí lớn nhất trong hoạt động khai thác khoáng sản là:

– Các hạt vật chất vận chuyển bởi gió là kết quả của việc khai đào, nổ mìn, vận chuyển nguyên liệu, xói mòn gió (phổ biến ổ các mỏ lộ thiên), bụi tức thời từ các cơ sở đuôi quặng, kho bãi, bãi thải, đường vận chuyển. Khí thải từ các nguồn di động (ô tô, xe tải, thiết bị cơ giới) tăng nồng độ hạt.

– Phát thải khí do đốt nhiên liệu từ các nguồn cố định và di động, các vụ nổ mìn, và chế biến khoáng sản.

Một khi các chất ô nhiễm vào bầu khí quyển, chúng trải qua những biến đổi vật lý và hóa học trước khi đến một thụ thể (Hình 1). Những chất gây ô nhiễm này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường.

Khai thác khoáng sản quy mô lớn sẽ gây ô nhiễm không khí đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn vận hành. Tất cả các hoạt động trong quá trình khai thác quặng, chế biến, xử lý, và vận chuyển phụ thuộc vào thiết bị, máy phát điện, quy trình, và các vật liệu tạo ra các chất ô nhiễm không khí độc hại như các hạt vật chất, kim loại nặng, carbon monoxide (CO), sulfur dioxide (SO2) và oxit nitơ.

Hình 1: Quá trình khí thải phát tán đến thụ thể
Hình 1: Quá trình khí thải phát tán đến thụ thể

2.2.1 Nguồn di động

Nguồn các chất ô nhiễm không khí di động bao gồm các xe hạng nặng sử dụng trong khai đào, xe chở nhân viên trong mỏ, xe tải chở nguyên liệu khai thác. Mức độ phát thải ô nhiễm từ các nguồn này phụ thuộc vào nhiên liệu và đặc điểm thiết bị. Mặc dù khí thải của từng loại có thể tương đối nhỏ, nhưng tính tổng thể thì nguồn khí thải này đáng phải quan tâm. Ngoài ra, các nguồn di động là nguồn chính của các hạt vật chất, carbon monoxide, và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi đóng góp đáng kể vào sự hình thành ôzôn mặt đất.

2.2.2 Nguồn cố định

Các phát thải khí chính là từ quá trình đốt cháy nhiên liệu trong máy phát điện, sấy khô, nung, và các hoạt động nấu chảy. Nhiều kim loại quý được nấu chảy tại chỗ, trước khi chuyển đến nhà máy luyện kim. Thông thường, vàng và bạc được sản xuất trong các lò nung/lò trợ dung có thể làm tăng lượng thủy ngân, arsenic, sulphur dioxide, và các kim loại khác trong không khí.

2.2.3 Phát thải tức thời

Nguồn phát thải này phổ biến gồm: nơi lưu trữ và xử lý nguyên vật liệu; chế biến quặng, bụi tức thời, nổ mìn, hoạt động xây dựng, đường vận chuyển, đống quặng đuôi, bãi đá thải. Nguồn gốc và đặc điểm của bụi phát thải tức thời trong hoạt động khai thác khoáng sản thay đổi trong từng trường hợp. Các tác động của chúng rất khó dự đoán và tính toán nhưng cần được xem xét vì chúng có thể là một nguồn đáng kể của chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm.

2.2.4 Phát tán thủy ngân

Thủy ngân thường có trong quặng vàng và các vật liệu phế thải. Nếu hàm lượng thủy ngân trong quặng vàng là 10 mg/kg thì khi xử lý một triệu tấn quặng sẽ tạo ra mười tấn thủy ngân và có khả năng phát thải ra môi trường. Đây là nguồn thủy ngân chính và cần được kiểm soát.

Trong một số dự án khai thác vàng, quặng chứa vàng được nghiền nát, sau đó được làm nóng và oxy hoá trong lò nung hoặc nồi hấp để loại bỏ lưu huỳnh và vật liệu carbon. Thủy ngân có trong quặng bị bốc hơi, đặc biệt là trong lò nung. Đây là một trong số những nguồn phát thải thủy ngân lớn nhất vào khí quyển.

Sau khi nung hoặc hấp, quặng được trộn với nước và phản ứng với dung dịch xyanua giúp vàng và thủy ngân hòa tan, các chất rắn bị loại bỏ thông qua quá trình lọc. Vàng được tách khỏi dung dịch bằng quá trình điện phân. Trong quá trình này, thủy ngân cũng phải thu hồi bằng các thiết bị kiểm soát ô nhiễm không khí để không phát tán vào khí quyển ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Sự bay hơi thủy ngân từ các bãi thải hoạt động và cơ sở chứa đuôi quặng cũng là nguồn phát thải đáng kể vào khí quyển. Quá trình này cần được đánh giá và kiểm soát. Nhìn chung, thủy ngân trong quặng vàng có thể phát tán vào đất, vào không khí, hoặc trong các sản phẩm vàng không tinh khiết.

2.2.5 Tiếng ồn và chấn động

Ô nhiễm tiếng ồn trong khai thác khoáng sản bao gồm tiếng ồn từ động cơ xe, bốc xúc đá, máng trượt, phát điện và các nguồn khác. Tác động tích lũy của các hoạt động như xúc, khoan, nổ mìn, vận chuyển, nghiền, xay, chất vào kho có thể ảnh hưởng đáng kể đến động vật hoang dã và các cư dân gần đó.

Chấn động liên quan với nhiều loại thiết bị trong hoạt động khai thác, nhưng nổ mìn được coi là nguồn chính. Chấn động ảnh hưởng đến sự ổn định của cơ sở hạ tầng, các tòa nhà và nhà cửa của dân cư sống gần mỏ. Theo một nghiên cứu của Liên minh châu Âu trong năm 2000:

“Động đất và chấn động do nổ mìn trong khai thác khoáng sản sẽ gây ra tiếng ồn, bụi và sập đổ các công trình của các khu dân cư xung quanh. Các vật nuôi của cộng đồng cũng bị ảnh hưởng”.

2.3 Tác động đến động vật hoang dã

2.3.1 Mất môi trường sống

Các loài động vật hoang dã sống trong cộng đồng phụ thuộc vào nhau. Sự sống còn của các loài này còn phụ thuộc vào điều kiện đất đai, khí hậu, độ cao, và các đặc điểm môi trường địa phương. Khai thác mỏ gây thiệt hại trực tiếp và gián tiếp tới động vật hoang dã. Các tác động chủ yếu do sự xáo trộn, di chuyển, và bố trí lại mặt đất.

Ảnh hưởng trực tiếp nhất đối với động vật hoang dã là phá hủy hoặc hoặc chuyển chỗ của các loài trong khu vực khai đào và đổ chất chất thải mỏ. Các loài hay di chuyển như chim và động vật ăn thịt sẽ rời bỏ các khu vực này. Các loài ít vận động như bò sát, gặm nhấm đào hang, và động vật có vú nhỏ có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Nếu suối, hồ, ao, đầm lầy bị lấp đầy hoặc tháo nước thì cá, động vật thuỷ sinh và lưỡng cư sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn cung cấp thức ăn cho động vật săn mồi cũng giảm do sự biến mất của các loài sống dưới nước và trên cạn.

Nhiều loài hoang dã phụ thuộc vào thảm thực vật phát triển trong hệ thống dòng chảy tự nhiên. Thảm thực vật này cung cấp thực phẩm thiết yếu, điểm làm tổ, và lá chắn để chúng thoát khỏi kẻ thù. Bất cứ hành động phá hủy thảm thực vật gần ao, hồ, đầm lầy và đất ngập nước đều làm giảm chất lượng và số lượng môi trường sống cần thiết của các loài chim nước, chim biển, và nhiều loài trên cạn.

Yêu cầu môi trường sống của nhiều loài động vật không cho phép chúng điều chỉnh theo sự thay đổi do đất đai bị xáo trộn. Những thay đổi này sẽ thu hẹp không gian sống. Mức độ mà các loài động vật chịu đựng sự biến đổi không gian sống rất khác nhau. Một số loài chịu được sự xáo trộn rất nhỏ. Trong một số trường hợp môi trường sống đặc biệt quan trọng bị hạn chế như hồ nước, ao, hay khu vực sinh sản chính, một loài có thể bị tuyệt chủng.

Khai thác bề mặt có thể làm suy thoái môi trường sống dưới nước cách xa khu vực khai thác. Ví dụ, ô nhiễm trầm tích của sông và suối ở hạ lưu thường do khai thác mỏ lộ thiên.

2.3.2 Phân mảnh môi trường sống

Phân mảnh môi trường sống xảy ra khi vùng đất rộng lớn bị chia cắt thành các mảnh nhỏ hơn, làm phân tán các loài bản xứ và cắt đứt các tuyến đường di cư. Việc cô lập có thể dẫn đến sự suy giảm các loài địa phương, hoặc ảnh hưởng đến di truyền như giao phối cận huyết. Các loài có yêu cầu các mảnh rừng lớn sẽ biến mất.

2.4 Tác động lên chất lượng đất

Khai thác có thể làm ô nhiễm đất trên một diện tích rộng. Các hoạt động nông nghiệp gần dự án khai thác có thể bị ảnh hưởng đặc biệt. Theo một nghiên cứu của Liên minh châu Âu:

“Các hoạt động khai thác thường xuyên làm thay đổi cảnh quan xung quanh bằng việc bóc lộ đất đai bề mặt. Xói mòn đất gia tăng, quặng khai thác, đuôi quặng và các vật liệu mịn trong các đống đá thải có thể vận chuyển tới các dòng chảy mặt. Ngoài ra, sự cố tràn và rò rỉ các chất độc hại và sự lắng đọng bụi ô nhiễm do gió thổi có thể dẫn đến ô nhiễm đất.

“Ô NHIỄM ĐẤT: Rủi ro sức khỏe con người và môi trường liên quan tới đất được gộp vào hai nhóm: (1) đất bị ô nhiễm từ bụi do gió thổi, và (2) các loại đất bị ô nhiễm do dư lượng và tràn hóa chất. Bụi tức thời cũng gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng tại một số mỏ. Hàm lượng cao của asen, chì, và hạt nhân phóng xạ trong bụi do gió thổi thường có độ rủi ro lớn nhất. Đất bị ô nhiễm do dư lượng và tràn hóa chất tại các khu mỏ có thể gây rủi ro tiếp xúc trực tiếp khi các vật liệu được sử dụng sai như san lấp, trang trí cảnh quan, hoặc bổ sung vào đất “.

2.5 Tác động lên các giá trị xã hội

Tác động xã hội của các dự án khai thác khoáng sản quy mô lớn luôn là vấn đề tranh cãi và phức tạp. Khai thác khoáng sản có thể tạo ra sự giàu có, nhưng cũng có thể gây ra sự gián đoạn đáng kể. Dự án khai thác khoáng sản có thể tạo ra công ăn việc làm, đường xá, trường học, tăng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ ở các khu vực hẻo lánh và nghèo nàn, nhưng những lợi ích và chi phí có thể được phân bổ không đều. Nếu cộng đồng cảm thấy bị đối xử bất công hoặc bồi thường không thỏa đáng, các dự án có thể dẫn đến căng thẳng xã hội và xung đột bạo lực.

Quá trình ĐTM nên thực thi cơ chế cho phép các cộng đồng địa phương có vai trò thực sự trong việc ra quyết định. Hoạt động khoáng sản phải đảm bảo các quyền cơ bản của cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng. Các quyền này bao gồm kiểm soát và sử dụng đất đai; sử dụng nước sạch, môi trường và sinh kế an toàn; không bị đe dọa và bạo lực; và quyền bồi thường thiệt hại một cách công bằng.

2.5.1 Di dời và tái định cư

Theo Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế:

“Sự dịch chuyển cộng đồng là nguyên nhân chính dẫn đến bất bình và xung đột của hoạt động khai thác khoáng sản quy mô lớn. Toàn bộ cộng đồng có thể buộc phải chuyển đến nơi khác mà thường họ không được lựa chọn. Bên cạnh việc mất nhà, cộng đồng cũng có thể mất đất và sinh kế. Các tổ chức cộng đồng và quan hệ nguồn lực cũng có thể bị phá vỡ. Cộng đồng bị di dời thường được định cư ở các khu vực không thích hợp hoặc gần mỏ, nơi họ có thể chịu đựng gánh nặng ô nhiễm. Tái định cư cưỡng bức đặc biệt tai hại đối với các cộng đồng bản địa có quan hệ văn hóa và tâm linh gắn chặt với đất đai của tổ tiên”.

2.5.2 Tác động của di cư

Theo Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế:

“Một trong những tác động lớn nhất của hoạt động khai thác mỏ là sự di cư vào khu vực mỏ, đặc biệt là ở vùng xa xôi của các nước đang phát triển, nơi khai thác mỏ là hoạt động kinh tế quan trọng nhất. Sự di cư này có thể tác động sâu sắc đến cư dân nguyên thủy, và tranh chấp có thể phát sinh trên vùng đất khai thác”.

“Sự gia tăng dân số đột ngột cũng có thể dẫn đến áp lực về đất đai, nước, và các nguồn tài nguyên khác cũng như các vấn về vệ sinh và xử lý chất thải.

Việc cải thiện cơ sở hạ tầng cũng có thể mang đến một dòng người định cư, tạo ra hiệu ứng di cư vào các vùng lân cận khu mỏ”

2.5.3 Mất cơ hội sử dụng nguồn nước sạch

Theo các nhà khoa học tại Đại học Manchester (Anh) và Đại học Colorado (Hoa Kỳ):

“Tác động đến chất lượng và khối lượng nước là một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất của dự án khai thác mỏ. Các công ty luôn cam kết rằng việc sử dụng các công nghệ hiện đại sẽ đảm bảo phương thức khai thác thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, bằng chứng về các tác động môi trường tiêu cực của hoạt động khai thác trong quá khứ khiến người dân địa phương và hạ nguồn lo lắng về các hoạt động khai thác mỏ sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước.

Mối lo ngại về số lượng và chất lượng nước đã châm ngòi rất nhiều cuộc xung đột và đôi khi xung đột bạo lực giữa các thợ mỏ và cộng đồng.”

2.5.4 Tác động đến sinh kế

Khi các hoạt động khai thác khoáng sản không được quản lý thích hợp sẽ làm suy thoái đất, nước, đa dạng sinh học và rừng – nguồn tài nguyên rất quan trọng đối với sự tồn tại của người dân địa phương. Khi ô nhiễm không được kiểm soát, chi phí ô nhiễm được chuyển sang cho các ngành kinh tế khác, chẳng hạn như nông nghiệp và đánh bắt cá.

Những người đề xuất dự án khai thác khoáng sản phải bảo đảm, tôn trọng và không được xâm phạm các quyền cơ bản của cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng. Chúng bao gồm quyền sử dụng đất, sử dụng nước sạch và quyền được sống. Các quyền này được ghi trong pháp luật quốc gia và được thể hiện thông qua một loạt các văn kiện và thỏa thuận nhân quyền quốc tế. Tất cả các nhóm đều bình đẳng trước pháp luật, và lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương nhất (có thu nhập thấp và thiệt thòi) cần phải được xác định và bảo vệ.

2.5.5 Tác động đối với sức khỏe cộng đồng

Các vấn đề sức khỏe công cộng liên quan đến hoạt động khai thác mỏ bao gồm:

– Nước: Ô nhiễm nước mặt và nước ngầm với các kim loại và các nguyên tố; ô nhiễm vi sinh vật từ nước cống và chất thải trong các khu ở của công nhân mỏ.

– Không khí: Phơi nhiễm với nồng độ cao của lưu huỳnh đioxit, các hạt vật chất, kim loại nặng như chì, thủy ngân và cadmium.

– Đất: Sự lắng đọng các nguyên tố độc hại từ khí thải.

Các hoạt động khai thác khoáng sản có thể ảnh hưởng đột ngột đến chất lượng cuộc sống, phúc lợi xã hội của cộng đồng địa phương. Ngoài ra còn làm tăng tỷ lệ mắc bệnh lao, hen suyễn, viêm phế quản mãn tính và các bệnh đường tiêu hóa.

2.5.6 Tác động đến tài nguyên văn hóa và thẩm mỹ

Các dự án khai thác mỏ có thể ảnh hưởng đến cảnh quan linh thiêng, các cơ sở hạ tầng lịch sử, các mốc tự nhiên. Tác động tiềm năng bao gồm:

– Phá hủy hoàn toàn tài nguyên do xáo trộn hoặc khai đào bề mặt.

– Suy thoái hoặc phá hủy, do sự thay đổi kiểu địa hình, thủy văn hoặc đất đai (loại bỏ, xói mòn, bồi lắng).

– Di dời trái phép các di chỉ hoặc công trình văn hóa để tiếp cận khu vực khai thác.

– Tác động trực quan do loại bỏ thảm thực vật, khai đào rộng, bụi và sự hiện diện của các thiết bị và các loại xe quy mô lớn.

2.6 Liên quan đến biến đổi khí hậu

Dự án khai thác khoáng sản quy mô lớn có khả năng làm thay đổi carbon toàn cầu ít nhất là theo những cách sau:

Mất sự hấp thụ CO2 do rừng và thảm thực vật bị xóa bỏ. Nhiều dự án khai thác khoáng sản quy mô lớn được đề xuất trong khu vực rừng rậm vùng nhiệt đới, nơi rừng có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ CO2 trong khí quyển và duy trì sự cân bằng giữa phát thải và hấp thụ CO2. Một số dự án khai thác mỏ đề nghị dài hạn hoặc thậm chí phá hủy thường xuyên khu rừng nhiệt đới. Vì vậy, ĐTM cho dự án khai thác khoáng sản phải tính toán cẩn thận mọi xáo trộn rừng nhiệt đới mà sẽ làm thay đổi quỹ carbon. ĐTM cũng cần phân tích tiềm năng mất tài trợ từ các tập đoàn quốc tế đã có hoặc sẽ có để bảo tồn rừng nhiệt đới.

CO2 phát thải từ máy móc như động cơ, xe chạy bằng diesel trong hoạt động khai thác và vận chuyển quặng. ĐTM cần ước tính lượng phát thải CO2từ các máy mócvà các loại xecần thiếttrongvòng đời của cácdự ánkhai thác mỏ.

Phát thải CO2 từ chế biến quặng thành kim loại. Ví dụ, vòng đời của lượng phát thải khí nhà kính dao động từ 3,3 kg CO2 cho mỗi kg đồng được sản xuất bằng cách nấu chảy lên đến 16,1 kg khí CO2 cho mỗi kg niken do ngâm chiết và điện phân. Điểm mấu chốt là khai thác mỏ kim loại tạo ra hơn 1 kg khí nhà kính cho mỗi 1 kg kim loại, chưa tính đến việc mất nguồn hấp thu carbon do những cánh rừng bị xoá bỏ.

Thanh Xuân lược dịch từ: Guidebook for Evaluating Mining Project EIAs

Click to access Full-Guidebook.pdf

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s