Ngày 17.05.2016
Khảo sát thực địa tại núi Thiên Ấn và thành cổ Châu Sa.
1) Núi Thiên Ấn
Núi Thiên Ấn cao 108 m, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 2 km về phía đông bắc. Kết quả khảo sát hôm nay như sau:
– Ranh giới giữa đá granodiorit (phức hê Bến Giằng, Paleozoi thượng) nằm ở độ cao khoảng 60 m. Ranh giới này không rõ ràng, phía dưới là lộ rải rác các khối granodiorit, đất có màu xám vàng. Phía trên là laterit kết tảng rắn chắc lộ thành các mảng lớn, lên cao hơn đất co màu nâu đỏ.

– Vách đường cao 5 – 6 m, dài khoảng 200 – 300 lộ đất đỏ bazan (chủ yếu thuộc đới sét hóa cấu trúc).

– Bề mặt đỉnh cao 100-108 m khá bằng phẳng. Địa tầng tại giếng đào (giếng cổ) sâu khoảng 25 m lộ 2 tầng: trên là laterit kết tảng (phong hóa từ bazan plio-pleistocen) dày khoảng 3,0 m, dưới là sét hóa cấu trúc thấy được khoảng 10 m.
– Điểm nhìn thành phố Quảng Ngãi và khu công nghiệp VSIP nằm trong khoảng lộ mặt cắt đất đỏ bazan dọc theo vách đường.
– Điểm nhìn cửa sông Trà Khúc (có thể nhìn được doi cát cửa sông) là phần đất trống phía đông (gần nghĩa trang). Chưa chọn được điểm nhìn về thành cổ Châu Sa do bị cây che khuất.
2) Thành cổ Châu Sa
– Thành cổ Châu Sa phân bố trên thềm sông, cao khoảng 10 m. Vật liệu đắp thành chính là các trầm tích cấu tạo thềm gồm chủ yếu là bột, cát mịn, ít sạn sỏi thạch anh, sỏi laterit và các mảnh gạch, ngói.
– Các hào đào phân bổ vành ngoài thành là nơi lấy đất đắp thành. Hiện các hào này là các dải trũng, được người dân trồng lúa và rau màu.

– Quan sát và ghi nhận lòng sông cổ là một trũng rộng tới 400 m chạy sát bờ thành phía bắc. Lòng sông cổ nay là các ruộng lúa, ruộng bắp, một số bàu nước có sen mọc như Bàu Ấu.

Ngày 16.05.2016
Sáng 6 giờ, chạy xe máy chở bà xã, chạy khoảng 1 km xe cán đinh xịt lốp. Đi xe ôm đến sân bay cho kịp giờ. Bà xã đẩy xe tìm thợ sửa, một cây đinh to làm nát ruột xe, may vì xe của bà xã luôn có ruột dự phòng.
Hôm nay máy bay cất cánh đúng giờ (7:30), đến sân bay Chu Lai lúc 8:40, xe công ty Đoàn Ánh Dương đón, về văn phòng công ty tại Quảng Ngãi là 9:40. Nói chuyện uống nước với lãnh đạo công ty khoảng 15 phút, rồi tiến hành giảng bài.
Lớp học chủ yếu là cán bộ trẻ từ nhiều chuyên môn khác nhau. Các bạn đang triển khai các công việc liên quan đến công viên Địa chất Bình Châu – Lý Sơn.
Theo lời mời của bác Thu, ba chủ đề được giảng cho lớp học gồm: 1) Geosite và Đa dạng địa học, 2) Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và 3) Địa du lịch.
Từ 10 đến 12 giờ giảng chủ đề 1 và 2
Từ 14 đến 15 giờ giảng chủ đề 3
Từ 15 đến 16 giờ thảo luận.
Ông Đoàn Sung (lãnh đạo công ty) tham dự chuyên đề 3, tham gia thảo luận với ví dụ minh họa về việc qui hoạch geosite Lý Sơn phải hài hòa giữa các tổ chức, đồng thuận của cộng đồng, nên phát triển geosite này theo hướng du lịch tâm linh. Một ý kiến độc đáo và có tính khả thi cao, cần được các nhà quản lý quan tâm.

16:15 đi núi Thiên Bút (đối diện với Thiên Ấn qua sông Trà Khúc). Hạ và Lệ cho biết lên đỉnh rất khó, cỏ cây phủ kín, phải có người đẫn đường mới có thể tới được đỉnh. Đi xung quanh tìm vết lộ, thấy vách chân đồi sau chùa lộ lớp deluvi, chủ yếu là cát, sạn bột màu xám trắng, đôi chỗ có các hòn tảng đường kính khoảng 15-25 cm. Các vật liệu vụn này chủ yếu từ đá xâm nhập. Thiên Bút cần nghiên cứu bổ sung, làm điểm geosite ngoại vi Công viên địa chất.

Thay vì về ăn cơm, bác Thu chở mọi người (Hải, Túy, Vũ) đi ăn “Don”, nghe tên lạ, mọi người nói đó là đặc sản của Quảng Ngãi. Hơn nữa, buổi chiều mới nghe giảng về sản phẩm của địa du lịch trong đó có ẩm thực. Xe đi về hướng Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa; hỏi thăm, mọi người chỉ đến quán Bà Thương. Tới đúng quán, gọi 4 tô không trứng, ăn xong lại gọi 4 tô có trứng.

Mọi người nói con Don trông giống con hến nhưng rất nhỏ, nhưng mình thấy giống con ”Trai”. Nước Don khá trong, ngọt, ăn với bánh đa và ớt xanh.

Ông chủ quán cho biết, Don sống dưới cát vùng cửa sông, Don ngày càng nhỏ do khai thác nhiều mặc dù những người khai thác cũng thường luân chuyển vị trí.
Năm 2014, quán Don của Bà Thương đã tham gia hội chợ ở Hà Nội, được Bảo tồn Dân tộc học Việt nam cấp giấy khen về Hoạt động bảo tồn văn hóa dân gian. Quán Bà Thương thêm nối tiếng. Đây là một trong những món ăn cần được quảng bá trong Công viên địa chất. Mình đề nghị gọi món này là Don Thu Xà.

Tại sao gọi là Don Thu Xà vì địa danh này chỉ cách cảng cổ Thu Xà khoảng 700 m. Bác Thu chở mọi người ra cảng cổ Thu Xà ngắm cảnh quan lộng gió nơi đây.

Cảng cổ Thu Xà (nơi có phố cổ Thu Xà) vì nơi đây vốn là một trung tâm buôn bán rất sầm uất của Quảng Ngãi, với hoạt động thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa biển của các nhà buôn bán lớn của người Thu Xà một thời nổi tiếng.
H & H
Em mong được đọc nhiều hơn nữa về Nhật ký về công tác phát triển Công viên địa chất Bình Châu – Lý Sơn.
PS: Thầy thật hạnh phúc vì lúc nào cũng có cô đồng hành đúng không thầy?