BÀI 1:TẾ BÀO BỜ BIỂN VÀ KIỂU BỜ BIỂN ĐẢO PHÚ QUỐC

Lê Hoài Nam, Hà Quang Hải

Đọc loạt bài điều tra xuyên quốc gia “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài” trên báo tuổi trẻ mấy số gần đây, thật sự không thể tưởng tượng nổi về hoạt động khai thác và nạo vét cát biển đang diễn ra tại một số nơi.

Cát biển là vật liệu phản ánh sự cân bằng động lực biển. Bờ biển bị xói lở về cơ bản là do sự thiếu hụt nguồn cấp trầm tích, nhất là trong điều kiện mực nước biển dâng. Việc khai thác cát sẽ gia tăng sự thiếu hụt trầm tích dẫn đến xói lở bờ biển sẽ trầm trọng hơn.

Trong khi bờ biển, bờ đảo của chúng ta ở nhiều nơi đang bị thu hẹp dần do sự xâm lấn của biển; nhiều tỉ đồng phải đầu tư để xây dựng các công trình chống xói lở, vậy tại sao lại có hoạt động mang cát biển của Việt Nam đi bán?

Nghiên cứu xói lở bờ biển đảo Phú Quốc cho thấy xói lở bờ biển đã gia tăng từ nhiều năm qua, nhất là bờ tây đảo.

I.Tế bào bờ biển

1. Khái niệm

Tế bào bờ biển (TBBB) là một đơn vị tương đối khép kín nơi mà trầm tích lan truyền trong đó. Mỗi TBBB chứa một chu kỳ trầm tích đầy đủ bao gồm các nguồn, đường vận chuyển và bồn chứa. Bờ biển có thể được phân chia thành một số TBBB với ranh giới là các mũi đá nhô tự nhiên (hoặc các mỏ hàn dài – mũi nhô nhân tạo). Mỗi TBBB có một quá trình vật lý độc lập [1].

Áp dụng qui luật của TBBB là rất cần thiết cho việc thiết lập một quỹ trầm tích (Sediment Budget), tức là một sự cân bằng khối lượng đầu vào và đầu ra của trầm tích cho TBBB. Các nguồn trầm tích đầu vào có thể là sông, vận chuyển về phía bờ từ trầm tích biển ngoài khơi và từ các tế bào lân cận thông qua dòng dọc bờ (H. 1) hoặc sự can thiệp của con người (thông qua hoạt động nuôi bãi). Các TBBB cũng bị mất vật liệu theo những cách khác nhau, bao gồm bị bẫy trong các hẻm sâu ngoài khơi, được vận chuyển đến các cửa sông, đầm phá và biển nội địa hoặc do khai thác của con người. Các dòng dọc bờ cũng có thể vận chuyển trầm tích đến các tế bào lân cận.

Hình 1. Tế bào bờ biển và các hướng vận chuyển, trao đổi trầm tích (Nguồn: [1])
H. 1  Nhận thức về tế bào bờ biển (Nguồn [1])

Sự mất cân bằng mạng lưới trầm tích trong một TBBB sẽ dẫn đến XLBB hay BTBB. Sự mất cân bằng có thể diễn ra trong qui mô dài hạn do MNBD (hoặc sụt lún mặt đất), hoặc trong qui mô ngắn hạn do sự can thiệp của con người (do xây dựng một kè luồng, đê chắn sóng, hoặc thiếu trầm tích do hồ, đập, do khai thác vật liệu hoặc giảm dòng chảy sông). Tốc độ vận chuyển đối với mỗi quá trình được sử dụng để mô hình hóa những thay đổi trong quỹ trầm tích, từ đó có thể dự đoán biến động bờ biển trong tương lai.

Như vậy, việc phân chia các TBBB đảo PQ sẽ giúp cho công việc nghiên cứu cân bằng trầm tích và quản lý đới bờ hiệu quả hơn.

2. Phân chia tế bào bờ biển

Dựa vào đặc điểm lưu vực sông, địa mạo, địa chất, hải văn; có thể phân chia các TBBB đảo PQ như sau (H. 2):

– Bờ Tây gồm 7 tế bào: TB_T1 (Gành Dầu), TB_T2 (Bãi Dài), TB_T3 (Vũng Bầu), TB_T4 (Cửa Cạn), TB_T5 (Dương Đông), TB_T6 (Dương Tơ), và TB_T7 (Đất Đỏ).

– Bờ Bắc gồm 2 tế bào: TB_B1 (Rạch Vẹm) và TB_B2 (Rạch Tràm).

– Bờ Đông gồm 6 tế bào: TB_Đ1 (Bãi Thơm), TB_Đ2 (Bãi Bổn), TB_Đ3 (Hàm Ninh), TB_Đ4 (Cầu Sấu), TB_Đ5 (Bãi Sao) và TB_Đ6 (Bãi Khẽm).

– Bờ Nam có 1 tế bào: TB_N1 (An Thới).

Hình 2. Phân chia lưu vực, tế bào và các kiểu bờ biển trên đảo Phú Quốc
H. 2 Phân chia tế bào bờ biển và kiểu bờ biển đảo Phú Quốc

Đặc điểm TBBB và các yếu tố chính liên quan được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1. Đặc điểm của các tế bào bờ biển đảo Phú Quốc
Bảng 1. Đặc điểm các tế bào bờ biển đảo Phú Quốc

II. Các kiểu bờ biển

Trên cơ sở tổng hợp tài liệu và khảo sát thực tế, tiến hành phân chia bờ biển đảo PQ thành các kiểu bờ có mức độ nhạy cảm với xói lở và bồi tụ như sau:

1. Bờ xói mòn                  

Kiểu bờ KB_1: Đây là kiểu bờ đá gốc mài mòn (H. 3) hoặc có các khối đá gốc sót (stack) thường phân bố ở các mũi nhô (H. 4), có khả năng chắn sóng, chủ yếu là các đá cuội kết, cát kết cứng chắc, có sức kháng xói lở tốt.

Hình 3. Kiểu bờ đá gốc mài mòn ở Gành Dầu Hình 4: Kiểu bờ lộ khối đá gốc sót ở Dinh Cậu
H.3  Bờ đá gốc mài mòn ở Gành Dầu     H.4 Bờ lộ khối đá gốc sót ở Dinh Cậu

Kiểu bờ KB_2: Bờ biển có cấu tạo bởi tích tụ cát bở rời, kích thước từ trung bình đến thô (0,25-1,0 mm) có sức kháng xói yếu (Hình 5, 6).

Hình 5. Kiểu bờ cát thô tại bãi Dần Xây (Gành Dầu) Hình 6. Kiểu bờ cát thô tại mũi Bãi Thơm, Nam Hòn Một
H. 5 Bờ cấu trúc cát thô tại bãi Dần Xây      H.6 Bờ cấu trúc cát thô tại Bãi Thơm

Kiểu bờ KB_3: Bờ biển có cấu tạo bởi tích tụ cát bở rời, hạt mịn (kích thước từ 0,0625-0,25 mm) có sức kháng xói rất yếu (H.7, 8).

Hình 7. Kiểu bờ cát mịn tại Vũng Bầu Hình 8. Kiểu bờ cát mịn tại Dương Đông
H. 7  Bờ cấu trúc cát mịn tại Vũng Bầu    H.8 Bờ cấu trúc cát mịn tại Dương Đông

2. Bờ bồi tụ

Kiểu bờ KB_4: Bờ biển bồi tụ (cát, bùn) trong các cung lõm. Kiểu bờ này hình thành ở khu vực có các khối đá sót (stack) chắn sóng hoặc sau các mũi nhô kết hợp sự bổ sung vật liệu từ hệ thống sông, suối ngắn (H. 9).

Kiểu bờ KB_5: Bờ biển (bãi biển) bồi tụ cửa sông, gồm cát mịn lẫn ít bùn. Đây là kiểu bờ hình thành chủ yếu tại các cửa sông, rạch lớn (H. 10).

Hình 9. Kiểu bờ bồi tụ trong cung lõm tại phía Nam Bãi Thơm Hình 10. Kiểu bờ bồi tụ tại cửa sông Cửa Cạn
H. 9 Bờ bồi tụ cung lõm Nam Bãi Thơm   H. 10 Bờ bồi tụ tại cửa sông Cửa Cạn

3. Bờ nhân tạo

Kiểu bờ KB_6: bờ biển được bảo vệ bởi công trình kè bờ bê-tông (H. 11), rọ đá (H. 12)

Hình 11. Kè bê tông tại Dương ĐôngHình 12. Kè rọ đá tại Bãi Thơm
H.11 Kè bê tông tại Dương Đông                 H.12 Kè rọ đá tại Bãi Thơm
Bảng 2. Thống kê các kiểu bờ biển theo tế bào bờ biển
Bảng 2. Thống kê các kiểu bờ biển theo tế bào bờ biển

Nhận xét

Đá móng đảo PQ là cát kết, cuội kết tuổi Creta cắm về phía tây và tây nam tạo nên địa hình cuesta điển hình. Chính địa hình cuesta định hướng hệ thống dòng chảy đã hình thành nên các tế bào bờ biển tây rộng hơn hẳn các tế bào bờ đông và bờ bắc.

Nghiên cứu xói lở – bồi tụ bờ biển (dựa vào phân tích các kiểu bờ) cũng như các vấn đề môi trường theo các tế bào bờ biển sẽ giúp các nhà quản lý trong qui hoạch, sử dụng lãnh thổ đới bờ biển với một tầm nhìn chiến lược.

Tài liệu tham khảo

 1. Keller E. A. (2007), Environmental Geology (4th Edition), Prince Hall, Upper Saddle River, New Jersey

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s