Công ty Đoàn Ánh Dương tổ chức đoàn khảo sát ngắn ngày (từ 10 đến 13) nhằm tìm hiểu lịch sử vùng đất Hà Tiên, đặc biệt những di tích khảo cổ liên quan đến dòng họ Mạc đứng đầu là Tổng trấn Mạc Cửu – người có công mở mang bờ cõi đất Việt.
Tham gia đoàn khảo sát gồm các chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ, lịch sử – văn hóa, địa chất, địa mạo. Ông Đoàn Sung (giám đốc công ty Đoàn Ánh Dương) làm trưởng đoàn.
Ngày 11, tháng 3, qua giới thiệu và kết nối của anh Nam (cán bộ bảo tàng Kiên Giang), đoàn đến thăm bác Trương Minh Đạt – Nhà nghiên cứu Hà Tiên. Hiện sức khỏe bác Đạt không được tốt, tuy vậy qua người nhà, bác đồng ý tiếp chúng tôi.
Trong khi chờ bác tiếp chuyện, một chồng sách – công trình nghiên cứu Hà Tiên mới xuất bản “Họ Mạc với Hà Tiên” được xếp trên bàn. Mọi người rất vui vẻ chào bác khi bác đang lần từng bước xuống cầu thang (có thêm sự trợ giúp của người nhà). Đoàn trưởng hỏi thăm sức khỏe và giới thiệu từng người trong đoàn và mong muốn được hỏi bác về Thương cảng thời Mạc Cửu và Thành cổ Hà Tiên.
Bác Đạt lần lượt tặng sách cho từng người. Bác viết chậm, nét chữ rung rung vì cây bút không chịu theo hướng điều khiển của người viết. Rất khó khăn, nhưng bác ghi đầy đủ tên, học hàm, học vị, chức danh, ngày tháng và ký tên, đóng mộc cho từng quyển sách.
Với giọng nói nhỏ nhẹ, rõ ràng bác nói việc nghiên cứu khảo cổ Hà Tiên có ba điểm cần lưu ý đó là: Phế tích thời Mạc Cửu, Thành cổ Hà Tiên và Đồn cổ Minh Mạng.
Bác Đạt cho biết “Mạc Thiên Tích mở thương cảng trù phú. Trước đây Đông Hồ khá sâu, tàu ghe đậu dọc cảng khẩu, hàng hóa từ các nước đến trao đổi. Gạo là sản phẩm của Hà Tiên, ngoài ra là cau khô, cá khô và đồ gốm…”.
Năm 1999 khi đào móng làm nhà, bác Đạt đã thu thập một số đồ gốm thời Mạc Cửu?.
Có nhiều điều muốn hỏi bác, nhưng đã hơn hai giờ tiếp chuyện, sợ bác mệt nên chúng tôi xin phép dừng câu chuyện, hẹn thăm và hỏi bác vào dịp khác. Đoàn trưởng Sung tặng quà (đặc sản tỏi Lý Sơn) cảm ơn bác và xin chụp ảnh lưu niệm cùng bác.
Đã ngoài 80 tuổi, lại bị bệnh nhưng bác Trương Minh Đạt vẫn nhớ từng sự kiện, từng năm xảy ra sự kiện. Bác nói rất vui và hạnh phúc khi đoàn đến thăm và trao đổi về Hà Tiên. Và chúng tôi, từng người trong đoàn cảm thấy thật may mắn, thật hạnh phúc khi được bác tiếp chuyện.
Xin được trích dẫn lại một số đoạn trong Nghiên cứu Hà Tiên thay cho lời kết. Đây cũng chính là tình cảm và sự trân trọng của người viết bài này gửi đến bác Trương Minh Đạt – nhà Hà Tiên Học.
Trong lời tựa của công trình Nghiên cứu Hà Tiên, tác giả viết “Chính tình yêu quê hương nhỏ bé đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu và viết về mảnh đất Hà Tiên”.
Cố Trần Bạch Đằng, Nguyên phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh viết:
“Hà Tiên là vùng đất khá đặc thù của Nam Bộ, Việt Nam. Nếu nói rằng đáng có một “Hà Tiên Học” thì nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt có thể xếp vào đội ngũ đi đầu”
Cố nữ sĩ Mộng Tuyết (Tạp chí khám phá -3/2005) viết:
“Nếu muốn hiểu cặn kẽ về lịch sử vùng đất Hà Tiên và dòng họ Mạc, về đó phải tìm ngay Trương Minh Đạt. Quý lắm! Anh ấy xứng danh là “nhà Hà Tiên Học”.







H & H
Mình có một cái Chum (dạng ngự dùng, dự đoán là của dòng họ Công Thần Tổng Trấn Mạc Cửu): Vừa giống thời Minh, vừa giống Khmer. Đọc bài viết này và bái viết của Bác Đạt mới ngộ ra 1 điều là Người Minh Hương (Sự giao thoa của VH Hoa – Khmer tại Hà Tiên
– Nếu tác giả mong muốn, mình sẽ gởi ảnh qua email ạ.
Rất cảm ơn bài viết.