Khảo sát địa du lịch theo lộ trình Óc Eo – Bảy Núi – Châu Đốc, tỉnh An Giang

Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ Khoa học Công nghệ năm 2017 do Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang chủ trì, từ ngày 15 đến ngày 18, tháng 05 nhóm khảo sát đã thực hiện đợt khảo sát sơ bộ theo lộ trình Óc Eo – Bảy Núi – Châu Đốc. Đợt khảo sát nhằm đề xuất hướng nghiên cứu địa du lịch vùng đồi núi tỉnh An Giang.

Tham gia khảo sát gồm thày Hải cùng Hạnh và Tiên (hai học viên cao học đang thực hiện đề tài về địa du lịch), phía tỉnh An Giang có anh Cẩn (cán bộ truyền thông thuộc Chi cục Bảo vệ Môi trường) là người tổ chức và điều phối lịch trình, ngoài ra có sự tham gia của các cán bộ tại Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo (anh Giềng giám đốc, anh Thảo phó giám đốc và các cán bộ phòng ban), anh Tân, anh Chanh, chị Trinh, anh Trung là cán bộ phòng tài nguyên huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên và Châu Đốc.

Điểm khảo sát đầu tiên là khu Di tích văn hóa Óc Eo. Tại đây, anh Giềng, anh Thảo và các cán bộ phòng ban đã giới thiệu ngắn gọn về Ban quản lí khu di tích Óc Eo, về biến đổi khí hậu liên quan đến văn hóa Óc Eo, lên đỉnh núi Ba Thê, đỉnh Thạch Đại Đao, Chót Ông Tà, thăm quan Gò Cây Thị và Linh Sơn Cổ tự (chùa phật bốn tay).

Tại Tri Tôn quan sát núi Cô Tô, khảo sát khu mỏ đá đã ngưng khai thác Tà Pạ (nơi được đặt tên cho hệ tầng Tà Pạ), khu du lịch Tức Dụp, cánh đồng Trên Châu Lăng và quan sát núi Xa lon, núi Dài.

Tại Tịnh Biên khảo sát khu du lịch Núi Cấm (theo đường cáp treo), quan sát núi Két, núi Trà Sư và núi Phú Cường.

Tại Châu Đốc khảo sát núi Sam, làng nổi Châu Đốc, thánh đường Et Sang, làng Chăm, An Phú.

Dưới đây là một số nhận xét từ kết quả của đợt khảo sát:

Giá trị của các yếu tố địa chất, địa mạo

– Nền đá gốc có sự hiện diện các đá trầm tích, magma phun trào và xâm nhập, trong đó các đá xâm nhập chiếm diện tích lớn hơn cả. Magma xâm nhập thường tạo nên địa hình khối, đỉnh cao, các đá trầm tích có dạng địa hình thấp, kéo dài. Các núi nhô cao trên bề mặt địa hình đồng bằng thấp, bằng phẳng tạo nên cảnh quan đồi núi sót ấn tượng, nhất là khi quan sát từ những đỉnh cao.

– Các trầm tích Đệ tứ có tuổi Holocen muộn tạo nên bề mặt đồng bằng thấp chiếm diện tích rộng, là những cánh đồng lúa có sắc màu thay đổi theo mùa vụ (màu xanh của mạ và màu vàng của lúa chín). Ở điều kiện tự nhiên, phần lớn diện tích đồng bằng bị ngập. Các cánh đồng lúa quanh vùng núi, đồi An Giang cũng là những cảnh quan đẹp, có nét đặc trưng.

– Núi, đồi An Giang là cơ sở của hệ thống chùa chiền, miếu mạo, trong đó có điểm đã trở thành Trung tâm du lịch tâm linh nổi tiếng như Miếu Bà Chúa Xứ với lễ hội Vía bà Chúa Xứ (lễ hội cấp quốc gia) hay di tích lịch sử đồi Tức Dụp với các khối đá granit nhiều hình thù, kích cỡ kê xếp lên nhau tạo nên hệ thống hang động, ngõ ngách đã trở thành căn cứ cách mạng trong kháng chiến.

Những vấn đề cần được xem xét   

–  Các giá trị địa chất, địa mạo chưa được xem là những di sản tự nhiên quan trọng trong phát triển du lịch. Các quan hệ địa tầng có ý nghĩa khoa học đã được nghiên cứu như vết lộ đá xâm nhập phức hệ Định Quán (γδJ3-K1đq) xuyên cắt đá hệ tầng Tà Pạ (T3-J1tp); hay cuội kết cơ sở hệ tầng Xa Lon (J3xl) phủ trên hệ tầng Tà Pạ (T3-J1tp)… chưa được khai thác phục vụ du lịch, nghiên cứu và học tập.

– Nghiên cứu cổ địa mạo chưa được thực hiện, ví dụ: các mặt cắt thềm biển liên quan đến biển tiến Holocen phân bố ở Tri Tôn, Tịnh Biên hay các lòng sông cổ, kênh rạch cổ, bờ biển cổ liên quan đến Văn hóa Óc Eo chưa được làm sáng tỏ; vì vậy những sản phẩm khoa học còn nghèo nàn, chưa có sức thu hút du khách.

– Những moong khai thác, những vách khai thác đã ngưng hoạt động chưa được phục hồi hoặc qui hoạch thành các điểm du lịch, hoặc đánh giá các giá trị khoa học (xếp hạng geosite) để có kế hoạch bảo tồn; việc bỏ hoang các vị trí này sẽ gây rủi ro đối với con người và vật nuôi.

– Các sản phẩm, hàng hóa gắn với địa danh bao gồm các biểu tượng, đặc sản, ẩm thực, văn hóa bản sắc dân tộc…chưa được phát huy, vì vậy chưa quảng bá được những đặc thù địa lý nhân văn.

Tóm lại, tài nguyên địa chất, địa mạo (Núi, đồi, đồng bằng, sông, rạch…) đã được sử dụng hiệu quả trong phát triển kinh tế địa phương. Tuy vậy, những giá trị khoa học, giá trị bổ sung (sinh thái, thẩm mỹ, văn hóa, kinh tế) của nguồn tài nguyên này chưa được khai thác. Một chương trình nghiên cứu địa du lịch vùng đồi núi An Giang được thực hiện sẽ góp phần bảo tồn các di sản tự nhiên, nâng cao chất lượng các điểm du lịch.

Một số hình ảnh theo lộ trình:

Núi Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) nhìn từ khu di tích Gò Cây Thị
Bàn chân Tiên in trên đá granit trong khuôn viên Sơn Tiên Tự tại đỉnh cao nhất núi Ba Thê (221 m)
Thạch Đại Đao (trên đỉnh thấp hơn đỉnh có Sơn Tiên Tự), một điểm thăm quan lý thú tại khu vực Ba Thê, Óc Eo
Đá chồng núi Ba Thê (gần đỉnh Thạch Đại Đao)
Di tích Gò Cây Thi A (một trong những di chỉ thuộc nền văn hóa Óc Eo) được Louis Malleret khai quật năm 1944
Tháp đá Tà Pạ (huyện Tri Tôn) tại moong khai thác đã ngưng hoạt động. Các nhà địa chất thiết lập hệ tầng Tà Pạ (T3-J1tp) gồm bột kết, phiến sét, cát sạn kết màu tím gụ, vàng, xám đen
Hồ Thủy Liêm (hồ nhân tạo) khu vực đỉnh núi Cấm, ven hồ có chùa Vạn Linh và tượng phật Di Lặc
Đến núi Cấm du khách sẽ được thưởng thức món Bánh xèo với rau rừng. Rau rừng xanh tươi chính là thứ tạo nên sức hấp dẫn của món Bánh xèo núi Cấm. Quán Bánh xéo Út Anh ngay chân dốc ga đến Cáp Treo, vợ chồng chủ quán luôn niềm nở, sẵng lòng chỉ dẫn từng loại rau cho du khách
Quán Bánh xèo Út Anh có tới 20 loại rau rừng. Ông chủ quán đang chỉ dẫn cho Hạnh và Tiên từng loại rau tại quán
Núi két còn gọi là núi Ông Két là một trong những điểm du lịch tâm linh của huyện Tịnh Biên
Cánh đồng lúa Tha La, huyện Tịnh Biên
Lăng Thoại Ngọc Hầu và Châu Thị Tế tại chân Núi Sam
Miếu Bà Chúa Xứ tại chân núi Sam, thành phố Châu Đốc – một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng
Cảnh quan đồng bằng tây chùa Hang, nơi có kênh Vĩnh Tế chạy qua
Hàng thổ cẩm của phụ nữ Chăm tại Cồn Tiên, Châu Đốc

H & H

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s