Nguyễn Trường Ngân1, Nông Thị Ngọc Vân2
(1) Khoa Kỹ thuật Xây dựng – Trường Đại học Bách khoa TP HCM
(2)Khoa Môi trường – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM
(Nguồn: kỷ yếu Hội nghị Khoa học Công nghệ lần 15 – Đại học Bách Khoa Tp.HCM)
Tóm tắt: Đất nông nghiệp nước ta bị suy thoái nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất người dân. Việc tìm kiếm và nhân rộng các mô hình canh tác nông nghiệp bền vững và phù hợp tập quán sản xuất của người bản địa là một yêu cầu cấp thiết. Bộ tiêu chí SAFA (Sustainability Assessment of Food and Agriculture systems) cung cấp một bộ gồm 4 lĩnh vực, 21 chủ đề và 58 chủ đề phụ được chi tiết hóa thành 118 tiêu chí. SAFA đã được áp dụng rộng rãi và cho kết quả tốt trong đánh giá nông nghiệp bền vững theo nhiều quy mô khác nhau. Nghiên cứu này áp dụng công cụ SAFA ở quy mô nông hộ, nghiên cứu điển hình trên hai mô hình nông nghiệp của người M’Nông tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đak Lak. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai mô hình đều đạt mức bền vững cao. Các hạn chế cần cải thiện gồm: an toàn nguồn nước, sự công bằng trong thương mại cho người sản xuất và đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho người trực tiếp lao động sản xuất.
Từ khóa: Nông nghiệp bền vững, SAFA, nông hộ, M’Nông, Đak Lak.
- Giới thiệu
Đến nay, 106 quốc gia đã xây dựng khung mục tiêu và tiêu chí phục vụ phát triển bền vững [5]. Mặc dù vậy, vẫn chưa có những quy chuẩn quốc tế nào rõ ràng để xác định các yêu cầu trong sản xuất nông nghiệp bền vững, cũng như chưa có một định nghĩa nào được chấp nhận rộng rãi để đánh giá một nhà sản xuất nông nghiệp là “bền vững”.
Để khắc phục sự khiếm khuyết này, SAFA được xây dựng để áp dụng đánh giá tính bền vững cho các nhà sản xuất nông nghiệp ở nhiều quy mô khác nhau. Khung SAFA phân thành 4 cấp độ: 4 khía cạnh, 21 chủ đề, 58 chủ đề phụ và 118 tiêu chí [2].
Năm 2016, Việt Nam có đến 49,19% hộ ở nông thôn là hộ sản xuất nông nghiệp. Số hộ này sản xuất 70% rau, quả, thịt, trứng, cá và khoảng 30% quỹ lương thực cho cả nước [1].

Do đó, việc đánh giá, lựa chọn và áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững ở quy mô nông hộ sẽ mang lại một sự cải thiện rất lớn cho kinh tế nông nghiệp xanh của cả nước.
Xã Yang Mao là một trong 11 xã có địa phận thuộc VQG Chư Yang Sin. Năm 2015, đất nông nghiệp của xã chiếm đến 90,48%. Người M’nông chiếm đến 65% nhân khẩu của xã và hầu hết sinh sống bằng nghề nông [4]. Các cây trồng chủ lực của người M’nông là mỳ và bắp. Các vật nuôi phổ biến là bò và heo.
2. Phương pháp

2.1.Phương pháp tính toán
Sử dụng thang 5 mức độ tại bảng 1 để lượng hóa cho các cấp độ
Điểm số của từng tiêu chí là tỷ lệ giữa số hộ đạt được tiêu chí đó trên tổng số hộ khảo sát. Điểm số của từng chủ đề phụ hoặc chủ đề là tỉ lệ giữa tổng điểm thực tế của các tiêu chí (hoặc chủ đề phụ) so với tổng điểm tiềm năng. Trọng số các loại tiêu chí thuộc xu hướng môi trường theo bảng 2
2.2 Phương pháp trình bày kết quả
Kết quả tính toán sẽ được trình bày dưới dạng hoa gió (Hình 3), trong đó:
– Mức độ bền vững (theo bảng 1): thể hiện bằng 05 vòng tròn đồng tâm khác màu nhau.
– Các chủ đề: thể hiện bằng 21 đường bán kính chia thành 4 màu để phân biệt 4 xu hướng chính. Tại mỗi bán kính, xác định giá trị điểm tương ứng của chủ đề.
– Vùng bền vững SAFA (đường màu đen). Trong vùng bền vững chia thành 3 khu vực màu:
(i) màu xanh thể hiện các các chủ đề tốt,
(ii) màu vàng cam thể hiện các chủ đề cần cải thiện, và
(iii) màu đỏ thể hiện các chủ đề kém bền vững.

3. Kết quả và thảo luận
3.1. Lựa chọn mô hình nông nghiệp
Hai mô hình canh tác của người M’nông được chọn cho đánh giá mức độ bền vững gồm:
– MH1: trồng mỳ + nuôi bò
– MH2: Trồng bắp + nuôi heo
Số lượng nông hộ cần khảo sát được xác định theo phương pháp của tác giả Nguyễn Văn Tuấn [3]. Kết quả ước tính cỡ mẫu là: 26 – 28 mẫu. Nghĩa là, để áp dụng SAFA đánh giá mức độ bền vững của các mô hình nông nghiệp trong khu vực nghiên cứu cần tối thiểu khảo sát 30 hộ mỗi mô hình.

3.2. Kết quả đánh giá bền vững các mô hình canh tác

Nhận xét: Các vấn đề cần cải thiện: khía cạnh quản trị (G) là các biện pháp phòng ngừa khi có sự cố xảy ra. Khía cạnh môi trường (E) là đánh giá chất lượng và kế hoạch bảo vệ đối với môi trường không khí, chất lượng nước và mức độ đa dạng loài. Khía cạnh kinh tế (C) là phương án quản lý rủi ro trong sản xuất, chất lượng nông sản, đầu tư nội bộ, sự ổn định trong sản xuất và thị trường. Khía cạnh xã hội (S) là trách nhiệm của người thu mua, việc sử dụng lao động trẻ em, sự tự do trong việc mặc cả giá bán, vấn đề sức khỏe và sự an toàn trong quá trình sản xuất và vấn đề chăm sóc y tế người lao động.

Nhận xét: Cả hai mô hình đều đạt mức độ bền vững cao. Một số chủ đề cần phải cải thiện ở hai mô hình này bao gồm: (i) Các vấn đề liên quan tới an toàn nguồn nước; (ii) các vấn đề liên quan đến sự công bằng trong thương mại cho người sản xuất; và (iii) vấn đề đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho người trực tiếp lao động sản xuất.
Kiểm định t-test ở cả hai cấp độ: chủ đề phụ và chủ đề với mức ý nghĩa α = 0,05. Kết quả sự khác biệt về mức độ bền vững theo SAFA của hai mô hình là không rõ ràng.
4. Kết luận
Nghiên cứu lựa chọn hai mô hình nông nghiệp phổ biến của người M’nông tại xã Yang Mao, một xã thuần nông nghiệp thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sin, huyện Krông Bông, tỉnh Đaklak để áp dụng mô hình SAFA đánh giá mức độ bền vững. Mỗi mô hình được lựa chọn tiến hành khảo sát 30 hộ dân. Kết quả tính toán, cả hai mô hình đều đạt mức độ bền vững cao (điểm số trung bình >4,0) và không có sự khác biệt về mức độ bền vững giữa hai mô hình này. Tuy vậy, các mô hình đều cần cải tiến các khía cạnh liên quan đến an toàn nguồn nước sử dụng, sự công bằng trong hoạt động mua bán cho người sản xuất và các vấn đề liên quan đến sức khỏe và sự an toàn cho người lao động.
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy công cụ SAFA hoàn toàn có thể sử dụng để đánh giá toàn diện mức độ bền vững cho các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô hộ gia đình ở nước ta.
Tài liệu tham khảo
[1] Ban chỉ đạo tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản trung ương. Báo cáo sơ bộ kết quả tổng điều tra năm 2016. NXB Thống kê (2016).
[2] FAO. SAFA – sustainability assessment of food and agriculture systems – guidelines, version 3.0. Rome (2014).
[3] NGUYỄN VĂN TUẤN. Phân tích số liệu và tạo biểu đồ bằng R: Hướng dẫn thực hành. TP.HCM. NXB. ĐHQG TPHCM (2007).
[4] UBND xã Yang Mao. Báo cáo tổng kết tình hình phát triển kinh tế xã hội. Đaklak (2016).
[5] UN. Indicators of Sustainable Development: Guidelines and Methodologies – Third edition. Methodology sheets. Economic and Social Affairs (DESA). New York (2007).