XÓM KHANH 12.10.2017 – HIỆU ỨNG DOMINO THẢM HỌA ?

Hà Quang Hải

Vào khoảng 1:00 ngày 12-10, một trận sạt lở đất, đá kinh hoàng tại xóm Khanh, xã Phú Cường (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã vùi lấp bốn ngôi nhà dưới chân đồi, 18 người trong sáu gia đình bị nạn, có hai gia đình không còn lấy một ai.

“Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 300 người tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ… Bộ Công an cũng đã huy động phương tiện gồm máy dò, chó nghiệp vụ, xe chữa cháy…Ngoài ra, hàng trăm công an, bộ đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên, cùng các phương tiện máy móc của tỉnh Hòa Bình cũng đã được huy động đến hiện trường” [6].

Cuộc tìm kiếm cứu hộ được thực hiện ngay sau thảm họa, đến trưa ngày 18 tháng 10 hai thi thể cuối cùng mới được tìm thấy. Như vậy phải mất một tuần, với một lực lượng đông đảo, cùng nhiều thiết bị, việc tìm kiếm nạm nhân mới kết thúc.

Có thể nói 18 người chết tức tưởi do đất đá vùi lấp giữa đêm là một thảm họa. Trong tuần xảy ra thảm họa và tìm kiếm nạn nhân, báo chí tràn ngập những bài viết sự kiện này; tuy vậy thông tin đến với người đọc nghèo nàn, đơn điệu và lặp đi lặp lại.

Thảm họa Xóm Khanh đến nay đã đi qua, nhưng chưa thấy Sở Khoa học, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Viện Khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực thảm họa tự nhiên đến khảo sát, điều tra thực địa nhằm xác định nguyên nhân để có giải pháp phòng tránh những thảm họa tương tự trong tương lai.

Do không có điều kiện khảo sát thực tế, dựa vào các hình ảnh, những lời kể từ những nhân chứng tại hiện trường thảm họa; người viết bài này đề cập một số nội dung liên quan dưới dạng câu hỏi và mong muốn được các nhà chuyên môn cùng thảo luận, làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn đến thảm họa.

Thung lũng khu vực Thác Khanh – Xóm Khanh là thung lũng kiến tạo?

Ảnh vệ tinh (Hình 1) cho thấy khu vực Thác Khanh – Xóm Khanh có hai hệ thống đứt gẫy chính. Hệ thống đứt gẫy phương TB-ĐN cắt hệ thống ĐB-TN. Các sông suối có hướng chảy TB-ĐN theo phương đứt gẫy chính. Thung lũng có đáy hẹp, chiều rộng khoảng 100 – 200 m. Riêng phần phía đông Thác Khanh, thung lũng mở rộng tới 500 m.

Hình 1. Hệ thống đứt gẫy TB-ĐN cắt hệ thống ĐB-TN. Mũi tên vàng là hướng mở rộng thung lũng từ đới cà nát [1] về phía Thác Khanh. Nguồn: Google Earth. (Vị trí Thác Khanh và Xóm Khanh tham khảo từ Bản đồ huyện Tân Lạc, Hòa Bình [2].

Ảnh vệ tinh 3D (Hình 2) cho thấy Thác Khanh hình thành từ vách kiến tạo phương TB-ĐN. Hiện tượng xâm thực giật lùi thác đỉnh đã phá hủy dần vách và mở rộng thung lũng.

Hình 2. Ảnh vệ tinh 3D cho thấy Thác Khanh là điểm thoát nước từ dẫy núi cao phía tây. Nguồn: Google Earth.
Hình 3. Vách Thác Khanh là vách kiến tạo dốc đứng gồm 2 bậc. Có những khe nứt cắt ngang vách, nước đổ xuống thác có thể theo hệ khe nứt này. Nguồn: Internet.

Bản đồ Địa chất (Hình 4) cho thấy một đới cà nát phương TB – ĐN phân bố phần thấp nhất của thung lũng. Trong quá khứ có thể Thác Khanh phát triển từ đới cà nát này?. Đá khu vực Thác Khanh – Xóm Khanh thuộc Hệ tầng Cò Nòi (T1cn): Bột kết xen đá phiến, phiến sét vôi và Hệ tầng Đồng Giao (T2ađg): Đá vôi xen đá vôi sét phân lớp mỏng đến trung bình. Tính theo đồng mức, Thác Khanh cao khoảng 100 m so với phần thấp nhất của thung lũng nơi có đới cà nát chạy qua [1].

Hình 4. Phần bản đồ địa chất khu vực Thác Khanh – Xóm Khanh trích từ Bản đồ Địa chất nhóm tờ Hòa Bình – Suối Rút [1].
Thác Khanh đã từng đổ lở trong quá khứ ?

Từ ảnh vệ tinh (Hình 1 và 2) và Hình 3; Hình 5 có thể thấy bề mặt thung lũng nghiêng thoải từ chân thác về phần thấp địa hình thung lũng (trùng với đới cà nát). Các nương lúa trên địa hình nghiêng thoải có thể là các vật liệu lũ tích, lở tích được hình thành trong quá khứ. Nói cách khác Thác Khanh đã từng đồ lở trong quá khứ ?.

Hình 5. Các ruộng lúa trên địa hình nghiêng thoải do tích tụ lũ tích, lở tích ?. Nguồn: Internet
Hình 6. Các khối đá rơi chân Thác Khanh rất dễ di chuyển xuống thung lũng khi có chấn động. Bé gái đứng trên các khối đá xếp chênh vênh thực sự không an toàn. Nguồn ảnh: internet.
Hình 7. “Hình ảnh Thác Khanh trở nên hung dữ, được người dân ghi lại trước hôm xảy ra sạt lở”. Bùn, đất chân thác phủ trên mặt ruộng bậc thang có thể đổ xuống thung lũng một khi bị khối lượng lớn đất, đá lở từ vách thác xô đẩy. Nguồn ảnh. Internet.

Thảm họa Xóm Khanh xảy ra do hiệu ứng Domino: Lở vách – trượt đất – dòng chảy bùn, đá ?

Thảm họa có thể là kết quả tác động tổng hợp do hiệu ứng Domino: Lở đá, đất vách thác (Hình 8), trượt đất (Hình 9) và dòng chảy bùn, đá (Hình 10).

Hình 8. Vách lở mới Thác Khanh có mặt thẳng đứng, vách lở này có thể phát triển theo mặt khe nứt hình thành song song với vách.
Hình 9. Đồi dốc (khoảng 20-30o) gần Thác Khanh xảy ra hiện tượng trượt đất. Có thể do chấn động lở đất, đá từ Thác Khanh
Hình 10. Dòng bùn, đất, đá đổ xuống phần địa hình thấp của thung lũng do đất đá lở từ Thác Khanh dồn đẩy xuống

Một số đoạn trích dưới đây có thể hình dung thảm họa xảy ra gồm Lở đá, đất vách thác – Trượt đất – Lũ bùn đá.

Theo ông Đinh Đức Thịnh – người am tường về thác nước Khanh ở phía trên: “Các gia đình bị vùi lấp không phải bị đất đồi đổ xuống mà còn bị nửa quả đồi phía bên kia ụp vào. Khu vực lở nửa quả đồi là thác Khanh, chỗ đó có con suối nhưng không hướng vào nơi những hộ bị nạn ở. 

Từ thác Khanh – nơi nửa quả đồi ụp xuống – đến chỗ các gia đình sinh sống còn cách nhau mấy mảnh ruộng. Vậy mà khi nửa quả đồi lở ra, hàng nghìn mét khối đất đá đã lấp hết lòng suối, lấp kín cả phần ruộng trước khi tràn qua phía đồi bên này phủ hết bốn ngôi nhà”.

“Tôi sống gần đời người rồi nhưng chưa thấy trận lở đất nào kinh hoàng và lạ kỳ đến vậy. Rất nhiều người bàng hoàng vì thác Khanh là một điểm du lịch từ xưa nay. Còn các hộ dân sống ở chân đồi bên này, cách thác Khanh đến vài trăm mét, vậy mà đất đá ập xuống phủ kín” [3].

Chứng kiến vụ sạt lở đất, anh Đinh Công Ương (27 tuổi, trú tại thôn Khanh), kể lúc 1 giờ sáng anh đang ngủ thì nghe tiếng động ầm ầm… Mở cửa ra thấy nước và đất đá từ thác Khanh tràn xuống đến gần khu nhà ở bên dưới. Anh Ương vội chạy ra để xem tình hình thì thấy một số người già trẻ đang chạy tán loạn khỏi khu nhà kêu cứu thảm thiết.

“Chạy được nửa đường tôi thấy 3-4 người già lẫn trẻ chạy vội vàng, kêu thất thanh: “cứu với, cứu với”… Khối đất đá vẫn tiếp tục dồn xuống đuổi theo sát và có những người may mắn thoát nạn. Thấy thế, tôi đã vào kêu mẹ và vợ đang ngủ chạy ra khỏi khu vực nguy hiểm. Mọi thứ chỉ xảy ra chưa đầy 5 phút” [6].

Ông Đinh Công Hưng (48 tuổi, ở thôn Khanh, xã Phú Cường) – một trong những người dân may mắn thoát khỏi khối đất đá lớn sạt lở từ thác Khanh kể: Vào khoảng 1h25 ngày 12/10, khi ông đang ngủ ở lều cách nhà chừng 300m thì nghe thấy tiếng uỳnh uỳnh liên tục.

“Tiếng động lớn như tiếng mìn nổ vang trời. Tôi thức giấc và nhận được cuộc điện thoại của con trai báo không được về nhà vì cả xóm bị đất vùi hết rồi.

Nghe xong điện thoại của con trai, tôi chạy qua đồi ra đường cái. Khoảng chừng 2h30 phút tôi quay lại khu nhà thì đã thấy hoang tàn, không còn thấy nóc nhà của hàng xóm đâu, chỉ thấy những đỉnh bùn đất cao chót vót nhấn chìm toàn bộ…” [7].

“Tiếng nổ như bom kéo theo âm thanh ầm ầm như động đất lúc rạng sáng 12/10 đã đánh thức các hộ dân xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) thức giấc”.

“Những căn nhà sàn của người dân nằm phía bên trong dòng suối Khanh ở vị trí khá cao, khá an toàn trước các trận lũ. Tuy nhiên, điều ít tai ngờ tới là cả một dải đất lớn phía bên dòng thác Khanh đã đổ ập xuống dòng suối, sau đó vọt sang bờ bên kia, vọt qua cả một dải đất rất cao trước khi vùi lấp và cuốn phăng những căn nhà sàn nằm phía trong dòng suối” [5].

“Chúng tôi phải lấy tay để moi đất, đá cũng như mỗi khi gặp tảng đá to, cả đội phải xúm lại khoảng gần 10 người cùng nâng tảng đá ra chỗ khác để đưa người đàn ông ra ngoài“, vị cán bộ trong đội cứu hộ, cứu nạn chia sẻ”.

“Trong lúc đưa các nạn nhân bị mắc kẹt ở đống đất đá, một số cán bộ chiến sĩ đã bị sụt xuống bùn sâu đến nửa người và không thể tự mình lên được”.

“Chúng tôi nói với nhau, bị sụt xuống sâu như này mà không may đất đá lại sạt lở tiếp thì rất khó chạy được. Bởi khi bị sụt như vậy, một mình không thể tự thoát ra khỏi đống bùn đất đó” [4].

Tổng hợp những nội dung trên, có thể khái quát thảm họa Xóm Khanh do hiệu ứng Domino của quá trình sườn (Hình 11) như sau:

Hình 11. Hiệu ứng Domino gây thảm họa Xóm Khanh: 1) Lở đá, đất vách thác gây động đất (điểm khởi phát); 2) Chấn động do động đất gây trượt đất sườn đồi; 3) Đất, đá do lở vách, trượt đất dồn đẩy bùn, đất, đá tích đọng chân thác để tạo thành dòng chảy bùn, đất, đá.

Có những dấu hiệu báo trước thảm họa ?

– Sự xâm thực giật lùi tại Thác Khanh mở rộng thung lũng với sự hình thành những tích tụ (lở tích, lũ tích) đã từng xảy ra trong quá khứ.

– Những khối đá rơi chân thác cho thấy quá trình xâm thực giật lùi vẫn đang tiếp diễn.

– Sau ba ngày mưa lớn (từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 10); bùn, đất, đá từ trên cao theo dòng thác đổ xuống và tích đọng chân thác tạo thành bãi vật liệu vụn bão hòa nước. Đất, bùn chân thác phủ lên các ruộng lúa bậc thang.

Theo một số người dân, trước khi xảy ra sự cố 1 ngày, thác Khanh đã có những dấu hiệu của sự sạt lở:

“Ở tuổi thất thập, nhưng sau trận sạt lở đất kinh hoàng đêm qua, ông Đinh Công Lin (xóm Khanh) lại phải ngược xuôi lo tìm kiếm vợ và con bị đất đá vùi lấp chưa tìm thấy. 

“Từ tối đã thấy lở đất một chút rồi. Cả tôi và mọi người trong xóm cùng ra gác ở đó, nhưng gác đến 11h đêm thì tôi về nhà, nằm nghỉ nhưng trằn trọc hoài không sao ngủ được. Đến khoảng 1h30 thì nghe ầm ầm từ phía trên đầu núi, nhìn qua khe cửa thấy bùn đá phun lên, rồi cả xóm chìm lỉm” [3].

Thay lời kết và đề nghị

Một hệ thống đứt gẫy, khe nứt dầy cắt vào các hệ tầng đá là tiền đề cho quá trình phong hóa, xâm thực, làm cho đất đá trở lên kém bền vững. Mưa lớn nhiều ngày, đất đá bão hòa nước làm cho các sườn dốc trở nên kém ổn định. Khi một khối lượng lớn đất, đá từ vách Thác Khanh dốc đứng lở xuống sẽ tạo chấn động (như một trận động đất) kích thích gây trượt lở đất trên sườn đồi dốc. Đất, đá do lở vách dốc, do trượt đất cùng với bãi bùn, đá sũng nước có sẵn ở chân thác đã tạo thành dòng bùn, đất, đá vùi lấp nhà dân. Như vậy một tác động tổng hợp từ hiệu ứng domino: Lở vách – trượt đất – dòng chảy bùn, đất, đá đã gây ra thảm họa này – THẢM HỌA XÓM KHANH.

Xin có hai đề nghị như sau:

Thác Khanh vốn được biết đến là khu du lịch sinh thái đẹp nổi tiếng tại huyện Tân Lạc, thu hút khá nhiều khách du lịch vãng lai, dân phượt đến tham quan, chiêm ngưỡng”. Vậy tỉnh Hòa Bình cần tiến hành qui hoạch khu thác này thành điểm đến an toàn và hấp dẫn để du khách thưởng ngoạn.

– Cần thực hiện một nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thảm họa này để từ đó rút ra những bài học trong việc phòng tránh thiên tai. Lở đất, trượt đất, lũ bùn, đá có thể không tránh được nhưng dự báo những nơi an toàn đối với các hiện tượng này để người dân định cư là việc làm không khó. Đó cũng là trách nhiệm của những người quản lý.

Thảm họa xảy ra giữa đêm, 18 người đã chết trong tíc tắc, một mất mát quá lớn đối với đồng bào dân tộc Mường Xóm Khanh. Thiết nghĩ, dựng một tấm bia tưởng niệm những nạn nhân, nhắc nhở về thảm họa tại Thác Khanh là một việc cần làm.

Nguồn trích dẫn

[1]. Bản đồ Địa chất Nhóm tờ Hòa Bình – Suối Rút (F – 48 – 127 – A). Cục Địa chất Việt Nam.

[2]Bản đồ huyện Tân Lạc, Hòa Bình. http://www.diachibotui.com/ban-do/hoa-binh.html?dId=336

[3]. Nửa quả đồi ụp xuống, xóm Khanh đẫm nước mắt. http://tuoitre.vn/nua-qua-doi-up-xuong-xom-khanh-dam-nuoc-mat-20171013083144857.htm

[4]. Sạt lở kinh hoàng ở Hoà Bình: “Chúng tôi phải lấy tay để moi đất, đá”. http://cafef.vn/sat-lo-kinh-hoang-o-hoa-binh-chung-toi-phai-lay-tay-de-moi-dat-da-20171013102228176.chn

[5]. Tang thương bao trùm bản Mường sau vụ lở đất. http://nongnghiep.vn/tang-thuong-bao-trum-ban-muong-sau-vu-lo-dat-post204624.html

[6]. Tận cùng nỗi đau ở xóm Khanh. http://nld.com.vn/thoi-su/tan-cung-noi-dau-o-xom-khanh-20171012223514457.htm

[7]. Vụ sạt lở kinh hoàng ở Hoà Bình: “Tiếng động lớn như mìn nổ vang trời”. http://soha.vn/vu-sat-lo-kinh-hoang-o-hoa-binh-tieng-dong-lon-nhu-min-no-vang-troi-20171012175924782.htm

Lời cảm ơn: Tác giả chân thành cảm ơn TS. Trần Tuấn Tú và KS. Đinh Văn Tùng trong việc hỗ trợ ảnh vệ tinh và bản đồ địa chất cho bài viết này.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s