TÁC ĐỘNG PHÁT TRIỂN THUỶ ĐIỆN LƯU VỰC MEKONG ĐẾN SINH KẾ ĐỊA PHƯƠNG

Scott William David Pearse-Smith

Phát triển thủy điện lưu vực Mekong đang tiến triển với tốc độ ngày càng cao. Thủy điện đã ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và xã hội lưu vực Mekong và đe dọa sinh kế ở địa phương vì các dự án thủy điện tăng về quy mô và số lượng. Bài viết này dựa trên kiến ​​thức khoa học về những tác động môi trường của việc phát triển thủy điện Mekong để xem xét những ảnh hưởng do biến đổi môi trường đến sinh kế của người dân địa phương. Bài báo tập trung vào việc phát triển thủy điện sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên tái tạo quan trọng như thế nào và điều này sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất lương thực và thu nhập cho hàng triệu cư dân lưu vực ra sao. Nghiên cứu này cho rằng an ninh lương thực và kinh tế của đa số dân cư địa phương gắn bó không thể tách rời với sự toàn vẹn của môi trường tự nhiên. Do đó, phát triển thủy điện liên tục sẽ tác động xấu đến sinh kế của hàng triệu cư dân lưu vực. Cần có những biện pháp thay thế bền vững hơn.

1.Giới thiệu

Sông Mekong bắt đầu cuộc hành trình 4800 km trên cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc, đi về phía đông nam, qua sáu quốc gia đang phát triển và cuối cùng đổ ra Biển Đông của Việt Nam.

Lưu vực Mekong được chia thành hai tiểu lưu vực: thượng lưu và hạ lưu. Thượng lưu sông nằm trong lãnh thổ Trung Quốc và Myanmar, chiếm khoảng 30% diện tích toàn lưu vực và có dân số khoảng 15 triệu. Lưu vực Mekong từ “Tam giác Vàng” về phía Nam là  hạ lưu vực, thuộc lãnh thổ của Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Hạ lưu vực chiếm 70% diện tích lưu vực và có khoảng 60 triệu người. Có khoảng 29,6 triệu người sống và làm việc với 15 km của chính dòng sông Mekong. Nghiên cứu này tập trung vào tác động hạ lưu vực Mekong nơi có tầm quan trọng cả về kinh tế xã hội và môi trường hơn so với thượng lưu.

Tại hạ lưu vực, hiện nay có 25 đập thủy điện đang hoạt động và 99 dự án thủy điện sông nhánh trong các giai đoạn khảo sát khác nhau. Như vậy, hầu hết các sông nhánh Mekong đều có các đập hoặc đã được xây dựng xong hoặc dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Phần này tập trung vào hai đập thủy điện đặc biệt được công bố rộng rãi như: đập Pak Mun ở đông bắc Thái Lan và đập Thác Yali ở Việt Nam.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất đã chặn dòng chính Mekong, và cho đến nay đã xây dựng 4 đập đầu tiên trong một kế hoạch gồm 8 công trình thủy điện. Trong số này, đập Tiểu Loan sẽ là đập vòm cao nhất thế giới, công trình này sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử lưu vực Mekong rằng “một sự phát triển đơn độc sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chế độ thuỷ văn” lưu vực. Bốn đập chính cuối cùng ở Vân Nam cũng sẽ được hoàn thành vào năm 2020.

Ở hạ lưu vực Mekong, có ít nhất 12 công trình thuỷ điện dòng chính tiềm năng hiện đang được các nhà đầu tư xem xét. 10 dự án được đề xuất đã được qui hoạch cho Lào, và hai cho Campuchia

Hình 1: Bản đồ các đập thủy điện dòng chính Mekong hiện tại và đề xuất (from Lee & Scurrah, 2009)

2.Phát triển thủy điện hạn chế năng suất nông nghiệp và đánh bắt thuỷ sản

2.1 Môi trường lưu vực biến đổi

Mekong là “một trong số ít lưu vực sông lớn nhưng chưa bị biến đổi bởi cơ sở hạ tầng quy mô lớn” và là sông cuối cùng còn lại vẫn chảy tự do qua năm quốc gia. Hệ thống thuỷ văn Mekong vẫn ở trạng thái cân bằng động với sinh thái và khí hậu lưu vực trong nhiều nghìn năm. Nhiều hệ sinh thái của lưu vực có đặc tính riêng riêng và phụ thuộc vào sự biến động theo mùa của sông có thể dự báo được. Tuy nhiên, trong 15 năm qua, phát triển thủy điện đã bắt đầu làm thay đổi thủy văn lưu vực. Các tác động tích lũy của xây dựng đập thuỷ điện trên dòng chính và các chi lưu đang chuyển đổi đặc trưng cơ bản của chế độ sông với những ảnh hưởng lan rộng không chỉ đối với các hệ thống tự nhiên mà còn bởi các hệ thống xã hội và nền kinh tế.

Việc xây dựng bốn đập dòng chính ở thượng lưu Mekong đã ảnh hưởng đến thời gian và quy mô nhịp điệu tự nhiên của Mekong cũng như nhiều đặc điểm của hệ thống tự nhiên khác bị điều chỉnh.

Đáng chú ý nhất, sự thay đổi môi trường do phát triển thủy điện gây ra ngày càng hạn chế năng suất nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Thủy văn Mekong biến đổi sẽ làm giảm thiểu một số nguồn tài nguyên lưu vực như trữ lượng cá, chất dinh dưỡng tự nhiên, đất nông nghiệp và đất rừng, tất cả đều là đầu vào rất quan trọng cho cả nông nghiệp và đánh bắt thủy sản.

2.2 Tác động phát triển thủy điện đến đánh bắt thủy sản

Nghề cá sông Mekong là nghề đánh bắt cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, một số thay đổi môi trường do phát triển thủy điện đã làm giảm nguồn cung cấp cá ở lưu vực sông. Điều đó “về cơ bản làm suy yếu sự phong phú, năng suất và tính đa dạng của nguồn lợi cá. Nói chung, phát triển thủy điện có hai tác động chính đến thủy sản: tạo ra một rào cản vật lý đối với di cư và giảm hoặc phá hủy môi trường sống của cá.

Phát triển thủy điện cũng có thể cản trở năng suất đánh bắt vì các kỹ thuật đánh bắt địa phương đã được điều chỉnh phù hợp với điều kiện dòng chảy cụ thể và có thể phản ứng kém với sự thay đổi chế độ sông. Hơn nữa, như trường hợp phía hạ lưu đập Yali, các sự cố ngập nước bất ngờ có thể cuốn đi thuyền và thiết bị đánh cá cũng như cây trồng và vật nuôi.

2.3 Tác động phát triển thuỷ điện đến nông nghiệp

Phát triển thủy điện ảnh hưởng xấu đến năng suất nông nghiệp bằng cách làm suy thoái hoặc cạn kiệt một số tài nguyên thiên nhiên tạo thành đầu vào nông nghiệp quan trọng, làm giảm nguồn cung đất nông nghiệp. Ước tính tối thiểu 9.000 ha đất nông nghiệp bị ngập bởi các đập dòng chính hạ lưu. Lũ lụt có thể cuốn đi cây trồng và gia súc, và có một nỗi lo đáng kể ở Việt Nam rằng phát triển thủy điện ở thượng nguồn có thể gây ra sự xâm nhập mặn ở đồng bằng Mekong. Phát triển thủy điện làm tăng thêm độ mặn của đất bằng cách giảm nhịp điệu lụt mùa mưa, lượng muối mỗi năm tăng thêm.

Mối quan tâm kế tiếp là việc giảm nguồn cung các chất dinh dưỡng tự nhiên do phát triển thủy điện. Hiện nay, khoảng 26.400 tấn mỗi năm chất dinh dưỡng “được cung cấp cho đồng bằng ngập lụt Mekong từ trầm tích lơ lửng”. Đồng bằng ngập lụt màu mỡ Mekong phụ thuộc vào các chất dinh dưỡng này, đặc biệt là Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, các đập bẫy trầm tích dinh dưỡng, ngăn không cho đổ vào đồng bằng lụt. Tải lượng dinh dưỡng dòng chảy sẽ giảm 75% vào năm 2030 nếu tất cả các dự án phát triển thủy điện dòng chính được thực hiện.

Mất đất rừng, liên quan trực tiếp và gián tiếp với phát triển thủy điện, sẽ hạn chế năng suất nông nghiệp. Mất rừng ảnh hưởng đến nông nghiệp do gia tăng lũ lụt và hạn hán và làm mất tính ổn định đất. Trường hợp đập Pak Mun và Thá Yali cho thấy việc phát triển thủy điện cũng góp phần gián tiếp phá rừng do dân di cư vào các khu vực rừng, sau đó chuyển đất rừng thành đất nông nghiệp và đất ở.

Cuối cùng, phát triển thủy điện có thể gây hại cho nông nghiệp Mekong bằng cách giảm lượng nước ngọt sạch. Mặc dù sông Mekong vẫn được xem là sông có chất lượng nước tốt, việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp và thủy điện đang bắt đầu có ảnh hưởng. Ví dụ, sông Sê San ở hạ lưu đập Thác Yali, chất lượng nước đục hơn so với trước khi xây đập do xói mòn bờ sông gia tăng.

3.An ninh lương thực suy giảm

3.1 Tầm quan trọng của nghề cá đối với an ninh lương thực

Nông nghiệp và nghề cá rất quan trọng đối với các vùng nông thôn của Mekong nơi mà người dân được mô tả là “sinh kế dựa vào sông”. Cá cùng với gạo tạo thành “nền tảng an ninh lương thực ở hầu hết các nước ven sông. Bốn quốc gia hạ lưu nói riêng “đặc trưng tiêu thụ cá nước ngọt cao nhất trên thế giới”. Bất kỳ việc suy giảm sản lượng đánh bắt cá hoặc năng suất nông nghiệp sẽ đe doạ sinh kế của người dân và an ninh lương thực.

Nghề cá không chỉ có lợi cho những người sống ven sông hoặc các vùng ngập lũ, mà cho cả các nước hạ lưu sông Mekong. Ví dụ, mức độ sản xuất thủy sản đáng kể ở Tonle Sap không chỉ có tầm quan trọng đặc biệt đối với Campuchia mà còn đối với toàn bộ lưu vực sông Mekong.

3.2 Tầm quan trọng của nông nghiệp đối với an ninh lương thực

Lúa là sản phẩm chủ yếu cho phần lớn cư dân trong vùng. Ở hạ lưu sông Mekong, hơn 10 triệu ha đất canh tác được sử dụng để sản xuất lúa. Gạo là lương thực phổ biến cho dân cư trong lưu vực và chiếm tới 76% lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày. Với mức tiêu thụ năng lượng trung bình chỉ là 2.407 so với chuẩn nghèo về lương thực là 2.100 calo, bất kỳ việc giảm sản xuất gạo nào cũng sẽ gây ảnh hưởng.

Đồng bằng Mekong là vùng nông nghiệp đặc biệt quan trọng trong lưu vực, chiếm đa số sản lượng lương thực của Việt Nam. Hơn một nửa trang trại lúa ở Việt Nam nằm trong đồng bằng này, do đó bất kỳ sự phá vỡ nào đối với năng suất nông nghiệp của đồng bằng có thể là vấn đề đặc biệt khó khăn đối với quốc gia này.

Các vườn ven sông, ngành nông nghiệp truyền thống phổ biến dọc theo hạ lưu sông Mekong cũng bị đe dọa. Nhiều loại trái cây, rau và các cây trồng khác cung cấp nguồn thực phẩm bổ sung quan trọng trong mùa khô được sản xuất ở đây.

4.An ninh kinh tế suy giảm

4.1 Tầm quan trọng của nông nghiệp và nghề cá đối với kinh tế địa phương

83% dân số hoạt động kinh tế ở hạ lưu Mekong liên quan đến tài nguyên nước là nghề chính của họ. Các hoạt động này bao gồm “nông trại, nghề cá, đánh bắt các loài thủy sản khác, trồng rau, nuôi trồng thuỷ sản, sử dụng thủy điện nhỏ, chế biến cá, mua bán cá, kinh doanh các sản phẩm khác phụ thuộc vào nước, đóng/sửa chữa thuyền hoặc lao động trang trại.

Nông nghiệp là “hoạt động kinh tế quan trọng nhất vùng hạ lưu Mekong”. Trong một cuộc khảo sát gần đây, 73% hộ ở hạ lưu sông cho biết nông nghiệp là ngành nghề quan trọng nhất trong gia đình họ. 50% hộ gia đình nông thôn trong hành lang Mekong có thu nhập từ việc bán gạo.

Nông nghiệp cũng là ngành có việc làm lớn nhất ở mỗi nước hạ lưu, sử dụng từ 65% đến 85% lực lượng lao động ở Việt Nam, Campuchia và Lào. “Ngay cả ở Thái Lan, nơi mà nông nghiệp chiếm dưới 10% GDP, 70% lực lượng lao động ở khu vực phía đông bắc làm việc trong ngành nông nghiệp”. Nếu chỉ tính dân cư ven sông của các quốc gia vùng hạ lưu, ước tính khoảng 90% dân số tham gia vào nông nghiệp.

Nghề cá là hoạt động kinh tế quan trọng tiếp theo ở lưu vực. Nghề này cũng đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực khu vực, nó cũng mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể. 25% hộ gia đình nông thôn trong hành lang Mekong có thu nhập từ việc bán cá. Đây là  nguồn thu nhập thứ hai phổ biến từ những người được khảo sát.

 4.2 Thu nhập và lợi nhuận suy giảm do năng suất nông nghiệp và nghề cá bị hạn chế

Phát triển thủy điện trong 6 năm qua đã ảnh hưởng đến kinh tế địa phương. Gần 1/6 hộ gia đình được hỏi trong một cuộc khảo sát gần đây cho biết có một thành viên đã thay đổi nghề nghiệp do năng suất hệ sinh thái thủy sinh giảm xuống. Riêng ở Campuchia, hơn một triệu người phải đối mặt với mất sinh kế nếu hai đập dòng chính của Campuchia tiến hành. 21% hộ gia đình không có nghề thứ hai đặc biệt dễ bị tổn thương do ảnh hưởng sự khan hiếm tài nguyên đang gia tăng trong lưu vực Mekong.

Một yếu tố nữa làm giảm lợi nhuận là chi phí phát sinh trong cuộc chiến với sự thay đổi môi trường do phát triển thủy điện. Đặc biệt, chi phí của các chương trình dưỡng đất quy mô lớn để bù vào việc giảm nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tự nhiên. Chi phí thủy lợi cũng sẽ tăng khi nông dân di chuyển sang vùng đất cận kề. Chi phí thay thế dụng cụ sản xuất do lũ lụt hoặc không phù hợp với điều kiện sinh thái thay đổi.

Nếu sản lượng nông nghiệp và năng suất đánh bắt giảm, thu nhập của nông dân và ngư dân sẽ giảm hoặc không còn. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như gần đập Thác Yali, sản lượng nông nghiệp nhiều hộ nông dân bị giảm sút đến nỗi họ buộc phải bán số gạo ít ỏi mà họ sản xuất và mượn gạo để ăn. Cuối cùng, điều này có thể dẫn đến một nền kinh tế địa phương thuần túy là tồn tại, nơi nông dân chỉ có thể sản xuất đủ lương thực cho tiêu dùng cho chính họ, không có dư để trao đổi hàng hoá khác.

Đập Thác Yali là một ví dụ hiếm thấy về phát triển thủy điện ở Mekong, nơi tác động kinh tế đã được đánh giá bằng tiền mặt. McKenny (2001) khảo sát thu nhập của các hộ gia đình Cămpuchia ở hạ lưu đập trước và sau khi xây dựng. Ông nhận thấy rằng thu nhập trung bình hộ gia đình đã giảm từ 109 đô la Mỹ một tháng trước khi xây dựng đập tới 46 đô la Mỹ một tháng ba năm sau khi xây dựng đập.

Khoản thu nhập thua lỗ hàng năm là 2.5 triệu $ Mỹ cho 3443 hộ gia đình trong vòng 3 năm. Ngoài ra, thiệt hại tài sản 800.000$ Mỹ đã được ghi nhận, mặc dù vậy đây được cho là đánh giá thấp do khó khăn trong việc định lượng thiệt hại; sự mất mát về năng suất kinh tế cũng rất khó đo lường. Lũ lụt do đập Yali gây ra cũng làm chết một số người dân Campuchia, và chất lượng nước giảm đã khiến nhiều người bị ốm.

4.3 Những hạn chế về sức mua

Sự cạn kiệt và suy thoái các nguồn tài nguyên tái tạo do phát triển thủy điện được phản ánh trong việc tăng giá. Ví dụ, với sự cạn kiệt của các khu vực rừng, giá gỗ có khả năng tăng lên. Bởi vì gỗ tạo thành chi phí đầu vào quan trọng, gỗ dùng sưởi ấm, nấu ăn và xây dựng đắt hơn. Tương tự, cá và sản phẩm nông nghiệp sẽ có xu hướng tăng giá do chất lượng môi trường suy giảm.

Một số tác động kinh tế tiềm ẩn nghiêm trọng nhất của việc phát triển thủy điện đến người dân ở lưu vực Mekong không dễ dàng được đánh giá bằng tiền tệ. Nhiều người trong khu vực “nghèo về tiền tệ, nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên”. Về mặt này, họ dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho “thu nhập” của họ, không nhất thiết là dưới dạng tiền mặt.

Các ước tính hiện tại về tổng giá trị kinh tế của sản lượng cá ở lưu vực sông Mekong dao động từ 2 đến 3 tỷ $ Mỹ một năm. Tuy nhiên phải thêm vào giá trị chưa biết của tất cả các sản phẩm đánh bắt cá tự cung mà không bao giờ đưa vào thị trường, làm cho việc đánh giá chính xác các nghề cá ở Mekong rất khó khăn. Những nỗ lực tính toán một cách chính xác giá trị tổng sản lượng nông nghiệp – giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên đầu vào cho sản xuất nông nghiệp –  cũng gặp phải những thách thức tương tự như nghề cá.

Những khó khăn trong việc đánh giá tài nguyên thiên nhiên tái tạo có nghĩa là những tác động kinh tế tiêu cực của phát triển thủy điện thường bị đánh giá thấp. Sai sót này đặc biệt phổ biến trong các đánh giá kinh tế xã hội ở cấp vĩ mô, vì những thiệt hại tài sản phát sinh do phát triển thủy điện thường xảy ra ở cấp độ kinh tế vi mô. Vì vậy, mặc dù có sự đồng ý chung rằng sức khoẻ của hệ sinh thái trực tiếp nuôi dưỡng người dân địa phương, các mối liên quan cấp địa phương đối với phát triển thủy điện phần lớn bị bỏ qua bởi các nhà hoạch định chính sách ở cấp quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng không phát triển thủy điện quy mô lớn hiện nay là sử dụng không hiệu quả tài nguyên của Mekong. Tuy nhiên, trên thực tế, các nguồn tài nguyên của Mekong đang được sử dụng rộng rãi ở quy mô nhỏ hơn, qui mô địa phương.

5.Kết luận

Sinh kế của người dân lưu vực Mekong gắn liền với nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực. Bất kỳ tác nhân thay đổi môi trường làm tổn hại đến các nguồn tài nguyên này sẽ có tác động sâu sắc đến sinh kế địa phương. Việc giảm năng suất nghề cá và nông nghiệp sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực và kinh tế của người dân địa phương. Phát triển thủy điện sẽ loại bỏ khả năng duy trì bền vững của phần lớn dân số lưu vực. Nhiều người sẽ buộc phải tìm kiếm các sinh kế thay thế mà thường dẫn đến phá hủy môi trường hơn nữa, làm trầm trọng sự không bền vững của việc phát triển thủy điện liên tục.

Điều quan trọng là phải áp dụng cách tiếp cận liên ngành trong đánh giá tác động của các dự án phát triển tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù đánh giá tác động môi trường thường được tiến hành đối với các dự án thủy điện Mekong, nhưng các tác động xã hội thường ít được chú ý. Chỉ đánh giá tác động môi trường không thể nhận ra giá trị của các tài nguyên thiên nhiên này đối với người dân lưu vực.

Như Witoon Permpongsacharoen tóm tắt: “Đây là huyết mạch, nguồn sống, cho hàng triệu người. Bạn chỉ đơn giản là không thể mắc bất kỳ sai lầm lớn nào với Mekong”. Nếu người dân lưu vực đã duy trì sinh kế mà họ thụ hưởng trong nhiều thế kỷ, các nhà hoạch định chính sách phải tạo ra một sự cân bằng tinh tế giữa việc theo đuổi tăng trưởng kinh tế và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Huỳnh Thị Luông lược dich

Nguồn: Consilience: The Journal of Sustainable Development Vol. 7, Iss. 1 (2012), Pp. 73-86

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s