Nguyễn Trần Nhẫn Tánh
Khoa Kỹ Thuật – Công nghệ – Môi trường, Trường Đại học An Giang
Tóm tắt
Bài viết này xem xét các vấn đề môi trường chính ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Điều kiện môi trường ở ĐBSCL đã thay đổi mạnh mẽ theo thời gian. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ĐBSCL đang đối mặt các vấn đề về cấp nước, lũ, hệ sinh thái và sức khỏe công cộng. Người dân đã áp dụng các giải pháp để đối phó với sự thay đổi. Tuy nhiên, các giải pháp vẫn còn nhiều hạn chế.
I.Giới thiệu
Các con sông hình thành nên các đồng bằng trên thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ sông Mekong có nguồn gốc từ Tây Tạng. Đây là con sông lớn nhất Châu Á. Ở ĐBSCL, người dân địa phương khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các hoạt động này làm thay đổi mạnh mẽ đồng bằng. Nhìn chung, ĐBSCL có các vấn đề môi trường về cấp nước, lũ, hệ sinh thái và sức khỏe công cộng như các đồng bằng khác như Vịnh Chesapeake, sông Columbia, Everglades-South Florida, sông San Joaquin, sông Colorado, sông Mississippi, the Puget South, the Netherlands và sông Po.
II.Các vấn đề môi trường ở ĐBSCL
Các vấn đề môi trường ở ĐBSCL liên quan nhiều đến sông Mekong. Sông Mekong có chiều dài khoảng 4200 km (trong đó, phần ở Việt Nam khoảng 230km). Lưu vực sông khoảng 795000km2 (trong đó 39000 km2 ở Việt Nam). Diện tích ngập ở Việt Nam vào khoảng 19000 km2. Ở ĐBSCL, lũ là hiện tượng tự nhiên. Nhìn về lịch sử cho thấy con người đã phát triển các hệ thống kênh và đê bao để quản lý nước. Năm 1820, Thoại Ngọc Hầu đã khởi đầu đào một kênh chính. Sau đó, vua Minh Mạng đã xây dựng một con kênh nối với vịnh Siam để tăng khả năng kiểm soát khu vực. Từ thời Pháp, từ năm 1880 đến 1960, ĐBSCL là nơi để canh tác nông nghiệp với việc phát triển của nhiều con kênh và đê (Biggs, 2001).
Hoạt động chủ yếu ở ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp. Đồng bằng có hai mùa rõ rệt. Trong đó, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Hai mùa này cung cấp các điều kiện môi trường thích hợp cho việc canh tác. Thông thường, rau được canh tác trong mùa khô và lúa vào mùa mưa (Nakai and Cuc, 2005). Bên cạnh đó, nghề nuôi cá Basa cũng là một hoạt động tiêu biểu mang nhiều lợi ích cho người dân địa phương.
Ở ĐBSCL, người dân nhận nhiều lợi ích từ nguồn nước. Phù sa trong nước tạo một môi trường trong đó có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Hầu hết người dân ở vùng ĐBSCL sử dụng nước dọc theo sông cho các hoạt động và hoàn trả lại các thành phần độc hại. Hiện tại, nguồn nước đang bị ô nhiễm ngày càng tăng do thuốc trừ sâu, trừ cỏ và phân bón… Mỗi năm, nông dân bơm nước trực tiếp vào đất canh tác và giữ đó trong 1 vài tháng và sau đó tháo nước vào các con kênh và sông trực tiếp. Họ lặp lại chu kỳ này nhiều lần cho đến khi thu hoạch lúa. Do nhiều người nhất là người dân ở nông thôn lấy nước trực tiếp từ các con kênh và sông nên họ nhận các chất ô nhiễm nước trong cả năm. Mặc dầu mỗi tỉnh ở ĐBSCL có hệ thống nước cấp riêng nhưng các hệ thống chỉ phục vụ cho người dân sống ở các vùng đô thị hoặc thị xã, thị trấn và một số khu vực nông thôn. Điều này cho thấy, vấn đề cấp nước vẫn đang là một nhu cầu lớn cho người dân ở ĐBSCL.
Song song với vấn đề nước cấp, lũ là một trong những vấn đề đáng ngại ở vùng đồng bằng. Mỗi năm, khu vực có một mùa lũ thường kéo dài trong 3 tháng. Vào mùa lũ, người dân có thể tận dụng lợi ích từ phù sa trong việc cung cấp dinh dưỡng cho đất đai và nuôi dưỡng cá (Nga, 1999). Ở ĐBSCL, lũ thường bao phủ từ 1,4 đến 1,9 triệu ha (chiếm khoảng 50% diện tích của đồng bằng). Lũ lớn thường xuất hiện 2 năm một lần. Trong nhiều trường hợp, vùng đồng bằng có lũ trong 3-4 năm liên tiếp chẳng hạn như 1937-1940, 1946-1949 và 1994-1996. Năm 2000 và năm 2001 là thời điểm mà ĐBSCL có các cơn lũ lớn gây ra nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Người dân địa phương đối phó với lũ bằng cách xây dựng nhiều con đê để bảo vệ lúa và đẩy mạnh làm lúa 3 vụ trong năm (Tanh, 2004). Tuy nhiên, việc xây dựng đê để kiểm soát lũ gây ra các tác động tiêu cực đến canh tác lúa. Trong nghiên cứu về so sánh lợi ích và chi phí của làm lúa 2 vụ (không có đê khép kín) và làm lúa 3 vụ (có đê khép kín), Tanh (2004) chỉ ra rằng chênh lệch về lợi ích chi phí giữa 2 khu vực là khoảng 11 triệu đồng/ha/năm, trong đó khu vực không có đê khép kín có lợi ích cao hơn. Điều này đã đã đặt ra bài toán về các giải pháp nào tốt nhất đối với việc kiểm soát lũ ở khu vực.
Bên cạnh vấn đề nước cấp và lũ, sự thay đổi về hệ sinh thái cũng là một vấn đề quan trọng mà nhiều người quan tâm. ĐBSCL có các hệ sinh thái đa dạng như hệ sinh thái nước ngọt, nước mặn, rừng ngập mặn,… ĐBSCL cùng với các đặc điểm của đồng bằng đã thay đổi theo thời gian. Hoạt động nông nghiệp và nhà ở được xem như là các nhân tố chính làm thay đổi hệ sinh thái của đồng bằng. Các hoạt động này góp phần vào việc các cùng đất tự nhiên dành cho hệ sinh thái bị mất đi, nhất là đất ngập nước. Trong một bức tranh khác, sự thay đổi khí hậu liên quan đến chảy tràn có thể làm tăng việc chảy tràn ở vùng Đông Nam Châu Á (IPPC, 2001). Sự thay đổi này sẽ thay đổi các hệ sinh thái ở ĐBSCL. Sự thay đổi về sinh thái là một tình trạng chung không chỉ riêng ĐBSCL mà cũng là một vấn đề của tất cả các đồng bằng trên thế giới.
Trong bất kỳ sự thay đổi nảo của đồng bằng, cuối cùng thì sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của công cộng. Sự thay đổi về điều kiện môi trường của Đồng bằng sẽ làm cho người dân gặp khó khăn nhiều hơn về sức khỏe. Bên cạnh Tây dược, nhiều người ở vùng nông thôn sử dụng các loại lá và cây cỏ để trị bệnh như ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (Maltby, Linstead, Ni, Beazley, Khiem và Tanh, 2006). Sự biến đổi về các hệ sinh thái có thể làm mất đi các loại thực vật phục vụ nhu cầu của người dân. Thêm vào đó, chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng từ sự thay đổi này. Do việc xâm nhập mặn đang ngày càng phát triển ở ĐBSCL, nhiều người đang thiếu các nguồn nước chất lượng tốt cho sức khỏe. Các loại thuốc trừ sâu trong nước phát sinh từ sản xuất nông nghiệp đang tổn hại đến những người không tham gia vào hệ thống cấp nước của các tỉnh trong vùng Đồng bằng.
Quản lý ĐBSCL đang là vấn đề thách thức. Sự ưu tiên phát triển kinh tế làm tổn hại đến môi trường của đồng bằng. Chính quyền địa phương đã cải thiện về luật lệ về môi trường và đã bắt đầu gặt hái được một số thành tựu trong việc bảo vệ đồng bằng. Các tỉnh đang thảo luận để hợp tác trong việc bảo vệ đồng bằng mặc dầu các hành động vẫn còn hạn chế. Nhiều tỉnh đã thiết lập các kế hoạch cho việc thích nghi với biến đổi khí hậu. Nhiều cuộc họp về bảo vệ môi trường, nhất là quản lý đê bao đã được tổ chức ở cấp độ địa phương và vùng để đạt được các thỏa thuận chung giữa các tỉnh (Tanh, 2004). Hiện tại chính quyền địa phương và trung ương đang tăng cường sẽ hỗ trợ tài chính cho việc bảo vệ ĐBSCL. Tuy nhiên, việc quản lý ĐBSCL là một bài toán khó bởi vì Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển mà đang thiếu các nguồn lực về tài chính không chỉ cho phát triển kinh tế mà còn đáp ứng việc bảo vệ môi trường.
III. Kết luận
Đồng bằng sông Cửu Long đang thay đổi mạnh mẽ. Sự thay đổi thể hiện ở các ảnh hưởng về nước cấp, lũ, hệ sinh thái và sức khỏe công cộng. Người dân địa phương đã xây dựng vài giải pháp để ứng phó với các vấn đề của đồng bằng cũng như với các tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên các giải pháp thì vẫn còn nhiều hạn chế. Trong tương lại, dưới các tác động của biến đổi khí hậu, các kịch bản về thay đổi của đồng bằng nên được xem xét cẩn thận để tìm ra các kế hoạch hành động và chính sách khả thi cho sự sống còn và phát triển của đồng bằng.
Tài liệu tham khảo
Biggs, David. 2001. Comparing stories of flood control in Misssissippi and the Mekong Deltas: What lessons can be learned?. Seminar in Department of Environment and Natural resources management, Can Tho University, pp. 1-12
Intergovernmental Panel on Climate Change (IPPC). 2001. Climate Change 2001: Impacts, Adaptation, and Vulnerability. Cambridge University Press.
Nakai M. and N. T. T. Cuc. 2005. Field application of an insect virus in the Mekong Delta: Effects of a Vietnamese nucleopolyhedrovirus on Spodoptera litura (Lepidoptera: Noctuidae) and its parasitic natural enemies. Biocontrol Science & Technology, vol.15, p.443-453.
Nga, T.T. 1999. Ảnh hưởng của phù sa trên năng suất lúa và một số động vật thủy sinh chính tại An Giang (phần I và II) (Effects of alluvial on rice production yield and some major aqua-fauna in An Giang Province (Part I and II). Department of Science, Technology and Environment, An Giang Province.
Maltby, E., C Linstead, DV Ni, H Beazley, NT Khiem and NTN Tanh. 2006. Application of Ecosystem Approach to strategic wetland management in Vietnam’s Mekong Delta. Darwin Initiative.
Tanh, N.T.T. 2004. Tác động của đê bao đến kinh tế, xã hội và môi trường huyện Phú Tân, tỉnh An Giang (Socio-economic and environmental impacts of full flood protection levees in Phu Tan district, An Giang Province). Master’s program thesis. Can Tho University.
Nguồn: http://daihocxanh.hoasen.edu.vn/hoi-thao/cac-van-de-moi-truong-o-dong-bang-song-cuu-long-527.html