Hà Quang Hải
Là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia, núi Châu Thới còn là một địa di sản có giá trị khoa học về Địa tầng, Địa mạo và là điểm nhìn duy nhất để chiêm ngưỡng cảnh quan tự nhiên và đô thị ba thành phố lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam: Bình Dương, Biên Hòa và TP. HCM.
- Đá Hệ tầng Châu Thới có tuổi 250 triệu năm
Châu Thới (núi Châu Thới) được nhà địa chất Bùi Phú Mỹ và cộng sự đặt tên Hệ tầng Châu Thới tuổi Trias giữa (T2 ct) trên cơ sở nghiên cứu chi tiết mặt cắt địa chất tại núi Châu Thới (Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và Bửu Long (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Đây là hệ tầng đá cổ nhất lộ ra dưới dạng một khối núi duy nhất vùng Đông Nam Bộ.
Theo mô tả [2], mặt cắt hệ tầng Châu Thới từ dưới lên gồm 3 tập. Tập 1: cuội kết nhiều thành phần lộ ra tại Bửu Long. Tập 2: chủ yếu là cát kết arkos lộ ở Châu Thới và Bửu Long. Tập 3: cát bột kết, sét bột, bột kết lộ ra ở Bửu Long và Châu Thới. Đá của tập 2 và 3 bị cuội kết cơ sở tuổi Jura phủ bất chỉnh hợp.

“Tập 3: cát bột kết, sét bột, bột kết màu xám đen phân lớp rõ nằm xen kẽ nhau, nằm chuyển tiếp từ tập 2 lên. Trong đá phiến và bột kết tìm được hóa thạch cúc đá (ở Bửu Long) và Chân rìu (ở Châu Thới).” Các vào hóa thạch này là cơ sở để các nhà cổ sinh xác định các đá hệ tầng Châu Thới có tuổi Trias giữa.

- Các bậc thềm ở núi Châu Thới
Núi Châu Thới có các mức thềm như sau:
– Bề mặt cao 30 m phân bố ở chân núi Châu Thới. Bề mặt này có diện rộng, khá bằng phẳng. Đồi cát đỏ (nghĩa trang liệt sỹ TP.HCM) cũng thuộc mức thềm này.
– Bề mặt cao 60 m phân bố dạng vai sườn núi. Mức bề mặt này có thể nhận thấy từ các vị trí xa quanh núi.
– Bề mặt đỉnh núi Thới khá bằng phẳng, cao 90 m.
Ba bậc thềm trên có nguổn gốc mài mòn, thuộc các mức thềm phổ biến ở vùng Nam Bộ: T4 (25 – 35 m), T5 (55 – 65 m) và T6 (80-100 m). Tuổi tương ứng cho các mức thềm này là 97.000 ± 27.000 năm (tuổi OSL của hệ tầng Thủ Đức cấu tạo thềm T4), T5: 165.000-195.000 năm, và T6: 240.000-300.000 năm [1].

- Núi Châu Thới – Điểm nhìn ba thành phố
Về hành chính, núi Châu Thới thuộc tỉnh Bình Dương, nhưng về không gian núi Châu Thới được xem như phân bố tại điểm kết nối giữa ba thành phố lớn của miền Đông Nam Bộ, đó là Bình Dương, Biên Hòa và thành phố Hồ Chí Minh. Là điểm cao duy nhất nhô trên bề mặt đồng bằng giữa ba thành phố nên núi Châu Thới được nhìn thấy từ nhiều vị trí xung quanh và từ đỉnh núi Châu Thới dễ dàng quan sát cảnh quan thiên nhiên và đô thị của ba thành phố này.
– Trung tâm thành phố Thủ Dầu Một cách núi Châu Thới 18 km về phía tây bắc, theo hướng này có thể quan sát thềm Pleistocen, thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An và các tòa nhà cao của thành phố Thủ Dầu Một ?.
– Trung tâm thành phố Biên Hòa cách núi Châu Thới 10 km về phía đông bắc, theo hướng này có thể quan sát thung lũng sông Đồng Nai và thành phố Biên Hòa.
– Tháp Tài chính Bitexco (quận 1 Tp. Hồ Chí Minh) cách núi Châu Thới 19 km về phía Tây Nam, theo hướng này có thể quan sát được các tòa nhà cao tầng quận 1 và cảnh quan khu đô thị Đông thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu lắp đặt hệ thống ống nhòm trên đỉnh Châu Thới, việc quan sát cảnh quan ba thành phố sẽ rất thú vị. Đỉnh núi Châu Thới cũng là điểm thích hợp để ngắm nhìn bình minh thành phố Biên Hòa phía đông và hoàng hôn thành phố Hồ Chí Minh phía Tây.







Các giá trị về địa tầng, địa mạo và điểm nhìn ba thành phố sẽ làm tăng thêm giá trị Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia núi Châu Thới. Khảo sát bổ sung để định danh và đánh dấu điểm xuất lộ các cấu trúc địa chất, các quan hệ địa tầng, các vị trí hóa thạch để có kế hoạch bảo tồn nhằm phục cho du lịch giải trí, thăm quan học tập, nghiên cứu về khoa học Trái đất của một vùng kinh tế trọng điểm là một đề tài khoa học cần được thực hiện.
Tài liệu tham khảo
1.Hà Quang Hải, Lê Hoài Nam, Nguyễn Ngọc Tuyến, Nguyễn Thị Phương Thảo, (2014), “Thềm biển Nam Bộ – Bằng chứng về biến đổi môi trường”, Tuyển tập Hội thảo Khoa học lần IX– ĐHKHTN Tp. HCM, 21-11-2014.
2. Bùi Phú Mỹ, Vũ Khúc, Trương Công Đượng, Ma Công Cọ. 1994, Lại bàn về Hệ tầng Châu Thới. Tạp chí địa chất, số 222 (5/6)/1994. Hà Nôi.