Thiên nhiên phải mất ba trăm ngàn năm để chạm khắc nên ngọn Núi Châu Thới. Hơn ba trăm năm trước, tổ tiên – những người mở cõi đã chọn vị trí đắc địa này để dựng Châu Thới Sơn Tự và đó chính là cơ sở để Núi Châu Thới được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Nhưng ba mươi năm qua, di sản này đã bị xâm phạm nghiêm trọng, môi trường xuống cấp ở mức báo động.
Nếu áp dụng hình thức thẻ như Công viên Địa chất toàn Cầu hiện nay, Di tích Lịch sử – Văn hóa Núi Châu Thới xứng đáng nhận THẺ ĐỎ.

Dưới đây là mấy dòng ghi nhận về Di tích Lịch sử – Văn hóa Núi Châu Thới sau lần hướng dẫn lớp cao học QLMT K27 đi thực địa ngày 01/04/2018.
Tưởng vậy:
Trở thành di tích cấp Quốc gia, chùa cổ trên đỉnh núi Châu Thới với những kiến trúc đặc sắc, cảnh quan đẹp sẽ trở nên nổi tiếng hơn, hoạt động du lịch, nhất là du lịch tâm linh sẽ thu hút du khách, địa phương có thể phát triển các dịch vụ đi kèm, người dân được sống trong môi trường tĩnh lặng và xanh, sạch, đẹp.
Nhưng không phải vậy
Chỉ ít tháng nữa, Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia Núi Châu Thới sẽ tròn 30 năm được công nhận, nhưng những gì diễn ra ở đây cho thấy di tích này như không người quản lý: các hố đào to, nhỏ làm biến dạng địa hình, cảnh quan; ô nhiễm bụi khủng khiếp quanh năm; moong ngưng khai thác trở thành ao nước tù và tiềm ẩn rủi ro đối người và vật nuôi; bậc thềm lên chùa thành nơi họp chợ; bãi xe, rác thải ngập ngụa; khuôn viên chùa hỗn độn với ô tô, xe máy, người đi lại, người bán hàng rong, người khấn, nhang khói ghi ngút.
Không gian xáo trộn
Núi Châu Thới bị bủa vây bởi một hệ thống các ao, hồ đào cũ mới do khai thác đá xây dựng. Trong khi diện tích phía đông thuộc tỉnh Đồng Nai, hoạt động khai thác dường như đã dừng lại thì diện tích thuộc Bình Dương những mỏ đá lớn lân cận núi Châu Thới vẫn đang đào khoét hàng ngày.





Chợ búa nhếch nhác
220 bậc thềm lên chùa trở thành nơi họp chợ, các tấm bạt to nhỏ buộc ngang thân cây làm lều, hàng quán bày lộn xộn dọc lối đi, rác đủ loại ngập tràn từ chân cổng chùa tới khuôn viên chùa.





Khuôn viên hỗn độn
Khuôn viên chùa vốn là nơi thanh tịnh nay không còn, thay vào đó là cảnh tượng hỗn độn, nhốn nháo, nào là ô tô, xe máy chạy lên xuống, người đi lại, người khấn bái, người bán rong…trên một không gian trật trội.



Khi giới thiệu Núi Châu Thới, website tỉnh Bình Dương có đoạn trích dẫn dưới đây:
Sách “Gia Định Thành Thông Chí ” đã viết: “Núi Chiêu Thới (Châu Thới) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn thành. Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục”.
Châu Thới không thể trở lại như xưa nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, nếu như những người có trách nhiệm biết khai thác đúng giá trị văn hóa, giá trị tự nhiên của di sản quí hiếm này.
H & H