Du lịch Bình Thuận – Những điều trông thấy mà…thêm buồn lòng

Sau đúng 1 năm lại dẫn sinh viên thực tập Môi trường và Tài Nguyên đời bờ từ Lộc An đến bãi biển Cổ Thạch. Vẻ đẹp cảnh quan tại nhiều điểm dọc tuyến hành trình đã được đề cập rất nhiều từ thông tin đại chúng đến các tạp chí chuyên ngành du lịch, môi trường hay khoa học. Dưới đây là vài điều cảm thấy không vui, thực ra là buồn vì mỗi lần đến những điểm du lịch (đã nổi tiếng này) lại dần mất đi vẻ hoang sơ vốn có, lại thấy chất lượng môi trường thêm giảm sút.

Kê Gà biến đổi nhanh

Vừa xuống xe, đang loay hoay tập trung sinh viên để giảng bài, thấy lái xe to tiếng, chẳng biết chuyện gì ?. té ra bảo vệ khu du lịch Biển Đá Vàng chặn đường không cho sinh viên vào, yêu cầu phải mua vé. Đôi co với bảo vệ một chút, rồi quyết định giảng bài tại bãi đất trống, sau đó sẽ cho sinh viên vòng lại bờ kè phía tây để xuống bãi biển.

Đang giảng bài, đại diện quản lý khu du lịch xuất hiện. Ông này vui vẻ cho biết đoàn được quyền khảo sát từ con đường bê tôn nhỏ về phía biển, không đi vào khu du lịch (thực ra việc này không cần thông báo, mọi người cũng biết).

Năm ngoái đến đây, khu du lịch đang xây dựng. Năm nay nhiều hạng mục đã hoàn thành. Nhìn những căn chòi (tạm gọi vậy vì chưa tìm được thuật từ thích hợp) hình hộp, hình trụ màu sắc loang lổ đặt trên đồi cát nóng chẳng một bóng cây, hình như những chòi này sử dụng máy lạnh (chạy điện lưới).

Cô Tuyến dẫn nhóm sinh viên sang Mũi Điện (đảo Kê Gà) cho biết “thày ơi, từ đảo nhìn vào bờ biển thấy cảnh quan nham nhở, chắc những tấm ảnh của các thày chụp những năm trước sẽ là tài liệu quí, hiếm đấy”. Như vậy, những khóa luận, những luận văn làm về du lịch Kê Gà, qui hoạch công viên Đá Hoa cương Kê Gà sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Những chiếc chòi hình hộp màu sắc loang lổ trắng, đỏ, xanh và những khung nền chòi dường như muốn chen vào bãi đá

Và đây là chòi hình trụ cũng trắng, đỏ, xanh
Lại những chòi hình hộp đủ màu chen chúc nhau và một cái gì đó đang lấn ra bãi biển
Chỉ có bãi rác là không thay đổi, vẫn ở đó như xưa

Suối Tiên có tốc độ phá hủy nhanh

Quán mọc dày hơn ven suối và cả trên địa hình đầu thác. Các biển quảng cáo lớn với các món ăn, nhậu nổi bật dọc đường trên đỉnh đồi cát trắng cát phía đông với con đường dẫn xuống suối đã được bê tôn hóa.

Suối Tiên xuống cấp nhanh quá, lòng suối mở rộng do sạt lở vách bên đồi cát đỏ, do người dân san lấp làm nền quán, do hoạt động du lịch thiếu kiểm soát. Các cột đá, măng đá giả karst có hình thù đẹp, hấp dẫn đã biến mất tại một số vị trí. Các vách trượt dầy đặc và lớn hơn dọc theo sườn đồi cát đỏ.

Lều, quán mọc ven suối
Những cột đá, măng đá giả karst đang dần biến mất
Lở vách, trượt sườn dốc đang gia tăng
Cây dừa đổ ngang dòng suối năm nào vẫn còn để có thêm trò mới

Đoạn đường rác qua Hòa Thắng

Đó là đoạn đường có hệ thống khe rãnh hình thành trên cao nguyên cát đỏ từ Mũi Né đến Bầu Trắng, ngồi trên ô tô cũng có thể nhìn thấy hệ thống khe rãnh này.

Con đường ven biển qua cảnh quan cao nguyên cát đỏ, cồn cát bay màu vàng rất đẹp, du khách trong và ngoài nước qua đây với mật độ dầy đặc. Có một điều thật khủng khiếp đó tại đoạn đường gần rãnh xâm thực rác quá nhiều. Rác tràn lan, rác trong bao tải vứt dọc đường, rác lấp đầy miệng cống thoát nước, rác tứ tung trên mặt cao nguyên, rác ven đường vào khu dân cư và rác cả dưới khe rãnh xâm thực.

Thêm một điều không hiểu nổi, đó là một hệ thống khe rãnh xâm thực đang phát triển rất mạnh, chưa thấy có dấu hiệu cho một giải pháp ngăn chặn, vậy mà một khu dân cư đang hình thành chỉ cách hệ thống khe rãnh xâm thực sâu tới 30 m này khoảng vài trăm mét?.

Rác tại cống thoát nước qua đường
Rác ven đường
Dưới đáy khe rãnh xâm thực sâu cũng có rác – đó là xác hai con heo
Miệng cống thoát bằng bê tôn trên bờ vách khe rãnh xói sâu 30 m
Nhìn từ phía nam, cống thoát nước chênh vênh, vách khe rãnh xói có những vết và khối trượt
Khu dân cư đang triển khai chỉ cách khe rãnh xói vài trăm mét

Bãi đá bảy màu hay bãi rác đủ loại

Đã có nhiều bức hình rất đẹp về bãi đá Bảy màu (bãi biển Cổ Thạch). Nghe Linh Chi trình bày cho các bạn bãi đá Bảy màu được xếp hạng trong những bãi biển đẹp của Việt Nam. Đến lần này thấy bãi đá Bảy màu cũng thật khủng khiếp:

Nhất là rác: rác đủ loại, nào là túi ni lon, vỏ bao thực phẩm đóng gói, vỏ bao tải; cốc, chén mủ, dép, mảnh lưới…Rác chen trong đá, rác phủ trên đá, rác bám gốc cây, rác trèo lên cành cây…và rác tràn ngập cả đồi cát.

Nhì là lều, quán: năm nay dọc bãi đá Bảy màu là dãy quán, cả tạm bợ và bán kiên cố. Người ta đến bãi biển không để thưởng thức cảnh quan hay giá trị của bãi biển mà để nhậu, để hát nghêo ngao. Nhậu xong, hát xong; người đi rác ở lại.

Cám cảnh miếu cổ: trên mũi đá nhô phía nam bãi biển là một ngôi miêu cổ, đó là một ngôi miếu xuống cấp, xập xệ.

Có lẽ ấn tượng nhất là bài thơ có tựa đề “Miếu thiêng” khắc trên vách đá trước miếu cổ.

Một phần bãi cuội Bảy màu phủ rác nhiều màu
Rác trên đồi cát sau bãi cuội
Người đi, rác ở lại cùng cuội sỏi
Rác bãi biển Cổ Thạch_toàn cảnh
Dẫy quán tạm bợ trên bãi cuội
Và cái lều hoang này với lá dừa, bao tải, bao ni lon bay phần phật trước gió biển
Và đây là miếu cổ
Chỉ có bài thơ Miếu thiêng của Phạm Quang Phát là ấn tượng:
Gió reo đá dựng sóng biển tràn
Đẹp lòng du khách đến thăm quan
Miếu thiêng bao thuở nay còn đó
Bát ngát hương bay quyện gió ngàn
Cổ Thạch năm nay có ngôi nhà mới này, nhưng vào mấy lần không thấy ai trực, chỉ có cánh cửa mở và những bức ảnh quảng bá du lịch trên tường là thường trực.

Thiên nhiên mất hàng trăm năm, hàng nghìn năm, thậm chí hàng triệu năm để chạm khắc nên những tuyệt tác vô giá để con người thụ hưởng. Con người chỉ mất vài năm, vài tháng, thậm chí vài ngày làm cho những tuyệt tác này trên trở nên nhếch nhác và xấu xí.

Thử hỏi xem có bao nhiêu du khách muốn lần thứ hai trong cuộc đời đến những chỗ như thế này để thưởng ngoạn.

H & H

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s