DU LỊCH HỘI AN – ĐÔ THỊ CỔ VÙNG CỬA SÔNG LIMAN THƯỜNG XUYÊN NGẬP LỤT

Hà Quang Hải

Đô thị cổ Hội An nằm trên bãi bồi thấp vùng cửa sông Liman thường xuyên ngập lụt. Trải qua mấy trăm năm, các ngôi nhà vẫn giữ được những nét cổ xưa. Xem cấu trúc các ngôi nhà, cấu trúc phố xá có vẻ như người xưa đã sẵn sàng ứng phó với những trận lụt ở vùng cửa sông này. Đến Hội An không chỉ thăm quan, tìm hiểu kiến trúc và văn hóa độc đáo của một đô thị cổ, du khách còn được thưởng ngoạn những cảnh quan thiên nhiên đa dạng vùng cửa sông Liman Cửa Đại. Nếu đến Hội An đúng vào kỳ ngập lụt, du khách sẽ được trải nghiệm một sản phẩm từ tai biến địa chất đặc thù – Ngập lụt phố cổ Hội An.

1. Cửa sông Liman

Liman mượn từ tiếng Nga (Лиман), từ này lại có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là vịnh hoặc bến cảng. Liman hình thành ở cửa sông mở rộng, nông nơi dòng chảy bị chặn bởi đê cát cửa sông. Đê cát có thể là trầm tích biển (đê cát được tạo ra bởi dòng biển) hoặc dòng chảy sông (đê cát được tạo ra bởi dòng chảy của một sông lớn hơn tại điểm hợp lưu) [4].

Một thuật ngữ khác đồng nghĩa với Liman là Guba (губа) được sử dụng trong các văn liệu của Nga cho các cửa sông bờ biển ở phía bắc Nga [4].

Nước trong một Liman là nước lợ với độ mặn biến đổi: trong giai đoạn mùa kiệt nước sông có thể trở nên mặn do sự bốc hơi và dòng nước biển đổ vào.

Nhiều cửa sông miền Trung Việt Nam thuộc kiểu Liman với các đê cát chắn được hình thành do quá trình di chuyển trầm tích dọc bờ biển, phía trong đê cát là vũng cửa sông thường rộng và nông. Các đê cát chắn bịt kín cửa sông khi động lực biển chiếm ưu thế và bị xuyên thủng khi dòng chảy sông trở lên mạnh mẽ vào mùa lũ.

Loạt ảnh Google Earth cho thấy từ năm 1984 đến 1993 Liman Cửa Đại bị đê cát gần như chắn kín cửa ra, từ năm 1994 đến nay cửa sông mở rộng hơn.

Đê cát Liman Cửa Đại (1984)              Đê cát Liman Cửa Đại (2016)

2. Cảnh quan Liman cửa Đại

Liman cửa Đại (cửa sông Thu Bồn) nơi có đô thị cổ Hội An – điểm du lịch luôn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Đến Hội An ngoài thăm quan, tìm hiểu kiến trúc và văn hóa độc đáo của một đô thị cổ, du khách còn được thưởng ngoạn những cảnh quan thiên nhiên đẹp, thanh bình như cù lao An Hội, Cẩm Nam; các bãi biển cát xám vàng trải dài như An Bàng, Cửa Đại, các dòng sông nhỏ quanh co có cái tên hình tượng như Cổ Cò, Đế Võng.

Đê cát chắn, vịnh biển, cù lao, bãi biển, cửa sông hay đầm nước lợ nơi có Rừng dừa Bảy mẫu…là các yếu tố địa chất, địa mạo lí thú vùng Liman Cửa Đại. Các yếu tố này vừa có giá trị là nền tảng đô thị vừa có giá trị bổ sung tăng thêm sức hấp dẫn cho Hội An.

Cù lao An Hội bên sông Hoài
Bãi biển An Bàng vào ngày biển động
Cảnh quan sông Cổ Cò với mặt nước phẳng lặng thích hợp du lịch đường sông
Khách du lịch theo sông Hoài hướng ra Cửa Đại
Rừng dừa nước Bảy mẫu nằm giáp sông Đế Võng, Thu Bồn và sông Hoài. Nguồn Internet
Cửa Đại một buổi sớm thanh bình
  1. Ngập lụt đô thị cổ Hội An

Vùng cửa sông Liman khả năng thoát lũ rất kém, đô thị cổ Hội An nằm trên địa hình thấp (bãi bồi) nên thường xuyên bị ngập lụt. Đợt lũ đầu tháng 11 năm 2017 có mức ngập xấp xỉ với năm (2009). Đến Hội An vào kỳ lũ lụt, nơi phố cổ chìm trong biển nước sẽ cho du khách một trải nghiệm thú vị.

Đỉnh lũ tháng 11 năm 2017 kém năm 2009 khoảng 7 cm

Trong quá khứ, đô thị cổ Hội An từng ngập rất sâu: năm 1964 đỉnh lũ là 3,4 m; năm 1975: 2,67 m; năm 1998: 2,97 m; tháng 11 năm 1999: 3,01; tháng 12 năm 1999: 3,21 m; năm 2007: 3,0 m; năm 2009: 2,72 m [2].

Trải qua khoảng 300 năm, lũ lụt thường xuyên, các ngôi nhà ở khu phố cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Các nhà nghiên cứu đã nhìn ra kỹ thuật xây dựng của người xưa ứng phó bão lũ: “ Tường xây 40 cm, sử dụng gạch thẻ và chất kết dính truyền thống (vôi, mật mía, nhựa bời lời) giúp mùa đông ấm, mùa hè mát và chịu lực tốt; các công trình sử dụng loại gỗ rất tốt, thuộc nhóm 1. Kết cấu sườn, cột tán, mái… và tường san sát nhau cũng tạo nên sự chắc chắn cho cả khu phố. Ngay cả chùa Cầu, trông khá mỏng manh, cũng được tính toán kỹ về kết cấu chịu lực vì xây dựng ngay trên khe nước chảy mạnh” [2].

“Người xưa đã tính toán rất kỹ các yếu tố kiến trúc, phong thủy, địa lý, điều kiện tự nhiên để xây dựng phố cổ, ngay cả những con hẻm nhỏ cũng trở thành lối thoát nước. Ở các hiệu buôn lớn, giữa lầu 1 thường trổ một lỗ lớn thông xuống tầng trệt, để mỗi khi có lũ người dân dùng tời kéo hàng hóa lên cao”.

Có thể nhận thấy người dân ở đây đã chấp nhận và chủ động xây dựng nhà cửa, đường phố trên diện tích bãi bồi thường xuyên ngập lụt, lý do chính có lẽ đây là vị trí gần sông tiện cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại.

Cảnh lũ lụt tại Hội An năm 1964, ảnh tư liệu của hiệu Ảnh Vĩnh Tân. Nguồn [2]
Hội An chìm trong lũ tháng 11.2017. Nguồn Internet
  1. Du lịch đô thị cổ mùa lũ

Đoạn trích dẫn dưới đây cho thấy du khách đến Hội An vào kỳ ngập lụt thêm hứng thú với tai biến địa chất diễn ra tại khu phố cổ.

“Lâu nay, đô thị cổ Hội An được ví như “túi lũ” của vùng hạ du sông Thu Bồn, hình ảnh nước ngập lưng chừng nóc nhà cổ đã trở nên quen thuộc. Vào mùa lũ, nhiều người bắt gặp từng nhóm du khách nước ngoài thuê thuyền dạo loanh quanh trong phố cổ, chụp hình những mái nhà rêu phong chìm trong biển nước, khám phá đời sống cư dân Hội An mùa nước lũ. Được ngắm cảnh quan tổng thể của mái nhà cổ Hội An khi nước lũ dâng cao, tham quan các ngõ phố Hội An bằng thuyền hay ghé vào quán cà phê trên tầng 2 của ngôi nhà cổ nào đó, tất cả tạo nên cảm giác đặc biệt và mới lạ” [3].

Đi thuyền trong phố cổ là trải nghiệm thú vị đối với du khách. Nguồn Internet

“Trong những năm gần đây, khi du lịch Hội An phát triển, mỗi khi nước lớn lên, hai bên đường Bạch Đằng bị ngập lại là điều thích thú với du khách, thấy như vậy, người dân có tổ chức đi ghe để du khách tham quan Hội An ở một góc khác, một phố cổ Hội An trong nước” [1].

“Đây chính là sự năng động của người dân nơi đây, vốn dĩ Hội An là thành phố du lịch thì phải biết tận dụng tự nhiên để giải quyết bài toán kinh tế, nghĩa là mình phải biết tận dụng điều kiện tự nhiên để tạo ra giá trị cho chính bản thân mình, bắt tự nhiên phục vụ con người” [1].

Ngập lụt cũng là một “sản phẩm du lịch” của Hội An. Ảnh Dân Trí. Nguồn [1]

Lời kết

Đã có dự án về du lịch mạo hiểm “Phát triển sản phẩm du lịch từ mưa, bão, lụt tại miền Trung Việt Nam”. Trong đó, ngoài sản phẩm du lịch từ lũ lụt tại Hội An (Quảng Nam), còn có ý tưởng độc đáo về mưa ở Huế, bão ở Đà Nẵng [2].

Trước khi dự án trên trở thành hiện thực, sản phẩm “Du lịch Hội An mùa lũ” cần sớm được nghiên cứu, triển khai; sao cho sản phẩm đặc thù này vừa hấp dẫn vừa an toàn cho du khách.

Hội An – đô thị cổ sẽ hấp dẫn du khách hơn nữa nếu như những đặc trưng địa chất, địa mạo và các dạng cảnh quan vùng cửa sông Liman và nhất là lịch sử hình thành và bảo tồn đô thị gắn với lũ lụt trong suốt mấy trăm năm qua được nghiên cứu cặn kẽ và quảng bá rộng rãi.

Tham khảo:

[1] Hội An ngập nước vẫn hút khách: Ông Nguyễn Sự lý giải: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hoi-an-ngap-nuoc-van-hut-khach-ong-nguyen-su-ly-giai-3322351/

[2] Di sản sống chung với lũ: https://thanhnien.vn/van-hoa/di-san-song-chung-voi-lu-776328.html

[3] Du lịch mùa lũ bão lũ: http://www.hoianworldheritage.org.vn/vi/news/Du-lich-Hoi-An/Du-lich-mua-lu-bao-lu-450.hwh

[4] Liman (landform): https://www.revolvy.com/main/index.php?s=Liman%20(landform)&item_type=topic

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s