Vài nét về địa mạo bờ biển Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận

Hà Quang Hải

Bờ biển từ mũi Cá Tiên đến cửa Đầm Nại dài khoảng 50 km, là đường biên phía đông của Vườn quốc gia Núi Chúa. Dọc theo bờ biển này, nguồn tài nguyên biển có sự đa dạng và phong phú, đặc biệt là san hô. Dọc theo bờ biển này có những điểm du lịch đẹp như Bãi biển Bình Tiên, Vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, Công viên Đá, Hòn Đỏ…được nhiều du khách biết đến.

Có thể nói, nguồn tài nguyên biển phong phú, cảnh quan biển đẹp của dải bờ này được hình thành và phát triển trền nền tảng yếu tố địa chất, địa mạo với sự tương tác lâu dài của quá trình nội sinh và ngoại sinh: nội sinh với sự bóc lộ thể batholith Núi Chúa cùng với những hệ thống khe nứt dầy đặc; ngoại sinh là quá trình phong hóa và phá hủy của sóng biển vào bờ đá, vào các hệ thống khe nứt để hình thành các vách biển dốc đứng, các vịnh biển, các bậc thềm biển, hang đá, cột đá và các khối đá chồng…

Dưới đây trình bày vài nét về địa mạo bờ biển thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa ghi nhận được trong quá trình hướng dẫn sinh viên Khoa Môi trường thực tập thực tế. Hy vọng những nghiên cứu chi tiết sẽ được tỉnh Ninh Thuận, Vườn quốc gia Núi Chúa cũng như các nhà khoa học Trái đất thực hiện trong tương lai.

Các hệ thống khe nứt kiểm soát phương và hình thái địa hình bờ biển

Các đá magma xâm nhập cấu tạo Núi Chúa được các tác giả thuộc công trình lập bản đồ địa chất 1:200.000 xếp vào phức hệ Đèo cả tuổi Kreta [1]. Dọc bờ biển từ mũi Cá Tiên đến mũi Thị phần lớn lộ đá thuộc phức hệ này. Theo tầu du lịch từ cửa Vĩnh Hy về phía nam qua mũi Thủ có thể quan sát các vách đá dốc đứng cao tới 30 m để lộ những hệ khe nứt đứng dầy đặc (Hình 1).

Hình 1. Hệ thống khe nứt lộ trên vách biển tại mũi Thủ

Tại mũi đá phía nam Bãi Cóc, hai hệ thống khe nứt dốc đứng rõ nét có phương 195o (á kinh tuyến) và 150o (tây bắc-đông nam). Các khe nứt dày, cách nhau từ vài cm đến 20 cm (Hình 2). Kém rõ hơn là hệ khe nứt phương đông bắc và á vĩ tuyến. Tại đây cũng quan sát một hệ khe nứt dạng lớp (Sheet fracture) cắt ngang hệ khe nứt đứng (Hình 3). Hệ khe nứt dạng lớp là cơ sở tạo nên dạng địa hình phân bậc tại các mũi đá (Hình 4) và rải rác chân các vách đá dọc bờ biển. Dọc theo vách biển quan sát khá rõ hệ thống khe nứt này (hình 5).

Hình 2. Các hệ thống khe nứt tại mũi đá Nam Bãi Cóc
Hình 3. Hệ khe nứt dạng lớp cắt ngang hệ khe nứt đứng
Hình 4. Hệ thống khe nứt dạng lớp tạo địa hình phân bậc tại các mũi đá
Hình 5. Hệ thống khe nứt dạng lớp cắt ngang các hệ thống khe nứt đứng là cơ sở hình thành các bậc địa hình chân vách biển

Dễ dàng nhận thấy các hệ thống khe nứt có vai trò kiểm soát phương và hình thái đường bờ biển đá granit. Các đoạn bờ có vách dốc đứng phương á kinh tuyến chiếm ưu thế, điển hình là mũi Đá Vách (dài 2,5 km), Bãi Chuối (dài 845 m) và bờ biển cửa rạch Thái An đến mũi Thị (dài 6,3 km). Bờ biển phương tây bắc – đông nam rõ nhất bao gồm các đoạn bờ khu vực Bãi Rạng (dài 2,8 km); hướng kéo dài vịnh Vĩnh Hy, suối Sâu,  rạch Thái An cũng theo phương hệ khe nứt này. Đoạn bờ từ cửa rạch Vĩnh Hy đến cửa rạch Thái An là sự xen kẽ cả bốn hệ thống khe nứt, trong đó chiếm ưu thế là phương á kinh tuyến và tây bắc – đông nam.

Hệ thống khe nứt dạng lớp là cơ sở hình thành địa hình dạng bậc trên các sườn núi, vách biển và mũi nhô. Hệ thống khe nứt này cũng là cơ sở cho sự hình thành dạng địa hình đá chồng quan sát được nhiều vị trí dọc bờ biển.

Địa hình đá rơi, đá đổ chân vách biển

Hang Rái được hình thành do các khối đá rơi từ vách biển dốc. Vách dốc này bị chia cắt bởi các hệ thống khe nứt đứng và dạng lớp; quá trình phong hóa phát triển theo các hệ khe nứt dần làm các khối đá rơi xếp chồng chất lên nhau tại chân vách (Hình 6), tác động lâu dài của sóng biển làm các khối đá được mài trơn. Những khoảng trống giữa các khối đá được gọi là “hang”, trường hợp Hang Rái được hình thành theo hình thức này (Hình 7).

Hình 6. Các hệ khe nứt đứng và ngang chia vách đá thành các khối tảng đủ loại kích thước và hình dạng. Quá trình phong hóa theo hệ thống khe nứt dần làm các khối đá rơi xuống chân vách. Hình ảnh này cũng cho gợi ý về sự hình thành các khối đá, cột đá chồng
Hình 7. Hang Rái là các khoảng trống được hình thành từ các khối đá rơi từ vách đá

Công viên Đá Láng Chổi

Công viên Đá phân bố khu vực núi Láng Chổi thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Từ đèo Dinh Bà đi theo đường mòn qua khu rừng khô hạn về phía nam khoảng 1 km sẽ đến Công viên Đá. Chúng tôi đề nghị đặt tên Công viên Đá này là Công viên Đá Láng Chổi.

Công viên Đá Láng Chổi là bề mặt thềm biển cao 70 – 80 m hơi nghiêng thoải từ tây sang đông (về phía biển). Các diện tích bằng phẳng có lớp cỏ mỏng và những loài cây phát triển trong điều kiện khô hạn (thấp, lá nhỏ, nhiều gai). Nhô trên mặt bằng là các dải đá, các gò đá, cột đá cao từ 1,0 – 2,0 m đến 5,0 – 7,0 m (Hình 8). Các khối đá đổ trên mặt bằng nằm chen với thực vật, vách thềm xuống mặt biển rất dốc, lộ toàn đá khối (Hình 9).

Trên mặt một số khối đá quan sát được hiện tượng phong hóa bóc vỏ (Hình 10) và các dạng địa hình tafoni (Hình 11).

Hình 8. Các dải đá, cột đá, đá chồng nhô trên mặt bằng (bãi biển cổ). Ảnh: Nguyễn Trường Ngân
Hình 9. Vách thềm biển dốc lộ toàn các khối tảng đá granit
Hình 10. Phong hóa bóc vỏ (bóc vỏ củ hành) trên đá granit
Hình 11. Tafoni do phong hóa muối trên đá granit tại Công viên đá Láng Chổi

Các khối đá chồng phân bố rải rác trong Công viên Đá và trên bề mặt thềm biển cao 80 m, điển hình là khối đá dạng cầu, đường kính khoảng 5 m (Hình 12).

Các hệ thống khe nứt và quá trình phong hóa bóc mòn là yếu tố chính trong việc hình thành khối đá chồng. Hệ khe nứt trực giao cắt nền đá granit thành các khối tảng to nhỏ, quá trình phong hóa và vận động nâng từ từ của mặt đất đã phá hủy các khối đá, mang đi các vật chất vụn bở, chỉ còn các khối lõi đá ở trạng thái cân bằng nhất tồn tại. Hình 13 là phác thảo của Geikie về các giai đoạn hình thành khối đá chồng.

Hình 12. Khối đá chồng dạng cầu có đường kính khoảng 5,0 m trên đường vào Công viên Đá. Có thể thấy các mặt khe nứt trực giao vẫn còn khá rõ trên khối đá này. Ảnh: Nguyễn Hoài Phương Duy.

Hình 13. Phác thảo thể hiện các giai đoạn hình thành đá chồng của Geikie; hình (a): (i) đá granit gốc, (ii) lõi đá trong vụn sét phong hóa, (iii) thổ nhưỡng; hình b: (i) nước thấm xuống theo hệ khe nứt, (ii) đá granit phong hóa với các lõi đá còn lại, (iii) xói mòn mang đi các vụn, sét, để lại các lõi đá. Nguồn [25]
Các mảnh thềm đá vôi san hô ven bờ biển

Từ Hang Rái đến Khánh Nhơn, các mảnh thềm cấu tạo bởi cát kết vôi san hô và rạn san hô (gọi chung là đá vôi san hô) phân bố rải rác nhô trên mặt biển khi thủy triều xuống thấp. Tại một số nơi, người dân đã khai thác đá vôi san hô làm vật liệu xây dựng.

Tại Hang Rái, mảnh thềm đá vôi san hô phân bố ven theo bờ đá granite phương đông bắc –tây nam khoảng 100 m, nơi rộng nhất khoảng 40 m (Hình 14). Bề mặt thềm cao khoảng 5,0 m so với mặt biển (triều xuống thấp). Mặt thềm khá bằng phẳng, quá trình xâm thực rửa trôi đã hình thành bề mặt đá tai mèo lởm chởm, trên mặt thềm còn có những hố tròn (hố nồi), hố hình trái tim gây sự tò mò và là những câu hỏi đối với du khách (Hình 15). Chân vách thềm có hõm gặm mòn dạng hàm ếch. Hõm gặm mòn làm cho mặt thềm yếu dần và dẫn đến sự sập đổ.

Hình 14: Mảnh thềm đá rạn san hô tại Hang Rái là một trong những điểm thăm quan, thưởng ngoạn của du khách
Hình 15. Đá tai mèo và các hố nồi (vi địa hình) trên mặt thềm san hô. Các dạng vi địa hình này đang bị các bàn chân của du khách hủy hoại

Dọc bờ biển Mỹ Hòa – Mỹ Tân, thềm đá vôi san hô dài tới 10 km từ  mũi Thị đến hòn Chồng. Thềm bị sóng phá hủy mạnh tạo thành bãi ngầm (chỉ lộ ra khi thủy triều xuống thấp) (Hình 16).

Hình 16. Bãi san hô ngầm tại Mỹ Hòa

Tại Mỹ Tân, thềm đá vôi san hô khá giống ở Hang Rái. Các mảnh thềm sót có diện tích nhỏ, cao hơn mặt biển khoảng 4,0 m (Hình 17); phía trong bờ bề mặt bị phủ bởi lớp cát màu xám vàng. Chân khối có hõm gặm mòn và mặt thềm cũng đang bị sóng phá hủy.

Hình 17. Mảnh thềm đá vôi san hô tại Mỹ Tân

Hòn Đỏ là một mũi nhỏ nhô ra biển, được cấu tạo bởi cát kết vôi, cao khoảng 3-4 m. Chân khối cũng có hàm ếch gặm mòn sâu 1,0 m. Phủ trên cát kết vôi là cát màu đỏ nhạt (Hình 18), đó cũng là lí do mà địa danh này mang tên hòn Đỏ. Khu vực hòn Đỏ hiện là nơi bảo tồn rạn san hô của tỉnh Ninh Thuận.

Hình 18. Cát đỏ nhạt phủ trên cát kết vôi bị đang bị sóng phá hủy

Tại Khánh Nhơn, các khối đá vôi san hô lộ thành những diện tích nhỏ nhô cao trên mặt nước biển khoảng 1,5 – 2,0.

Hình 19. Mảnh thềm cát kết san hô tại Khánh Nhơn

Cho đến nay, chỉ thấy thông báo của Henri Fon Taine về thể địa chất này [2]. Theo thông báo này, đây là đá cát kết vôi (chứa vụn san hô, sò ốc, foraminifera) phân bố rải rác từ Tuy Phong đến Phan Rang tạo thành thềm cao 15 – 19 m. Dựa vào quan hệ địa chất, ông xếp đá cát kết vôi hình thành trong giai đoạn gian băng Mindel –Riss (Cách ngày nay 430.000 – 240.000 năm); cát đỏ trẻ hơn, hình thành trong giai đoạn gian băng Riss – Wurn (Cách ngày nay 180.000 – 120.000 năm).

Dựa vào không gian phân bố, độ cao các mảnh thềm đá vôi san hô từ Hang Rái đến Khánh Nhơn, chúng tôi giả thiết rằng đã từng tồn tại rạn san hô riềm (fringing reef) bám theo bờ đá granit ? trong giai đoạn biển tiến Flandrian?.

Thay lời kết

Hầu hết các điểm đến của du khách dọc ven bờ biển Vườn quốc gia Núi Chúa đều gắn với các thuật từ của khoa học địa mạo về các dạng địa hình như Vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, thềm san hô hay một quá trình địa chất như phong hóa bóc vỏ hành, đá tai mèo, tổ ong…Diễn giải sự hình thành các dạng địa hình sẽ hấp dẫn du khách hơn nữa (như giải thích sự hình thành các khối đá chồng chẳng hạn) khi họ đến thăm quan các điểm đến này.

Khi hiểu rõ đặc điểm của từng dạng địa hình, việc khai thác các giá trị (khoa học, sinh thái, thẩm mỹ, lịch sử/văn hóa…) cũng như bảo tồn chúng sẽ thực sự hiệu quả. Có thể lấy ví dụ cho trường hợp Hang Rái:

– Đó là sự hình thành vách biển, mô hình đá chồng, đá rơi chân vách (tạo Hang Rái); hay thềm đá vôi san hô có bề mặt hình thành dạng địa hình tai mèo (thường xuất hiện trên đá vôi), các hố hình tròn hoặc trái tim xen giữa tai mèo, hay hõm gặm mòn chân vách thềm do hoạt động của sinh vật và sóng biển.

– Hiểu được quá trình hình thành vách biển sẽ bố trí những tuyến thăm quan, những điểm nhìn an toàn cho du khách (tránh được những rủi ro vì đá có thể rơi bất cứ lúc nào), nghiêm cấm du khách leo trèo trên các khối đá, vách đá chênh vênh.

– Hiểu được giá trị các dạng địa hình sẽ giúp việc bảo tồn tốt hơn như: trên mặt thềm san hô cần tạo một lối đi cho du khách để duy trì lâu dài dạng vi địa hình đá tai mèo, hố nồi, hố trái tim…

Một dải bờ biển có sự đa dạng các yếu tố địa chất địa mạo, rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế, phổ biến khoa học gắn liền với công tác bảo tồn. Vì vậy, những nghiên cứu sâu, chi tiết nên được triển khai.

Lời cảm ơn. Tác giả xin chân thành cảm ơn Ban giám đốc Vườn Quốc Gia Núi Chúa đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến thực tập của sinh viên ngành Khoa học môi trường vừa qua; cảm ơn anh Hoàng Công Thành, anh Cao Thành Ngon, chị Nguyễn Thị Nhụ (công tác tại TT. Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường, Vườn Quốc gia Núi Chúa) đã giúp đoàn thực tập về kế hoạch học tập, nơi ăn ở và trực tiếp giảng bài cho sinh viên tại thực địa.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Nguyễn Xuân Bao và nnk. Bản đồ địa chất khoáng sản tờ tỷ lệ 1:200000 tờ Đà Lạt-Cam Ranh (C-49-I & C-49-II) do Cục Địa Chất và Khoáng sản Việt Nam xuất bản năm 1999.

[2]. Henri Fon Taine. Nhận xét về các thành tạo duyên hải Đệ tứ ở Nam Trung Bộ. Arch Geol Vietnam. No 15, 1972 (bản dịch của Nguyễn Anh Tuấn).

[3]. C.R. Twidale and J. R. Vidal-Romani. Landforms and Geology of Grani te T errains. DOI: 10.13140/RG.2.1.1595.6722.

 

 

 

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s