Những năm trước, Bến Lội ở chân đèo Khánh Lê là điểm dừng chân học tập và giải trí của đoàn Thực tập môi trường đại cương, Khoa Môi trường. Tại đây – cảnh quan đẹp và hoang sơ, sinh viên được nghe giảng về tài nguyên nước đầu nguồn sông Cái Nha Trang, được lội nước, chơi trò cân bằng đá và tạo kiểu chụp hình cùng nhau, cùng với thày cô.
Năm nay, có một điểm học tập mới hấp dẫn hơn hẳn Bến Lội, đó là Ngã ba suối Sơn Thái. Ngã ba suối Sơn Thái trong một thung lũng rộng để lộ một cảnh quan y như các mô hình trong sách giáo khoa về địa mạo dòng chảy với sự đa dạng địa hình: bãi bồi lòng sông, các bậc thềm, các vết lộ đá gốc, các vách xói lở, các mặt trượt do xâm thực chân vách…
Ngã ba suối Sơn Thái – một điểm học tập hay, một điểm giải trí lý thú, một cảnh tự nhiên đẹp không thể không dừng lại mỗi khi đi qua.
Từ Bến Lội
Năm 2011, lấy lí do tuyến đường đèo Ngoạn Mục đang sửa chữa nên các bác tài đề nghị đi đèo Khánh Lê xuống Nha Trang. Thực ra các bác tài thích đi tuyến này hơn vì rút ngắn lộ trình tới 90 km. Vậy là phải bổ sung mấy điểm mới cho tuyến hành trình thực tập, chưa có lộ trình tiền trạm nên phụ trách đoàn vừa đi vừa tìm điểm dừng để sinh viên học tập. Bến Lội là một điểm như vậy.
Xuống chân đèo Bidoup – Khánh Lê thường vào khoảng 11:00; đoàn dừng lại nghỉ ăn trưa, mấy quán lợp tole đơn giản là nơi thày cô và sinh viên lấy cơm hộp ra ăn, gọi nước uống. Cơm, nước xong; đi khảo sát loanh quanh, phát hiện một lòng suối có bãi cuội rộng khoảng 50 m, kéo dài tới 200 m, nước ngập chưa đến đầu gối, chảy nhẹ; thế là cả đoàn xuống vui chơi, giải trí cả một giờ đồng hồ.
Từ những năm sau đó, Bến Lội chính thức được đưa vào chương trình học tập. Bến Lội được xem là điểm chuyển tiếp lộ trình giữa núi – cao nguyên sang đồng bằng ven biển. Tại đây có quán Bến Lội, chủ quán làm bậc thềm xuống bãi nên rất tiện cho việc đi lại.




Thày Tự Thành (trưởng đoàn) có ý định không ăn cơm hộp buổi trưa tại Bến Lội nữa; được thày Cảnh giới thiệu quán Chân Đèo có ông chủ quán luôn vui vẻ và giá cả phục vụ phải chăng. Thế là năm 2016, qua điện thoại đoàn đặt cơm trưa tại quán Chân Đèo. Cơm nóng, đồ ăn ngon, giá tốt, chủ quán nhiệt tình (xem Nhật kí thực tập môi trường 2016). Cơm trưa xong, thày trò hành quân xuống Bến Lội khoảng 1 km.
Năm ngoái cũng vậy, cơm trưa xong, thày trò lại hành quân xuống Bến Lội nhưng chuẩn bị theo bậc thềm xuống bãi thì bị chủ quán làm khó – nguyên nhân có lẽ là đoàn đặt ăn ở quán Chân Đèo. Trưởng đoàn nói gì đó, rồi chủ quán cũng cho qua. (Thực ra thì đoàn đã liên hệ đặt ăn tại quán Bến Lội rồi, nhưng mắc nên thôi).
Đến Ngã ba suối Sơn Thái
Năm nay chủ quán Chân Đèo (ông Nguyễn Luật) liên hệ với địa phương (lãnh đạo xã Sơn Thái) và trực tiếp dẫn đoàn đến bãi Ngã ba suối (tạm gọi Ngã ba suối Sơn Thái). Ngã ba suối đẹp đến không ngờ cả về cảnh quan địa mạo và những vết lộ địa chất, địa chất môi trường.
Ngã ba suối Sơn Thái cách Bến Lội hơn 1 km về phía thượng nguồn. Có thể sơ bộ về địa tầng, địa mạo và các vấn đề môi trường tại đây như sau:
Về địa chất: Ven suối lộ đá phiến màu đen thuộc hệ tầng La Ngà, phía trên là vỏ phong hóa có màu nâu đỏ dày tới 10 m. Giữa lòng suối, rải rác nhô lên các khối đá granit thuộc phức hệ Đèo Cả. Bãi đá cuội, tảng mài tròn kích thước từ vài cm đến 30 – 50 cm, một số tảng tới 1,0 m chủ yếu có màu xám sáng với ba loại đá cơ bản gồm ryolit, ryodacit; granit và đá phiến. Nhìn chung kích thước cuội tảng lớn hơn bãi đá Bến Lội.
Về địa mạo: các tích tụ lòng suối và bãi bồi cuội tảng, cát phân bố bên bờ lồi khúc uốn; vách xói lở, vách trượt đất phân bố nơi lạch sâu áp sát bờ. Một hệ thống bậc thềm quan sát khá rõ: Thềm 1 nguồn gốc tích tụ, cao 3,0 – 4,0 m gồm các lớp sạn, sỏi xen các lớp cuội. Thềm 2 nguồn gốc xâm thực, cao 7,0 -8,0 m. Thềm 3 cũng là thềm xâm thực, cao 10 – 12 m. Thềm 2 và thềm 3 đều lộ vỏ phong hóa từ trầm tích La Ngà.
Về môi trường: các vách xâm thực và mặt trượt mới xảy ra lộ rất rõ, việc canh tác (chặt bỏ lớp phủ thực vật) gây xói mòn đồi thềm cao dẫn đến tích tụ trên mặt thềm thấp.










H & H