Nguyễn Thị Quế Nam, Hà Quang Hải
Ba CVĐC cấp quốc gia tiềm năng thuộc dải ven biển Nam Trung Bộ đều là những khu vực có đặc thù về địa học: 1) CVĐC Đảo núi lửa Lý Sơn được cấu thành từ những vật liệu núi lửa chủ yếu phun nổ vào Holocen muộn. 2) CVĐC Bờ biển Phú Yên có sự đa dạng về địa chất và địa mạo với sự hiện diện của đá cổ nhất từ Tiền Cambri (Precambri) cách ngày nay khoảng trên 570 triệu năm. 3) CVĐC Bờ biển và Cao nguyên cát đỏ Ninh Thuận – Bình Thuận có sự đa dạng về địa hình tạo bởi cát nổi bật bởi cao nguyên cát đỏ hùng vĩ được giới hạn phía đông là bờ biển đá và những cung bờ tuyệt đẹp được định hình bởi các mũi nhô đá granit.
1. Công viên Địa chất Đảo núi lửa Lý Sơn
Lý Sơn gồm gồm 2 đảo là Cù Lao Ré (xã An Hải, xã An Vĩnh) và Cù Lao Bờ Bãi (xã An Bình). Địa mạo đặc trưng của đảo núi lửa Lý Sơn thể hiện rõ nét như sau:
– Đảo có các nón núi lửa phun nổ (trong đó núi lửa Hang Câu – chùa Hang và Thới Lới có cùng họng phun). Các nón núi lửa có hình dạng khá nguyên vẹn, nhô cao trên đảo phổ biến có miệng dạng trũng.
– Bazan dòng chảy hình thành lớp phủ thấp dưới chân các nón núi lửa.
– Trầm tích biển chủ yếu là cát kết san hô, đá rạn san hô phân bố xung quanh đảo bị ngập triều thường xuyên.
– Sự phá hủy của sóng biển vào sườn núi lửa và lớp phủ bazan đã hình thành các dạng địa hình lý thú ven đảo như: vách biển, hang biển, bờ biển đá, tháp đá…, trong đó hấp dẫn nhất là vách biển Hang Câu – Chùa Hang, nơi để lộ mặt cắt cấu trúc núi lửa và quan hệ địa tầng giữa đá vụn núi lửa phủ trên các lớp cát kết san hô.
1.1.1 Các nón núi lửa giữa biển khơi
Trên Cù lao Ré có 6 nón núi lửa nội đảo và 5 biểu hiện dưới biển, trong đó núi Thới Lới chồng trên Hang Câu – Chùa Hang là núi lửa hai tầng. Đây là núi lửa lớn nhất đảo với độ cao 175 m. Hình thái và cấu trúc phân lớp núi lửa này có thể nhận dạng dễ dàng bằng việc giải đoán ảnh vệ tinh. Các lớp cấu tạo núi lửa Hang Câu-Chùa Hang cắm thoải, trong khi đó các lớp cấu tạo núi Thới Lới dốc hơn cắm trên vành miệng núi Hang Câu – Chùa Hang.

1.1.2 Vách biển Hang Câu – Chùa Hang
Vách biển hiện đại Hang Câu – Chùa Hang cao 20 – 40 m dài 1250 m để lộ cấu trúc núi lửa cực kỳ ấn tượng. Đi dọc theo vách biển này quan sát rất rõ các trầm tích gồm sạn kết tuf, cát kết tuf, bột kết tuf phân lớp, phân dải, lượn sóng chứa các mảnh đá, khối đá bazan kích thước từ 1 – 2 cm đến 1,0 m.

1.1.3 Cát trắng san hô
Các bãi cát nhỏ nhỏ, hẹp phân bố rải rác bờ bắc cù lao Ré, bờ tây và nam cù lao Bờ Bãi hoặc tích tụ trong các hố, trũng trên bãi biển mài mòn đều là cát san hô, ít hơn là các mảnh vụn sinh vật biển khác (sò, ốc). Các bãi cát trắng thường có sự thay đổi hình dạng theo mùa phụ thuộc vào chế độ sóng biển. Cát trắng – cát san hô là nguồn vật liệu quan trọng trong canh tác tỏi, hành ở Lý Sơn.
1.1.4 Đa dạng địa hình bờ biển
Các quá trình phong hóa, bóc mòn và tác động của sóng biển vào cấu trúc núi lửa đã tạo nên sự nhiều dạng địa hình có hình thù độc đáo như: nấm đá, tháp đá, hang biển; cầu đá, bãi biển dạng túi. Một số dạng địa hình tạo nên cảnh biểm hấp dẫn lượng lớn du khách đến Lý Sơn thăm quan hàng năm như Cổng Tò Vò ở cù lao Ré.
2. Công viên địa chất Bờ biển Phú Yên
Dải bờ biển Phú Yên dài 180 km bắt đầu từ Vũng Rô – Đèo Cả (huyện Đông Hòa) đến đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), đi qua 4 huyện và thành phố đó là huyện Đông Hòa, thành phố Tuy Hòa, huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu.
Sự đa dạng về cấu trúc địa chất, thạch học, địa hình, địa mạo đã tạo cho vùng ven biển Phú Yên nhiều cảnh quan hấp dẫn. Đây là nơi hội tụ của các đới kiến tạo, có lịch sử phát triển từ tiền Cambri đến nay. Cùng với sự tham gia của hầu hết các quá trình địa chất như magma (xâm nhập, phun trào), biến chất; trầm tích (sông, hồ, biển, gió); các hoạt động kiến tạo như nén ép, tách giãn với các hệ thống đứt gãy, khe nứt theo nhiều phương khác nhau kết hợp với sự chạm khắc của quá trình ngoại sinh (phong hóa, bóc mòn, mài mòn, vận chuyển vật liêu sông suối, biển gió, …) để lộ ra sự đa dạng của các hệ tầng tạo nên tính đặc thù của cảnh quan và địa hình khu vực. Một số thắng cảnh nổi tiếng được công nhận như đầm Ô Loan, gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài.
2.1 Đa dạng địa chất
Nổi bật là sự đa dạng các loại đá – sản phẩm của các quá trình địa chất với sự hiện diện 6 phân vị hệ tầng trầm tích – phun trào, 7 phức hệ đá magma xâm nhập. Các đá biến chất cổ hiện diện như hệ tầng Tắc Pỏ (Tiền Cambri), hệ tầng Phong Hanh (Ordovic). Trẻ nhất là các trầm tích Holocen có nhiều nguồn gốc khác nhau như sông, biển, đầm lầy, vũng vịnh và gió.


Sự xuất lộ các cấu trúc địa chất có giá trị khoa học cũng đã được ghi nhận dọc ven biển Phú Yên, như:
– Các cột đá bazan trụ uốn cong xuống mặt biển.
– Quan hệ địa tầng: basalt Xuân Hòa phủ trên các trầm tích phân lớp mỏng, nằm ngang thuộc hệ tầng Kon Tum.
– Ranh giới giữa đá xâm nhập granit biotit thuộc phức hệ Đèo Cả 3 và basalt Xuân Hòa.

2.2 Đa dạng địa hình, địa mạo
Sự đa dạng địa hình, địa mạo dải bờ biển Phú Yên do tác động của sông, biển, phong hóa và quá trình sườn cắt xẻ vào các đá móng có thành phần khác nhau. Trên quy mô lớn, dải bờ biển Phú Yên bao gồm các cảnh quan địa mạo: 1) Cảnh quan Đèo Cả nơi có núi Đá Bia – một địa danh nổi tiếng; 2) Đồng bằng Tuy Hòa nơi có cửa sông Đà Diễn; 3) Bờ biển Phú Yên với những cảnh đẹp như Vịnh Xuân Đài, Gành Dĩa, Đầm Ô Loan… Các dạng địa hình mài mòn, xâm thực phổ biến là các vách biển (cliff), khối đá sót mũi nhô (stack), nền mài mòn (platform), hang biển. Các dạng địa hình tích tụ cũng khá đa dạng bao gồm các đê cát chắn cửa sông, cửa đầm, vũng, vịnh, các đê cát nối đảo (tombolos), các mũi cát, bãi biển cuội, bãi biển cát.
3. Công viên địa chất Bờ biển và Cao nguyên cát đỏ Ninh Thuận – Bình Thuận
Dải bờ biển Ninh Thuận dài 105 km, với rất nhiều kiểu địa mạo đa dạng: vũng, vịnh, bờ đá, mũi nhô, bờ san hô cổ, đụn cát di động, đầm phá, đảo đá ven bờ. Trong đó, có thể kể đến một số geosite đặc trưng như: vịnh Vĩnh Hy, Hòn Đỏ, đồi cát Nam Cương, mũi Dinh.
Bình Thuận có đường bờ biển dài hơn 150 km có nhiều geosite mang giá trị khoa học và giá trị bổ sung cao. Đó là các mũi nhô đá xâm nhập, phun trào; các vịnh biển, bãi biển, thềm biển, vách biển do hoạt động mài mòn và tích tụ và cao nguyên cát đỏ rộng lớn, các đụn cát hiện đại do gió. Các geosite đặc trưng có thể kể đến là Suối Tiên, mũi Kê Gà và bãi đá Cổ Thạch, Gành Son.
3.1 Cao nguyên cát Đỏ Phan Thiết
Địa hình nổi bật dải ven biển Ninh Thuận – Bình Thuận là Cao nguyên Cát đỏ, phân bố chủ yếu từ Phan Rang đến Hàm Thuận Nam. Một khối lượng cát màu đỏ ước tính 20 tỉ m3, phân bố trên diện tích khoảng 830 km2, nơi cao nhất ở bắc thành phố Phan Thiết tới 160 m so với mực nước biển. Cao nguyên Cát đỏ – một thực thể địa chất – địa mạo đới bờ kỳ vĩ, gây ấn tượng mạnh với mọi du khách mỗi khi đặt chân đến. Cao nguyên cát đỏ cũng là một phân vị địa tầng phức tạp, là đối tượng nghiên cứu của các nhà địa chất trong và ngoài nước khoảng 100 năm qua.

Cao nguyên Cát đỏ phân bố thành ba khu vực chính: 1) Nam Phan Rang, 2) Bắc Phan Thiết và 3) Nam Phan Thiết. Lớn nhất là khu vực Bắc Phan Thiết có diện tích gần 600 km2, có vách phía đông xâm thực cao 20 – 40 m lộ cát đỏ đậm.
Chạm khắc trên cao nguyên cát đỏ là các cồn cát đỏ tái tạo, cồn cát trắng liên tục được gió tạo dáng. Diện mạo những đồi cát bay lớn như ở Nam Cương, Ninh Thuận, Đồi Hồng, Bàu Trắng (Bình Thuận) thường xuyên thay đổi.
Một không gian cát mênh mông ở Hòa Thắng với những đồi cát vàng, cát trắng được gió biển vun cao dưới nắng cháy chẳng khác gì một sa mạc. Vậy mà trecking qua sa mạc nóng bỏng đã trở thành mơ ước của nhiều người.

Dưới cát đỏ là cát xám trắng, sự xói mòn của biển và xâm thực của sông suối để lộ ra sự tương phản về màu sắc, thành phần vật chất và tuổi thành tạo được xem là những di sản địa chất, địa mạo có giá trị trong việc tìm hiểu điều kiện cổ địa lý của cao nguyên cát đỏ. Thung lũng Suối Tiên là một trong những di sản như vậy. Tại đây lộ một quan hệ địa chất đẹp-cát đỏ phủ bất chỉnh hợp trên cát trắng xám. Kết quả phân tích nhiệt phát quang cho thấy cát đỏ có tuổi 85000 ± 9000 năm hình thành vào giai đoạn biển tiến pleistocen muộn (MIS -5) trong khi cát trắng xám có tuổi > 204000 năm được hình thành trong giai đoạn biển tiến Pleistocen giữa (MIS – 7). Cát trắng xám giàu CaCO3 tạo địa hình giả kast dọc theo vách suối – một dạng địa hình hấp du khách.
3.2 Mũi đá, bờ biển đá và các cung bờ biển cát, bờ biển cuội
Dọc bờ biển Ninh Thuận – Bình Thuận, những dạng dạng địa hình đặc trưng khác đó là mũi đá, bờ biển đá và cung bờ biển.
Các mũi đá granit nhô ra biển như những mỏ hàn tự nhiên bảo vệ bờ biển. Tác động xâm thực của sóng biển vào hệ thống khe nứt dầy đặc chia cắt nền đá granit hình thành một phức hợp cột đủ hình dạng, kích thước, thế nằm (ngang, xiên, thẳng đứng). Một số mũi đá đã là những điểm đến nổi tiếng như Kê Gà, La Gàn, Cổ Thạch.
Bờ biển đá: tác động của sóng biển vào đá granit ở khu vực Vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) cũng tạo nên những dạng địa hình bờ biển đá mà ít thấy ở nhưng nơi khác như: các vách dốc đứng theo đường đứt gẫy như Đá Vách (dài 2,5 km), Bãi Chuối (dài 845 m) và Thái An – mũi Thị (dài 6,3 km) theo phương kinh tuyến.
Một số dạng địa hình dọc theo bờ biển đá từ Vĩnh Hy đến Láng Chổi là những hình mẫu trực quan giải thích những hiện tượng địa chất đặc biệt lý thú như sự hình thành: đá chồng, hang đá, phong hóa bóc vỏ, tafoni do phong hóa muối.
Các cung bờ biển cát, bờ biển cuội
Các mũi đá nhô ra biển có vai trong chính trong việc hình thành các đường bờ biển dạng vòng cung với các bãi biển cát hay bãi biển đá tuyệt đẹp như Ninh Chữ, Mũi Dinh, Cổ Thạch, Gành Son, Mũi Né, Phan Thiết. Cảnh quan, hình dáng, độ lớn, thành phần và màu sắc trầm tích trong các cung bờ biển cũng là đối tượng thu hút du khách cũng như các khoa học gia trong lĩnh vực địa chất, địa mạo.

Tóm lại: Núi lửa hai tầng Thới Lới với sự xuất lộ cấu trúc phun nổ tại vách biển Hang Câu – Chùa Hang; bờ biển xâm thực lộ đá bazan cột Gềnh đá Dĩa và cao nguyên Cát Đỏ Phan Thiết là những geosite địa chất, địa mạo có giá trị khoa học và thẩm mỹ thuộc loại quí, hiếm Việt Nam. Các geosite này đáp ứng các tiêu chí xây dựng Công viên Địa chất Quốc gia.