Phú Quí – Hòn đảo hoang sơ, con người hiền hậu

Giữa tháng 3, cô Phương Chi mời đi đảo Phú Quí để tìm hiểu những giá trị địa chất – địa mạo phục vụ cho luận án sắp tới. Phương Chi thông báo có Quế Nam (mới bảo vệ luận văn thạc sỹ) và bạn Ngọc Nhiên làm khóa luận về địa du lịch cùng đi; vậy thì đi thôi.

Từ năm 1995 khi tham gia lập bản đồ địa chất Bình Thuận đã rất muốn ra đảo Phú Quí, những năm gần đây khi nghiên cứu về di sản địa chất, địa mạo phục vụ bảo tồn giá trị tự nhiên và phát triển du lịch lại thôi thúc người viết bài này ra đảo.

1.Hành trình tới đảo

14:00 ngày 03/04 bốn thày trò trên xe du lịch The Sing Tourist tại 273 Đề Thám bắt đầu hành trình. 18:30 đến Homestay Cô Tư Phan Thiết tại 160 Đường Hiền Vương. Homestay nhỏ, bài trí đơn giản nhưng mọi người đều cảm nhận được sự thân thiện: một sơ đồ kiểu mindmap giới thiệu các điểm du lịch, một không gian nhỏ gắn ảnh các du khách để lại, một kệ sách nhỏ, một bàn ăn nhỏ, mấy ghế đu và võng, mấy chậu hoa. Đêm đó, những trận mưa đầu mùa làm cho Phan Thiết có vẻ dịu hơn.

Homestay Cô Tư tại 160 Hiền Vương, Phan Thiết
Homestay Cô Tư Phan Thiết tại 160 Hiền Vương
Một góc Homestay Cô Tư Phan Thiết

Sáng 04/04 cô My (chủ quán) gọi xe đưa bốn thày trò ra bến tàu. Tàu Superdong mới hoạt động, thời gian đi Phú Quí là 2,5 giờ, giá vé 350.000 đ/người, vé cho người cao tuối (trên 60) là 295.999 đ, lần đầu tiên trong đời được giảm vé. Tàu khởi hành lúc 9:30, đến bến tàu đảo Phú Quí lúc 12:00. Giỏi ‘Phú Quí’ và Sang đã chờ nhóm ở bến tàu. Đưa 2 xe máy cho thày trò, Sang dẫn mọi người về Homestay Chú Tư nghỉ vì Homestay Cô Sang (mẹ Giỏi) nơi mà nhóm đặt trước chưa bố trí được chỗ do du khách muốn ở lại thêm trên đảo.

2. Khảo sát

15:00 chiều 04/04 điểm khảo sát đầu tiên là Núi Cấm, chùa Linh Bửu, đuốc Bác Hồ và Hải đăng cao 18 m. từ Hải Đăng có thể quan sát, chụp ảnh núi Cao Cát phía đông, địa hình phía nam đảo, các thôn thuộc xã Ngũ Phụng phía tây nam, bờ biển tây và bờ biển bắc. Điểm khảo sát thứ hai là bờ biển mũi Bà Giàng, bờ biển Mũi Mom và ngắm hoàng hôn từ Mũi Mom.

Đảo xanh Phú Quí nhìn từ Đèn biển trên Núi Cấm. Tại đây có thể thấy đảo Hòn Tranh ở phía nam

7:00 ngày 05/05 khảo sát núi Cao Cát, chùa Linh Sơn. Tại đây hướng dẫn các bạn quan sát địa hình, địa mạo, đo thế nằm các lớp trầm tích núi lửa. Tại đỉnh núi Cao Cát (cao 89 m) có thể quan sát bờ biển phía đông với mũi Doi thày – Hòn Đen – Hòn Giữa – Hòn Đỏ có dạng vòng cung, địa hình phía nam đảo, núi Cấm phía Tây.

Lên chùa Linh Sơn trên núi Cao Cát

Buổi trưa ra nhà bè ở Lạch Dù thưởng thưc mấy món hải sản tươi sống. 14:30 sang đảo nhỏ Hòn Tranh. Các điểm khảo sát gồm Vũng Phật, bãi Nam, hang Đú. 17:00 về lại đảo lớn và chạy đến bờ kè Ngũ Phụng đón hoàng hôn.

Ngày 06/04 khảo sát các đồi cát đỏ đường Lý Thường kiệt, đồi bazan đường Ngô Quyền, Đường hầm xẻ đôi, gành Hang, cột cờ Phú Quí, dốc Phượt, đồi Ông Đụn. Nhiều cấu trúc địa chất đẹp, quan hệ địa tầng xuất lộ như đơn nghiêng của trầm tích núi lửa, bazan lỗ rỗng xen bazan đặc xít, mặt cắt vỏ phong hóa trên bazan… địa mạo cũng khá đa dạng: vách biển, thềm biển, mũi nhô, bãi cát…

Buổi chiều thăm quan Vạn An Thạnh, chùa Linh Quang, đền thờ công chúa Bàn Tranh và ra đón hoàng hôn tại bờ biển Long Hải.

Chuẩn bị đón hoàng hôn
Hoàng hôn trên biển Long Hải

3. Vài nét về tài nguyên địa chất – địa mạo

Núi Cấm cao 108 m là núi lửa kiểu vòm, lộ bazan màu xám đen đặc xít, vỏ phong hóa trên bazan kết tảng, rắn chắc, những khối lăn kích thước tới 1 m3. Hai khối laterit đặt tại cổng chùa Linh Bửu là laterit trên đá bazan Núi Cấm.

Cảnh quan Núi Cấm nhìn từ núi Cao Cát

Núi Cao Cát cao 89 m, quan sát hình thái tại thực địa, thế nằm các lớp cát kết tuf, bột kết tuf, dăm sạn chứa nhiều mảnh và khối đá bazan cho thấy đây là cấu trúc phun nổ. Giới hạn núi lửa là chân phía tây nam núi Cao Cát và một đường gờ dạng vòng cung từ Doi Thày qua Hòn Đen – Hòn Giữa – Hòn Đỏ đến mũi Long Hải ở phía đông.

Phía sau Phương Chi là di tích vòng cung núi lửa Doi thày – Hòn Đen – Hòn Giữa – Hòn Đỏ
Đo thế nằm các trầm tích núi lửa trên đỉnh núi Cao Cát

Gò Gành Hang cao 45 m, hình thái và thế nằm các lớp đá cho phép dự đoán đây là núi lửa kiểu trung tâm. Khoảng hơn nửa khối lượng phía đông núi lửa bị biển xâm thực tạo nên các dạng địa hình bờ biển ấn tượng như các gành đá, thềm biển, vách biển, bãi cát…

Các lớp cát kết tuf và bazan lỗ rỗng tại Gành Hang

Cát đỏ Phan Thiết trên đảo Phú Quí

Bề mặt cát đỏ cao 30 – 40 m phân bố khá rộng ở trung tâm đảo, thành phần chủ yếu là cát thạch anh hạt mịn, gắn kết yếu. Nhìn chung màu sắc, thành phần và cấp hạt khá giống với cát đỏ Phan Thiết.

Cát đỏ Phan Thiết trên đảo Phú Quí
Cát đỏ Phan Thiết trên đảo Phú Quí

Các bãi biển cát trắng mịn

Bãi cát vịnh Triều Dương, bãi Nhỏ và bãi Nam (đảo Hòn Tranh) đều là những bãi tắm đẹp, hoang sơ, cát trắng mịn ven chân vách đá núi lửa và chìm dần xuống nước biển trong xanh.

Đi bè xốp từ tàu vào bãi Nam đảo Hòn Tranh

Đa dạng địa hình bờ biển xâm thực

Sự phá hủy của sóng biển vào nền đá bazan dòng chảy, đá vụn núi lửa hay đá cát kết đã tạo nên sự đa dạng địa hình bờ biển xâm thực. Vô số dạng địa hình được đặt tên dựa vào hình dạng như: mũi Gò Cao, bàu Mực Khô (tảng đá giống con mực khô), mũi Xương Cá, gò Móng Tay; dựa vào màu sắc như: mũi Đá Đen, bãi đá bàn Than, bàu đá Đỏ; đặt theo tên người như mũi Doi Thày, mũi Bà Giàng, bàu Ông Giao, hay đặt tên theo truyền thuyết như Vũng Phật.

Vũng Phật phía nam đảo Hòn Tranh

4. Người dân đảo

Những người dân mà chúng tôi gặp đều rất thân thiện, luôn sẵn sàng và nhiệt tình trao đổi những thông tin mà nhóm quan tâm.

Giỏi ‘Phú Quí’ và các bạn trẻ làm du lịch

Giỏi ‘Phú Quí’ tận tình chỉ dẫn những điểm du lịch hấp dẫn trên đảo mà nhóm cần khảo sát, cung cấp số điện thoại những nhân vật am hiểu về danh thắng và lịch sử để nhóm tìm gặp. Sang (chủ homestay Chú Tư) chỉ dẫn cho nhóm đường đi, những nơi thưởng thức món ăn như nhà Bè ở Rạch Dù, quán Ông Già, các quán ăn sáng ở đường Võ Văn Kiệt. Huấn và My dẫn nhóm qua Hòn Tranh thăm quan Vũng Phật, Hang Đú và bãi Nam. Giỏi, Sang, Huấn, My thuộc nhóm tám bạn trẻ làm du lịch đảo Phú Quí.

Giỏi ‘Phú Quí’ đang trao đổi với nhóm về các vị trí khảo sát

Bác Trần Trọng

Qua số điện thoại ghi ở công chùa, chúng tôi liên hệ để gặp bác Trần Trọng quản lý Vạn An Thạnh. Chỉ sau 10 phút bác đã đến mở cửa bảo tàng, giới thiệu cặn kẽ về bộ xương cá nhà táng (thuộc họ cá voi) có chiều dài trên 17 m. Bác Trọng cũng cho biết, đầu năm 2016, Ban quản lý khu di tích lịch sử Vạn An Thạnh đã tiếp nhận một ông Lụy (cá voi chết – cách gọi trang trọng trong tín ngưỡng ngư dân) lớn hơn cá voi ở bảo tàng do ngư dân Bình Định lai dắt từ vùng biển phía nam đảo Phú Quí. Nghi thức an táng ông Lụy đã được tiến hành tại vịnh Triều Dương.

Bác Trọng giới thiệu về Vạn An Thạnh

Bác Đỗ Kim Long

Qua Giỏi ‘Phú Quí’ chúng tôi có số điện thoại của bác Đỗ Kim Long quản lý chùa Linh Quang, bác chính là tác giả bài thơ mô tả cảnh đẹp đảo Phú Quí viết trên phiến đá bazan đặt tại cổng Chùa. Tấm bản đồ mà nhóm mang theo được trải trên nền sân chùa, từng vị trí trên đảo Phú Quí, nhất là đảo nhỏ Hòn Tranh được bác chỉ dẫn chi tiết. Bác Long cũng lược kể về lịch sử Chùa Linh Quang, về một vụ cháy lớn làm hư hại các pho tượng lúc chùa còn là nhà tranh, về câu chuyện Vũng Phật. Có nhiều công việc phải giải quyết nhưng bác Long vẫn dành gần 2 giờ để chỉ cho chúng tôi về Phú Quí.

Bài thơ mô tả cảnh đẹp đảo Phú Quí. Từ bài thơ này nhóm tìm gặp bác Đỗ Kim Long (tác giả bải thơ) để xác định các địa danh trên bản đồ
Bác Đỗ Kim Long trao đổi với nhóm về các địa danh trên đảo Phú Quí

Vũng Phật, một vũng nhỏ khoét vào vách đá vụn núi lửa ở tây nam Hòn Tranh. Người dân Phú Quý nói rằng, khi chùa Linh Quang bị cháy, tượng phật bị thiêu rụi; tại vũng này có một linh thạch dáng phật nổi lên vào những ngày trời xanh, biển lặng. Ngư dân đã thỉnh tượng phật về đặt tại chùa Linh Quang để thờ cúng. Kể từ đó đảo Phú Quí thanh bình, dân đảo an lành. Vũng Phật đến giờ vẫn là chỗ dựa tinh thần của ngư dân khi ra khơi đánh bắt cá, tôm.

Bác Năm Quang

Khảo sát khu vực Gành Hang xong, chúng tôi ghé quán nước bác Năm Quang ở lối vào cột cờ Phú Quí. Các hũ rượu ngâm dứa tươi màu nâu thẫm rất bắt mắt, thế là câu chuyện về các cây thuốc trên đảo được bác Năm Quang say sưa kể: rượu dứa trị sỏi thận, hạn chế bệnh tiểu đường; cây ngũ trảo (từ bi) trị bệnh phong, đau nhức; cây chân âm có tác dụng điều hòa máu cho sản phụ; cây rau lẻ (hải sâm) trị bệnh phát ban, nấu canh. Bác năm Quang kể thời trẻ thường đi lấy cây thuốc cho mọi người, đó là việc làm từ thiện mà bác yêu thích.

Hỏi bác Năm Quang về những cây làm thuốc trên đảo Phú Quí

5. Trở về

Ba ngày trên đảo trôi qua thật nhanh, lộ trình và khối lượng đặt ra cho chuyến đi về cơ bản hoàn thành, nhưng để hiểu biết về tự nhiên, văn hóa/lịch sử của hòn đảo này cần thời gian hàng tháng, hàng năm.

Tiếc nhất trong chuyến đi tới đảo lần này là không đón được bình minh ở Gành Hang do không đặt được chỗ khách sạn tại Vịnh Triều Dương.

6:30 ngày 07, trả hai xe máy, Giỏi ‘Phú Quí’ nói mọi người cứ để xe (cả chìa khóa xe) tại bến tàu.

7:00 về Phan Thiết trên tàu Hưng Phát, tàu cũ hơn, chạy chậm hơn, trên 60 tuổi lại không được giảm vé (hình như trên 70 mới được xem là người cao tuổi). Nhưng đi tàu Hưng Phát được ngồi trên mui để ngắm biển, trời bao là và đảo Phú Quí từ khơi xa.

11:00 tàu tới cảng Phan Thiết, ăn trưa tại cảng. 12:00 lên tàu hỏa để trở về Sài Gòn – kết thúc một chuyến đi đẹp đến Phú Quí – Hòn đảo hoang sơ, con người hiền hậu.

H & H

 

 

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s